Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Tài liệu văn 10] Phân tích 8 câu đầu đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”

Đề bài : Cảm nhận về tâm trạng của người chinh phụ trong 8 câu thơ đầu đoạn trích : “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”.

I/ Mở bài

Thân phận người phụ nữ luôn là đề tài muôn thuở trong các tác phẩm văn học Việt Nam, là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thơ, nhà văn chắp bút. Nếu như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là lời than về số phận bạc mệnh của người con gái tài sắc mà truân chuyên Thúy Kiều thì “Chinh phụ ngâm” lại là nỗi sầu đau của người chinh phụ có chồng đi chinh chiến . Với bản diễn Nôm rất thành công của Đoàn Thị Điểm, “Chinh phụ ngâm” đã trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam. Đọc tác phẩm, nhất là trích đoạn “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”, người đọc không thể quên 8 câu đầu đoạn trích với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình vô cùng đặc sắc. Đoạn thơ đã diễn tả nỗi cô đơn, sầu tủi trong cảnh khắc khoải chờ chồng của người chinh phụ:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen

Ngoài rèm thước chẳng mách tin

Trong rèm giờ đã có đèn biết chăng

Đèn có biết dường bằng chẳng biết

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi

Buồn rầu nói chẳng nên lời

Hoa đèn kia với bóng người khá thương”

II/ Thân bài

1/ Khái quát chung

Vào đầu đời vua Lê Hiển Tông, có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra quanh kinh thành Thăng Long. Triều đình cất quân đi đánh giặc, nhiều trai tráng phải từ giã người thân đi đánh giặc. Có bao nhiêu chàng trai ra đi thì có bấy nhiêu người phụ nữ phải chờ đợi trong nhớ thương mòn mỏi. Cảm động trước nỗi đau mất mát của con người, nhất là những người vợ lính trong chiến tranh, Đặng Trần Côn đã viết “Chinh phụ ngâm” như để bày tỏ lòng thương cảm của mình dành cho họ. Tác phẩm gồm 476 câu thơ được làm theo thể trường đoản cú, nguyên âm chữ Hán và dịch sang tiếng Việt theo thể song thất lục bát. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” thuộc từ câu 193 đến câu 216 trong tác phẩm. Đoạn trích nói lên tâm trạng và tình cảnh của người chinh phụ trong thời gian dài người chồng đi lính trận không có tin tức, không rõ ngày trở về.

2/ Phân tích

Đoạn thơ đã vẽ ra trước mắt người đọc một không gian chật hẹp, nơi thềm hiên vắng lặng, nơi người chinh phụ đang cố gắng vượt qua nỗi cô đơn, nỗi trống trải. Bằng cách sử dụng điêu luyện bút pháp tả cảnh ngụ tình, Đặng Trần Côn đã vẽ nên bức tranh tâm trạng đầy xúc động thể hiện nỗi sầu của người chinh phụ cũng như sự tinh tế của ông trong việc miêu tả nội tâm nhân vật:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen

Trong đêm thanh vắng quạnh hiu, chỉ có tiếng bước chân của người chinh phụ đang nặng nề gieo từng bước. Bước chân ấy đi đi, lại lại bên hiên nhưng có lẽ tâm trí của nàng đang chìm đắm trong những miên man, vô thức . Mỗi bước chân là một nỗi nhớ, mỗi bước chân là một nỗi lo. Tất cả làm cho tâm trạng của nàng trĩu nặng nỗi lo âu và thương nhớ người chồng đang chinh chiến ngoài biên ải. Nhịp thơ chậm gợi cảm giác thời gian như ngưng đọng. Nỗi nhớ nhung sầu muộn và khắc khoải mong chờ khiến bước chân người chinh phụ trở nên nặng trĩu. Bước chân này khác hẳn với bước chân vội vã của nàng Kiều khi tìm đến tình yêu:

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình

Người chinh phụ thấp thỏm, bất an bởi lo lắng cho sinh mệnh của chồng nơi biên ải. Nàng bồn chồn, đứng ngồi không yên, hết buông rèm xuống lại cuốn rèm lên. Đây là những động tác, những cử chỉ, hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần mà không hề có mục đích của người chinh phụ. Phải chăng những hành động đó chỉ là cách để giải tỏa đi những nỗi buồn đau, lo âu của nàng mà không biết cùng ai san sẻ:

