I. Tìm hiểu chung
-
Tác giả
Viễn Phương (1928 – 2005) quê ở An Giang
Tham gia cách mạng trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ông là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam từ những ngày đầu.
Thơ Viễn Phương dung dị, cảm xúc sâu lắng, thiết tha ngay trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường.
Một số sáng tác tiêu biểu: “Mắt sáng học trò”, “Như mây mùa xuân”, “Phù sa quê mẹ”,….
2. Bài thơ “Viếng lăng Bác”
a. Hoàn cảnh sáng tác:
Bài thơ được viết vào tháng 4/ 1976, một năm sau ngày đất nước giải phóng và thống nhất, cũng là lúc lăng chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Viễn Phương cùng đồng bào miền Nam ra thăm lăng Bác. Trong niềm xúc động thiêng liêng, lòng kính yêu và niềm tự hào tha thiết, Viễn Phương đã viết nên bài thơ này.
Bài thơ được in trong tập “Như mây mùa xuân” (1978)
b. Bố cục: 4 phần
Khổ 1: Cảm xúc của tác giả khi ngắm nhìn quang cảnh bên ngoài lăng Bác.
Khổ 2: Cảm xúc của tác giả khi hòa cùng dòng người vào lăng viếng Bác.
Khổ 3: Cảm xúc của tác giả khi đứng trước di hài Bác
Khổ 4: Niềm lưu luyến, bịn rịn khi phải dời xa lăng Bác.
c. Mạch cảm xúc:
Mạch vận động của cảm xúc men theo hành trình một chuyến vào lăng viếng Bác. Đó là niềm ngạc nhiên và xúc động khi ngắm nhìn quang cảnh bên ngoài lăng Bác; nỗi xúc động, tự hào khi được hòa cùng dòng người vào lăng viếng Bác; nỗi đau đớn, xót thương khi đứng trước di hài của Người và niềm lưu luyến, bịn rịn trước khi phải dời xa lăng Bác để trở về miền Nam.
d. Cảm xúc bao trùm:
Niềm xúc động thiêng liêng, thành kính , niềm tự hào, đau xót của nhà thơ từ miền Nam xa xôi ra thăm lăng Bác.
II. Gợi ý phân tích bài thơ
-
Cảm xúc của tác giả khi đứng trước lăng Bác.
- Tình cảm chân thành và giản dị của đồng bào miền Nam muốn nhắn gửi, nhờ Viễn Phương nói hộ cùng Bác.
– Câu thơ mở đầu bài thơ: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” chỉ gỏn gọn như một lời thông báo nhưng lại gợi ra tâm trạng xúc động của một người từ chiến trường miền Nam sau bao năm mong mỏi bây giờ mới được ra viếng Bác. Cách dùng đại từ xưng hô “con” rất gần gũi, thân thiết, ấm áp tình thân thương, diễn tả tâm trạng của người con ra thăm cha sau bao nhiêu năm xa cách. Cách nói giảm, nói tránh : từ “thăm” thay cho từ “viếng” góp phần làm giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát và cũng như để khẳng định Bác Hồ còn sống mãi trong tâm tưởng của mọi người.
– Hình ảnh đầu tiên mà tác giả thấy được và là ấn tượng đậm nét về cảnh quan bên lăng Bác là “hàng tre”. Hàng tre vừa mang tính chất tả thực lại vừa tượng trưng, giàu ý nghĩa liên tưởng sâu sắc: Hàng tre “bát ngát trong sương” là hình ảnh thực, hết sức thân thuộc của làng quê đất nước Việt Nam – bên lăng Bác. Hàng tre “xanh xanh Việt Nam. Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” là ẩn dụ, là biểu tượng của dân tộc Việt Nam với vẻ đẹp thanh cao và sức sống bền bỉ, kiên cường. Hình ảnh ẩn dụ này đã gợi liên tưởng đến hình ảnh cả dân tộc bên Bác đoàn kết, kiên cường thực hiện lí tưởng của Bác, của dân tộc.
– Câu đặc biệt “Ôi!” biểu thị niềm xúc động tự hào của tác giả trước hình ảnh hàng tre.
- Sự tôn kính của tác giả khi đứng trước lăng Người.
Khổ thơ thứ hai được tạo nên từ cặp câu với những hình ảnh thực và ẩn dụ sóng đôi:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng.
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
– Hình ảnh “mặt trời trên lăng” trong câu thơ trên là hình ảnh thực: một mặt trời thiên nhiên rực rỡ vĩnh hằng ngày ngày đi qua trên lăng. Hình ảnh “mặt trời trong lăng” ở câu thơ dưới là hình ảnh ẩn dụ – hình ảnh Bác Hồ. Màu sắc “rất đỏ” làm cho câu thơ có hình ảnh đẹp, gây ấn tượng sâu xa hơn, nói lên tư tưởng cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn của Bác. Dùng hình ảnh ẩn dụ “mặt trời trong lăng” để viết về Bác, Viễn Phương đã ca ngợi sự vĩ đại của Bác, công lao của Bác đối với non sông đất nước, đồng thời thể hiện được sự tôn kính, lòng biết ơn của nhân dân với Bác, niềm tin Bác sống mãi với non sông đất nước ta.
