Đề bài : Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo.
I/ Mở bài: giới thiệu tác giả, tác phẩm , vấn đề nghị luận
Nam Cao là cây bút hiện thực phê phán xuất sắc, là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Sáng tác của ông chủ yếu ở hai mảng đề tài: viết về người trí thức nghèo và về những người nông dân cùng khổ. Ở mảng đề tài viết về người nông dân, “Chí Phèo” là một kiệt tác. Trong tác phẩm này, nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Chí Phèo với bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người . Đây là bi kịch phản ánh sâu sắc nỗi thống khổ của Chí Phèo nói riêng, của người nông dân VN trước cách mạng tháng Tám nói chung.
II/ Thân bài : Triển khai vấn đề nghị luận
1/ Khái quát
Truyện ngắn “Chí Phèo” ra đời trước cách mạng tháng Tám . Ban đầu, truyện có tên là “Cái lò gạch cũ” , khi in thành sách lần đầu, nhà xuất bản tự ý đổi thành “Đôi lứa xứng đôi” và sau này, khi in lại trong tập “Luống cày” (1946), nhà văn Nam Cao đã đổi tên thành “Chí Phèo”. Truyện kể về cuộc đời, số phận của nhân vật Chí Phèo. Chí vốn là đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, tuổi thơ sống lang thang đi ở hết nhà này đến nhà khác. Năm 20 tuổi, Chí làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Vì ghen tuông vu vơ, Bá Kiến đã nhẫn tâm đẩy chí vào tù. Nhà tù thực dân đã tiếp tay cho tên cường hào để rồi sau 7,8 năm chúng biến một anh nông dan hiền lành, lương thiện trở thành tên lưu manh, thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Vì ngu ngơ, khờ khạo, Chí bị Bá Kiến lừa gạt, dụ dỗ và biến thành tay sai, gây ra biết bao nhiêu tội ác. Chí bị cả làng xa lánh, bị đẩy vào ốc đảo cô đơn, không ai coi Chí là một con người. Rồi Chí gặp Thị Nở – một người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn. Bát cháo hành cùng với tình yêu thương, sự quan tâm, săn sóc của Thị Nở đã thức tỉnh phần người bấy lâu nay bị vùi lấp trong tâm hồn Chí. Chí ao ước được trở lại làm người lương thiện, Chí hi vọng Thị Nở sẽ là người mở đường cho hắn. Nhưng bà cô Thị Nở ngăn cấm. Chí nhận ra bi kịch đau đớn của đời mình: bị cự tuyệt quyền làm người. Chí xách dao đến nhà Bá Kiến, kẻ đã gây ra bi kịch cho mình, đâm chết Bá Kiến rồi tự vẫn.
2/ Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo.
a/ Giải thích: bi kịch là gì?
Bi kịch chính là sự mâu thuẫn giữa ước mơ và hiện thực. Bi kịch vốn được hiểu là những khát vọng chân chính, cháy bỏng , mãnh liệt của một con người nhưng không có điều kiện thực hiện trên thực tế. Và cuối cùng, người mang khát vọng rơi vào kết cục của một thảm kịch đau thương.
Chí Phèo suốt đời mang khát vọng cháy bỏng được làm người lương thiện. Thế nhưng lại trở thành kẻ bất lương, sinh ra là người nhưng lại không được làm người để rồi chết trên con đường trở về cuộc đời lương thiện.
b/ Những biểu hiện trong bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí
-
Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người được thể hiện trước hết trong tiếng chửi của Chí mở đầu tác phẩm
Bước vào câu chuyện, người đọc ấn tượng ngay với hình ảnh của một thằng say rượu “vừa đi vừa chửi”: Hắn chửi trời, rồi hắn chửi đời, chửi tất cả làng Vũ Đại, chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi cái đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn. Mới đọc, ai cũng hình dung ra hình ảnh Chí Phèo ngật ngưỡng trong cơn say , bước đi liêu xiêu và lè bè chửi, và chắc chắn ai cũng sẽ bật cười hoặc lắc đầu ngao ngán trước hình dung này. Tuy nhiên, đọc và ngẫm nghĩ kĩ, ta sẽ thấy sau tiếng cười là niềm thương cảm, xót xa dành cho Chí Phèo. Hắn chửi và mong muốn người ta sẽ đáp lại tiếng chủi của hắn bởi như thế có nghĩa là người ta còn coi hắn là một con người. Nhưng không ai lên tiếng vì không ai công nhận hắn là một con người. Đằng sau tiếng chửi ấy là niềm khát khao được giao tiếp với đồng loại dẫu bằng hình thức tồi tệ nhất, là nỗi cô đơn khủng khiếp của một con người bị xã hội dứt khoát cự tuyệt quyền làm người, không được coi là con người.
