Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Tài liệu văn 8] Tìm hiểu văn bản “Lão Hạc”

I/ Tìm hiểu chung

1/ Tác giả Nam Cao

– Nam Cao (1915 – 1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam.

– Nam Cao là cây bút hiện thực xuất sắc của trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945. Những sáng tác của Nam Cao trước cách mạng tập trung ở hai đề tài lớn: người nông dân và người trí thức tiểu tư sản.

– Nam Cao không chỉ là một nhà văn hiện thực xuất sắc mà còn là một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn . Ông luôn đau xót và bất bình trước tình cảnh những người nông dân lương thiện bị đày đọa trong cái đói, cái ác , bị lăng nhục, hắt hủi một cách tàn nhẫn và bất công. Ông đã đứng ra để bênh vực họ, minh oan và chiêu tuyết cho họ.

2/ Tác phẩm “Lão Hạc”

a/ Hoàn cảnh sáng tác và xuất xứ:

“Lão Hạc” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất viết về bi kịch của người nông dân , đăng báo lần đầu vào năm 1943.

b/ Thể loại và phương thức biểu đạt:

+ Thể loại : truyện ngắn

+ PTBĐ chính : tự sự

c/ Ngôi kể và tác dụng:

+ Ngôi kể: truyện được kể theo ngôi thứ nhất theo lời kể của nhân vật ông giáo.

+ Tác dụng:

Người kể là người chứng kiến câu chuyện cho nên sẽ tạo được sự chân thực cho câu chuyện.

Người kể có thể tự do bình luận, bày tỏ cảm xúc, tạo được sự sinh động và chiều sâu cho câu chuyện.

d/ Nhan đề : LÃO HẠC

Nhan đề ngắn gọn nhưng có ý nghĩa sâu xa:

+ Nhan đề cũng là tên của nhân vật chính. Nội dung của tác phẩm xoay quanh số phận nghèo khổ của nhân vật Lão Hạc.

+ Nhan đề đã gợi được sự đồng cảm của người đọc với thân phận của người nông dân đồng thời gợi sự căm phẫn với ách thống trị của bọn thực dân phong kiến.

e/ Tóm tắt :

II/ Phân tích

1/ Nhân vật Lão Hạc

a/ Tình cảnh của lão Hạc

– Lão Hạc rất nghèo, vợ lão mất sớm, lão phải sống cảnh gà trống nuôi con.

– Con trai lão vì nghèo không lấy được vợ đã phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su.

– Lão chỉ có duy nhất một con chó để làm bạn – con chó là kỉ vật con trai lão để lại nên lão rất yêu thương, quý nó như con, gọi nó bằng cái tên thân mật “Cậu Vàng”.

– Sau một trận ốm, lão yếu đi nhiêu, bao nhiêu tiền dành dụm từ việc bòn vườn đã chi tiêu gần hết trong trận ốm. Cùng với đó, một trận bão to đã quét sạch tất cả hoa màu trong vườn của lão . Lão rơi vào tình cảnh túng thiếu đến cùng cực.

– Cũng vì nghèo túng, lão phải bán đi người bạn thân thiết nhất của mình là cậu Vàng dù lão vô cùng đau khổ chỉ vì một lẽ cậu ăn khỏe quá mà lão lại không đủ khả năng nuôi cậu.

– Đói khổ , túng bấn càng thêm nặng nề, lão chỉ còn cách ăn sung, ăn ráy cho qua ngày đoạn tháng và kiên quyết khước từ sự giúp đỡ từ ông giáo.

– Cuối cùng, để không ăn phạm vào số tiền dành dụm cho con, để không phải lụy phiền hàng xóm , lão Hạc đã tìm đến cái chết như một cách để giữ trọn tình của người cha và giữ trọn lòng tự trọng. Lão đã chọn một cái chết thật dữ dội – chết bằng bả chó như một cách để tạ tội với cậu Vàng.

b/ Phẩm chất của lão Hạc

– Vợ lão mất sớm, con trai lão ở xa, lão dành hết tình cảm cho con chó vàng, lão coi nó như một người bạn thân thiết, như con, như cháu:

+ Lão gọi nó là Cậu Vàng như bà lão hiếm hoi gọi đứa con cầu tự.

