Site icon Lớp Văn Cô Thu

Viết đoạn văn nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ “Bếp lửa”| Học văn 9

Đề bài: Viết đoạn văn quy nạp nêu cảm nhận của em về hình ảnh người bà trong bài thơ “Bếp lửa”

Trước hết, bà hiện lên với hình ảnh của một người phụ nữ vất vả, tảo tần hôm sớm. Bên cạnh bếp lửa hồng luôn xuất hiện hình ảnh bà với bàn tay khéo léo, chi chút, nâng niu “ấp iu” ngọn lửa, bếp lửa hồng là cả tấm lòng bà, cả tình yêu thương của bà dành cho cháu. Cả cuộc đời dài dằng dặc “mấy chục năm trời”, từ lúc chiến tranh, cơ hàn rồi giặc dã, bà vẫn luôn xuất hiện cùng bếp lửa, vẫn “giữ thói quen dậy sớm” để nhóm lên bếp lửa ấm áp sưởi ấm cho cháu những ngày đông lạnh giá, để nhóm lên bếp lửa nấu củ khoai, củ sắn cho cháu ăn được ấm lòng. Bên bếp lửa hồng, bà đã cưu mang, đã đùm bọc cháu, đưa cháu đi qua những tháng ngày “đói mòn đói mỏi”. Bếp lửa là tình bà ấm áp, yêu thương, là hiện thân cho cả cuộc đời gian khó của bà, một cuộc đời đầy “nắng mưa” vất vả. Trong bài thơ, từ láy “lận đận” được tác giả sử dụng rất khéo để nói lên những nhọc nhằn, gian khó của cuộc đời bà – một cuộc chìm nổi trong đói kém, trong chiến tranh, loạn lạc. Không chỉ vậy, bà còn hiện lên với hình ảnh của người phụ nữ dũng cảm, kiên cường, giàu đức hi sinh. Kháng chiến bùng nổ, “mẹ cùng cha công tác bận không về”, bà đã thay cha, thay mẹ, thay thầy để nuôi dưỡng, dạy bảo, giáo dục cháu nên người. Bên bếp lửa hồng “khói hun nhèm mắt cháu”, bà đã kể cho cháu nghe “chuyện những ngày ở Huế”, đó là những chuyện đời xưa, chuyện cha ông để tiếp thêm cho cháu niềm tin, nghị lực để đi qua những tháng ngày đen tối. Cháu ở cùng bà, được bà bảo, bà dạy, bà chăm, hàng loạt các động từ và điệp từ “bà”, “cháu” được lặp lại nhiều lần đã thể hiện tình cảm bà cháu quấn quýt, yêu thương, đồng thời qua đó cũng nói lên tình yêu thương và đức hi sinh cao cả của bà. Vẻ đẹp của bà càng ngời sáng hơn trong một chi tiết vô cùng chân thực, đó là lời dặn của bà : “Mày có viết thư chớ kể này kể nọ – Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”. Trong hoàn cảnh mất mát đau thương của toàn dân tộc “giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi”, mất nhà là mất đi cả cơ nghiệp, hoàn cảnh gia đình chỉ có hai bà cháu nương tựa vào nhau ấy thế mà bà vẫn “đinh ninh’ dặn dò cháu phải bảo “nhà vẫn bình yên” để bố mẹ yên tâm công tác. Sự hi sinh, bản lĩnh vững vàng, mạnh mẽ ở bà mới đáng quý làm sao! Bà không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho cháu mà còn là hậu phương vững chắc. Qua dòng hồi tưởng và suy ngẫm của cháu về bà và những kỉ niệm ấu thơ, hình ảnh bà hiện lên thật đẹp với những phẩm chất tuyệt vời: giàu tình yêu thương, giàu đức hi sinh, bản lĩnh vững vàng trước mọi gian khó, bà chính là hiện thân cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam bất khuất, kiên cường.

Exit mobile version