I/ Tìm hiểu chung
1/ Tác giả Ngô Tất Tố
– Ngô Tất Tố ( 1893 – 1954) , quê ở làng Lộc Hà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội).
– Ông là người thông minh, tài giỏi , ông là một nhà văn, nhà báo, nhà dịch thuật, khảo cứu nổi tiếng.
– Ông được đánh giá là “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho” (Vũ Trọng Phụng).
– Tác phẩm chính của ông: tiểu thuyết “Tắt đèn”, “Lều chõng”, Phóng sự “Việc làng”.
– Ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
2/ Văn bản “Tức nước vỡ bờ”
a/ Xuất xứ
Được trích từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Đây là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của NTT đồng thời cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của trào lưu văn học trước cách mạng.
b/ Thể loại : tiểu thuyết
c/ Phương thức biểu đạt chính: tự sự
d/ Nhan đề : TỨC NƯỚC VỠ BỜ
– “Tức nước vỡ bờ” là một thành ngữ dân gian . “Tức” chỉ trạng thái bên trong bị dồn nén, đầy chặt quá đến mức muốn bung ra. Câu thành ngữ có ý nghĩa chỉ sự chèn ép , áp bức quá khiến người ta phải vùng lên để chống đối, phản kháng lại. Câu thành ngữ nêu lên một quy luật tự nhiên mà lại có ý nghĩa xã hội sâu sắc , thâm thúy vô cùng. (thành ngữ tương ứng : Con giun xéo lắm cũng quằn, già néo đứt dây)
– Nhan đề rất phù hợp với nội dung, ý nghĩa của đoạn trích . Sự áp bức trắng trợn của bọn tay cho chế độ thực dân phong kiến đã buộc người phụ nữ nông dân đầy nhẫn nhịn như chị Dậu phải “vỡ bờ” đứng dậy đấu tranh.
– Nhan đề còn toát lên một chân lí: con đường sống của quần chúng bị áp bức chỉ có thể là con đường đấu tranh để tự giải phóng mình, không còn con đường nào khác.
e/ bố cục
– Từ đầu –> ngon miệng hay không : Tình thế của gia đình chị Dậu
– Còn lại : Chị Dậu đương đầu với bọn tay sai để bảo vệ chồng
II/ Phân tích
1/ Tình thế của gia đình chị Dậu.
– Vụ thuế đang vào thời điểm gay gắt nhất : quan về thúc thuế , bọn tay sai hung hăng xông vào những nhà chưa nộp thuế để bắt người, đánh trói , mang ra đình cùm kẹp.
– Gia đình chị Dậu thuộc vào hạng cùng đinh, không có tiền nộp sưu, phải bán con, bán chó, bán cả gánh khoai mới đủ tiền nộp xuất sưu cho anh Dậu nhưng anh Dậu vẫn chưa được tha bởi nhà chị còn thiếu xuất sưu của người em chồng đã chết từ năm ngoái. Chính vì thế, anh Dậu dù ốm nặng, mười phần chết chín, vẫn bị bắt trói ra đình vì thiếu sưu của nhà nước.
– Anh Dậu tưởng chết đêm qua, vừa mới tỉnh dậy, nếu như bị đánh trói nữa thì sẽ chết mất, khó mà sống nổi.
– Tình thế này chính là hoàn cảnh để làm nổi bật tình yêu thương chồng và sức phản kháng tiềm tàng, mãnh liệt ở chị Dậu.
2/ Chị Dậu đương đầu với bọn tay sai để bảo vệ chồng
a/ Hình ảnh bọn tay sai (cai lệ và người nhà lí trưởng)
– Cai lệ và người nhà lí trưởng xuất hiện bất ngờ, đột ngột trong tình cảnh bối rối của gia đình chị Dậu. Anh Dậu vừa tỉnh dậy, run rẩy cất bát cháo kề vào miệng định ăn như cố níu kéo chút hơi tàn của cuộc sống thì cai lệ và người nhà lí trưởng sầm sập tiến vào với roi song, tay thước và dây thừng. Chúng hệt như những con quỷ dữ từ âm phủ hiện về.
– Vừa vào tới nhà, bọn chúng đã quát tháo, chửi bới và đe dọa chị Dậu. Lời lẽ, cách xưng hô của cai lệ thật là thô tục: “Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à?”. Hắn dọa “dỡ nhà”, dọa trói cổ anh Dậu, điệu ra đình.
– Hành động của Cai lệ còn tàn bạo hơn nữa. Hắn “giật phắt cái dây thừng trong tay người nhà lí trưởng, sầm sập đến chỗ anh Dậu”. Trắng trợn hơn, tàn độc hơn, tên ác quỷ ấy còn đánh chị Dậu, hắn bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch và còn “tát vào mặt chị một cái đánh bốp”. Hắn hung hăng, chẳng khác nào một con thú dữ, hắn bỏ ngoài tai tất cả những lời van xin tha thiết của chị Dậu.
– Thảm hại thay cho kết cục của những kẻ cậy quyền cậy thế , mượn uy danh lũ thống trị để ức hiếp người dân song thực chất chỉ là những kẻ hèn yếu, xấu xa: tên cai lệ bị chị Dậu túm cổ, ấn dúi ra cửa, đẩy ngã chỏng quèo trên mặt đất còn tên người nhà lí trưởng thì bị chị túm tóc, lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm.
– Cai lệ và người nhà lí trưởng thực sự là những kẻ độc ác, bất nhân, sống thiếu tình người. Chúng chính là hình ảnh đại diện cho bọn thống trị tàn ác lúc bấy giờ.
b/ Hình ảnh chị Dậu
- Chị Dậu là một người vợ, một người mẹ giàu lòng yêu thương
– Trong cơn nguy kịch, chị cố gắng lay gọi và tìm mọi cách để cứu chữa cho chồng.