+ Chăm sóc nó một cách chu đáo: cho nó ăn trong một cái bát như nhà giàu, lão ăn gì cũng chia cho nó cùng ăn, khi uống rượu, lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ.

+ Rồi lão nói chuyện với nó, mắng yêu nó , nói với nó như nói với đứa cháu về bố của nó…

– Lão phải bán cậu Vàng vì lão không còn lựa chọn nào khác. Lão không nuôi nổi cậu nữa và sợ phạm vào số tiền dành dụm cho con. Đó là nỗi đau đớn, là quyết định không dễ dàng cho nên lão cứ đắn đo, do dự mãi khi quyết định bán cậu Vàng.

– Sau khi bán cậu Vàng đi rồi, lão vô cùng ân hận, dày vò vì nghĩ mình đã lừa một con chó : “ Lão cố làm ra vẻ vui vẻ nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt ầng ậng nước”, lão hu hu khóc và dằn vặt bản thân mình “Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu còn đi lừa một con chó”.

– Phải có một trái tim vô cùng nhân hậu và trong sạch thì lão mới dày vò lương tâm mình đến như vậy, mới cảm thấy có lỗi với một con chó đến như vậy. Điều này cho người đọc thấy được sự ngay thẳng và cao đẹp trong nhân cách của Lão Hạc.

– Từ khi con trai lão phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su vì không lấy được vợ, lão Hạc vừa thương con, vừa mong đợi mỏi mòn lại vừa mang tâm trạng ăn năn, day dứt khi nghĩ mình không làm tròn bổn phận của người cha, đã không lo nổi hạnh phúc cho con.

– Người cha tội nghiệp này còn mang cảm giác day dứt vì đã không cho con bán vườn để lấy vợ.

– Lão cố gắng tích cóp, dành dụm quyết giữ trọn cho con mảnh vườn để khi con về có tiền lấy vợ, có vườn để ở. Trước khi chết, lão sang nhờ ông giáo giữ hộ mảnh vườn để khi con trai lão về có đất để làm ăn, sinh sống.

– Dù bị đẩy vào tình cảnh khốn cùng bữa khoai, bữa ráy nhưng lão vẫn kiên quyết không ăn vào số tiền dành dụm cho con . Lão thà chết chứ không tiêu vào tài sản dành dụm cho con, nhất quyết không bán đi ba sào vườn mà vợ lão trước khi chết đã cố tậu cho con trai của lão.

=> Lão Hạc quả là người cha có tình thương con sâu nặng, sẵn sàng hi sinh tất cả vì con.

– Trong đói khổ cùng cực, phải ăn củ chuối, củ ráy cho qua ngày đoạn tháng nhưng khi ông giáo mời lão ăn khoai, uống nước chè thì lão lại cười hồn hậu “ông giáo cho để khi khác”.

– Và khi ông giáo ngấm ngầm giúp đỡ lão thì lão đã từ chối một cách gần như là hách dịch.

– Trước khi chết, lão đã gửi ông giáo 30 đồng bạc để nhờ hàng xóm lo ma chay khi lão chết đi vì lão không muốn phiền lụy đến hàng xóm láng giềng, không muốn mọi người phải khổ sở, vất vả vì mình.

– Hành động tìm đến cái chết của lão Hạc cũng chính là biểu hiện của lòng tự trọng. Lão chết để giữ trọn nhân cách của mình bởi vì nếu tiếp tục sống thì có thể lão phải nhờ vào sự thương hại của hàng xóm và thậm tệ hơn có thể lão phải đi ăn cắp, ăn trộm.

Tiểu kết: Cuộc đời lão Hạc là cuộc đời đầy nước mắt, nhiều đau khổ và bất hạnh. Sống thì âm thầm , nghèo đói, cô đơn; chết thì quằn quại, đau đớn. Tuy thế, ở lão lại ánh lên bao phẩm chất tốt đẹp: hiền lành, nhân hậu, chất phác, thật thà, vị tha, trong sạch và giàu lòng tự trọng. Lão Hạc chính là hình ảnh điển hình cho vẻ đẹp và số phận của những người nông dân trong xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám đã được nhà văn Nam Cao miêu tả với bao trân trọng, xót thương và chứa chan tinh thần nhân đạo thống thiết.

