Đề bài : Cảm nhận tình yêu quê hương đất nước trong bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh.
Gợi ý
I/ Mở bài:
– Dẫn dắt đề tài tình yêu quê hương ;
– Nêu vấn đề: Tình yêu quê hương sâu sắc của nhà thơ Tế Hanh trong bài « Quê hương »
II/ Thân bài:
1/ Giới thiệu chung
– Xuất xứ của bài thơ
– Trong bài thơ “Quê hương” những tình cảm cao đẹp của Tế Hanh đó chính là tình yêu quê hương tha thiết và nỗi nhớ quê hương da diết, không nguôi của nhà thơ. Đây là những tình cảm chân thành, trong sáng, cao đẹp là tấm lòng hiếu thảo của người con đối với quê hương.
2/ Phân tích
a/ Đọc bài thơ “Quê hương”chúng ta cảm nhận được tình yêu quê hương tha thiết của nhà thơ. Tế Hanh rất yêu quê hương làng chài của mình. Tình yêu quê thể hiện qua từng lời giới thiệu về quê hương. Nhà thơ yêu quê, yêu tất cả những gì gần gũi, thân thiết của làng quê.
– Yêu vẻ đẹp của con thuyền, yêu vẻ đẹp của cánh buồm ra khơi. Biện pháp so sánh con thuyền như “con tuấn mã” cùng với những động từ phăng, vượt gợi lên hình ảnh con thuyền đang băng mình ra khơi thật khoẻ khoắn, dũng mãnh, làm chủ biển khơi bao la. Đó cũng chính là sức sống, khí thế của dân trai tráng – những con người hăng say lao động, tự tin, kiêu hãnh giữa biển cả, đất trời. Hình ảnh cánh buồm căng gió biển khơi được so sánh với “mảnh hồn làng” thật độc đáo, bất ngờ, gợi nhiều liên tưởng thú vị. Nghệ thuật ẩn dụ (mảnh hồn làng) cánh buồm trở thành biểu tượng của làng chài. Nghệ thuật nhân hóa (Rướn) cho thấy cánh buồm như có hồn, sức sống riêng.
– Yêu vẻ đẹp của người dân chài lưới:
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Hình ảnh người dân chài được miêu tả vừa chân thực vừa lãng mạn và trở nên có tầm vóc phi thường. Người lao động làng chài – những người con của biển khơi – nước da ngăm nhuộm nắng, gió, thân hình vạm vỡ và thấm đậm vị mặn mòi, nồng tỏa “vị xa xăm” của biển khơi. Đó là tình quê, tình yêu làng chài rất trong sáng của Tế Hanh.
-Yêu vẻ đẹp con thuyền trở về thư giãn nghỉ ngơi:
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong vợ.
Hình ảnh con thuyền “nghỉ ngơi” sau chuyến ra khơi vất vả thực sự là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Nó là một biểu tượng đẹp của làng chài, của những cuộc đời trải qua bao phong sương thử thách, bao dạn dày sóng gió. Con thuyền được nhân hóa như một con người cụ thể có tâm hồn và những cảm xúc sâu lắng: biết “mỏi, nằm, nghe”. Không những vậy, qua nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác ở từ “nghe”, tác giả cảm thấy con thuyền như đang lắng nghe “chất muối”- hương vị mặn mòi của biển như đang “thấm dần trong thớ vỏ” của chính mình. Hình ảnh tĩnh nhưng thực ra nó vẫn đang chuyển động. Vì vậy hình ảnh con thuyền vốn vô tri bỗng trở nên rắn rỏi, từng trải và có hồn hơn. Bến quê trở thành một mảnh tâm hồn của đứa con li hương.
b/ Qua bài thơ “Quê hương”, người đọc còn cảm nhận được nỗi nhớ quê da diết, không nguôi của Tế Hanh của những người con khi phải xa quê hương yêu dấu.
– Xa quê, nhà thơ Tế Hanh luôn tưởng nhớ về quê hương mình: nhớ biển, nhớ cá, nhớ cánh buồm vôi, nhớ thuyền, nhớ mùi biển:
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
– Câu thơ cuối biểu cảm trực tiếp về nỗi nhớ làng quê da diết khôn nguôi. Nỗi nhớ chân thành, tha thiết nên lời thơ giản dị, tự nhiên mà xúc động thấm thía. Dù đi xa, người con hiếu thảo của quê hương vẫn luôn tưởng nhớ ”mùi nồng mặn” đặc trưng của quê mình. Đó là hương vị riêng đầy quyến rũ của làng biển… Nỗi nhớ quê được diễn tả xúc động, thể hiện tình cảm nồng hậu, thuỷ chung với quê hương của nhà thơ.
c/ Liên hệ, mở rộng tình yêu quê hương của những nhà thơ khác: có thể lấy trong ca dao, trong thơ Lí Bạch…
3/ Đánh giá khái quát
– Thể thơ: tự do, nhịp thơ linh hoạt.
– Từ ngữ, hình ảnh: hình ảnh đẹp, tiêu biểu, chọn lọc, ngôn ngữ tự nhiên, trong sáng.
– Biện pháp nghệ thuật: so sánh, ví von, nhân hóa sáng tạo và hấp dẫn,… – Giọng thơ: mộc mạc, chân thành, đằm thắm, gợi cảm…
– Quê hương của Tế Hanh là một bài thơ hay bởi nó được viết lên từ cảm xúc chân thành, tình cảm mãnh liệt. Bài thơ không chỉ là riêng tình cảm của tác giả dành cho quê hương; mà bài thơ này còn nói hộ rất nhiều tấm lòng khác đang ở xa quê hương qua hình thức nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn.
– Đọc bài Quê hương ta cảm thấy yêu thơ và tâm hồn thơ của Tế Hanh. Chúng ta càng trân trọng hơn nữa mảnh đất chôn rau cắt rốn, yêu hơn nữa những điều bình dị nhưng thiêng liêng…
Kết bài:
+ Khẳng định lại những tình cảm cao đẹp của Tế Hanh – của những người con xa quê.
+ Nâng cao vấn đề: Đó chính là tình yêu đất nước của người dân Việt Nam. Bài học nhân sinh : “Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”