Đề bài : Cảm nhận về hình tượng nhân vật Từ Hải trong đoạn trích “Chí khí anh hùng”
I/ Mở bài : giới thiệu tác giả – tác phẩm – vấn đề nghị luận
Nguyễn Du là bậc đại thi hào của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. “Truyện Kiều” là tập đại thành của ông và của cả nền văn học dân tộc. Tác phẩm là tiếng nói cảm thương của nhà thơ dành cho người con gái tài hoa mà bạc mệnh Thúy Kiều. Xuất phát từ tấm lòng nhân đạo cao cả, từ ước mơ về một xã hội công bằng, Nguyễn Du đã xây dựng nên hình tượng nhân vật Từ Hải – một người anh hùng lí tưởng đại diện cho công lí, chính nghĩa . Đoạn trích “Chí khí anh hùng” đã khắc họa chân dung người anh hùng Từ Hải mang vẻ đẹp lí tưởng của người trai thời loạn, thể hiện giấc mơ của Nguyễn Du, giấc mơ về người anh hùng cái thế.
II/ Thân bài
1/ Khái quát
Đoạn trích “Chí khí anh hùng” nằm ở phần thứ hai trong “Truyện Kiều” – phần “Gia biến và lưu lạc”. Sau khi bị rơi vào lầu xanh lần thứ hai, Kiều gần như hoàn toàn bế tắc, tuyệt vọng trong đau khổ. Nàng luôn sống trong tâm trạng chán chường “Biết thân chạy chẳng khỏi trời – Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”, một cuộc đời vô nghĩa, sống mà như đã chết. Thế rồi, Từ Hải đột nhiên xuất hiện “vụt đến như một ngôi sao lạ chiếu sáng một đoạn đời nàng” (Hoài Thanh). Từ Hải đã giúp Thúy Kiều thoát khỏi cảnh sống nhơ nhớp, ô nhục và còn giúp nàng tát cạn bể oan. Đối với Kiều, Từ Hải không chỉ là ân nhân cứu vớt cuộc đời nàng mà còn là niềm tự hào, niềm an ủi lớn lao trong kiếp phận truân chuyên của nàng. Tuy nhiên, Từ Hải vốn là một trang nam nhi có hoài bão, có lí tưởng lớn lao. Chàng không chấp nhận cuộc sống an phận thủ thường, cuộc đời tẻ nhạt bao quanh bốn bức tường mà muốn xây dựng cơ đồ, tiếng tăm lừng lẫy. Đó chính là lí do cho quyết định nhanh chóng của Từ Hải – quyết định ra đi ngay khi cuộc sống vợ chồng còn đang nồng nàn hạnh phúc.
Ta có thể hiểu “chí” là chí hướng, là mục đích cao cả cần hướng tới còn “khí” là khí khái, là khí chất, là nghị lực và sự quyết tâm để đạt được mục đích đó. Và vì thế có thể hiểu nhan đề “Chí khí anh hùng” là lí lí tưởng, chí hướng cao cả và khí chất, nghị lực để làm nên sự nghiệp lớn của người anh hùng Từ Hải. Nhan đề đoạn trích đã tạo ấn tượng sâu đậm cho người đọc về phẩm chất anh hùng của Từ Hải qua đó hé mở tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du.
2/ Phân tích : hình tượng nhân vật Từ Hải
a/ Trước hết, vẻ đẹp của nhân vật Từ Hải trong đoạn trích được thể hiện ở ý chí, khát vọng vùng vẫy giữa đất trời, khát vọng vượt thoát khỏi không gian nhỏ bé, bình thường để đến với không gian vũ trụ bao la, cao cả:
Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.
Trong hai câu thơ đầu, Nguyễn Du đã đặt Từ Hải trong hai khoảng không gian đối lập nhau . Một bên là không gian khuê phòng “hương lửa đương nồng” với tình yêu nồng nàn, ấm áp, hạnh phúc, đẹp đẽ bên nàng Kiều với một bên là “bốn phương” với không gian rộng lớn, có sức vẫy gọi mãnh liệt những kẻ làm trai. “Nửa năm” – là là thời gian mà cuộc sống hôn nhân mới hình thành là giai đoạn nồng nàn, thắm thiết nhất. Có thể nói là Từ Hải đang sống ở giai đoạn hạnh phúc nhất của tình yêu, của mái ấm gia đình. Đối với tâm lí người bình thường thì sẽ cảm thấy thỏa nguyện, bằng lòng với hạnh phúc bình dị ấy. Nhưng với một người “Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài ” có cả sức vóc và trí tuệ như Từ Hải thì không thể nào bằng lòng với cuộc sống gia đình bình dị thậm chí có phần đơn điệu cho nên Từ Hải đã quyết tâm dứt áo ra đi, gạt bỏ tình riêng để thực hiện chí lớn.