Từ cách mở đầu ấn tượng đó, Nam Cao đã dẫn dắt người đọc trở về với quá khứ , giúp người đọc nhận thấy bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người từ thấp đến cao của Chí , đồng thời chỉ ra căn nguyên dẫn đến tình trạng ấy.
-
Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người được bắt đầu ngay từ khi Chí mới sinh ra.
Sinh ra, Chí đã bị cha mẹ cự tuyệt quyền làm người, sự ra đời của Chí không ai chờ đợi: Chí bị bỏ rơi trong một cái lò gạch cũ, xa nhà cửa và vắng người lại qua, mặc cho sống chết. May mắn, được cứu sống nhưng ngay lập tức hắn lại bị biến thành một thứ hàng hóa, mua đi bán lại: một anh đi thả ống lươn, nhặt được hắn, anh đem về cho bà lão góa mù, bà lão góa mù lại bán hắn cho một bác phó cối không con. Rồi khi bác phó cối mất, hắn thành kẻ bơ vơ, lang thang đi ở hết nhà này đến nhà khác. Đời Chí bọt bèo, lênh đênh tội nghiệp chẳng khác gì cây hoang, cỏ dại, trôi hết xó này đến xó nọ, không người chăm sóc, dạy dỗ. Nhưng không vì thế mà hắn trở nên hư hỏng, trái lại, hắn hiền như cục đất, ai sai gì hắn làm nấy, ai bảo gì hắn làm vậy. Làm thuê cho nhà Bá Kiến, Chí là anh canh điền chăm chỉ, hiền lành, chỉ biết làm ăn, có lòng tự trọng và có nhân cách.
Nhưng Bá Kiến, nhà tù thực dân đã ra sức hủy diệt sự lương thiện ở Chí. Vì ghen tuông vu vơ, Bá Kiến đã nhẫn tâm đẩy Chí vào tù, nhẫn tâm biến một người nông dân hiền lành trở thành tù nhân. Nhà tù thực dân đã tiếp tay cho tên cường hào, bắt giam là một anh Chí vô tội nhưng khi trả về xã hội lại là một Chí Phèo tha hóa, lưu manh. Trở về, không gia đình, không người thân thích, không nơi nương tựa, không nghề nghiệp mưu sinh , hắn trở thành tay sai của Bá Kiến. Hắn sống bằng chửi bới, đập đầu, rạch mặt, ăn vạ, dọa nạt,….Cái mặt của hắn trở nên méo mó, thê thảm , nó không còn là mặt người, nó là “mặt của một con vật lạ, nó vằn lên không biết bao nhiêu là sẹo, không thứ tự”. Hắn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, tác oai tác quái gây họa cho bao nhiêu dân làng. Hắn đã “phá tan bao nhiêu cơ nghiệp, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của không biết bao nhiêu là người lương thiện”. Bây giờ hắn không còn là con người nữa mà phải sống kiếp của một con vật, hắn sống trong vô thức, sống triền miên trong những cơn say. Sự thay đổi đáng sợ của Chí từ khi ra tù có nguyên nhân ban đầu là do sự xa lánh của mọi người khi hắn trở về. Nếu như, khi về làng, hắn có được tình yêu thương, chăm sóc hay ít ra là sự gần gũi, không kì thị thì có lẽ hắn đã không bị bóp méo cả về nhân hình lẫn nhân tính như vậy. Người ta đã kì thị trước một kẻ đi tù về, không ai cho hắn một nguồn giao tiếp , không ai coi hắn là con người nên hắn cứ phải say, phải chửi cho quên hết nỗi đau đời. Lâu dần, người ta đã đẩy hắn vào một ốc đảo cô đơn, cách biệt hoàn toàn với xã hội loài người, hắn làm tay sai cho Bá Kiến để ngày càng sa vào vũng bùn tội ác và không thể trở lại làm người được nữa.
-
Và có thể thấy, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo được thể hiện rõ nhất trong bi kịch tình yêu với Thị Nở, trong bi kịch không thể hoàn lương.
