Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Tài liệu văn 9] Tình cảm cha con trong chiến tranh qua truyện “Chiếc lược ngà”

 Đề bài : Tình cảm cha con trong chiến tranh qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà”

I/ Mở bài

Chiến tranh là đau thương , mất mát nhưng cũng chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, những tình cảm cao đẹp của con người lại bừng lên, tỏa sáng: tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước,… “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về tình cha con trong chiến tranh .Đó không chỉ là một tình cảm muôn thuở, bền vững mà còn được thể hiện trong hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt. Tác phẩm đã giúp người đọc cảm nhận được tình cảm cha con sâu nặng giữa ông Sáu – bé Thu và đó cũng là tình cảm chung của biết gia đình trong cảnh ngộ chiến tranh tàn khốc.

II/ Thân bài

  1. Khái quát chung

Ra đời vào năm 1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang rất ác liệt, truyện ngắn  “Chiếc lược ngà” đã làm xúc động , đã làm rơi nước mắt của biết bao nhiêu người về những éo le, khắc nghiệt của chiến tranh và tình cảm cha con thiêng liêng, bất diệt. Truyện kể về tình cảnh éo le của cha con ông Sáu để từ đó khẳng định rằng: Chiến tranh có thể cướp đi tất cả, thậm chí là cả mạng sống của con người nhưng tình cảm gia đình thì không gì có thể giết chết được.

2/ Cảm nhận về tình cha con trong tác phẩm

a) Chiến tranh đã khiến cho gia đình ông Sáu cũng như bao gia đình Việt Nam phải lâm vào cảnh ngộ chia ly.

Đất nước có chiến tranh, ông Sáu cũng như bao người dân Nam Bộ đã sẵn sàng gác lại những gì trân quý nhất của đời mình để lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc . Ngày đi, bé Thu – đứa con gái đầu lòng và cũng là đứa con duy nhất của ông, chưa đầy một tuổi. Suốt những tháng ngày xa cách, bé Thu ông chỉ biết cha qua tấm ảnh, qua những lời kể của người mẹ.

Kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông Sáu được về phép thăm nhà, cha con, gia đình gặp nhau, đoàn tụ chỉ có ba ngày để bù lại tám năm dòng xa cách. Nhưng trong những ngày phép ngắn ngủi ấy, ông Sáu và bé Thu chưa kịp nhận ra nhau, ông Sáu chưa được nghe tiếng gọi “ba” từ con sau bao năm khao khát, bé Thu khước từ tình cảm của cha mà tám năm bé hằng mong đợi. Cho đến khi con nhận ra cha thì lại là lúc ông Sáu phải lên đường. Và cuộc chia tay lần thứ hai này lại trở thành cuộc chia ly mãi mãi. Ông Sáu đã mãi nằm lại nơi chiến trường, hai cha con vĩnh viễn không còn được gặp lại  nhau, chỉ còn chiếc lược ngà là kỉ vật cất chứa cái tình của người cha dành cho cô con gái bé bỏng.

b) Nhưng chiến tranh không thể chia cắt nổi tình cảm gia đình, tình cha con sâu nặng.

Ngay từ giây phút đầu tiên gặp ba, Thu đã xa cách, ngờ vực, lạnh nhạt . Em tỏ ra ương ngạnh, hỗn xược với ông Sáu trong suốt ba ngày ông nghỉ phép. Em từ chối mọi sự chăm chút, vỗ về của ông Sáu,  cố tình lảng tránh tiếng” ba” để bảo vệ người ba trẻ đẹp trong tấm ảnh chụp chung với má của em. Hành động, phản ứng của bé Thu rất cá tính, có phần ương ngạnh nhưng xuất phát từ tình yêu thương ba một cách ngây thơ, trong sáng, chân thật: Thu chỉ yêu, chỉ nhận người cha giống với bức hình trong tấm ảnh chụp chung với má. Em đối xử với ông Sáu như thế là cách em yêu thương ba mình nồng cháy, yêu thương đến mực tôn thờ,yêu đến mức chỉ khắc ghi hình bóng một người ba duy nhất trong tim, không ai có thể thay thế được. Cho đến khi được bà ngoại giải thích,Thu hiểu ra mọi sự nhầm lẫn của mình từ vết sẹo trên má của ba, Thu đã chủ động bày tỏ tình cảm sâu sắc, mãnh liệt với ba trong tiếng gọi”ba” như tiếng xé, trong những cử chỉ vồ vập, hối hả “hôn ba cùng khắp, hôn tóc, hôn vai, hôn cổ và hôn lên cả vết thẹo dài” thể hiện tình cảm yêu ba chân thành, sâu sắc, mãnh liệt.

