I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
– Ngô gia văn phái: nhóm các tác giả họ Ngô Thì.
– Tác giả chính: Ngô Thì Chí (1753 – 1788), và Ngô Thi Du (1772-1840).
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác
– Hoàng Lê nhất thống chí được viết từ cuối triều Lê đến đầu triều Nguyễn.
– Ngô Thì Chí viết bảy hồi đầu và Ngô Thì Du viết bảy hồi sau, ba hồi cuối có thể do một người khác viết vào đầu triều Nguyễn.
b. Thể loại
– Thể chí: Một thể văn ghi chép sự vật, sự việc, vừa có tính văn học vừa có tính lịch sử lại vừa mang tính triết lý.
– Là một tiểu thuyết lịch sử kiểu chương hồi, bằng chữ Hán, gồm 17 hồi.
c. Nhan đề
– Hoàng Lê nhất thống chí viết bằng chữ Hán, ghi chép về việc thống nhất đất nước của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh.
– Hồi thứ 14 ca ngợi chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung cùng nghĩa quân Tây Sơn và sự thất bại thảm hại của quân tướng nhà Thanh cùng số phận lũ vua tôi phản nước hại dân Lê Chiêu Thống.
d. Phương thức biểu đạt: Tự sự
e. Tóm tắt
– Quân Thanh kéo vào Thăng Long, Nguyễn Huệ lên ngôi vua (hiệu là Quang Trung), ngày 25 tháng Chạp năm 1788 tiến ra Bắc diệt Thanh.
– Dọc đường tuyển thêm binh lính, mở cuộc duyệt binh lớn, chia quân thành các ngả tiến ra Bắc. Chỉ dụ tướng lĩnh, khao quân vào ngày 30 tháng Chạp, hẹn đến ngày mồng 7 Tết thắng lợi.
– Quân Tây Sơn đánh đến đâu thắng đến đó. Rạng sáng ngày mồng 3 Tết, bao vây đồn Hạ Hồi, giặc đầu hàng. Ngày mồng 5 Tết, tiến công đồn Ngọc Hồi. Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử, Tôn Sĩ Nghị tháo chạy về nước, Lê Chiêu Thống cùng gia quyến bỏ chạy theo.
II. Tìm hiểu chi tiết
1. Hình tượng người anh hùng Nguyễn Huệ
a. Nguyễn Huệ là một người hành động mạnh mẽ, quyết đoán.
– Từ đầu đến cuối đoạn trích, Nguyễn Huệ luôn luôn là con người hành động một cách xông xáo, nhanh gọn, có chủ đích và rất quyết đoán.
– Khi nghe tin giặc đánh chiếm đến tận Thăng Long mất cả một vùng đất đai rộng lớn mà ông vẫn không hề nao núng, “định thân chinh cầm quân đi ngay”.
– Rồi chỉ trong vòng hơn một tháng, ông đã làm được nhiều việc lớn: lên ngôi Hoàng đế, đốc xuất đại binh ra Bắc, tuyển mộ binh lính, tổ chức duyệt binh, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch (hành quân, tiến đánh, sau chiến thắng).
b. Nguyễn Huệ là người có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén Sáng suốt trong việc lên ngôi:
– Ngay khi mấy chục vạn quân Thanh hùng hổ kéo vào nước ta, thế giặc đang mạnh, tình thế khẩn cấp, vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Nguyễn Huệ quyết định lên ngôi Hoàng đế để chính danh vị, lấy niên hiệu là Quang Trung.
– Việc lên ngôi đã được tính kĩ với mục đích thống nhất nội bộ, hội tụ anh tài và quan trọng hơn là “để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người”, được nhân dân ủng hộ.
– Sáng suốt trong việc nhận định tình hình địch và ta:
(Lời phủ dụ quân lính ở Nghệ An)
– Khẳng định chủ quyền dân tộc “đất nào sao ấy”, “người phương Bắc không phải giống nòi nước ta, bụng dạ ắt khác”.
