Câu 1. Phân biệt truyện cười và truyện ngụ ngôn
- Giống nhau:
+ Đều là truyện dân gian
+ Đều có chi tiết gây cười
+ Tình huống bất ngờ
- Khác nhau
Truyện cười | Truyện ngụ ngôn |
Nhằm mang lại tiếng cười mua vui hoặc tiếng cười phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội. | Nhằm khuyên nhủ, răn dạy con người ta bài học nào đó trong cuộc sống |
Câu 2. Nêu ý nghĩa của các truyện ngụ ngôn và truyện cười đã học:
- Êch ngồi đáy giếng
- Ý nghĩa: Câu chuyện đã răn dạy con người ta phải luôn biết mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được kiêu căng, ngạo mạn, coi thường người khác.
- Thầy bói xem voi
- Ý nghĩa: Câu chuyện đã khuyên con người ta phải luôn nhìn nhận sự việc, hiện tượng một cách toàn diện, tránh cách đánh giá chủ quan, kiêu ngạo.
- Treo biển
- Ý nghĩa: Phê phán những người hành động thiếu chủ kiến
- Lợn cưới, áo mới
- Ý nghĩa: phê phán những người hay khoe của
Câu 3. Rút ra bài học từ mỗi câu chuyện
- Ếch ngồi đáy giếng:
- Thầy bói xem voi
- Treo biển
- Lợn cưới, áo mới
Câu 4. Thế nào là truyện ngụ ngôn?
Câu 5. Thế nào là truyện cười?
Câu 6. Giải thích thành ngữ: “Ếch ngồi đáy giếng” và “Coi trời bằng vung”
- “ếch ngồi đáy giếng”: chỉ những người có hiểu biết hạn hẹp do điều kiện tiếp xúc hạn chế.
- “coi trời bằng vung” : chỉ thái độ chủ quan, kiêu ngạo, liều lĩnh, xem mình hơn tất cả
- Thành ngữ tương tự: Thùng rỗng kêu to
Câu 7. Nêu một số hiện tượng trong cuộc sống ứng với câu thành ngữ “ếch ngồi đáy giếng”
- Trong bài thi học kì, Nam được 9,75 điểm môn Toán và cậu ta cho rằng mình học giỏi nhất trường nhưng Nam không hề biết lớp bên cạnh có bạn đạt điểm 10.
- Lan rất thích vẽ tranh và tự tin cho rằng mình vẽ tranh đẹp nhất, chắc chắn sẽ đạt giải nhất trong kì thi vẽ tranh giỏi thành phố. Thế nhưng, Lan đã bị loại ngay từ vòng sơ khảo.
Câu 8. Viết đoạn văn khoảng 5-7 câu nêu cảm nhận của em về nhân vật con ếch. Trong đoạn văn có sử dụng danh từ và cụm danh từ.
Nhân vật con ếch trong truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” đã để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc. Ếch là một kẻ có hiểu biết hạn hẹp, vì sống lâu ngày trong một đáy giếng nên ếch tưởng bầu trời chỉ bé bằng cái vung. Và vì mỗi lần nó cất tiếng kêu thì những con vật bé nhỏ: tôm, cua, ốc,.. hoảng sợ nên nó tưởng mình là chúa tể. Để rồi, trong một tình huống bất ngờ: trời mưa to làm nước trong giếng đầy lên, đưa ếch ta ra ngoài. Lẽ ra, khi ra khỏi môi trường sống quen thuộc, ếch cần phải học hỏi để thích nghi với môi trường sống mới nhưng ếch ta vẫn quen thói cũ, đi lại nghênh ngang và cuối cùng phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Câu chuyện về con ếch kiêu căng, ngạo mạn, chủ quan đã đem đến cho chúng ta bài học sâu sắc về tinh thần học hỏi và cách ứng xử trong cuộc sống.
Câu 9. Giải thích thành ngữ “Thầy bói xem voi”
Thành ngữ “thầy bói xem voi” là để chỉ cách nhìn nhận, đánh giá phiến diện, một chiều và chủ quan.