Từ khi gặp Thị Nở, Chí Phèo bắt đầu tỉnh táo . Tình yêu giản dị và sự chăm sóc của thị đã đánh thức phần người lương thiện bấy lâu nay bị vùi lấp sâu trong hình hài của con quỷ dữ. Hắn “thèm được sống lương thiện, thèm được làm hòa với mọi người”. Hắn hi vọng Thị Nở sẽ mở đường cho hắn bởi hắn nghĩ rằng Thị Nở có thể sống được với hắn thì sao mọi người lại không thể. Thế nhưng, bà cô Thị Nở – một đại diện của dân làng Vũ Đại – đã dập tắt ngay niềm hi vọng ấy . Sự ngăn cấm của bà cô khiến hắn bừng tỉnh và nhận ra bi kịch đau đớn bấy lâu nay hắn đã mơ hồ nhận thấy : hắn bị cự tuyệt quyền làm người. Lời của bà cô Thị Nở đã giúp Chí nhận ra những định kiến khắt khe của xã hội đối với hắn. Định kiến xã hội đã không coi Chí là con người, nó chối phắt Chí và đẩy Chí ra khỏi phạm vi của loài người. Cái định kiến ấy không chịu nhận ra phần lương thiện đã quay về , không chịu chấp nhận một kẻ như Chí . Có thể khẳng định rằng, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người lần này là đau đớn nhất.
-
Lời nói và hành động của Chí Phèo ở cuối tác phẩm là minh chứng rõ nhất cho bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí.
Bà cô Thị Nở làm Chí nhận ra bi kịch đau đớn của cuộc đời mình. Hắn lại uống rượu nhưng lần này thì càng uống lại càng tỉnh. Hắn xách dao ra đi, vừa đi vừa chửi “giết cả nhà nó” , “giết con khọm già nhà nó” nhưng bước chân hắn lại đi thẳng đến nhà Bá Kiến. Có lẽ, khi phần người quay về, nỗi đau, nỗi phẫn uất khiến lí trí tỉnh táo, hắn nhận ra kẻ thù của mình. Đến nhà Bá Kiến, hắn lên tiếng đòi lương thiện thống thiết . Tuy lên tiếng đòi lương thiện nhưng Chí cũng đau đớn nhận ra không thể là người lương thiện được nữa : “ai cho tao lương thiện, làm thế nào để mất hết những vết mảnh chai trên mặt này” . Nhận thức được bi kịch và nguyên nhân dẫn đến bi kịch của mình, Chí hành động quyết liệt: giết Bá Kiến. Giết Bá Kiến rồi, Chí vẫn không thể sống bởi lẽ nếu Chí tiếp tục sống thì hắn phải là con quỷ dữ, điều này Chí không muốn. Chí chỉ còn một lựa chọn: đó là cái chết, chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc đời lương thiện. Hai vũng máu ở cuối tác phẩm chính là lời tố cáo sâu sắc nhất chế độ nhà tù thực dân và tầng lớp thống trị phong kiến. Những thế lực này đã đẩy Chí vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, cùng với các thế lực và hủ tục phong kiến đã tước đoạt hẳn con đường trở về làm người của Chí.
3/ Đánh giá
“Chí Phèo” là minh chứng tiêu biểu nhất cho tài năng truyện ngắn của Nam Cao. Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình, nhà văn đã tố cáo sâu sắc xã hội thực dân nửa phong kiến phi nhân đạo đã bóp nghẹt sự sống của con người , đẩy con người vào “bước đường cùng”. Kết cấu truyện theo kiểu tâm lí , không theo thứ tự thời gian mà bắt đầu bằng tiếng chửi đổng của Chí vừa gây sự chú ý, tò mò cho người đọc lại vừa nhấn mạnh cái bi kịch đau đớn của Chí. Đồng thời, lời văn kể chuyện nửa trực tiếp cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện: trong tác phẩm, có đoạn là lời người kể chuyện hoàn toàn, cũng có đoạn như nhà văn đã hóa thân vào nhân vật, làm cho đoạn văn như là lời của chính nhân vật tự kể chuyện mình , khiến người đọc thực sự khám phá được chiều sâu tâm hồn nhân vật. Đôi mắt đầy tình người của Nam Cao cùng với tài năng nghệ thuật của ông đã đưa “Chí Phèo” vào hàng những kiệt tác văn xuôi hiện đại.
III/ Kết bài
Xây dựng thành công hình tượng nhân vật Chí Phèo và bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí, Nam Cao vừa tố cáo sâu sắc xã hội phi nhân tính, vừa thể hiện tấm lòng thương yêu, đồng cảm của mình với người nông dân đương thời. Với “Chí Phèo” , Nam Cao đã khắc tên mình vào nền văn học Việt Nam hiện đại.
🔻 Xem thêm: