Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Tài liệu văn 8] Phân tích văn bản “Cô bé bán diêm”

VĂN BẢN : CÔ BÉ BÁN DIÊM

An – đec – xen

I/ Tìm hiểu chung

1/ Tác giả An – đec – xen

– An- đéc-xen (1805-1875) là nhà văn nổi tiếng của Đan Mạch.

– Ông nổi tiếng với loại truyện viết cho trẻ em, bạn đọc khắp năm châu quen thuộc với truyện của ông.

– Truyện ông viết toát lên lòng thương yêu con người, nhất là những người nghèo khổ.

2/ Tác phẩm “Cô bé bán diêm”

a/ Hoàn cảnh sáng tác

Truyện “Cô bé bán diêm” được sáng tác vào năm 1845 khi tên tuổi của tác giả An – đéc – xen đã lừng danh trên thế giới với trên 20 năm cầm bút.

b/ Thể loại: truyện cổ tích

c/ Ngôi kể : ngôi ba

d/ Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm

e/ Tóm tắt:

Truyện kể về một em bé bán diêm trong đêm giao thừa rét mướt. Hoàn cảnh của em rất đáng thương, bà nội và mẹ của em đã mất, em ở cùng với người bố nát rượu, cộc cằn, thô lỗ trong một gác xép sát mái nhà. Cả ngày em chẳng bán được bao diêm nào trong khi ngoài trời gió và rét dữ dội, mọi  nhà đều sáng rực ánh đèn và mùi thức ăn thơm phức. Em đánh liều quẹt lần lượt những que diêm và những mộng tưởng tươi sáng đã hiện ra: lò sưởi ấm áp, bàn ăn thịnh soạn, cây thông nô – en, bà nội hiện lên mỉm cười,….Nhưng mỗi lần diêm tắt thì thực tế lại hiện ra với bức tường lạnh lẽo, rét mướt và một mình em co ro, tội nghiệp. Sáng hôm sau, người ta thấy em đã chết trong một xó tường với đôi má ửng hồng và đôi môi đang mỉm cười trước sự thờ ơ, lạnh lùng của những người qua đường.

f/ Bố cục: 3 phần

– Từ đầu =>  cứng đờ ra : Hoàn cảnh đáng thương, tội nghiệp của em bé.

– Tiếp => về trầu thượng đế: Những mộng tưởng của em bé qua những lần quẹt diêm

– Còn lại : cái chết thương tâm của em bé

II/ Phân tích văn bản

1/ Hoàn cảnh đáng thương, tội nghiệp của em bé

– Bà nội và mẹ của em đều đã mất, em phải sống cùng với một người cha nát rượu, cộc cằn, thô lỗ trong một cái gác xép sát mái nhà rất tối tăm và lạnh lẽo.

– Em luôn phải nghe những lời mắng nhiếc, chửi rủa từ người cha nát rượu và phải đi bán diêm để kiếm sống mà không được đến trường , không được sống trong tuổi thơ êm đềm mà đứa trẻ nào cũng có.

– Trong đêm giao thừa rét mướt, mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và phố xá sực nức mùi ngỗng quay. Đây là thời điểm mọi người về đoàn tụ bên gia đình, sum họp trong không khí đầm ấm yên vui để đón chờ thời khắc của năm mới . Vậy mà, em phải đi bán những que diêm để kiếm sống, mình em lang thang trong cái rét cắt da, cắt thịt. Em ngồi nép vào một góc tường, thu đôi chân vào người và giá rét mỗi lúc một tái tê hơn. Em không thể về nhà vì không bán được bao diêm nào, lại chẳng được ai bố thí cho một đồng xu, chắc chắn em sẽ bị ba đánh.

– Em bé thật cô đơn, nghèo khổ, bất hạnh và thiếu thốn tình yêu thương.

2/ Những mộng tưởng của em bé qua những lần quẹt diêm

– Lần quẹt diêm thứ nhất, em tưởng như mình đang ngồi cạnh một lò sưởi bằng sắt, lửa cháy nom đến vui mắt và hơi ấm tỏa ra dịu dàng.

=> Mong ước được sưởi ấm bởi em đang rất lạnh.

– Lần quẹt diêm thứ hai: Em thấy bàn ăn đã dọn sẵn, khăn trải bàn trắng tinh, bát đĩa toàn bằng đồ sứ quý giá và có cả một con ngỗng quay.

=> Mong ước được ăn vì em đang rất đói.

– Lần quẹt diêm thứ ba: Em thấy cây thông Nô-en lớn, trang trí lộng lẫy với hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh.

=> Mong ước được vui chơi giống như các bạn nhỏ khác.

– Lần quẹt diêm thứ tư: em thấy bà nội đang mỉm cười với mình và em cầu xin bà cho em cùng đi.

=> Mong ước được chở che, được yêu thương

– Lần quẹt diêm thứ năm: em thấy bà to lớn và đẹp lão, bà cầm tay em rồi hai bà cháu bay về trời.

=> Mong ước thoát khỏi cô đơn, đói rét và buồn đau chốn trần gian.

Mỗi lần quẹt diêm, đốt lửa là mỗi lần cô bé bất hạnh thể hiện ước mơ, khát vọng của mình. Những ước mơ của em thật giản dị, trong sáng, thật ngây và nhân hậu. Em khao khát có cuộc sống vật chất đủ đầy, được hưởng niềm vui tinh thần, được sống trong gia đình êm ấm, được chăm sóc, yêu thương. Đó là những ước mơ, khát vọng chính đáng.

– Khi những que diêm lần lượt tắt đi thì thực tế phũ phàng lại ập đến:

+ lần 1: lò sưởi biến mất và niềm vui cũng vụt tắt, em bần thần nghĩ đến nhiệm vụ bán diêm và lời trách mắng của cha.

+ Lần 2: bàn ăn và ngỗng quay cũng biến mất, chỉ còn bức tường dày đặc và phố xá lạnh lẽo, vắng teo ; khách qua đường vội vã, hoàn toàn lãnh đạm với em.

+ Lần 3: tất cả những ngọn nến bay lên, bay lên mãi và biến thành những ngôi sao trên bầu trời.

+ Lần 4,5 : diêm tắt, ảo ảnh rực sáng trên gương mặt cũng biến đi mất.

Thực tế đen tối, đau xót đã dập tắt sự sống leo lét của em.

3/ Cái chết của em bé

Em bé chết với đôi má ửng hồng và đôi môi đang mỉm cười . Cái chết của em bé không bi lụy mà được miêu tả rất đẹp. Đó là cái chết của một người đã toại nguyện.

Nguyên nhân dẫn đến cái chết của em bé:

+ Em đã chết vì đói và rét trong đêm giao thừa.

+ Em đã chết vì sự độc ác, tàn nhẫn của người cha.

+ Em đã chết vì sự thờ ơ, lạnh lùng và vô cảm của người đời.

Cái chết của em bé chính là sự giải thoát khỏi mọi nỗi buồn đau, bất hạnh. Đó cũng là lời tố cáo sự độc ác của người cha và sự thờ ơ, vô cảm của người đời trước một em bé khốn khổ.

Qua những trang viết thấm đẫm cảm xúc yêu thương, tác giả cũng bày tỏ nỗi xót xa, đau đớn và niềm cảm thông sâu sắc cho những em bé bất hạnh. Tác giả cũng nhận thấy và trân trọng những ước mo nhỏ bé của em. Đây chính là yếu tố làm nên tư tưởng nhân văn, nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm.

III/ Tổng kết (ghi nhớ sgk)

Exit mobile version