Câu 10. Viết đoạn văn 5-7 câu phê phán năm ông thầy bói xem voi và rút ra bài học ý nghĩa từ câu chuyện. (có số từ, lượng từ)
“Thầy bói xem voi” là câu chuyện ngụ ngôn rất hay và giàu ý nghĩa. Truyện đã phê phán năm ông thầy bói với cách nhìn nhận, đánh giá rất phiến diện, chủ quan, một chiều. Vì không biết hình thù con voi như thế nào nên cả năm ông đã chung tiền để được xem con voi. Và cách xem voi của năm ông thật đặc biệt: xem voi bằng cách sờ từng bộ phận của con voi. Lẽ dĩ nhiên vì con voi quá to nên mỗi thầy chỉ sờ được một bộ phận của con voi. Điều đáng cười là mỗi thầy chỉ sờ được một bộ phận của voi nhưng lại phán đoán về cả con voi cho nên sai lầm là không thể tránh khỏi. Sai lầm nặng nề hơn là các thầy đã giải quyết mâu thuẫn của mình bằng cách lao vào đánh nhau đến toác đầu chảy máu. Từ câu chuyện về cách xem voi của năm ông thầy bói, mỗi chúng ta đã có thể rút ra cho mình bài học về cách nhìn nhận, đánh giá mọi sự vật trong cuộc sống.
Câu 11. Viết đoạn văn khoảng 5-7 câu nêu cảm nhận của em về nhân vật anh chủ cửa hàng cá. Trong đoạn có sử dụng động từ và cụm động từ.
Nhân vật anh chủ cửa hàng cá trong truyện cười “Treo biển” đã để lại trong em những ấn tượng đặc biệt. Anh ta là một người rất thiếu chủ kiến. Tấm biển anh treo trước cửa hàng cá của anh với dòng chữ “Ở đây có bán cá tươi” là tấm biển với nội dung rất đúng, rất đầy đủ. Tuy nhiên, mỗi lần có người đi qua góp ý là anh lại lập tức sửa lại tấm biển mà không hề suy xét đúng sai. Và cuối cùng thì anh đã cất luôn tấm biển của mình. Câu chuyện gây cười ở chỗ, lẽ thường người ta chỉ sửa cái sai nhưng anh chủ cửa hàng cá lại đi sửa cái đã đúng rồi. Từ đó, câu chuyện đã đem đến cho chúng bài học trong cuộc sống: ta phải biết lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người nhưng đồng thời cũng phải có chủ kiến của riêng mình, phải biết suy xét đúng sai cho phù hợp với hoàn cảnh.
Câu 12. Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về tinh thần học hỏi. (liên quan đến Ếch ngồi đáy giếng)
Tinh thần học hỏi có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Vậy tinh thần học hỏi là gì? Đó là nhu cầu, là mong muốn được mở rộng hiểu biết, mở mang tri thức, trau dồi kiến thức, năng lực của bản thân. Tri thức của nhân loại thì vô cùng rộng lớn, tựa như đại dương mênh mông còn hiểu biết của mỗi người dù lớn đến đâu cũng chỉ là hạt cát trong đại dương ấy. Chính vì vậy, chúng ta cần phải nỗ lực học hỏi mọi lúc, mọi nơi, học tập không ngừng nghỉ. Nhờ có học tập , chúng ta có thể nuôi dưỡng được những ước mơ và vun đắp cho ước mơ ấy thành hiện thực. Nếu không chịu khó học hỏi, chúng ta sẽ trở thành kẻ lạc hậu, hiểu biết hạn hẹp và không thể thích nghi với môi trường sống khác nhau. Nhân vật con ếch trong truyện ngụ ngôn “Êch ngồi đáy giếng” là một ví dụ. Vì kiêu căng, ngạo mạn, chủ quan, thiếu hiểu biết mà ếch đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Là học sinh, chúng ta cần phải nỗ lực học tập thật nghiêm túc, tiếp thu kiến thức từ sách vở, nhà trường, thầy cô và cuộc sống xung quanh để làm giàu có thêm vốn kiến thức và hiểu biết cho mình.