Đề bài : Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!
(Ngữ văn 9, tập I, tr.128-129, NXB Giáo dục 2016)
Dàn ý
I.Mở bài: giới thiệu vấn đề nghị luận
Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Thơ ông vừa bình dị, sâu lắng và hàm súc; thường tập trung khai thác ở hai mảng đề tài chính là người lính và chiến tranh. Bài thơ “ Đồng chí” sáng tác năm 1948 là kết quả từ những trải nghiệm của tác giả về thực tế cuộc sống và chiến đấu của bộ đội ta trong những ngày đầu kháng chiến. Qua bài thơ, người đọc thấy được tình cảm đồng chí, đồng đội keo sơn, gắn bó mặn nồng. Đặc biệt, 7 câu thơ đầu bài thơ đã cho thấy cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng đội của những người lính:
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!
II. Thân bài:
1.Giới thiệu khái quát về bài thơ
Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu được sáng tác vào đầu năm 1948 khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra vô cùng ác liệt. Sau khi cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc, Chính Hữu bị ốm nặng được đưa về trạm quân y điều trị. Đơn vị cử một người đồng đội ở lại để chăm sóc ông. Cảm kích trước tấm lòng của người đồng đội ấy, ông đã sáng tác bài thơ này. Bài thơ đã giúp người đọc hiểu thêm về một tình cảm cao đẹp- tình đồng chí và vẻ đẹp tâm hồn của những người lính bộ đội cụ Hồ.
2.Cảm nhận đoạn thơ
a) Cơ sở thứ nhất: sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân
Trước tiên, tình đồng chí bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân nghèo khó:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày nên sỏi đá”
Đọc hai câu thơ đầu, ta nhận ra giọng điệu rất đỗi mộc mạc, giản dị. Nó như một lời thủ thỉ, tâm sự, giãi bày. Tác giả sử dụng nghệ thuật đối để từ đó gợi lên sự đăng đối, sự tương đồng về cảnh ngộ của những người lính. Chính Hữu đã mượn thành ngữ “nước mặn đồng chua” và hình ảnh “đất cày lên sỏi đá” để nói về xuất thân của họ. Nếu như “nước mặc đồng chua” chỉ những vùng đồng chiêm, nước trũng, ngập mặn ven biển, khó làm ăn thì hình ảnh “đất cày lên sỏi đá” lại gợi về những vùng trung du, miền núi, đất đá bị ong hóa, bạc màu, khó canh tác. Lời thơ không đưa ta đến những vùng quê cụ thể nhưng qua cách giới thiệu giản dị, Chính Hữu đã giúp người đọc hình dung được về quê hương của những người lính. Đó là những vùng quê nghèo lam lũ. Ở đó những người nông dân đã cởi bỏ áo nâu ruộng đồng để khoác lên mình màu xanh áo lính. Giữa họ là lòng đồng cảm giai cấp, là cùng chung cảnh ngộ. Chính sự tương đồng về cảnh ngộ, sự đồng cảm về giai cấp là sợi dây tình cảm đã nối họ lại với nhau, từ đây họ đã trở thành những người đồng chí, đồng đội.
b, Cở sở thứ hai: Cùng chung lí tưởng, nhiệm vụ và lòng yêu nước.
Không chỉ được hình thành từ lòng đồng cảm giai cấp, tình đồng chí còn được tạo bởi sự đồng điệu về lí tưởng, nhiệm vụ:
“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu”
Rõ ràng là trước khi nhập ngũ, họ là những người hoàn toàn xa lạ. Nghe theo tiếng gọi của tổ quốc họ lên đường . Ấy vậy mà khi vừa gặp nhau giữa họ đã có một sự gắn kết đến kì lạ. Nếu như ở hai câu thơ đầu, “anh – tôi” được đặt ở hai dòng thơ riêng biệt thì đến đây “anh, tôi” lại được đưa vào cùng một dòng thơ kết hợp với hai chữ “đôi người”. “Đôi người” khác với “hai người” bởi trong “đôi người” có một cái gì đó gắn bó khăng khít lắm. Mặc dù là những người xa lạ nhưng họ chung cảnh ngộ xuất thân giờ lại chung lí tưởng nhiệm vụ nên gắn kết cũng là điều dễ hiểu.
Lời thơ khiến ta nhớ tới những vần thơ của Hồng Nguyên trong bài thơ “Nhớ”
Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ,
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “Một hai”
Súng bắn chưa quen,
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Những người lính ấy cũng ra đi từ những miền quê nghèo khó, xa xôi của Tổ quốc, từ mọi phương trời chẳng hẹn mà nên quen bởi họ đã cùng nhau chung sức chung lòng. Tình yêu tổ quốc, lí tưởng cách mạng, khát vọng giải phóng thân phận đã kéo họ lại gần nhau trong tình cảm thiêng liêng cao đẹp – tình đồng chí.