Tình yêu thương Ông Sáu dành cho con thầm lặng mà vô bờ bến. Những ngày tháng ở rừng, ông luôn nhớ con, tưởng tượng ra hình bóng của con qua bức hình. Rồi khi được về phép thăm nhà, niềm khao khát được gặp con, được ôm ấp cái hình hài máu mủ đã khiến ông không giữ được bình tĩnh. Thoáng thấy đứa trẻ khoảng 7,8 tuổi đang chơi dưới sân nhà, không thể chờ xuồng cập bến,  ông đã nhún chân nhảy thót lên bờ khiến chiếc xuồng bị tạt ra, chới với. Rồi ông bước vội những bước dài, vừa bước và dang tay đón con, gọi tên con trong giọng nói run run, lặp bặp. Sự vội vàng ấy chính là minh chứng của niềm khao khát được gặp con, được đến bên con, được ôm con vào lòng. Và đó chũng chính là một biểu hiện của tình yêu con sâu nặng. Thế nhưng, thay vì được con chào đón, anh Sáu lại bị bé Thu cự tuyệt. Điều này khiến một người cha đang mong nhớ con cảm thấy vô cùng đau khổ. Bị con từ chối, anh đứng sững lại nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy. Với một người cha khao khát được đón con, ôm con vào lòng lại bị con từ chối, thậm chí là hoảng sợ thì còn gì đau đớn hơn thế nữa.

Tranh thủ ba ngày phép ngắn ngủi, ông Sáu dành hết cả tình yêu thương con để chăm chút, bù đắp cho con cả vật chất lẫn tinh thần. Anh không dám đi đâu mà chỉ ở nhà để vỗ về con. Anh yêu thương, chăm chút cho con từng chút, anh bao dung với con cả khi con có biểu hiện hỗn láo với mình. Bị con đối xử lạnh nhạt, ông vẫn cố gắng kiên trì chờ đợi, mong con nhận ra và gọi tiếng” ba “âu yếm. Khi không thể nào kiềm chế được sự tức giận, vì thất vọng, không làm thế nào để con nhận ba, ông đã đánh con để rồi sau này dằn vặt, ân hận mãi. Và càng đau khổ bao nhiêu, càng ân hận bao nhiêu thì khi con nhận ra cha, ông Sáu càng xúc động bấy nhiêu. Được nghe tiếng gọi “ba” từ con gái và đón nhận những cử chỉ vồ vập, hối hả của con, anh đã vô cùng xúc động. Một người lính đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường thế mà giờ đây anh lại khóc. Đó là giọt nước mắt của niềm hạnh phúc,  niềm vui sướng đến tột độ. Vì không muốn con thấy được sự yếu đuối của mình, mình luôn là hình mẫu lí tưởng đối với con, ông Sáu đã một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt. Tình cảm của người cha ấy dành cho con thật thiêng liêng, cao đẹp.

