MÙA XUÂN NHO NHỎ
I/ Kiến thức cần nhớ.
1. Tác giả:
– Thanh Hải (1930 – 1980) tên thật là Phạm Bá Ngoãn, quê ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
– Tham gia hoạt động văn nghệ từ cuối năm kháng chiến chống Pháp. Là cây bút có công xây dựng nền văn học giải phóng miền Nam từ những ngày đầu.Thanh Hải từng là một người lính trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với tư cách là một nhà văn.
– Thơ Thanh Hải chân chất và bình dị, đôn hậu và chân thành.
– Các tác phẩm chính: Các tập thơ “Những đồng chí trung kiên” (1962), Huế mùa xuân (hai tập 1970 và 1975), Dấu võng Trường Sơn (1977)
– Năm 1965, được tặng giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu.
– Sau ngày giải phóng, Thanh Hải vẫn gắn bó với quê hương xứ Huế, sống và sáng tác ở đó cho đến lúc qua đời.
2/ Tác phẩm:
a/ Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt: (tháng 11- 1980, chỉ ít ngày sau, nhà thơ qua đời. Đây là thời điểm đất nước ta mới thống nhất lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách gay gắt.
(Năm 1980, Thanh Hải đau nặng phải vào bệnh viện Huế điều trị khoa nội. Tuy căn bệnh được các bác sĩ chẩn đoán là không thể qua được nhưng Thanh Hải luôn là người lạc quan yêu đời. Nằm ở tầng 4 của bệnh viện, những lúc khoẻ, Thanh Hải thường ra ngắm cảnh và làm thơ…. Nhưng rồi vào một ngày cuối đông, trời Huế bỗng trở lạnh và mưa lâm thâm…. Những người bạn của Thanh Hải nhận được tin như sét đánh: Thanh Hải đã qua đời. Thương tiếc người bạn tài hoa ra đi khi tuổi đời vừa bước sang 50, mọi người đến viếng và đưa nhà thơ về nơi an nghỉ cuối cùng. Đang lúc làm lễ, thì vợ Thanh Hải tìm gặp nhạc sĩ Trần Hoàn và trao cho ông một bài thơ cuối cùng mà Thanh Hải đã sáng tác khi nằm viện vào tháng 11 năm 1980. Đó chính là bài thơ: Một mùa xuân nho nhỏ – bài thơ cuối cùng của Thanh Hải. Nỗi thương bạn và niềm cảm xúc trào dâng mãnh liệt, nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc ngay bài thơ chỉ trong vòng không đầy ba mươi phút và bài hát đó đã được vang lên ngay trong buổi lễ tiễn đưa ấy.)
b/ Thể thơ : Thể thơ 5 chữ, không ngắt nhịp trong từng câu, chia nhiều khổ, mỗi khổ từ 4 đến 6 dòng. Nhịp điệu và giọng điệu của bài có biến đổi theo mạch cảm xúc.
c/ Mạch cảm xúc : Bài thơ bắt đầu bằng những xúc cảm trực tiếp, hồn nhiên, trong trẻo trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên, đất trời. Từ đó, mở rộng ra thành hình ảnh mùa xuân của đất nước hôm nay và cả đất nước bốn ngàn năm. Từ đó mạch thơ chuyển sang biểu hiện suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ được góp “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc. Mạch thơ phát triển tự nhiên để rồi khép lại cũng tự nhiên, đằm thắm trong một điệu dân ca xứ Huế.
d/ Bố cục:
– Khổ 1 (gồm 6 dòng thơ): cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên, đất trời
– Khổ 2,3: Cảm xúc về mùa xuân đất nước.
– Khổ 4,5: suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ trước mùa xuân đất nước.
– Khổ cuối: Lời ca ngợi quê hương, đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.
e/ Nội dung, nghệ thuật:
– Nội dung: Bài thơ “mùa xuân nho nhỏ” là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.
– Nghệ thuật:
+ Bài thơ theo thể 5 chữ, nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca. Sử dụng cách gieo vần liền giữa các khổ thơ tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc. nhiều hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, những so sánh và ẩn dụ sáng tạo.
+ Kết hợp những hình ảnh tự nhiên giản dị đi từ thiên nhiên với những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát. Điều đáng chú ý là những hình ảnh biểu trưng này thường được phát triển từ những hình ảnh thực, tạo nên sự lặp lại mà nâng cao, đổi mới của hệ thống hình ảnh (cành hoa, con chim, mùa xuân).
+ Cấu tứ của bài chặt chẽ, dựa trên sự phát triển của hình ảnh mùa xuân. Từ mùa xuân của đất trời sang mùa xuân của đất nước và mùa xuân của mỗi người góp vào mùa xuân lớn của cuộc đời chung.
+ Giọng điệu bài thơ thể hiện đúng tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Giọng điệu có sự biến đổi phù hợp với nội dung từng đoạn: vui, say sưa ở đoạn đầu; trầm lắng, hơi trang nghiêm mà thiết tha ở đoạn bộc bạch những tâm niệm; sôi nổi và tha thiết ở đoạn kết.
