Đề bài : Viết đoạn văn Tổng – phân – hợp khoảng 12 câu nêu cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên qua đoạn trích trên, trong đoạn có sử dụng câu đơn mở rộng thành phần và phép thế (gạch chân, chú thích rõ).
Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều:
– Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắm liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào “ốp” là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: “Đấy, bác cũng chẳng “thèm” người là gì?”.
Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân cô đung đưa khe khẽ, nói:
– Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.
Đoạn văn tham khảo
Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn LLSP của Nguyễn Thành Long đã được nhà văn khắc họa thật chân thực, sinh động qua đoạn trích : “Anh hạ giọng, nửa tâm sự…. mỗi người một vẻ”. Trước hết, qua đoạn trích, người đọc thấy được ở anh lòng yêu nghề, đam mê với công việc. Anh sống một mình trên đỉnh núi cao, quanh năm suốt tháng không một bóng người nhưng anh không cảm thấy cô đơn bởi anh coi công việc là bạn, là người đồng hành : “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được”. Một quan niệm giản dị nhưng thể hiện một lẽ sống cao đẹp, với anh, khi làm việc, con người với công việc là đôi, là bạn cho nên anh không cảm thấy cô đơn, lẻ loi. Hơn thế nữa, anh còn nhận thức rõ được công việc của mình có mối liên hệ mật thiết với công việc của bao anh anh em đồng chí khác, những người đang cùng anh âm thầm phấn đấu hết mình vì sự nghiệp chung nên không thể gọi là “một mình được”. Và tuy công việc có gian khổ những nếu phải cất nó đi anh “buồn đến chết mất”. Được sống nơi này để làm việc, được cống hiến, với anh, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời. Bên cạnh đó, ta còn thấy ở anh vẻ đẹp của một người sống có lí tưởng, có trách nhiệm. Anh luôn trăn trở về trách nhiệm của bản thân mình với cuộc đời : “Mình sinh là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?”. Nhận thức đó, cho thấy, anh tuy trẻ nhưng không hời hợt trong suy nghĩ. Anh sống một mình nhưng không cô đơn bởi trong tư tưởng của anh luôn có mục đích sống, lẽ sống tồn tại và nhắc nhở. Anh sống vì mọi người, được cống hiến sức mình cho sự nghiệp chung, cho cộng đồng với anh chính là mục đích sống. Không chỉ vậy, qua những lời trò chuyện của anh, ta còn thấy ở anh sự cởi mở, chân thành và lòng hiếu khách. Chỉ gặp ông họa sĩ và cô kĩ sư một cách tình cờ và trong một thời gian ngắn ngủi – vỏn vẹn chí có 30 phút nhưng anh đã tâm tình cởi mở biết bao điều về công việc và cuộc sống của mình với khách. Anh cứ thủ thỉ, tâm tình trò chuyện như đã quen thân từ bao giờ bởi với anh, được gặp người, được trò chuyện là một niềm hạnh phúc. Không dừng lại ở đó, anh còn là người rất ham học hỏi và quan tâm đến đời sống nội tâm. Sống một mình trên đỉnh núi nhưng anh không cảm thấy cô đơn bởi bên cạnh anh lúc nào cũng có sách. Sách giúp anh nâng cao tri thức, nâng cao hiểu biết và giúp anh khuây khỏa trong những phút giây rảnh rỗi. Sách chính là cầu nối anh với cuộc đời, khiến cuộc sống của anh không cô đơn, buồn tẻ như người ta vẫn nghĩ. Có thể nói, chỉ với một đoạn văn ngắn và qua lời tâm sự của nhân vật, đoạn trích đã cho ta thấy được những vẻ đẹp trong tâm hồn, tình cảm, lối sống của anh thanh niên, anh chính là hiện thân cho vẻ đẹp của những người lao động thời kì mới – thời kì xây dựng CNXH.
Chú thích
——–: Câu đơn mở rộng thành phần
==== : phép thế (anh – anh thanh niên)