I. Tiểu dẫn
- Tác giả
– Phan Bội Châu (1867 – 1940) tên thật là Phan Văn San, bút hiệu chính là Sào Nam
– Quê quán: Nam Đàn – Nghệ An.
– Là nhà yêu nước, nhà cách mạng lỗi lạc đầu thế kỉ XX.
+ Khi phong trào Cần Vương chống Pháp lần lượt thất bại, PBC là một trong những nhà Nho đầu tiên đã chủ trương đi tìm con đường cứu nước kiểu mới.
+ Năm 1900, PBC đỗ Giải nguyên, đỗ đầu trong kì thi Hương tại trường thi Nghệ An. Nhưng PBC đã không đi theo lối mòn là ra làm quan để vinh thân phì gia mà lăn lộn vào Nam ra Bắc để tập hợp những người cùng chí hướng với mình và lập ra Hội Duy Tân (Duy Tân Hội) – một tổ chức yêu nước theo đường lối dân chủ tư sản vào năm 1905. Duy Tân hội đã chủ trương đưa những thanh niên ưu tú của Việt Nam sang du học tại Nhật Bản để tìm đường cứu nước và gọi đó là Phong trào Đông du.
+ Năm 1905 – 1925, PBC đã bôn ba khắp các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan để mưu sự phục quốc nhưng không thành.
+ Năm 1925, thực dân Pháp bắt cóc ông tại Thượng Hải (TQ) và đem về nước định thủ tiêu bí mật. Nhưng trước sự phản đối mãnh liệt của nhân dân, chúng đã không thể thực hiện được ý đồ đê hèn của mình mà phải đem ông ra xử công khai tại Hà Nội. PBC được xử trắng án nhưng bị giam lỏng tại Huế cho đến khi mất.
– Là tác giả thơ văn lớn đầu thế kỉ XX với sự nghiệp sáng tác đồ sộ trên cả hai thể loại : chữ Hán, chữ Nôm.
+Tác phẩm tiêu biểu : Việt Nam vong quốc sử (1905), Hải ngoại huyết thư (1906), Ngục trung thư (1906), Trùng quang tâm sử ( Viết trong thời kì lưu vong ở nước ngoài), Phan Bội Châu niên biểu (1929),….
+ Mục đích sáng tác: tuyên truyền cách mạng, cổ vũ phong trào yêu nước.
2. Tác phẩm
– Hoàn cảnh sáng tác: 1905 – trước lúc lên đường sang Nhật Bản.
– Bố cục: đề, thực, luận, kết
+ 2 câu đề: thể hiện quan niệm mới về chí làm trai đồng thời cũng thể hiện tầm vóc, tư thế của con người trong vũ trụ.
+ 2 câu thực: ý thức trách nhiệm cá nhân trước thời cuộc.
+ 2 câu luận: thái độ quyết liệt trước tình cảnh đất nước và nhận thức lại những tín điều xưa cũ.
+ 2 câu kết: khát vọng hành động và tư thế trong buổi lên đường.
II. Đọc – hiểu
- Quan niệm mới về chí làm trai
Câu 1 (câu khai đề): Làm trai phải lạ ở trên đời
Theo tác giả, làm trai là phải mong có sự lạ, không hốt hoảng, không bất ngờ. có nghĩa là phải có lí tưởng sống lớn lao, cao đẹp, phải dám mưu đồ sự nghiệp lớn lao, hiển hách. Tức là không chấp nhận cái sự nhợt nhạt, tầm thường mà người ta vẫn hay gọi là cái ao đời phẳng lặng, cái bình yên làm cho con người ta mòn mỏi dần đi.
Câu 2 (câu thừa đề): Há để càn khôn tự chuyển dời
Cụ thể của chí làm trai, của lí tưởng lớn lao, cao cả, hiển hách ấy là không để trời đất tự xoay vần mình được, mình không thể ở cái thế bị động ấy mà mình cần giành lấy thế chủ động. Không chấp nhận để cho số phận xoay vần, không chấp nhận buông xuôi theo số phận mà mình cần phải tự tạo ra số phận của mình, phải chủ động xoay vần thời thế.
Giọng nói đầy khẩu khí, đầy tự tin, táo bạo của một con người có tài năng.
2. Ý thức, trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc
Câu 3 : Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Khẳng định trọng khoảng trăm năm này cần có mình, không thể không có mình, một cách nói rất tự tin, táo bạo, đầy ngạo nghễ.
+ Con số trăm năm, trước hết là để nói về khoảng thời gian tồn tại, là vòng đời của một con người theo cách nói ước lệ của dân gian ( Về là về cửa về nhà – Một trăm năm nữa mới là về quê (ca dao)). Nhưng không không chỉ vậy, “trăm năm” còn là muốn nói về một thế kỉ đầy biến động của lịch sử.