Khát vọng vùng vẫy tự do, sống không chịu gò bó mình vào một khuôn khổ chật hẹp nào khiến Từ không chịu yên phận. Nguyễn Du dã rất khéo léo, tài tình khi sử dụng động từ “thoắt” để diễn tả sự thay đổi nhanh chóng, bất ngờ của Từ Hải. Ông cũng thể hiện sự trân trọng khi gọi Từ Hải là “trượng phu” tức là người đàn ông có chí khí, bậc anh hùng quân tử. Cụm từ “động lòng bốn phương” đã diễn tả tâm trạng náo nức thực hiện chí làm trai ngang dọc đất trời. Tác giả Nguyễn Du đã đặt người anh hùng vào tình thế lựa chọn giữa một bên là hạnh phúc vợ chồng chốn khuê phòng yên ấm và một bên là không gian vũ trụ rộng lớn thỏa sức thể hiện tráng trí bốn phương. Sự lựa chọn nghiệp anh hùng của Từ Hải càng cho ta thấy vẻ đẹp tráng trí rất đáng trân trọng, cảm phục ở nhân vật này.
Hình ảnh người anh hùng được khắc họa trong một không gian rộng lớn “trời bể mênh mang”, từ đó thể hiện tầm vóc lớn lao, sánh ngang với chiều kích của vụ trụ của người anh hùng Từ Hải. Cái nhìn của chàng “trông vời” là cái nhìn hướng tới một không gian cao rộng, không gian mà người hào kiệt có thể thỏa sức vẫy vùng. Tư thế lên đường “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” đã khắc họa rõ nết tâm thế của người anh hùng. Đó là tư thế oai phong, lẫm liệt, là cái tâm thế tự tin, chủ động, không quyến luyến, không bịn rịn, một tâm thế dứt khoát và đầy quyết tâm. Nói như Hoài Thanh thì chàng “không phải là người một nhà, một họ, một xóm, một làng, mà là người của trời đất, của bốn phương” bởi vậy mà tư thế lên đường của chàng cũng mang chí khí vô cùng mạnh mẽ.
b/ Vẻ đẹp của nhân vật Từ Hải còn được thể hiện ở chí khí, hoài bão lớn lao, phi thường. Chàng ra đi mang quyết tâm lập nên nghiệp lớn, xây dựng cơ đồ của bậc đế vương.
Trước mong muốn của Thúy Kiều là được đi theo chàng để nâng khăn sửa túi, giúp chàng thực hiện chí lớn của kẻ làm trai. Đó là cái mong muốn rất thực, rất đúng trong lễ giáo phong kiến khi mà người phụ nữ lấy chồng thì phải theo chồng. Tuy nhiên, đáp lại nguyện ước “Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi” của Kiều, Từ Hải đã trách Kiều và qua lời trách móc nhẹ nhàng đó, ta thấy được tình thương yêu và sự lo lắng dành cho Kiều:
Từ rằng: tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Từ trách Kiều đã là “tâm phúc tương tri” là tri âm, tri kỉ, hiểu Từ hơn ai hết vậy mà sao nàng vẫn chưa thoát khỏi thói nữ nhi thường tình. Từ khuyên Kiều hãy cứng cỏi để xứng đáng là vợ của bậc anh hùng. Lời nói của Từ cũng thể hiện chàng quyết dứt áo ra đi và quyết không lưu luyến thê nhi, không để tình cảm riêng tư làm mờ khát vọng anh hùng, không muốn để tình cảm vợ chồng làm xao nhãng mục đích, lí tưởng cao cả.
Từ khéo léo động viên Kiều, trong lời hứa hẹn, ta thấy được lí tưởng cao cả của người anh hùng:
Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Từ khẳng định khi nào lập nên sự nghiệp lớn với mười vạn tinh binh, tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường – đây là những hình ảnh ước lệ thể hiện hoài bão phi thường của Từ Hải, ấy là khi khát vọng lớn được toại nguyện, được ca khúc ca khải hoàn; khi nào có sự nghiệp xuất chúng, hơn người “rõ mặt phi thường” thì chàng sẽ đón Kiều bằng nghi lễ trang trọng, sẽ cho nàng danh phận và cuộc sống viên mãn. Lời hứa của Từ cho ta thấy niềm tin sắt đá vào sự nghiệp đế vương mà chàng đang quyết tâm thực hiện, cho thấy bản lĩnh tự tin và chí khí mạnh mẽ ở chàng.
