Cảm nhận bài ca dao:
Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác, xuống ghềnh bấy nay
Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?
Hướng dẫn làm bài
Bài ca dao mượn hình ảnh con cò để nói lên thân phận của người nông dân trong xã hội cũ.
- Câu thơ đầu tiên với nghệ thuật tương phản giữa “nước non” (không gian rộng lớn, bao la, chứa đầy sự bí hiểm) với “một mình” (sự nhỏ bé, hữu hạn của thân cò) cùng với từ láy “lận đận” đã gợi hình dung về cuộc sống cơ cực, nhọc nhằn của thân cò và cũng là của người nông dân.
- Thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” với cặp từ đối lập lên – xuống và hình ảnh ẩn dụ thác, ghềnh (chỉ những khó khăn, gian nan, nguy hiểm) đã càng nhấn mạnh thân phận đáng thương của cò. Đó là cuộc sống vất vả, nhọc nhằn, phải đối mặt với biết bao hiểm nguy, gian khó.
- Câu hỏi tu từ “Ai làm cho bể kia đầy/ Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?” là tiếng than xót xa cho thân phận cò và cũng là số phận đầy bất hạnh của người nông dân. Bể và ao là nơi cò thường kiếm ăn nhưng khi “bể đầy”, “ao cạn” thì cò đâu còn chỗ để mà kiếm ăn nữa. Lời thơ giúp ta hình dung cuộc kiếm sống của cò luôn gặp nhiều éo le, ngang trái. Và nói cuộc sống gian khổ của cò cũng là để ám chỉ thân phận cơ cực của người nông dân trong xã hội cũ.
- Bài ca dao chính là tiếng kêu thương cho thân phận bé mọn, cơ cực của con người. Đó cũng là tiếng nói oán thán xã hội cũ đã không chăm lo đời sống của người dân, đẩy người nông dân vào tình cảnh cùng đường.