Site icon Lớp Văn Cô Thu

Hướng dẫn viết đoạn văn cảm nhận về bài ca dao “Công cha như núi Thái Sơn”

Viết đoạn văn cảm nhận về bài ca dao "Công cha như núi Thái Sơn"

Viết đoạn văn cảm nhận về bài ca dao "Công cha như núi Thái Sơn"

Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài Biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

Không biết từ bao giờ, bài ca dao trên luôn vang vọng trong tâm hồn mỗi con người, gợi nhắc ta về tình cảm gia đình thiêng liêng, tình yêu thương của cha mẹ với con cái . Với giọng điệu thủ thỉ, tâm tình của người mẹ với con trong lúc hát ru, mẹ gợi nhắc đến “Công cha”, “nghĩa mẹ”. Đó là cách bày tỏ tình yêu thương con tha thiết. Bằng những hình ảnh so sánh đặc sắc, tác giả dân gian lấy “ Núi ngất trời” để ví với “Công cha”, cũng đủ để khẳng định công lao của cha là lớn lao đến vô cùng, vô tận. Còn “nghĩa mẹ” được ví với “nước ở ngoài biển Đông” bao la, mênh mông không kể xiết. Hình ảnh so sánh cụ thể, lấy cái to lớn, mênh mông, vô tận, vĩnh hằng của thiên nhiên để so sánh với công lao cha mẹ. Hai câu thơ đầu cũng là lời bày tỏ tình yêu thương bao la của cha mẹ với con cái. Tác giả dân gian ca ngợi công lao to lớn, những hi sinh không thể đo đếm của cha mẹ với chúng ta. Hai câu sau là lời nhắn gửi thiết tha với con. Để con ghi nhớ, bài ca dao dùng cách lặp lại hình ảnh như một khẳng định để con khắc cốt ghi tâm “Núi cao, biển rộng mênh mông”. Các tính từ tiên tiếp xuất hiện như mở ra trước mắt con một khung trời bao lao, vô tận, vĩnh hằng của thiên nhiên. Hay nói đúng hơn là khắc sâu tình yêu, đức hi sinh, công lao của cha mẹ với con. Chín chữ cù lao kể sao cho xiết! Cụm từ “ghi lòng con ơi!” cuối bài ca dao tạo âm vang tha thiết. Lời nhắn gửi xúc động để con ghi lòng tức là luôn nhớ, không bao giờ được quên. Chỉ thế thôi, bài ca nhắc nhở bổn phận làm con phải biết ơn, yêu kính, hiếu thảo với cha mẹ! Bằng những câu thơ lục bát nhẹ nhàng, giọng thơ tâm tình, sâu lắng, bài ca dao đã làm xúc động bao tâm hồn, là tiếng gọi nhớ về cha mẹ, quê hương cho ai xa quê, xa cha mẹ.

Exit mobile version