I- Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Dẫn dắt và nêu vấn đề cần bàn luận
II – Thân bài
Nội dung của đoạn thơ:
– Tâm trạng mong đợi, bồn chồn nhớ người yêu của chàng trai trong khung cảnh làng quê.
– Hình ảnh chàng trai đứng trước bi kịch, muốn níu giữ vẻ đẹp chân quê ở người yêu đi tỉnh về bị ảnh hưởng của lối sống phương tây xa lạ.
– Thái độ và cách cư xử của chàng trai khi người yêu thay đổi.
– Lời nhắc nhở khuyên nhủ người yêu hãy giữ lấy những truyền thống tốt đẹp.
Tâm trạng chàng trai:
– Muốn gìn giữ vẻ đẹp truyền thống tốt đẹp của quê hương
– Lo âu, băn khoăn, day dứt, dự cảm về những thay đổi nhanh chóng của những giá trị mang bản sắc văn hóa dân tộc.
Nghệ thuật:
– Thể thơ lục bát, nhịp thơ 2/2
– Xây dựng hình tượng chủ yếu bằng các biện pháp tu từ: ẩn dụ, nhân hóa, so sánh, hoán dụ, điệp…
– Ngôn ngữ có khả năng gây cảm xúc, ấn tượng mạnh với người nghe.
– Lời thơ mộc mạc, giản dị…
Đánh giá:
Chân Quê là một bài thơ tiêu biểu về cái hồn quê của Nguyễn Bính. Có thể coi Chân Quê là một tuyên ngôn sống, tuyên ngôn nghệ thuật của ông. Xuyên suốt quá trình sáng tác của mình, ông đã trung thành với tuyên ngôn đó.
III – Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề
Bài văn mẫu
“Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy hãy yêu?
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay…”
Trên đây là những câu thơ nằm trong bài Quê hương của tác giả Đỗ Trung Quân mà chắc hẳn nhiều người đều đã từng được nghe qua và thuộc lòng. Quê hương luôn là chủ đề sáng tác bất tận cho thơ ca như vậy, là nơi mỗi khi nhắc tới sẽ mang đến cho chúng ta cảm giác bình yên và ấm áp. Trong số những bài thơ viết về chủ đề này, không thể không kể đến bài “Chân quê” của nhà thơ Nguyễn Bính được sáng tác năm 1936. Để lại ấn tượng nhất trong lòng người đọc có lẽ chính là Tình cảm đối với quê hương của chàng trai thể hiện trong bài thơ.
Tình cảm của chàng trai đối với quê hương vô cùng sâu sắc, đầu tiên thể hiện qua mong muốn giữ gìn truyền thống nơi “chân quê”. Chàng trai đã đợi người thương đi tỉnh về ở nơi quen thuộc của làng quê Việt Nam là “con đê đầu làng”, rồi bất ngờ khi thấy cô gái xuất hiện với hình ảnh như một cô gái thành thị với “Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng”; “Áo cài khuу bấm”. Điều này đã khiến chàng trai buồn rầu nghĩ “em làm khổ tôi”. Chàng trai nhớ đến những bộ trang phục trước kia người yêu mình mặc, những bộ quần áo đặc trưng của làng quê bắc bộ khi xưa là “cái yếm lụa sồi”; “Cái dây lưng đũi”; “cái áo tứ thân”; “Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen”. Có thể thấy chàng trai rất không thích những trang phục hiện đại nơi thành thị xa hoa mà cô gái mặc, không hề thích sự thay đổi đột ngột của người yêu và chỉ muốn người yêu như trước kia, mặc những trang phục truyền thống. Và sự mong muốn giữ gìn truyền thống quê hương của chàng trai càng được thể hiện rõ hơn qua những câu thơ tiếp theo. Chàng trai “van” cô gái giữ nguyên sự quê mùa trước kia, không phải xin mà là van nài, sự mong cầu khẩn thiết người yêu hãy giữ vững truyền thống “chân quê”. Trong mắt chàng trai, trang phục truyền thống luôn đẹp đẽ trong bất kì dịp nào, không phải theo như suy nghĩ nhiều người, là những thứ hiện đại mới là tốt nhất, đẹp nhất, chàng lấy ví dụ cho nàng là bộ đồ nàng mặc hôm đi lễ chùa, rất vừa lòng mình.
Rồi tình yêu với quê hương của chàng trai còn được thể hiện qua những lo âu, day dứt về sự thay đổi của quê hương, lo lắng quê hương sẽ đánh mất bản sắc đặc trưng. Chàng trai thể hiện nỗi lo này qua những câu thơ còn lại. Chàng ví “Hoa chanh nở giữa vườn chanh”, cũng chính là mang ý, những người sống tại nơi thôn quê chân chất, giản dị phải mang những đặc trưng của quê hương mình, không nên đánh mất những giá trị văn hóa riêng để du nhập những thứ không phù hợp với mình. Cùng nhau giữ truyền thống quê hương, thầy u hay chúng ta đều vậy, chân quê là một nét đẹp, không có gì phải thay đổi. Nhưng người thương giờ lại giống như một số người ở quê, đang dần đánh mất bản chất “chân quê”, khiến chàng trai vô cùng lo lắng, thấy hình dáng của quê hương đã bị thay đổi đi ít nhiều, không còn mang hương thơm đặc trưng chỉ có ở vùng quê yên bình là “hương đồng cỏ nội” nữa.
Bằng cách sử dụng thể thơ lục bát, cùng ngôn từ giản dị, chân thành, nhà thơ Nguyễn Bính đã đem tới hình ảnh một chàng trai với tình yêu quê hương vô cùng tha thiết, thể hiện qua mong muốn giữ được truyền thống văn hóa của quê hương và nỗi lo, day dứt vì sự thay đổi của quê hương, sợ quê hương sẽ dần mất đi bản sắc riêng. Trong thời kỳ đổi mới và toàn cầu hóa như hiện nay, có lẽ những tình cảm chàng trai thể hiện với quê hương cũng chính là bài học quan trọng mà mỗi chúng ta cần phải suy ngẫm.