+ Và khoảng thời gian ấy bắt buộc phải có mình, cần phải có mình để cống hiến, để hoàn thành xứ mệnh của kẻ làm trai, trả món nợ công danh để lưu danh muôn thuở (Liên hệ về quan niệm chí làm trai của Nguyễn Công Trứ : Đã mang tiếng ở trong trời đất – Phải có danh cùng với núi sông ; Chí làm trai nam bắc đông tây – Cho thỏa sức vẫy vùng trong bốn bể).
Câu 4: Sau này muôn thuở, há không ai?
Từ chỗ nói về mình, ý thơ chuyển sang nói về người, về thế hệ nối tiếp. Câu hỏi ra đời trong bối cảnh thời đại có nhiều sục sôi dữ dội, những phong trào Cần Vương chống Pháp đều lần lượt bị dìm trong bể máu. Chính vì vậy đã tạo ra tâm lí chán ngán, lo sợ, hoang mang trong thế hệ thanh niên đương thời. Họ cần phải xác định trách nhiệm cho mình, không thể sợ hãi, không thể buông xuôi được mà phải làm một cái gì đó cụ thể và thiết thực để góp phần, chung tay bảo vệ tổ quốc mình, giành lại độc lập – tự chủ về đất nước mình.
3. Thái độ quyết liệt trước tình cảnh đất nước
Câu 5 : Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Thể hiện nhận thức của mình về thực trạng đất nước “non sông đã chết ” – đất nước đã mất chủ quyền, đã rơi vào tay kẻ khác, tất cả những gì còn lại chỉ là cái xác không hồn mà thôi.
Từ nhận thức “non sông đã chết”, tác giả đã bộc lộ trực tiếp cảm xúc của mình , cảm xúc của một người dân nô lệ: nỗi nhục mất nước và thể hiện thái độ không cam chịu nỗi nhục ấy.
Câu 6: Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!
Phủ nhận nền học vấn Nho học (bản thân tác giả chính là con đẻ của nền học vấn này, cho nên việc phủ nhận nền học vấn này chính là một thái độ vừa đau đớn vừa quyết liệt . Lh Nguyễn Khuyến thế kỉ XIX cũng đã từng băn khoăn, nghi ngờ : “Sách vở ích gì cho buổi ấy – Áo xiêm nghĩ thẹn với thân già; Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ – Thấy cũng bia xanh cũng bảng vàng”. Công thành danh toại là thế, nhưng khi đất nước gặp ngoại xâm thì tất cả những gì Nguyễn Khuyến có thể làm là cáo quan về ở ẩn, chỉ là nói được vài lời “Đề là mấy chữ trên bia – Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”. NK không tự hào về hành động cáo quan về ở ẩn mà luôn day dứt mình là người bất lực, tự nhận mình là kẻ thua cuộc : “Cờ đang dở cuộc đang còn nước – Bạc chửa thâu canh đã chạy làng”).
PBC không phủ nhận sạch trơn những giá trị của lễ giáo phong kiến, không hoàn toàn phủ nhận cái nền Nho học đã tồn tại hàng bao nhiêu năm qua nhưng nó chỉ có giá trị trong một giai đoạn nào đó, một khía cạnh nào đó: nó có giá trị trong việc hình thành nhân cách , nó có giá trị trong việc ổn định trật tự xã hội nhưng khi đất nước đang gặp nguy nan thì nền học vấn ấy không phù hợp, chúng ta buộc phải đi tìm nền học vấn khác, một nền giáo dục kiểu mới).
4. Khát vọng hành động và tư thế buổi lên đường
Câu 7 , 8:
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi
(Mong đuổi theo ngọn gió dài đi qua biển Đông,
Ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên)
Tác giả đã dựng lên một bối cảnh kì vĩ qua các hình ảnh : ngọn gió dài, biển Đông, ngàn đợt sóng bạc => nổi bật tư thế bay lên của con người. Con người ở tư thế sánh ngang vũ trụ, vượt thoát khỏi hiện thực tăm tối, hiện thực khốc liệt, tầm thường để vươn tới một lí tưởng lớn lao cao đẹp, vươn tới một chân trời sáng tỏ ở tương lai.
Từ tư thế bay lên ấy mà thể hiện khát vọng hành động của con người: ra đi tìm đường cứu nước. Ra đi để thỏa chí làm trai, để lập nên sự nghiệp lẫy lừng, hiển hách, để lưu danh sử sách với muôn đời.
III. Tổng kết
- Nội dung
– khắc họa hình ảnh lãng mạn hào hùng của nhà chí sĩ cách mạng đầu thế kì XX: tư tưởng mới mẻ táo bạo, bầu nhiệt huyết sôi trào, một khát vọng cháy bỏng trong buổi lên đường.
2. Đặc sắc nghệ thuật
– Dùng những thủ pháp phóng đại với những hình ảnh thơ lãng mạn, hào hùng.
– Giọng thơ tâm huyết => có sức lay động mạnh mẽ, tạo nên chất trữ tình chính trị cho bài thơ.