Rồi Từ can ngăn, thuyết phục Kiều. Trong lời thuyết phục ấy, ta vẫn thấy quyết tâm thực hiện chí lớn của chàng:
Bằng nay bốn bể không nhà,
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”
Trong lời nói của Từ, ta thấy được tình thương yêu và sự lo lắng dành cho Kiều. Chàng không muốn Kiều đi vì bây giờ sự nghiệp chưa có, bốn bể là nhà, không muốn nàng phải chịu cảnh thân gái dặm trường, sương sa dặm liễu. Và hơn thế là chàng muốn toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp, mang theo nàng giờ chỉ thêm vướng bận mà thôi. Từ khuyên Kiều hãy gắng chờ đợi, muộn nhất là một năm sau chàng sẽ trở về. Một năm là khoảng thời gian dài cho những xa cách, nhớ thương nhưng lại là khoảng thời gian quá ngắn để cho người ta có thể thực hiện được sự nghiệp lẫy lừng. Sự nghiệp “mười vạn tinh binh, tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường” có người phấn đấu cả đời chưa thành vậy mà Từ Hải dám khẳng định chậm nhất là một năm chàng sẽ trở về để rước Kiều cùng hưởng vinh hoa phú quý. Lời hứa hẹn này đã thể hiện rõ chí khí, lòng quyết tâm cao độ, tài năng phi thường và niềm tin nhất mực vào bản thân của người anh hùng Từ Hải.
c/ Những câu thơ cuối đoạn trích lại cho ta thấy được vẻ đẹp của sự tự tin,đầy bản lĩnh của người anh hùng Từ Hải qua hành động “dứt áo ra đi”:
Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.
Nếu cuộc chia tay của đôi vợ chồng trong “Chinh phụ ngâm” được Đặng Trần Côn miêu tả: “Nhủ rồi tay lại cầm tay / Bước đi một bước giây giây lại dừng” thì cuộc chia tay của Từ Hải và Thúy Kiều trong đoạn trích “Chí khí anh hùng” được Nguyễn Du miêu tả với sự dứt khoát và mạnh mẽ. Từ lời nói “Quyết lời” đến hành động “dứt áo ra đi” của chàng đều thể hiện thái độ dứt khoát, không chút tơ vương, vướng bận, không để tình cảm làm lung lạc và cản bước ý chí người anh hùng.
Hình ảnh Từ Hải lúc lên đường được liên tưởng tới hình ảnh chim bằng giữa gió mây. Theo truyện ngụ ngôn trong sách Trang Tử, “chim bằng là giống chim rất lớn, đập cánh làm động nước trong ba ngàn dặm, cưỡi gió mà bay lên chín ngàn dặm. Chim bằng trong thơ văn thường tượng trưng cho khát vọng của người anh hùng có bản lĩnh phi thường, khát khao làm nên sự nghiệp lớn”. Hình ảnh chim bằng lướt gió mây, dặm khơi chính là ẩn dụ cho người anh hùng có lí tưởng lớn, có tầm vóc phi thường, mang tầm vóc vũ trụ. Người anh hùng ra đi thực hiện chí lớn như chim bằng được trở về với trời bể mênh mang. Cũng với hình ảnh chim bằng, Nguyễn Du đã thể hiện mong muốn xây dựng Từ Hải là người anh hùng đại diện cho công lí của nhân dân, muốn có một người anh hùng xuất chúng để tát cạn bể oan, giúp đỡ những người yếu thế như Thúy Kiều.
Qua đoạn trích, đại thi hào Nguyễn Du đã thể hiện quan niệm về người anh hùng với chân dung kì vĩ, mang tầm vóc vũ trụ, có chí lớn, sự nghiệp lớn, có tài năng, bản lĩnh phi thường và rất mực tự tin để thực hiện giấc mơ công lí “Giữa đường dẫu thấy bất bằng chẳng tha”.
3/ Đánh giá
Với bút pháp ước lệ tượng trưng cùng ngôn ngữ và hình ảnh hàm súc, mang tính biểu đạt cao, đặc biệt là khuynh hướng lí tưởng hóa, đoạn trích đã khắc họa thành công hình tượng người anh hùng Từ Hải phi thường, xuất chúng, mang tầm vóc vũ trụ. Miêu tả cuộc chia ly giữa “trai anh hùng” và “gái thuyền quyên” nhưng nổi bật lên trong đoạn trích là chí khí của người anh hùng Từ Hải. Từ đó, tác giả gửi gắm ước mơ lãng mạn về một người anh hùng của nhân dân, thể hiện mạnh mẽ ước mơ công lí vẫn âm ỉ trong cảnh đời tù túng của xã hội cũ. Từ Hải ra đi để vẫy vùng cho phỉ sức, phỉ chí, nhưng hơn nữa còn ra đi vì thực hiện ước mơ công lí của nhân dân. Đoạn trích tuy ngắn nhưng ý nghĩa lại rất lớn. Nó góp phần bộc lộ giá trị nhân đạo cao cả của tác phẩm Truyện Kiều.
III/ Kết bài
Đoạn trích “Chí khí anh hùng” đã khắc hoạ cuộc chia tay của Thuý Kiều và Từ Hải nhưng không hề có sự bịn rịn, níu kéo mà là sự dứt khoát, mạnh mẽ qua đó nổi bật lên chí khí của người anh hùng Từ Hải. Nguyễn Du đã thể hiện sự trân trọng ngợi ca trước lý tưởng, ước mơ tự do vùng vẫy ngang dọc của Từ Hải. Hình ảnh người anh hùng ấy không chỉ là ánh sáng của cuộc đời Kiều mà còn là ánh sáng trong xã hội phong kiến thối nát.