Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Văn 9] Hình ảnh người lính trong “Đồng chí” và “Bài thơ tiểu đội xe không kính”

Đề bài: Cảm nhận hình ảnh người lính trong các đoạn thơ sau:

Đêm nay rừng hoang sương muối

 Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

                                                               (Đồng chí, Chính Hữu, Ngữ Văn 9, tập một)

Không có kính rồi xe không có đèn

 Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật, Ngữ Văn 9, tập một)

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

I/ Xác định yêu cầu:

Kiểu bài: Nghị luận so sánh hai đoạn thơ

Nội dung: Vẻ đẹp của hình ảnh người lính trong hai đoạn trích.

II/ Dàn ý:

1.Mở bài:

– Giới thiệu đề tài người lính trong thơ ca.

– Giới thiệu hai đoạn thơ và khái quát về vẻ đẹp của người lính.

Thân bài

a/ Vị trí của hai đoạn trích

b/ Cảm nhận hình ảnh người lính trong hai đoạn thơ:

      Khổ cuối trong “Đồng chí” của Chính Hữu là bức tranh đẹp vừa hiện thực vừa lãng mạn mang biểu tượng của tình đồng chí cao đẹp giữa những người lính trong kháng chiến chống Pháp:

Đêm nay rừng hoang sương muối

                           Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

                            Đầu súng trăng treo.

– Hoàn cảnh hiện thực: cảnh rừng hoang vắng, lạnh lẽo, cái giá rét khắc nghiệt của rừng đêm sương lạnh buốt giá, người lính đang ở giữa giây phút căng thẳng chờ giặc tới.

– Hình ảnh người lính nổi bật trong tư thế đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới.

– Tác giả xây dựng một hình ảnh thơ lãng mạn đầy thi vị: Đầu súng trăng treo.

+ Những đêm canh gác chờ giặc tới, nòng súng người lính vươn cao, vầng trăng tròn như treo đầu mũi súng.

+ Hình ảnh thơ vừa thực vừa mang tính biểu tượng.. Súngtrăng, kết hợp với nhau tạo nên một biểu tượng đẹp về cuộc đời người lính và tình đồng chí thắm thiết.

– Hiện thực cuộc chiến đầy gian khổ không làm mất đi vẻ đẹp tâm hồn, sự lãng mạn thơ mộng của người lính. Họ cầm súng chiến đấu là để mang lại sự yên bình cho quê hương, Tổ quốc.

       Bức chân dung người lính lái xe Trường Sơn trong thời kì chống Mỹ giàu lòng yêu nước, ý chí hướng về giải phóng miền Nam:

– Yêu nước, hướng về miền Nam là động lực thôi thúc họ vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ, thiếu thốn đến mức tối thiểu:

Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước

Sự gian khổ, khốc liệt của chiến trường chống Mĩ càng nhân lên gấp bội qua hình ảnh những chiếc xe bị tàn phá đến mức trần trụi, biến dạng gần như hoàn toàn.

– Tác giả cũng sử dụng phép nghệ thuật tương phản để tạo nên sự đối lập giữa những cái không, giữa vật chất bên ngoài và sức mạnh bên trong, để từ đó làm nổi bật vẻ đẹp trái tim người lính.

– Hình ảnh hoán dụ một trái tim chỉ người lính lái xe, cũng thể hiện vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn, lý giải sức mạnh đưa những đoàn xe ra trận, sức mạnh của cuộc chiến đầy thử thách, gian khổ. Vẻ đẹp của người lính, của cả đoàn xe kết đọng ở trái tim gan góc, kiên cường, chứa chan tình yêu nước, tràn đầy niềm tin, ý chí vì miền Nam phía trước.

c/ So sánh điểm giống và khác nhau về hình ảnh người lính trong hai đoạn thơ:
Giống nhau:

+ Cả hai đoạn thơ đã thể hiện chân thực, sâu sắc hiện thực kháng chiến gian khổ:

Đồng chí”: thời chống Pháp thiếu thốn, khắc nghiệt “rừng hoang sương muối”

Bài thơ về tiểu đội xe không kính”: Chiến tranh thời chống Mĩ ác liệt với hình ảnh những chiếc xe không kính bị tàn phá.

+ Vẻ đẹp của người lính lạc quan, giàu lí tưởng, ý chí chiến đấu, vượt qua gian khổ bằng tình yêu nước và tình đồng chí, đồng đội thắm thiết hiện lên rõ nét ở hai đoạn thơ.

+ Họ đều có tinh thần bất khuất vượt lên mọi khó khăn, thử thách.

+ Chính Hữu và Phạm Tiến Duật đều ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp những người lính anh hùng trong kháng chiến.

– Khác nhau:

+ Người lính trong bài thơ “Đồng chí” mang vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của người lính xuất thân từ nông dân thời chống Pháp còn người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” luôn trẻ trung, sôi nổi với khí thế mới mang tinh thần thời đại thời chống Mĩ.

+ Trong thơ Chính Hữu, hình ảnh người nông dân cầm súng được miêu tả với vẻ đẹp mộc mạc, bình dị nhưng cũng thật lãng mạn, bay bổng. Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” cũng là một hình ảnh lãng mạn tuyệt đẹp thể hiện được tâm hồn lãng mạn, trẻ trung, thi vị của người lính trong bài “Đồng chí”. Chính Hữu kết hợp bút pháp hiện thực và lãng mạn, sử dụng hình ảnh thơ mang tính biểu tượng. Còn ở thơ Phạm Tiến Duật, hình ảnh thơ chân thực, ngồn ngộn chất sống từ hiện thực đời sống chiến trường.. Đồng thời, ngôn ngữ giản dị, giàu tính khẩu ngữ rất gần với lời nói thường, giọng điệu ngang tàng, trẻ trung, sôi nổi, tinh nghịch, tự nhiên, thể hiện sự hiên ngang, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm của các anh lính lái xe Trường Sơn.

3/Kết bài: Khẳng định giá trị, ý nghĩa hai đoạn thơ và suy nghĩ của em

Hình ảnh người lính lạc quan, giàu ý chí và lòng yêu nước trong hai đoạn thơ “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là hình ảnh đẹp mang dư âm hào hùng của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

 

Exit mobile version