Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Tài liệu văn 7] Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh”

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” của tác giả Lí Bạch.

Dàn ý:

1/ Mở bài: Giới thiệu tác giả, hoàn cảnh sáng tác của văn bản, nội dung chính của văn bản.

 Lí Bạch là nhà thơ nổi tiếng của thơ ca cổ điển Trung Quốc. Ông viết nhiều về trăng, coi trăng là biểu tượng của quê hương mà suốt đời ông yêu mến. Bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” được ông viết vào thời gian ông sống lênh đênh nơi đất khách quê người bởi vậy mà tình yêu đối với quê hương càng dâng trào mãnh liệt. Bài thơ thể hiện nỗi lòng đối với quê hương da diết, sâu nặng trong tâm hồn , tình cảm của người xa quê.

2/ Thân bài:

a/ Khái quát về chủ đề của bài thơ

Bài thơ viết theo chủ đề “Vọng nguyệt hoài hương”, ngắm trăng mà nhớ quê nhà. Đây là chủ đề quen thuộc thường thấy trong thơ cổ điển. Tuy nhiên cách thể hiện của nhà thơ Lí bạch lại rất kì lạ và độc đáo.

b/ Phân tích bài thơ

Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương.

Không gian miêu tả là một không gian hẹp: đầu giường, đây là một dụng ý của tác giả. Ánh trăng được cảm nhận ở vị trí rất gần nên càng rõ nét. Ánh trăng ấy “soi” sáng vào đầu giường như tìm đến một người bạn tri ân, khi kỉ. Ánh trăng tròn đầy, lặng lẽ là đối tượng để nhà thơ chia sẻ tâm tình.

Cách so sánh ánh trăng với sương ở trên mặt đất gợi lên một hình ảnh đêm trăng rất sáng, ánh trăng huyền ảo, bồng bềnh tràn ngập không gian. Có lẽ nhà thơ đang có trạng thái mơ màng nên cảm thấy ánh trăng đục như sương.

Hai câu thơ làm hiện lên một khung cảnh rất thi vị, lãng mạn, đêm trăng huyền ảo đẹp như cảnh tiên chốn bồng lai.

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương.

Tác giả sử dụng phép đối rất đắc địa ở hai câu thơ cuối: Ngẩng đầu/ cúi đầu, nhìn trăng sáng/ nhớ cố hương. Nguyên tác cho thấy đây là cặp đối rất chỉnh, về mặt từ loại: động từ/ động từ ( cử đầu/ đê đầu, vọng/tư), tính từ/ tính từ ( minh/ cố), danh từ/ danh từ ( nguyệt/ hương) . Về mặt ý nghĩa, cặp đối tạo thành sự sóng đôi: cảnh/ tình ( trăng/ quê hương). Sự sóng đôi này chính là cấu tứ của bài thơ. Cảnh gợi tình, trăng gợi nhớ quê hương, rồi đến lúc con người chìm đắm trong nỗi nhớ, trăng thấm đẫm vào hồn. Cái cúi đầu như lặng lẽ, như buồn tủi,…

Vầng trăng tròn đầy tượng trưng cho sự đoàn tụ. Ngắm trăng, Lí Bạch mừng như gặp những người cố nhân nhưng lại thương xót cho thân phận mình cô đơn, lạc lõng nơi đất khách quê người.

Với tâm trạng trĩu nặng nỗi sầu, hành động thu gọn trong hai cử chỉ “ngẩng đầu và cúi đầu”. “Ngẩng đầu” là để nhìn ra xa ngắm vầng trăng với tư thế hướng ngoại. “Cúi đầu” là để nghĩ về quê hương với tình cảm thiết tha, sâu nặng. Trong hai câu thơ không có chủ ngữ nhưng nhân vật trữ tình chính là thi sĩ vẫn hiện lên rất rõ nét cả về tư thế lẫn tâm trạng.

3/ Kết bài: Khẳng định lại nghệ thuật và nội dung của bài thơ.

Bài thơ được làm theo thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật, từ ngữ giản dị, cô đọng.  Miêu tả kết hợp với biểu cảm, biểu cảm trực tiếp, kết hợp với gián tiếp. Phép đối và câu rút gọn. Bài thơ thể hiện nỗi lòng đối với quê hương da diết sâu nặng của nhân vật trữ tình đồng thời bài thơ đã truyền cho người đọc niềm xúc động và tình yêu quê hương tha thiết.

Exit mobile version