BÀI CA NGẮN ĐI TRÊN BÃI CÁT
(Sa hành đoản ca)
I/ Tác giả – tác phẩm
1/ Tác giả
- Cao Bá Quát (1809 – 1855) quê ở làng Phú Thị – Gia Lâm – Bắc Ninh, nay thuộc Long Biên – Hà Nội.
- Ông là người có tài, nổi tiếng văn hay chữ tốt và là người có uy tín trong giới trí thức đương thời.
- Là người có khí phách hiên ngang, có tư tưởng tự do, ôm ấp hoài bão lớn, mong muốn sống có ích cho đời.
2/ Tác phẩm
a/ Hoàn cảnh sáng tác
- Hoàn cảnh thời đại: chế độ phong kiến nhà Nguyễn trì trệ, bảo thủ; chế độ khoa cử nghiệt ngã, bất công.
- Hoàn cảnh cá nhân tác giả: Sau khi đỗ kì thi Hương, Cao Bá Quát đi thi Hội, qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng ( Quảng Bình, Quảng Trị). Hình ảnh bãi cát dài, sóng biển, núi nhấp nhô là những hình ảnh thực gợi cảm hứng cho tác giả sáng tác nên bài thơ này.
b/ Thể loại : thể ca hành (thể thơ cổ của Trung Quốc được tiếp thu vào Việt Nam).
c/ Bố cục: 2 phần
- 4 câu đầu : hình ảnh bãi cát và người đi trên bãi cát
- Còn lại : Tâm trạng và suy nghĩ của người đi trên bãi cát
II/ PHÂN TÍCH
1/ Hình ảnh bãi cát và người đi trên bãi cát
a/ Hình tượng bãi cát
Bãi cát dài lại bãi cát dài
- Phép tu từ điệp ngữ “Bãi cát dài” được lặp lại hai lần trong cùng một câu thơ đã gợi hình ảnh những bãi cát mênh mông, nóng bỏng, trải dài như vô tận.
- Hình ảnh bãi cát mang hai ý nghĩa:
+ Tả thực: những bãi cát, cồn cát trải dài bao la của thiên nhiên miền Trung rất khắc nghiệt. Đây là một cảnh tượng rất đẹp nhưng dữ dội, khắc nghiệt.
+ Ẩn dụ: Bãi cát dài là biểu tượng cho con đường tìm kiếm công danh đầy trắc trở , con đường đời đầy gập ghềnh, khó khăn trong xã hội phong kiến bảo thủ, o bế, trì trệ.
b/ Hình tượng người đi trên bãi cát
Đi một bước như lùi một bước
Mặt trời đã lặn chưa dừng được
Lữ khách trên đường nước mắt rơi
- Lữ khách xuất hiện trong một không gian đó là bãi cát dài mênh mông , không cùng không tận, bao vây bởi núi, sông, biển;
- Trong một thời gian đó là “mặt trời đã lặn” , khoảnh khắc thời gian của ngày chuyển dần về đêm tối, lẽ thường thì đây là thời khắc để nghỉ ngơi.
- Tình thế : chân vẫn phải bước dù trời đã tối, bước chân trên cát nặng nề, khó nhọc, đi một bước mà như lùi một bước.
- Người đi trên cát hiện lên với tất cả sự vất vả, tất tả dấn thân để mưu cầu công danh sự nghiệp. Con đường đến với mục tiêu là vô cùng khó khăn, gian nan, hiểm trở.
2/ Tâm trạng và suy nghĩ của lữ khách khi đi trên cát (các câu còn lại)
- Tâm trạng buồn đau, phẫn uất : Lữ khách trên đường nước mắt rơi
- Tự trách bản thân mình “Không học được tiên ông phép ngủ/ Trèo non lội suối, giận khôn vơi”. Nhịp điệu đều, chậm, buồn, tác giả tự giận mình không học được phép ngủ của người xưa để quên đi sự đời mà cứ phải hành hạ mình để rồi chán nản, mệt mỏi về công danh, lợi danh mà bản thân đang đeo đuổi.
- Lữ khách đã có những suy nghĩ về bả công danh – con đường danh lợi:
Xưa nay phường danh lợi
Tất tả trên đường đời
Đầu gió hơi men thơm quán rượu
Người say vô số, tỉnh bao người?