– Nhờ người hàng xóm tốt bụng cho vay bát gạo về nấu cháo , chị vội vàng nhóm bếp, rồi cháo chín, chị bắc nồi cháo ra giữa nhà, múc la liệt ra bát rồi lấy quạt quạt cho chóng nguội để chồng húp vài húp vì chồng chị “đã nhịn suông suốt từ hôm qua đến giờ còn gì…” à Những chi tiết rất nhỏ nhưng đã nói lên sự sốt sắng, nóng lòng với tất cả tình yêu thương, sự chăm lo của chị Dậu dành cho chồng trong cơn nguy kịch.
– Khi tiếng trống, tiếng tù và nổi lên, chị Dậu cất tiếng khẩn khoản, thiết tha mời chồng: “Thầy em hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột.” . Lời của người đàn bà nhà quê mời chồng ăn cháo trong lúc hoạn nạn đã chứa đựng biết bao tình yêu thương, sự vỗ về, an ủi.
– Hành động của chị “rón rén bưng bát cháo đến chỗ chồng nằm” và ngồi chờ xem chồng ăn có ngon miệng không đã biểu lộ sự săn sóc, sự yêu thương của người vợ dành cho chồng đang khi đau ốm , tính mạng đang bị bọn cường hào đe dọa.
– Ngay cả hành động đứng ra đối phó với bọn nha lệ , tay sai để bảo vệ người chồng ốm yếu cũng là biểu hiện đẹp đẽ nhất của tình yêu thương chồng trong chị. Từ nhẫn nhịn van xin để bọn chúng không hành hạ anh Dậu đến đấu lí cứng cỏi và đấu lực kiên quyết, những hành động đó ở chị đều nhất quán ở một mục đích : bảo vệ chồng, không để chúng hành hạ chồng thêm nữa.
- Chị Dậu là người phụ nữ nông dân có sức sống, sức phản kháng tiềm tàng, mạnh mẽ.
– Lúc cai lệ và người nhà lí trưởng sầm sập tiến vào, chị vẫn dịu dàng, bình tĩnh và nhẫn nhịn van xin . Chị đã cố kìm nén, cố gắng chịu đựng mọi nỗi đau , kể cả bị sỉ nhục, chửi bới.
– Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, chị Dậu càng nín nhịn thì cai lệ lại càng lấn tới, hắn bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn tới để trói anh Dậu cho nên buộc chị phải liều mạng cự lại: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ.”. Chị đã thay đổi cách xưng hô, không gọi chúng là “ông” và xưng là “cháu” nữa mà gọi là “ông” và xưng “tôi” ở vị thế ngang hàng để cứng cỏi đấu lí với bọn chúng.
– Cai lệ chẳng những không nghe mà còn “tát vào mặt chị một cái đánh bốp rồi cứ nhảy vào cạnh anh Dậu” . Lúc này, ngọn lửa căm hận đã khiến chị đứng thẳng lên, chị nghiến hai hàm răng và thách thức kẻ thù : “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!” . Tư thế của chị Dậu đã có một bước nhảy vọt . Một lần nữa chị đã thay đổi cách xưng hô, chị gọi bọn chúng là “mày” và xưng là “bà” , chị đã đứng trên đầu bọn tay sai vô lại để hạ uy thế của chúng.
– Và rồi, chị Dậu đã vùng lên nhanh nhẹn, táo tợn , ngang tàng, chỉ trong chốc lát đã quật ngã cả hai tên đầu trâu mặt ngựa. Tên cai lệ bị chị túm lấy cổ, ấn dúi ra cửa và đẩy hắn ngã chỏng quèo ra mặt đất còn tên người nhà lí trưởng thì bị chị túm tóc, lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm.
– Trước sự can ngăn của chồng, chị Dậu vẫn chưa nguôi cơn giận : “Thà ngồi tù, để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được”. Câu trả lời của chị đã nói lên một quy luật tất yếu: có áp bức, có đấu tranh.
=> Bằng nghệ thuật liệt kê tăng cấp , sự phản kháng của chị Dậu diễn ra theo một quá trình từ thấp đến cao, phù hợp với hoàn cảnh và tâm trạng. Ở chị Dậu luôn tiềm tàng một tinh thần phản kháng rất quyết liệt. Với nhân vật chị Dậu, Ngô Tất Tố đã mở đường cho người nông dân lương thiện bị áp bức dám đứng lên đấu tranh chống lại cường quyền.
- Chị Dậu là người phụ nữ nông dân có số phận đáng thương với sự vất vả , nghèo đói, khốn khổ. Chị là nạn nhân của cái đói, cái nghèo , của chính sách sưu cao thuế nặng , của những áp bức, bóc lột bất công.
Qua nhân vật chị Dậu, nhà văn đã ngợi cả vẻ đẹp của những người phụ nữ nông dân Việt Nam tuy nghèo khổ nhưng giàu tình thương và có tinh thần phản kháng, dám đứng lên đấu tranh chống áp bức, cường quyền . Cùng với đó là tiếng nói lên án, tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến với những bất công, tàn bạo, đè đầu cưỡi cổ người dân hiền lành, lương thiện.
III/ TỔNG KẾT – ghi nhớ sgk
🔻 Xem thêm:
- Phân tích đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”- Kiểu bài chứng minh nhận định
- “Tức nước vỡ bờ” và vấn đề con đường cho người nông dân