Hình ảnh thơ “súng bên súng, đầu sát bên đầu” mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc đã diễn tả một cách đầy đủ và trọn vẹn sự gắn bó của những người lính trong quân ngũ. Nếu như “Súng bên súng” là cách nói giàu hình tượng để diễn tả về những người lính cùng chung lí tưởng, nhiệm vụ chiến đấu, họ ra đi để chiến đấu và giải phóng cho quê hương, dân tộc, đất nước; đồng thời giải phóng cho chính số phận của họ thì “Đầu sát bên đầu” là cách nói hoán dụ, tượng trưng cho ý chí, quyết tâm chiến đấu của những người lính trong cuộc kháng chiến trường kì. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ với các từ “sung, đầu” được nhắc lại hai lần đã làm cho câu thơ trở nên chắc khỏe, nhấn mạnh sự gắn kết, cùng chung lí tưởng, nhiệm vụ của những người lính. Có thể nói rằng lí tưởng và mục đích chiến đấu chính là điểm chung lớn nhất, là cơ sở để những con người vốn xa lạ gắn kết với nhau, trở thành đồng chí, đồng đội của nhau.
c, Cơ sở thứ ba: Tình đồng chí còn được nảy nở từ trong những gian lao vất vả.
Cùng với lòng đồng cảm giai cấp và sự đồng điệu trong lí tưởng nhiệm vụ, tình đồng chí của những người lính còn được nảy nở từ trong những vất vả, gian lao. Ở nơi chiến trường đầy khói bom thuốc súng, người chiến sĩ phải chống chọi với bao khó khăn, gian khổ:
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Cuộc sống chiến đấu đã gắn kết những người chiến sĩ. Hai dòng chữ chỉ có một chữ chung mà cái chung đã bao trùm lên tất cả. Câu thơ đã gợi lên một hình ảnh đẹp đong đầy những kỉ niệm. Những người lính đã từng chiến đấu nơi chiến khu Việt Bắc hẳn không ai quên được cái rét của núi rừng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Gió qua rừng Đèo Khế gió sang.
Và cũng chẳng ai quên được sự yêu thương chia sẻ của mọi người “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” (Tố Hữu). Họ cùng nhau chia sẻ vui buồn, họ kể cho nhau nghe về bản thân mình; họ cùng truyền cho nhau hơi ấm tình đồng đội… Và nếu như “anh với tôi” vẫn còn có một chút khoảng cách thì đến bây giờ, khi “đêm rét chung chăn“, mọi khoảng cách đã không còn.
Tất cả những hành động và tình cảm chân thành ấy đã làm nên những người bạn “tri kỉ” tri âm mà cao hơn là tình đồng chí, đồng đội bền chặt, thiêng liêng. Cái hay của nhà thơ là đã biết đem “đêm rét chung chăn” vào bài thơ, sưởi ấm mối tình đồng chí lên thành mức độ tri kỉ. Những người lính đến với nhau nhẹ nhàng, bình dị, vừa có cái chung của lí tưởng lớn, vừa có cái riêng của một đôi bạn ý hợp tâm đầu. Và cứ giản dị như thế, những con người cùng chung gian khó ấy trở thành đồng chí của nhau.
d/ Khổ thơ được kết thúc bằng một câu thơ hết sức đăc biệt:
Đồng chí!
Câu thơ chỉ có hai tiếng và kết thúc bằng dấu chấm than tạo một nốt nhấn, vang lên như một sự phát hiện, lời khẳng định. Đồng thời như một chiếc bản lề khép mở sự lí giải cội nguồn của tình đồng chí ở sáu câu thơ trước với những biểu hiện, sức mạnh của tình đồng chí trong những câu thơ tiếp theo của bài thơ. Nếu coi bài thơ như một cơ thể sống thì hai tiếng “Đồng chí” như một trái tim hồng nuôi sống cả bài thơ. Nó có sức vang dội và ngân nga mãi trong lòng người đọc. Chính Hữu đã từng tâm sự rằng: “Những năm đầu cách mạng từ “đồng chí” mang ý nghĩa thiêng liêng và máu thịt vô cùng. Nơi khó khăn, cuộc sống của người này trở nên cần thiết với người kia. Một người có thể thay thế cho gia đình, cho cha mẹ, vợ con đối với một người khác. Hơn nữa, họ còn bảo vệ nhau trước mũi súng của kẻ thù, cùng nhau đi qua cái chết, chống lại cái chết, cùng nhau thực hiện một lí tưởng cách mạng. Đó là ý nghĩa thiêng liêng của tình đồng chí bấy giờ”. Lời tâm sự của nhà thơ mang đến cho ta cảm nhận thấm thía hơn về tình đồng chí, đồng đội của những người lính cách mạng.
3/ Đánh giá chung
Với giọng điệu tâm tình, thiết tha; lời thơ giản dị, nồng ấm; đoạn thơ đã đi sâu khám phá, lí giải cơ sở của tình đồng chí. Đồng thời tác giả đã cho thấy sự biến đổi kì diệu từ những người nông dân hoàn toàn xa lạ trở thành những người đồng chí đồng, đội sống chết có nhau. Tình đồng chí, đồng đội nảy nở và bền chặt trong sự chan hoà, chia sẻ mọi gian lao cũng như những niềm vui, nỗi buồn. Đó là mối tình tri kỉ của những người bạn chí cốt, những người đồng chí, đồng đội, sống gắn bó bên nhau.
III.Kết bài:
Đoạn thơ kết thúc nhưng dư âm còn vang mãi trong lòng mỗi người. Hình ảnh người chiến sĩ với tình cảm đồng chí, đồng đội như còn khắc sâu trong tâm trí người đọc. Ta thêm cảm phục, tự hào về những con người bình dị mà cao đẹp trong buổi đầu kháng chiến đầy gian khổ, hi sinh để từ đó, ta mới thấy hết được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ và phát triển quê hương, dân tộc mình.