Đề bài : Cảm nhận khổ thơ sau:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
(Viếng lăng Bác – Viễn Phương)
Cuộc đời thanh cao, giản dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là đề tài lớn, là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca. Mỗi tác phẩm viết về Người không chỉ xuất phát từ tình yêu nghệ thuật, lòng biết ơn mà còn là kết tinh của tình yêu lãnh tụ, yêu quê hương đất nước. Có nhiều bài thơ hay, xúc động viết và Bác, trong đó tiêu biểu nhất là bài thơ Viếng lăng Bác của tác giả Viễn Phương. Bài thơ là tình cảm thiết tha, sự xúc động nghẹn ngào pha lẫn nỗi xót đau, lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ và nhân dân Việt Nam dâng lên Bác. Khổ thơ thứ hai của bài đã nói lên niềm xúc động của nhà thơ khi hòa cùng dòng người vào lăng viếng Bác.
Bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương được viết vào tháng 4 năm 1976, một năm sau ngày giải phóng miền Nam,đất nước vừa được thống nhất. Đó cũng là khi lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được khánh thành, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước là được đến viếng lăng Bác. Tác giả là một người con của miền Nam, suốt ba mươi năm hoạt động và chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ xa xôi. Cũng như đồng bào và chiến sĩ miền Nam,nhà thơ mong mỏi được ra thăm Bác và chỉ đến lúc này, khi đất nước đã thống nhất, ông mới có thể thực hiện được ước nguyện ấy. Tình cảm đối với Bác trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác bài thơ này.
Nếu như ở khổ thơ đầu nhà thơ bộc lộ cảm xúc khi đứng trước cảnh vật ngoài lăng, ấn tượng sâu sắc về hàng tre trước lăng thì đến khổ hai nhà thơ tiếp tục thể hiện những xúc cảm của mình trước những đoàn người vào lăng viếng Bác và bộc lộ tình cảm thành kính, biết ơn của nhà thơ với Bác.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật điệp ngữ, hai hình ảnh mặt trời sóng đôi nhau xuất hiện. Mặt trời trên lăng là “mặt trời” của thiên nhiên, vũ trụ ấm áp, rực rỡ chiếu sáng, mang lại nguồn sống cho muôn vật muôn loài trên trái đất. Còn“mặt trời trong lăng” là hình ảnh ẩn dụ để chỉ Bác Hồ. Thực ra, việc ví Bác với mặt trời không phải là tứ thơ mới, trước Viễn Phương đã có rất nhiều nhà thơ đã ví Bác với mặt trời. Tố Hữu đã từng có ý thơ:
Người rực rỡ một mặt trời cách mạng
Mà Đế quốc là loại dơi hốt hoảng
Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người…
Nhưng cái mới mẻ của Viễn Phương là đã kết hợp ẩn dụ với nghệ thuật nhân hóa. Mặt trời của tự nhiên vốn đã đẹp, vốn đã rực rỡ chói lóa, ấy vậy mà vẫn phải ngưỡng mộ trước vẻ đẹp tài năng và nhân cách của Hồ Chí Minh. Với việc ví Bác với mặt trời, Viễn Phương vừa ca ngợi được sự vĩ đại của Bác vừa nhấn mạnh được tư tưởng ngời sáng của Người, lại vừa thể hiện được lòng thành kính của nhân dân, của nhà thơ đối với Bác Hồ.
Cặp câu thơ thứ hai nhà thơ miêu tả:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Nhịp thơ chậm chậm như bước chân đi lặng lẽ. Đoàn người vào lăng viếng Bác nối nhau thành “dòng” không dứt. Thông qua nghệ thuật ẩn dụ dòng người bất tận kia trở thành “tràng hoa” dâng lên vị cha già dân tộc. “Tràng hoa” có thể là hình ảnh thực, có thể là ẩn dụ chỉ tấm lòng, tượng trưng cho muôn triệu cuộc đời nở hoa dưới ánh sáng mặt trời Bác Hồ rực rỡ. Dù hiểu theo cách nào hình ảnh thơ cũng thật đẹp.
Điệp ngữ “ngày ngày” được nhắc lại hai lần, vừa có ý nhấn mạnh, vừa có ý so sánh. Giống như “mặt trời đi qua trên lăng”, tình cảm của nhân dân với Bác cũng vĩnh hằng như quy luật vận hành của vũ trụ. Hơn thế nữa, niềm thương nhớ Bác được Viễn Phương diễn tả qua một hình ảnh xúc động “đi trong thương nhớ”. Thương nhớ từ lòng người, nhuốm phủ lên tất cả để làm thành không gian thương nhớ. Hóa ra niềm tôn kính Bác đâu chỉ của riêng nhà thơ. Niềm tôn kính Bác là của chung dân tộc. Tình cảm ấy không vô hình, cụ thể bao trùm lên trong không gian, thời gian vô tận “ngày ngày”.
Đặc biệt, hình ảnh “bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ thật đẹp mang ý nghĩa tượng trưng vì “mùa xuân” không chỉ gợi tuổi mà còn gợi đến sự bất tử và khẳng định sức cống hiến không mệt mỏi, thanh xuân tươi trẻ mãi của Bác Hồ cho đất nước, nhân dân. “bảy mươi chín mùa xuân”, Bác ra đi khi vừa tròn 79 tuổi – 79 năm -79 mùa xuân Bác đã cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp của dân tộc mà không giành một chút riêng tư về mình.
Xin nhớ từ đây nhớ lại ngày
Bác Hồ từ giã cõi hôm nay
Bảy mươi chín xuân trong sáng ấy
Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay.
(Theo chân Bác – Tố Hữu)
Bằng thể thơ tám chữ, ngôn ngữ bình dị, nhịp thơ chậm dãi, giọng điệu trang trọng và cảm xúc thiết tha thiết kết hợp nhiều hình ảnh ẩn dụ, điệp ngữ, nhân hóa, khổ thơ thứ hai đã nói hộ bao người tình cảm thành kính, biết ơn với Bác người đã đem lại mùa xuân nở hoa mãi mãi cho dân tộc chúng ta.
Chỉ một khổ thơ ngắn thôi nhưng cũng đủ để thể hiện những cảm xúc chân thành, thiêng liêng của nhà thơ và cũng là của nhân dân với Bác. Bài thơ gần gũi dễ đi vào lòng người bởi cảm xúc của nhà thơ cũng chính là tấm lòng của toàn dân tộc. Đọc bài thơ Viếng lăng Bác, chúng ta như càng kính yêu và biết ơn đối với chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu ngàn đời của dân tộc Việt Nam.