2/ Nhân vật ông giáo

– Ông giáo chính là hiện thân cho vẻ đẹp của người trí thức nghèo trong xã hội cũ.

– Không rõ tên họ là gì nhưng hai tiếng “ông giáo” đã khẳng định vị thế của con người ở làng quê trước năm 1945 “nhiều chữ nghĩa, nhiều lí luận, người ta kiêng nể”. Hai tiếng “ông giáo” từ miệng lão Hạc nói ra lúc nào cũng đượm vẻ thân tình, cung kính và trọng vọng: Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!, Vâng, ông giáo dạy phải!,…

– Con người “nhiều chữ nghĩa” ấy lại rất nghèo. Sau một trận ốm nặng ở Sài Gòn về, quần áo phải bán đi gần hết, chỉ còn có một va li sách. Lão Hạc quý cậu Vàng của mình bao nhiêu thì ông giáo cũng quý những quyển sách của ông bấy nhiêu. Nhưng cái nghèo cứ đeo đẳng mãi, quý sách là thế nhưng ông giáo cứ phải bán dần đi. Cuối cùng chỉ còn lại 5 quyển với lời thề “có chết cũng không bán”. Thế rồi như một kẻ cùng đường phải bán máu , đứa con ốm nặng, ông giáo phải bán đi 5 quyển sách còn lại – gia tài cuối cùng của người trí thức nghèo. Lời than của ông giáo “Lão Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu. ” nghe thật não nuột, thể hiện một nhân cách đẹp trước sự khốn cùng: biết sống và biết hi sinh vì cuộc sống.

– Ông giáo là người có trái tim nhân hậu và đáng quý. Ông chính là chỗ dựa tinh thần, là nguồn an ủi, động viên của lão Hạc; là nơi lão Hạc chia sẻ bao niềm vui, nỗi buồn. Lúc thì lão Hạc nhờ ông giáo đọc một lá thư, lúc lại nhờ ông giáo viết cho con trai đi phu đồn điền cao su mấy dòng chữ, lúc lại chia sẻ chuyện mảnh vườn và chuyện con trai phẫn chí không lấy được vợ rồi cả chuyện bán cậu Vàng,… ông giáo đã chia sẻ và đồng cảm với lão Hạc bằng cat tình người sâu nặng. Ông giáo còn ngẫm ngầm giúp đỡ lão Hạc khi biết lão nhiều ngày phải ăn khoai, ăn ráy, ăn sung, củ chuối,…trong lúc đàn con của ông cũng đang đói, ông sẵn sàng chia sẻ ngay cả khi bản thân mình cũng khó khăn.

– Ông giáo tuy nghèo nhưng đức độ và ngay thẳng. Chính vì vậy mà lão Hạc đã tin tưởng và nhờ cậy ông giáo trông coi hộ mảnh vườn và cầm hộ 30 đồng bạc để lo ma chay sau khi lão chết đi.

– Ông giáo chính là hình ảnh điển hình cho vẻ đẹp và số phận của những người trí thức tiểu tư sản nghèo trong xã hội cũ.

III/ Tổng kết

1/ Nghệ thuật

– Có sự kết hợp nhuần nhụy giữa tự sự, miêu tả và biểu cảm.

– Cách kể chuyện tự nhiên, linh hoạt và khách quan

– Xây dựng nhân vật tiêu biểu, điển hình

– Có sự kết hợp giữa triết lí và trữ tình.

2/ Nội dung

Truyện đã thể hiện một cách chân thực và cảm động số phận đau thương của người nông dân trong xã hội cũ và phẩm chất cao quý, tiềm tàng ở họ. Qua đó, nói lên tấm lòng yêu thương, trân trọng của nhà văn dành cho những người cùng khổ.

🔻 Xem thêm:

Exit mobile version