– Hình ảnh “dòng người đi trong thương nhớ” là hình ảnh thực: ngày ngày dòng người đi trong nỗi xúc động, bồi hồi, trong lòng tiếc thương kính cẩn, trong lòng nặng trĩu nỗi nhớ thương. Nhịp thơ chậm, giọng thơ trầm như bước chân dòng người vào lăng viếng Bác. Dòng người vào lăng viếng Bác kết thành những tràng hoa không chỉ là hình ảnh tả thực so sánh những dòng người xếp thành hàng dài vào lăng Bác trông như những tràng hoa vô tận, mà còn là một ẩn dụ đẹp, sáng tạo của nhà thơ: cuộc đời của họ đã nở hoa dưới ánh sáng của Bác. Những bông hoa tươi thắm đó đang đến dâng Người những gì tốt đẹp nhất. Dâng “bẩy mươi chín mùa xuân”: hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng: con người bảy mươi chín mùa xuân ấy đã sống một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và đã làm ra những mùa xuân cho đất nước, cho con người.
2. Cảm xúc của tác giả khi vào trong lăng Bác.
Niềm biết ơn thành kính đã chuyển sang niềm xúc động nghẹn ngào, khổ thứ ba đã diễn tả cảm xúc và suy nghĩ của tác giả khi vào trong lăng viếng Bác.
– Khung cảnh và không khí thanh tĩnh như ngưng kết cả thời gian và không gian, không gian ở bên trong lăng Bác đã được nhà thơ gợi tả rất đạt bằng hai câu thơ giản dị:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên.
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”.
– Câu thơ diễn tả chính xác và tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm và ánh sáng dịu nhẹ trong trẻo của không gian trong lăng Bác. Bác đang ngủ giấc ngủ bình yên, thanh thản giữa vầng trăng sáng dịu hiền. Đó là giấc ngủ thanh bình và vĩnh hằng của một con người cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho cuộc sống bình yên của nhân dân, đất nước.
– Nếu như trước đó Hải Như muốn được “canh giấc ngủ của Người” thì giờ đây, Viễn Phương lại để cho vầng trăng ôm ấp, toả sáng giấc ngủ của Người. Bởi có lẽ hình ảnh vầng trăng dịu hiền gợi giấc ngủ ban đêm bởi nhà thơ không muốn cảm nhận một giấc ngủ vĩnh viễn giữa ban ngày. Hơn nữa sinh thời Bác rất yêu trăng, trăng như một người bạn tri âm, tri kỉ, chả thế mà những vần thơ của Bác tràn đầy ánh trăng, trăng đã từng vào thơ Bác trong nhà lao, trên chiến trận, giờ đây trăng cũng đến để ôm ấp giấc ngủ ngàn thu cho Người.
– Tâm trạng xúc động của nhà thơ được biểu hiện bằng một hình ảnh ẩn dụ sâu xa: “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi”. Bác ra đi nhưng hoá thân vào thiên nhiên đất trời của dân tộc, sống mãi trong sự nghiệp và tâm trí nhân dân như bầu trời xanh vĩnh viễn trên cao . Dù vẫn tin như thế nhưng không thể không đau xót vì sự ra đi của Người. Nỗi đau xót đã được nhà thơ biểu hiện rất cụ thể, trực tiếp: “Mà sao nghe nhói ở trong tim!”. Nỗi đau quặn thắt, tê tái trong đáy sâu tâm hồn như hàng nghìn mũi kim đâm vào trái tim thổn thức khi đứng trước thi thể của Người. Đó là sự rung cảm chân thành của nhà thơ.
3.Cảm xúc của tác giả khi rời lăng Bác
Khép lại nỗi đau mất mát ấy là những giọt nước mắt luyến tiếc, bịn rịn, không muốn rời xa Bác. Khổ thơ thứ tư đã diễn tả tâm trạng lưu luyến của nhà thơ muốn được ở mãi bên lăng Bác.
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này
– Câu thơ “Mai về miền Nam thương trào nước mắt” như một lời giã biệt. Lời nói giản dị diễn tả tình thương sâu lắng. Từ “trào” diễn tả cảm xúc thật mãnh liệt, luyến tiếc, bịn rịn không muốn xa nơi Bác nghỉ. Đó là tâm trạng của muôn triệu con tim bé nhỏ cùng chung nỗi đau không khác gì tác giả. Được gần Bác dù chỉ trong giây phút nhưng không bao giờ ta muốn xa Bác bởi Người ấm áp quá, rộng lớn quá.
– Ước nguyện thành kính của Viễn Phương cũng là mong ước chung của những người đã hoặc chưa một lần nào gặp Bác. Nhà thơ muốn hóa thân thành con chim cất cao tiếng hót, mang âm thanh của thiên nhiên, đẹp đẽ, trong lành đến bên Bác; muốn làm đoá hoa để toả hương thơm thanh cao nơi Bác yên nghỉ và đặc biệt, muốn làm cây trung hiếu để giữ mãi giấc ngủ bình yên cho Người.
– Điệp từ “muốn làm” cùng cách biểu cảm trực tiếp và gián tiếp đã thể hiện rõ tâm trạng lưu luyến, ước muốn, sự tự nguyện chân thành của tác giả. Hình ảnh cây tre xuất hiện ở đầu bài thơ được khép lại bài thơ với một nét nghĩa bổ sung: cây tre trung hiếu. Sự lặp lại như thế đã tạo cho bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng, làm đậm nét hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc và dòng cảm xúc được trọn vẹn.
III. TỔNG KẾT
🔻 Xem thêm:
- Cảm nhận về khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.
- Phân tích hai khổ thơ cuối bài “Viếng lăng Bác”
- Cảm nhận khổ thơ thứ hai bài “Viếng lăng Bác”
- Câu hỏi đọc hiểu bài “Viếng lăng Bác”
- Phân tích bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương