Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Tài liệu văn 9] Phân tích hai khổ thơ cuối bài “Viếng lăng Bác”

Tháp Mười đẹp nhứt bông sen

Việt Nam đẹp nhứt có tên Bác Hồ!

Nhà thơ Bảo Định Giang đã giúp chúng ta nói lên tấm lòng kính yêu, tự hào của mình với Bác bằng một lời thơ lục bát giản dị mà thấm thía ân tình. Bác Hồ, ấy là tên gọi thân yêu vang âm trong trái tim mỗi người Việt Nam. Sự vĩ đại, vẻ đẹp của Bác, lòng kính yêu với Bác đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn, nhà thơ sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật bất hủ cho đời. Đến sau trong đề tài thơ về Bác nhưng bằng tình cảm chân thành, Viễn Phương đã sáng tác nên bài thơ “Viếng lăng Bác” độc đáo, có sức cảm hóa sâu sắc bởi lời hay, ý đẹp. Bài thơ là tình cảm thiết tha, sự xúc động, nghẹn ngào pha lẫn nỗi xót đau, lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ và nhân dân Việt Nam dâng lên Bác. Đặc biệt, hai khổ thơ cuối khép lại bài thơ đã thể hiện thật chân thành, xúc động nỗi lòng thương nhớ, biết ơn, đau xót vô vàn và ước nguyện cao cả của nhà thơ Viễn Phương với Bác.

Trong niềm vui ngày đất nước toàn thắng, hai miền Nam Bắc sum họp một nhà, vào tháng 4 năm 1976, lăng Bác được khánh thành ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội. Từ miền Nam ra Bắc viếng lăng Bác, nhà thơ Viễn Phương trào dâng niềm cảm xúc thành kính thiêng liêng. Những yêu thương nhớ mong dồn nén trong những năm đất nước chia cắt như vỡ òa thành những vần thơ tha thiết. Cảm xúc bao trùm bài thơ là niềm niềm xúc động thiêng liêng, thành kính , niềm tự hào, đau xót của nhà thơ từ miền Nam xa xôi ra thăm viếng người cha già kính yêu của toàn dân tộc. Với giọng thơ vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết, tự hào kết hợp với hình ảnh thơ sáng tạo, vừa thực vừa giàu tính biểu tượng, hai khổ thơ cuối chính là  tiếng lòng của Viễn Phương khi vào trong lăng, đứng trước di hài Bác và nỗi niềm lưu luyến, bịn rịn trước khi phải dời xa lăng Bác.

Hòa theo dòng người vào lăng viếng Bác, khi đứng trước di hài Bác, nhà thơ nâng niu, trân trọng cả giấc ngủ của Người – giấc ngủ bình yên trong ngày đất nước thống nhất. Khung cảnh và không khí trong lăng được tái hiện ngay cặp câu đầu:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền.

Ánh sáng dịu nhẹ trong lăng khiến tác giả hình dung đó là ánh trăng của đất trời vốn là tri kỉ tri âm của Bác. Bác như đang nằm ngủ một giấc ngủ “bình yên”, trong một khung cảnh thơ mộng, Bác chỉ tạm nghỉ ngơi sau một hành trình dài vất vả, gian nan. Lời thơ lại một lần nữa như nén nỗi đau lại để khẳng định rằng Bác vẫn còn sống mãi.

Bác vốn yêu trăng, trăng làm bạn với Bác vào trong nhà lao, trăng theo Bác lên đường ra chiến dịch và trăng lại về đây để canh giữ giấc ngủ bình yên cho Người. Hình ảnh vầng trăng sáng dịu hiền bao bọc giấc ngủ của Bác đã gợi cho ta cảm nhận về vẻ đẹp thanh cao, giản dị của Bác, một tâm hồn luôn yêu và gắn bó với thiên nhiên, gợi ta nhớ đến những vần thơ tràn ngập ánh trăng của Bác:

Người ngắm trăng soi ngoài của sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Cùng với mặt trời, hình ảnh vầng trăng đã hoàn thiện bức chân dung Hồ Chí Minh trong tâm khảm mỗi người: chói lóa, rực rỡ, trong sáng, thanh cao, hiền lương, thương mến. “Vầng trăng” tỏa chiếu giấc ngủ của Người thật phù hợp và có ý nghĩa. Nhờ đó, người đọc cảm nhận đầy đủ          hơn, xúc động hơn về “giấc ngủ” đẹp đẽ, thanh cao của một con người đã bao đêm không ngủ, đấu tranh và hi sinh quên mình cho dân tộc, nhân loại.

Trong khung cảnh bình yên đến tưởng như ngưng kết cả không gian, thời gian, tâm trạng và cảm xúc nhà thơ chuyển sang niềm xót xa, đau đớn, tiếc nuối:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.

“trời xanh” là hình ảnh của thiên nhiên tồn tại mãi mãi, vĩnh hằng, là hình ảnh ẩn dụ khẳng định Bác là trời xanh, Bác đã vĩnh viễn hóa thân vào bầu trời của dân tộc, sự nghiệp của Người mãi mãi vang vọng với non sông. Bác còn mãi với non sông, đất nước như trời xanh, Người hóa thân vào thiên nhiên mây núi để trở thành hồn thiêng dân tộc. Trong trái tim đầy yêu thương, kính trọng và biết ơn của mọi người, Bác như còn sống mãi nhưng lí trí thì lại phải tỉnh táo để nhận thức rằng Bác đã đi xa.

Nỗi đau đớn, xót xa được nhà thơ thể hiện thông qua nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác thật tinh tế : “Mà sao nghe nhói ở trong tim!”. Cặp quan hệ từ “Vẫn … mà” kết hợp với dấu chấm than ở cuối khổ thơ diễn tả sự mâu thuẫn: cảm giác nghe nhói ở trong tim mâu thuẫn với nhận biết trời xanh là mãi mãi. Giữa tình cảm và lý trí có sự mâu thuẫn. Và con người đã không kìm nén được khoảnh khắc yếu lòng. “Nhói” là từ ngữ biểu cảm trực tiếp, biểu hiện nỗi đau đột ngột, quặn thắt. Nỗi đau tinh thần được cụ thể hóa bằng nỗi đau thể xác. Đây chính là cảm xúc chân thành, sự rung động mãnh liệt của Viễn Phương được bộc lộ trực tiếp khi đứng trước di hài của Bác. Cảm xúc này là đỉnh điểm của nỗi nhớ thương, của niềm đau xót. Trong tâm hồn dân tộc, Bác còn sống mãi nhưng thực tế chúng ta đã vĩnh biệt Người – vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già kính yêu. Đó là mất mát lớn lao không gì bù đắp được! Mạch cảm xúc từ thành kính chuyển sang tiếc thương ngậm ngùi, câu thơ đọc lên như một tiếng khóc đến nghẹn ngào, để lại nhiều ám ảnh trong lòng người đọc.

Bài thơ kết thúc trong tình cảm thương nhớ và lưu luyến , bịn rịn của Viễn Phương với Bác. Đây cũng là dòng cảm xúc được đẩy tới mức cao trào nhất:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt.

Nghĩ đến lúc phải ra về, phải trở lại miền Nam, phải xa Bác, nhà thơ rưng rưng niềm xúc động. Từ ngữ thời gian “Mai” đi liền với địa danh “miền Nam” gợi sự chia xa, gợi khoảng cách, gợi cả tấm lòng, tình cảm của những người con miền Nam. Thương trào nước mắt là cảm xúc bộc lộ trực tiếp, là sự bịn rịn, lưu luyến nhớ thương không muốn rời xa lăng Bác. Chữ “thương” giản dị mà xúc động. Niềm thương không chỉ là cảm xúc dâng ngập trong tâm hồn mà trào lên thành “nước mắt” phải chăng vì cảm thông được niềm ao ước bấy lâu về một ngày thống nhất vẫn nặng lòng Bác lúc ra đi; thương vì Bác chưa thỏa ước nguyện thấy nhân dân được hưởng sự sung sướng, hạnh phúc  khi Bắc Nam sum họp một nhà. nhà thơ không cầm lòng được bởi chưa có ngày: “Đón Bác vào thăm thấy Bác cười”.

Trong giây phút ngẹn ngào, Viễn Phương bộc lộ tấm lòng kính yêu, ước nguyện chân thành đối với Bác.

Muốn là con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre chung hiếu chốn này.

Điệp ngữ muốn làm được nhắc lại ba lần để nhấn mạnh mong ước chân thành, tự nguyện, giản dị, cao đẹp của Viễn Phương. Đồng thời tạo nhạc điệu ngân dài, vang mãi trong khổ thơ, diễn tả tình cảm lưu luyến không rời của Viễn Phương với Bác. Các hình ảnh đẹp : “con chim”, “đóa hoa”, “cây tre” mang đến cho ta cảm nhận tình cảm cao đẹp, chân thành của nhà thơ. Ông  muốn góp cuộc đời mình để làm đẹp cho cảnh quan quanh lăng, ao ước được hóa thân thành con chim để cất tiếng hót làm vui lăng Bác, làm giỏ hoa để đem lại sắc hương, tô điểm cho vườn hoa quanh lăng. Đặc biệt là ước nguyện “muốn làm cây tre trung hiếu” để nhập vào hàng tre bát ngát, toả bóng mát cho lăng. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, hình ảnh thơ còn mang nét nghĩa ẩn dụ cho khát vọng được ở lại để canh giấc ngủ thiên thu cho Người, bày tỏ niềm biết ơn sâu sắc dành cho vị cha già của dân tộc, góp phần làm nên vẻ đẹp bất khuất, hiên ngang, trung hiếu của tâm hồn Việt Nam. Lời thơ khiến ta nhớ đến ước nguyện của Thanh Hải trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Nếu như Thanh Hải  muốn hóa thân vào cảnh vật để làm đẹp cho cuộc đời, để cống hiến mùa xuân của cuộc đời mình vào mùa xuân chung của dân tộc  thì với Viễn Phương, ước nguyện hóa thân vào cảnh vật là để được bên Bác suốt đời. Tuy nhiên đặc biệt hơn cả là ước nguyện được làm “cây tre trung hiếu”. Hình ảnh cây tre đã từng xuất hiện ở khổ một giờ lại một lần nữa xuất hiện ở khổ cuối thông qua ước nguyện của nhà thơ. Nó tạo ra cái kết cấu đầu cuối tương ứng cho tác phẩm. Nếu như ở khổ một, cây tre là biểu tượng của con người Việt Nam dũng cảm, kiên cường thì ở khổ thơ này, cây tre ấy lại gửi gắm ước nguyện của tác giả. Ông muốn được làm một cây tre để nhập vào hàng tre bát ngát canh giữ giấc ngủ nghìn thu cho Bác. Và phải chăng ước nguyện ấy chính là lời hứa thủy chung với con  đường mà Bác đã chọn. Với những ý nghĩa như thế, khổ thơ cuối thực sự đã tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc, không chỉ bộc lộ tình cảm thương nhớ, lưu luyến mà còn biểu đạt một cách xúc động tình cảm thủy chung, son sắt của nhà thơ, của nhân dân miền Nam, nhân dân cả nước với Bác Hồ vô vàn kính yêu.

Bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương đã sống trong lòng độc giả hơn 40 năm nay và con lâu hơn nữa không chỉ bởi cảm xúc chân thành mãnh liệt mà còn bởi  nghệ thuật rất đặc sắc. Bài thơ viết theo thể tự do, nhiều hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa đẹp. Với nhịp thơ linh hoạt, giọng thơ vừa trang trọng, thành kính, vừa tha thiết sâu lắng, vừa đau xót tự hào,  ngôn ngữ thơ bình dị mà cô đúc,  nhà thơ Viễn Phương đã bày tỏ được niềm xúc động cùng lòng biết ơn sâu sắc đến Bác . Lời thơ chính là  tấm lòng tác giả, của nhân dân cả nước dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc. Người sẽ luôn sống và sáng mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

Có thể nói, bằng tất cả tình cảm chân thành, Viễn Phương đã làm “Viếng lăng Bác” trở thành một bản tình ca bất tận để lại ấn tượg sâu sắc cho bao người dân Việt Nam. Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung hay không chỉ vì các nghệ thuật độc đáo mà quan trọng hơn, đó là sự kết hợp nhuẫn nhị giữa cái “tâm” của một nguời con yêu nước và cái “tài” của người nghệ sĩ. Rất nhiều năm tháng đã đi qua nhưng mỗi thế hệ đọc  “Viếng lăng Bác” đều đón nhận vào tâm hồn mình một ánh sáng tư tưởng, tình cảm của nhà thơ và đồng thời cũng thấm nhuần vẻ đẹp trong suốt, lấp lánh toả ra từ chính cuộc đời, trí tuệ và trái tim Bác Hồ.

Exit mobile version