Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Tài liệu văn 9] Cảm nhận về khổ thơ thứ hai bài “Sang thu” của Hữu Thỉnh

Đề bài : Cảm nhận khổ thơ thứ hai bài “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Bài làm

Thu là thơ của đất trời, là “bình minh mát” của lòng người (Xuân Diệu). Mùa thu vốn là 1 đề tài quen thuộc của thơ ca. Trong kho tàng VHVN có rất nhiều các bài thơ viết về mùa thu như “Chùm thơ thu” (Ng.Khuyến), “Đây mùa thu tới” (X.Diệu), “Tiếng thu” (Lưu Trọng Lưu). Nhưng có lẽ chỉ khi đến với “ Sang thu” của Hữu Thỉnh, ta mới có thể cảm nhận được phần nào cái “cốt tủy chung tình bên trong” của nó. Tất cả mọi vẻ đẹp ở “bề sau, bề sâu, bề xa” của mùa thu đều được gửi gắm qua bài thơ “Sang thu”, trong đó khổ thơ thứ hai của bài đã cho thấy những cảm nhận tinh tế của nhà thơ về quang cảnh thiên nhiên phút giao mùa.

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

       Hữu Thỉnh là một trong những nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sớm gần gũi với thiên nhiên cây cỏ, thơ ông được thừa hưởng cái dạt dào trong cảm xúc về quê hương, đất nước và con người. Ngòi bút của ông rất bắt nhạy với những gì mong manh nhẹ nhàng tưởng như khó nắm bắt nhất. Đó là lí do vì sao khi cảm xúc chợt tìm đến thi nhân, trong cái tiết hanh hanh của thu mới, của hạ cũ, nhà thơ không thể kìm lòng được mà phải cầm bút viết bài thơ “Sang thu” (1977). Bài thơ được ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt là khi còn “ngồi trên một cây ổi chín vàng trong một vườn ổi bạt ngàn”. Chính việc lựa chọn thời điểm độc đáo ấy đã khiến cho người đọc cảm nhận rõ ràng sự vận động, luân chuyển của thời gian, không gian tạo vật.

Nếu khổ thơ thứ nhất là sự bất chợt ngỡ ngàng trước tín hiệu báo thu về thì  khổ thơ thứ hai là sự  chủ động quan sát và cảm nhận cảnh chuyển mùa. Không gian thu ở khổ hai được mở rộng hơn, có chiều dài, chiều rộng và cả chiều cao.

Cái bỡ ngỡ ban đầu vụt tan biến đi nhường chỗ cho những rung cảm mãnh liệt trước không gian thu vời vợi, rộng hơn, nhiều tầng bậc hơn với những nét hữu hình cụ thể.Ở 2 câu thơ đầu tg đã tái hiện lại 1 bức tranh thiên nhiên vừa đậm dà phong vị cổ điển lại vừa có những nét mới mẻ hiện đại:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Hai câu thơ đầu có cấu trúc đối tự nhiên, chặt chẽ: “sông” >< chim, “dềnh dàng” >< “vội vã”. Hình ảnh “dòng sông” được nhân hóa qua từ láy “dềnh dàng” : Tả thực một dòng sông tĩnh lặng, trong trẻo với dòng chảy êm đềm. Con sông như đang được nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả với bão giông gợi ta liên tưởng đến hình ảnh những con người đã đi qua thời chiến, trải qua lửa đạn giờ đang được sống chậm lại, đến lúc được nghỉ ngơi. Hình ảnh những chú “chim” được nhân hóa qua từ láy “vội vã” : Tả thực những cánh chim di cư bay về phương Nam để tránh rét. Những cánh chim như bắt đầu nhanh hơn, gấp gáp hơn khi nhận ra những đợt gió heo may se lạnh đang ùa về.

      Không gian mùa thu mở rộng dần, ngày càng đậm nét hơn qua hình ảnh “sông… dềnh dàng” , “chim… vội vã” – những hình ảnh rất chân thật về thiên nhiên mùa thu. Nhân vật trữ tình đã cảm nhận mùa thu bằng tất cả tâm hồn và con người của mình. Từ làn sương vấn vít trong những rặng cây, lũy tre dọc theo lối ngõ cho đến dòng sông đã qua mùa lũ, giờ đây đều nhẹ nhàng, thanh thản trôi xuôi. Trên nền trời mùa thu trong xanh, những cánh chim dường như cũng vội vã hơn. Hai câu thơ đối nhau rất nhịp nhàng, dựng lên hai hình ảnh đối lập, ngược chiều nhau: sông dưới mặt đất, chim trên bầu trời, sông “dềnh dàng” chậm rãi, chim “vội vã” lo lắng. Đó là sự khác biệt của vạn vật trên cao và dưới thấp trong khoảnh khắc giao mùa.

Tuy nhiên, tả mùa thu, nhà thơ không tả sắc xanh biếc của da trời mà chỉ chú ý đến một chút mây còn vương vấn không khí mùa hè:

           “ Có đám mây mùa hạ

           Vắt nửa mình sang thu”

Nghệ thuật nhân hóa qua cụm từ “ vắt nửa mình”  gợi lên không gian của một bầu trời cao rộng, trong trẻo lúc thu về khiến cho đám mây như có hình, có hồn và trở nên gần gũi, sinh động. Đồng thời còn gợi liên tưởng đến bước đi của thời gian, đám mây như một cây cầu đặc biệt để nối liền những ngày cuối hạ và đầu thu. Chỉ một áng mây bâng khuâng mà có thể thấy được cả cả bầu trời đang nhuộm sắc thu. Lối diễn đạt thật là độc đáo, giàu hình tượng. Chỉ một từ “vắt” thôi, ta có cảm giác như bầu trời được chia đôi với hai khoảng không gian của hai mùa Thu – Hạ.

Những chi tiết thực và hư cứ hoà lẫn vào nhau tạo nên một chất thơ lãng mạn đến lạ lùng. Thời khắc giao mùa được sáng tạo từ một hồn thơ tinh tế, nhạy cảm, độc đáo không những mang đến cho người đọc không gian đất trời lúc sang thu mà còn đọng lại những nỗi bâng khuâng trước vẻ dịu dàng êm mát của mùa thu. Có lẽ đây là hai câu thơ hay nhất trong sự tìm tòi khám phá của Hữu Thỉnh trong khoảnh khắc giao mùa.

Ở khổ thơ này, dòng sông, cánh chim, đám mây đều được nhân hóa khiến cho bức tranh thu trở nên hữu tình, chứa chan thi vị. Cả ba hình ảnh trên là tín hiệu của mùa thu sang còn vương lại một chút gì của cuối hạ. Nhà thơ đã mở rộng tầm quan sát lên chiều cao (chim), chiều rộng (mây) và chiều dài(dòng sông). Phải chăng có sợi tơ duyên đồng cảm giữa con người với thiên nhiên đang vào thu(?).  Qua cách cảm nhận ấy, ta thấy Hữu Thỉnh có một hồn thơ nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết, một trí tưởng tượng bay bổng.

Như vậy, khổ thơ thứ hai nói riêng và bài thơ “ Sang thu” nói chung đã mang đến cho người đọc một món quà thu nhẹ nhàng mà đơn sơ dân dã, bức tranh ấy đã góp thêm cho vườn thơ thu Việt Nam một hương sắc mới đậm hơi thở bình yên của cuộc sống đời thường. Đọc “Sang thu”, chúng ta như thêm yêu mến, tự hào hơn về quê hương, đất nước và con người Việt Nam, về mùa thu đất Bắc.

 

Exit mobile version