Ngoài rèm thước chẳng mách tin

Trong rèm dường đã có đèn biết chăng

Đèn có biết dường bằng chẳng biết

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi

Nếu như ở câu thơ trước, người chinh phụ “ngồi rèm thưa” để ngóng tin chồng thì ở câu thơ này, người chinh phụ ngóng trông con chim thước – mong được báo tin lành nhưng chẳng thấy. Nàng lại quay về với không gian chật hẹp của căn phòng, đối diện với bóng mình, đối diện với ngọn đèn khuya hiu hắt. Nhưng thật trớ trêu, “đèn” dù sao cũng chỉ là vật vô tri, vô giác nên đèn có biết cũng như không. Câu hỏi tu từ “Đèn có biết dường bằng chẳng biết” chính là lời than thở, là nỗi khắc khoải chờ đợi và hi vọng trong nàng day dứt không yên. Tâm trạng của người chinh phụ đã chuyển giọng một cách tự nhiên từ lời kể bên ngoài thành lời tự độc thoại nội tâm da diết, dằn vặt và ngậm ngùi. Hình ảnh ngọn đèn được nhắc tới liên tiếp trong ba câu thơ gợi cho người đọc nhớ tới những ngọn đèn không tắt trong nỗi nhớ của người thiếu nữ ở bài ca dao quen thuộc:

Đèn thương nhớ ai

Mà đèn không tắt

Mắt thương nhớ ai

Mắt ngủ không yên

Ánh sáng nhỏ bé, leo lét của ngọn đèn càng làm nổi bật đêm tối mênh mang và nỗi cô đơn dường như nhân lên gấp bội trong lòng người thiếu phụ. Nhìn ngọn đèn cháy năm canh, dầu đã cạn, bấc đã tàn, nàng chợt liên tưởng đến tình cảnh của mình và trong lòng rưng rưng nỗi thương thân, trách phận. Thương cho ngọn đèn rồi lại thương lòng mình bi thiết. Từ “bi thiết” đã cực tả tâm trạng cô đơn, sầu muộn của người chinh phụ. Bi thiết tức là bi thương, thảm thiết, đau đớn không nói nên lời, nỗi bi thương ấy nàng chỉ còn biết kìm nén, chôn chặt trong lòng mình mà thôi:

Buồn rầu nói chẳng nên lời

Hoa đèn kia với bóng người khá thương

Hoa đèn là tàn đèn kết lại nơi đầu sợi bấc, cháy đỏ lên như hoa và vì thế nó gợi sự tàn lụi, héo hon. Dấu hiệu dầu hao, bấc hỏng ấy còn chứng tỏ người chinh phụ đã thao thức rất nhiều đêm, triền miên, khắc khoải. Nhìn hoa đèn, nàng liên tưởng đến thân phận của mình cũng héo hon vì khát vọng càng nhiều mà vô vọng lại càng lớn.

3/ Đánh giá chung

Với thể thơ song thất lục bát, cách dùng từ ngữ, hình ảnh ước lệ, đoạn thơ đã thể hiện một cách tinh tế các cung bậc sắc thái tình cảm khác nhau của nỗi cô đơn, buồn khổ ở người chinh phụ luôn khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Đoạn trích cũng thể hiện tấm lòng thương yêu và cảm thông sâu sắc của tác giả với khát khao hạnh phúc chính đáng của người chinh phụ và cất lên tiếng nói nhân đạo, phản đối chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ quyền sống của con người

III/ Kết bài

Có thể nói, trong 8 câu thơ đầu đoạn trích, tác giả đã đặc tả nỗi cô đơn của người chinh phụ. Nỗi cô đơn, khắc khoải ấy tràn ngập không gian và kéo dài vô tận theo thời gian. Đoạn thơ giàu giá trị nhân văn đã thể hiện sâu sắc và cảm động sự oán ghét chiến tranh phong kiến phi nghĩa và niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc lưa đôi của người chinh phụ giữa thời chiến tranh loạn lạc trong xã hội cũ.

Exit mobile version