Xa con, sống trong gian khổ, hiểm nguy luôn rình rập, ông luôn nhớ lời con và canh cánh bên lòng về món quà con dặn “Ba về, ba mua cho con một cây lược nghe ba!”. Ông dồn hết tình thương, nỗi nhớ con vào việc làm cho con một cây lược. Ông vui sướng “như đứa trẻ được quà” khi nhặt được khúc ngà voi, gò lưng tẩn mẩn cưa từng chiếc răng lược thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Ông còn khắc lên sống lưng lược dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba!” như kí thác bao tình cảm thương mến của mình dành cho con. Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại mang cây lược ra ngắm nghía và mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt để khi con chải tóc sẽ không bị đau. Chiếc lược ngà đã biến ông từ một người chiến sĩ thành một người nghệ sĩ với tác phẩm nghệ thuật duy nhất – tác phẩm của tình yêu thương.  Chiếc lược ngà là cầu nối tình cảm cha con ông. Chiếc lược ngà mang bóng hình đứa con gái bé bỏng, xoa dịu trong ông Sáu nỗi đau xa cách con, tiếp cho ông niềm tin, sức mạnh trên mỗi ngả chiến trường, Chiếc lược ngà là minh chứng cho tình cha sâu nặng ông Sáu dành cho con, là kỷ vật mộc mạc thiêng liêng của tình phụ tử.

Trong một trận càn lớn của giặc, ông Sáu bị thương nặng, biết không thể trở về trao chiếc lược cho con, ngay cả trong giờ phút hấp hối, ông Sáu vẫn không quên lời dặn của con lúc chia tay. Ông đã dồn tất cả sinh lực cuối cùng vào cử chỉ móc chiếc lược ngà trao cho đồng đội và chỉ đến khi bác Ba hiểu ý, gật đầu, ông mới yên lòng nhắm mắt đi xuôi.  Ông Sáu đã vĩnh viễn ra đi, chiến tranh, bom đạn kẻ thù đã cướp đi sinh mạng ông nhưng chiếc lược ngà vẫn ngày ngày theo bác Ba dõi tìm Thu trên mỗi ngả chiến trường. Tình cha con của ông Sáu không bao giờ chết, nó sống mãi trong chiếc lược ngà giản dị mà thiêng liêng.

3/ Đánh giá chung

Với cách kể chuyện tự nhiên, chân thực, cảm động; cách tạo tình huống truyện bất ngờ, hợp lý ; lựa chọn ngôi kể thích hợp, ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên đậm sắc màu Nam Bộ, cách miêu tả nội tâm nhân vật tinh tế, tác phẩm đã làm nổi bật tình cảm cha con sâu nặng của ông Sáu – bé Thu cũng như của bao gia đình khác. Qua đó, ta cũng thấy được ở nhà văn Nguyễn Quang Sáng sự am hiểu tâm lí con người, trân trọng tình cảm nhất là tình cảm gia đình mà cụ thể là tình phụ tử. Câu chuyện khép lại nhưng còn vang mãi trong lòng người đọc bởi bài ca bất diệt về tình phụ tử thắm thiết, sâu nặng. Câu chuyện giúp người đọc suy ngẫm và thấm thía hơn về quá khứ đau thương của dân tộc, thấm thía nỗi đau thương, mất mát, éo le do chiến tranh gây ra khiến bao gia đình phải chịu cảnh tan tác, chia lìa; đồng thời cũng giúp mỗi người biết trân trọng, nâng niu hạnh phúc gia đình mình đang có.

III/ Kết bài

Truyện “Chiếc lược ngà” đã làm sáng ngời tình cảm thiêng liêng, cao quý và bất diệt – tình cha con.  Ông Sáu ra đi nhưng tình cha con thì còn mãi.  Tình cảm ấy vẫn sống mãi trong lòng con gái anh, trong lòng người bạn của anh là bác Ba và các đồng chí. Tình cha con được nối dài trong tình cảm cách mạng, tình cảm của những người đồng chí. Nhà văn khẳng định và ca ngợi tình cảm cha con sâu nặng trong hoàn cảnh éo le, thời chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam thiêng liêng như một giá trị nhân bản sâu sắc. Tình cảm ấy càng cao đẹp trong những hoàn cảnh khó khăn. Có lẽ bởi vì thế mà sau bao lớp bụi mờ của thời gian, tác phẩm vẫn còn sáng mãi trong lòng bạn đọc.

🔻 Xem thêm:

Exit mobile version