Danh lợi được ví như miếng bả, miếng mồi, như hơi men hấp dẫn người say nơi đầu gió, lôi kéo những người mê muội. Người say thì nhiều, tỉnh có mấy ai? Thế nên người say phải bôn tẩu vượt cát, vượt sông, trèo non, lội suối, nước mắt tuôi rơi, đi mải miết không dám ngừng nghỉ để đạt được nó.
- Thể hiện sự chán ghét, khinh bỉ của Cao Bá Quát với phường danh lợi. Câu hỏi của nhà thơ như trách móc, giận dữ, như lay tỉnh người khác cũng như hỏi chính bản thân mình. Ông đã nhận ra tính chất vô nghĩa của lối học khoa cử , con đường công danh đương thời đã trở nên vô nghĩa, tầm thường.
- Hoang mang, bế tắc và tuyệt vọng:
Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!
Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt
Đường ghê rợn, còn nhiều đâu ít
Hãy nghe ta hát khúc đường cùng
Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng
Phía nam núi Nam, sóng dào dạt
+ Câu hỏi tu từ “Tính sao đây?” cũng là câu cảm thán thể hiện tâm trạng băn khoăn, day dứt giữa việc đi tiếp hay dừng lại.
+ Con đường phía trước còn quá gian nan, đường bằng (đường thuận lợi) thì mờ mịt mà đường ghê rợn lại còn nhiều. Câu thơ thể hiện tâm trạng mệt mỏi, thái độ vừa chán ghét, vừa bế tắc của lữ khách trên con đường khoa cử . Lữ khách tự trách mình sao cứ phải theo đuổi thứ công danh giả tạo , phù phiếm, vô nghĩa ấy. Cái lối học cửa Khổng, sân Trình khuôn sáo, mờ mịt ấy sao cứ mãi là lí tưởng của kẻ đi thi?
+ Câu thơ “Hãy nghe ta hát khúc đường cùng ” đã thể hiện tư tưởng bế tắc, không lối thoát của nền giáo dục cũ kĩ, lạc hậu. Câu thơ đã bộc lộ thái độ phê phán chế độ khoa cử bảo thủ, lạc hậu , trì trệ của nhà nước phong kiến và cũng thể hiện tư tưởng khai sáng, mong có được sự thay đổi tốt đẹp hơn.
- Ba câu cuối đã gợi ra những khó khăn, trông gai, nguy hiểm vây hãm lữ khách : phía bắc, phía nam đều núi muôn trùng, đều sóng dào dạt , tiến cũng không được mà lùi cũng không xong.
- Câu hỏi tu từ khép lại bài thơ “Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?” là một câu hỏi bỏ lửng đầy day dứt, đau khổ, chán chường, bế tắc . Người lữ khách đứng ngẩn ngơ trên bãi cát, quay lại hay bước tiếp? tất cả đều tiến thoái lưỡng nan bởi phía Bắc, phía Nam vẫn ngàn trùng gian khó. Hỏi cuộc đời, hỏi xã hội và cũng là hỏi chính mình, xoáy sâu vào những nỗi niềm day dứt, đau đớn, giằng xé trong nội tâm của nhân vật trữ tình . Đó cũng là lời giục giã, thức tỉnh người đi trên cát phải quyết định dứt khoát, phải tìm đường đi mới cho cuộc đời của mình.
- Nhịp thơ lúc nhanh, lúc chậm, lúc dàn trải, lúc dứt khoát đã thể hiện rõ nét tâm trạng, suy tư của nhà thơ về con đường danh lợi đang đi.
- Bài ca đã làm hiện lên hình ảnh một kẻ sĩ cô độc, lẻ loi, đầy trăn trở nhưng kì vĩ, vừa quả quyết, vừa tuyệt vọng trên con đường đi tìm chân lí đầy chông gai.
III/ Tổng kết
1/ Nội dung
- Bài thơ là khúc ca mang đậm tính nhân văn của một người cô đơn, tuyệt vọng trên đường đời.
+ Bộc lộ tâm trạng chán ghét của CBQ đối với con đường mưu cầu danh lợi tầm thường.
+ Niềm khát khao đổi mới cuộc sống trong hoàn cảnh xã hội nhà Nguyễn bảo thủ, trì trệ, lạc hậu.
2/ Nghệ thuật
- Sử dụng thể thơ cổ thể, tự do về niêm luật, kết cấu nên rất thuận lợi cho việc bày tỏ tư tưởng, cảm xúc.
- Sử dụng nhuần nhuyễn các điển tích, điển cố, các phép tu từ