II/ Phân tích văn bản
1/ Mùa xuân của thiên nhiên đất nước (khổ 1)
Cảm hứng xuân phơi phới của Thanh Hải đã dệt nên một bức tranh xuân rất đẹp, đầy sức sống và tràn ngập niềm vui rạo rực.
– Bức tranh ấy được chấm phá bằng rất ít chi tiết: một dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc, một tiếng chim chiền chiện. Những nét chấm phá ấy đã vẽ ra được một không gian cao rộng, màu sắc tươi thắm của mùa xuân và cả âm thanh vang vọng, tươi vui của chim chiền chiện.
+Ngay hai câu mở đầu đã gặp một cách viết khác lạ. Không viết như bình thường : một bông hoa tím biếc mọc giữa dòng sông xanh” mà đảo lại: “Mọc giữa dòng sông xanh. Một bông hoa tím biếc”. Động từ “mọc” đặt ở đầu khổ thơ của bài thơ là một dụng ý nghệ thuật của tác giả , khắc sâu ấn tượng về sức sống trỗi dậy và vươn lên của mùa xuân.Tưởng như bông hoa tím biếc kia đang từ từ, lồ lộ mọc lên, vươn lên, xoè nở trên mặt nước xanh của dòng sông xuân.
+ Tại sao màu nước sông lại xanh mà không là “dòng nước trong mát” (bài “Vàm cỏ đông” của Hoài Vũ), hay không là “dòng sông đỏ nặng phù sa” trong thơ Nguyễn Đình Thi – bài Đất nước)? Có phải đấu là màu nước của Hương Giang, hay chính là tín hiệu báo mùa xuân đang về? Mùa xuân trang trải êm trôi một dòng xanh dịu mát. Màu xanh lam của dòng sông hương hoà cùng màu tím biếc của hoa, một màu tím giản dị, thuỷ chung, mộng mơ và quyến rũ. Đó là mầu sắc đặc trưng của xứ Huế.
+ Tiếng chim chiền chiện tạo nên một nét đẹp nữa của mùa xuân: “Ơi con chim chiền chiện. Hót chi mà vang trời”. Nhạc điệu của câu thơ như giai điệu của mùa xuân tươi vui và rạo rực. Các từ than gọi “ơi, chi ” mang chất giọng ngọt ngào đáng yêu của người xứ Huế (thân thương, gần gũi) . Câu thơ cứ như câu nói tự nhiên không trau chuốt từ ngữ nhưng vẫn mang âm hưởng thi ca. Câu hỏi tu từ “hót chi” thể hiện tâm trạng đùa vui, ngỡ ngàng, thích thú của tác giả trước giai điệu của mùa xuân.
– Quả thật, thiên nhiên nhất là mùa xuân vốn hào phóng, sẵn sàng trao tặng con người mọi vẻ đẹp nếu con người biết mở rộng tấm lòng. Thanh Hải đã thực sự đón nhận mùa xuân với tất cả sự tài hoa của ngòi bút, sự thăng hoa của tâm hồn. Nhà thơ lặng ngắm, lặng nghe bằng cả trái tim xao động, bằng trí tưởng tượng, liên tưởng độc đáo:
“Từng giọt long lanh rơi.
Tôi đưa tay tôi hứng”
Về hai câu thơ trên, có hai cách hiểu: từng giọt ở đây là giọt mưa xuân long lanh trong ánh sáng của trời xuân; nhưng cũng còn có thể hiểu hai câu này gắn với hai câu trước: Tiếng chim đang vang xa bỗng gần lại, rõ ràng, tròn trịa như kết thành những giọt sương óng ánh sắc màu, rơi rơi, rơi mãi tưởng chừng không dứt và nhà thơ đưa tay hứng từng giọt âm thanh ấy. Như vậy từ một hình tượng, một sự vật được cảm nhận bằng âm thanh ( thính giác), tác giả đã chuyển đổi biến nó thành một sự vật có thể nhìn được bằng mắt ( thị giác) bởi nó có hình khối, màu sắc rồi lại được như cảm nhận nó bằng da thịt, bằng sự tiếp xúc ( xúc giác).Nghệ thuật ví ngầm, chuyển đổi cảm giác quả đã đạt tới mức tinh tế đáng khâm phục. Hai câu thơ đã biểu hiện niềm say sưa, ngây ngất, xốn xang, rạo rực của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời lúc vào xuân. Chắc hẳn trong lòng thi sĩ đang dạt dào tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu cuộc đời.
2/ Từ mùa xuân của thiên nhiên đất trời, cảm hứng thơ chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước một cách tự nhiên. (khổ 2,3)
-Đây là mùa xuân của con người đang lao động và chiến đấu, của đất nước vất vả và gian lao đang đi lên phía trước. Hình ảnh “người cầm súng, người ra đồng” biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và lao động dựng xây lại quê hương sau những đau thương mất mát. Ai cũng có nhiệm vụ của mình: người lính tiếp tục bảo vệ quê hương, vòng lá nguỵ trang của người chiến sĩ đang nảy những chồi non, lộc biếc như mang theo cả mùa xuân cùng các anh ra trận. Người nông dân ra đồng làm nên hạt lúa, trên nương mạ, ruộng lúa của bác nông dân, mầm non, sức sống thanh xuân đang đua nhau trỗi dậy, giục giã, thôi thúc lòng người. Sức gợi cảm của câu thơ được thể hiện qua hình ảnh “lộc” của mùa xuân gắn với người cầm súng, người ra đồng. “Lộc” là chồi non, nhưng “lộc” còn có nghĩa là mùa xuân, là sức sống, là thành quả hạnh phúc. Câu thơ vừa tả thực, vừa tượng trưng cho sức sống của mùa xuân đất nước, sức sống của mỗi con người.
– Sức sống của mùa xuân còn được cảm nhận trong nhịp điệu hối hả, trong âm thanh xôn xao. Và đất nước được hình dung bằng một hình ảnh so sánh đẹp: đất nước như vì sao. Cứ đi lên phía trước”. Hình ảnh so sánh gợi liên tưởng đến vẻ đẹp, ánh sáng và hi vọng. “Đất nước bốn nghìn năm”, hoá thành những vì sao đi lên, bay lên, ngời sáng lung linh . Cảm xúc của nhà thơ đối với đất nước: say mê, tự hào, tin tưởng con người và cuộc sống của quê hương, đất nước khi vào xuân.
3/ Từ cảm xúc về mùa xuân của thiên nhiên, đất nước, mạch thơ chuyển một cách tự nhiên sang bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm của nhà thơ trước mùa xuân đất nước. (khổ 4,5)
( Đoạn này, tác giả dùng phương thức biểu cảm trực tiếp. Nhân vật “ta” trực tiếp bộc lộ tâm niệm của mình. )
– Điều tâm niệm của nhà thơ: là khát vọng được hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước.
– Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp.
Đẹp và tự nhiên vì nhà thơ đã dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên để nói lên ước nguyện của mình. Một con chim hót để cất tiếng thơ ngợi ca đất nước, làm một nhành hoa để đem lại hương thơm cho cuộc đời. Bao trùm tất cả, ông ước nguyện hoá thành « một mùa xuân nho nhỏ », lặng lẽ, âm thầm dâng hiến toàn bộ tâm hồn, trí tuệ, sức lực và cả sự sống của mình góp cùng mọi người : « Dù là tuổi hai mươi. Dù là khi tóc bạc ».
– Những hình ảnh bông hoa, tiếng chim hót được tác giả phác hoạ ở phần đầu bài thơ giờ đây lại trở lại trong khổ thơ này trong giọng thơ êm ái, ngọt ngào. Cách cấu tứ lặp lại như vậy tạo ra sự đối ứng chặt chẽ và mang một ý nghĩa mới: Niềm mong muốn được sống có ích,cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa toả hương sắc cho đời. Trong bài “một khúc ca xuân” Tố Hữu cũng có những suy ngẫm tương tự:
Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình?
Điều tâm niệm ấy thật cao đẹp, chân thành, là sự phát triển tự nhiên trong mạch cảm xúc của bài thơ. Điệp từ “ta” như một lời khẳng định. Và cái “ta” vốn chỉ để nói về mình bỗng như trở thành cái “ta” chung của nhiều người, khát vọng của nhiều người. Điệp ngữ “dù là” như một lời tự khẳng định, tự nhủ với lương tâm thể hiện sự kiên trì, thử thách với thời gian, tuổi già, bệnh tật để mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương, đất nước. Giọng thơ nhỏ nhẹ, chân tình nhưng mang sức khái quát lớn.
Ước nguyện của nhà thơ cho ta hiểu mỗi người phải biết sống, cống hiến cho cuộc đời.Thế nhưng dâng hiến, hoà nhập mà vẫn giữ được nét riêng mỗi người…
d/ Kết thúc: Lời ngợi ca quê hương đất nước qua làn điệu dân ca xứ Huế
– Một điệu dân ca xứ Huế quen thuộc, ngọt ngào, êm dịu., sử dụng ngôn ngữ giàu nhịp điệu, các vần bằng tha thiết, êm ái.
– Kết cấu đầu cuối tương ứng tạo ra sự đối ứng chặt chẽ, hài hoà cân đối cho bài thơ đồng thời thể hiện rõ hơn mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên.
– Kết thúc bài thơ là câu hát “Câu Nam ai, nam bình…” Nam Ai, Nam Bình là những điệu ca Huế nổi tiếng
– Đó là ý nguyện của người tha thiết với vẻ đẹp của tâm hồn quê hương đất nước mình.
III/ Tổng kết – ghi nhớ sgk