– Lên án hành động xâm lược phi nghĩa của giặc, trái với đạo trời “từ đời Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại dân ta, vơ vét của cải”.
– Nhắc lại truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc như: Trưng nữ vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành,… để khích lệ tướng sĩ dưới quyền.
– Kêu gọi nhân dân “đồng tâm hiệp lực” và ra kỉ luật nghiêm “chở quen thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra sẽ bị giết ngay tức khắc, không tha một ai”.
→ Lời phủ dụ như một lời hịch kích thích lòng yêu nước, truyền thống anh hùng dân tộc.
Sáng suốt trong việc đoán xét bề tôi và dùng người:
– Trong dịp hội quân ở Tam Điệp, qua lời nói của Quang Trung với Sở và Lân, ta thấy rõ: Ông rất hiểu tình thế buộc phải rút quân của hai vị tướng này. Đúng ra thì “quân thua chém tướng” nhưng ông hiểu lòng họ, sức mình ít không không thể địch nổi đội quân hùng tướng hổ nhà Thanh nên đành phải bỏ về Tam Điệp để tập hợp lực lượng. Vì vậy, Sở và Lân không bị phạt mà còn được khen.
– Đối với Ngô Thì Nhậm, ông đánh giá rất cao và sử dụng như một vị quân sự “đa mưu túc trí”. Việc Lân và Sở rút chạy, Quang Trung cũng đoán là do Nhậm chủ mưu, vừa là để bảo toàn lực lượng, vừa gây cho địch sự chủ quan. Do đó, ông đã tính đến việc dùng Nhậm là người biết dùng lời khéo léo để dẹp việc binh đao
c. Nguyễn Huệ là người có tầm nhìn xa trông rộng
– Ông luôn tin ở mình, tin vào chính nghĩa của dân tộc. Lúc mới khởi binh đánh giặc, chưa giành được tấc đất | nào, ông đã chắc thắng và dự kiến cả ngày chiến thắng: “phương lược tiến đánh đã tính sẵn, bất quá mươi ngày là xong.”
– Đang ngồi trên lưng ngựa lo đánh giặc, Quang Trung đã bàn với Nhậm về quyết sách ngoại giao và kế hoạch mười năm tới sau hòa bình: “chờ mười năm nữa ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh thì ta có sợ gì chúng”. Ông làm tất cả vì hòa bình và phát triển của dân tộc.
d. Nguyễn Huệ là bậc kì tài về quân sự-có tài thao lược hơn người
– Nhà vua thân chinh cầm quân, tổ chức chiến dịch với cuộc hành quân thần tốc nổi tiếng trong lịch sử.
– Cuộc hành quân thần tốc đến nay vẫn còn làm chúng ta ngạc nhiên:
+ Ngày 25 tháng Chạp bắt đầu xuất quân từ Phú Xuân (Huế). Một tuần sau đã đến Tam Điệp.
+ Đêm 30 tháng Chạp đã “lập tức lên đường” tiến ra Thăng Long (tất cả đều đi bộ).
+ Từ Tam Điệp trở ra vừa hành quân vừa đánh giặc, giữ bí mật bất ngờ.
– Hành quân liên tục và gấp gáp nhưng quân đội của Quang Trung vẫn chỉnh tề, dù cho quân đội đó không phải toàn lính thiện chiến nhưng dưới sự chỉ huy tài tình của ông đã trở thành quân đội dũng mãnh, đánh đâu thắng đó.
e. Hình ảnh vị vua lẫm liệt trong chiến trận
– Vua Quang Trung thân chinh cầm quân không chỉ trên danh nghĩa. Ông làm tổng chỉ huy chiến dịch thực sự.
– Dưới sự lãnh đạo tài tình của vị tổng chỉ huy này, nghĩa quân Tây Sơn đánh những trận thắng đẹp, thắng áp đảo kẻ thù.
– Khí thế đội quân làm cho kẻ thù khiếp vía và hình ảnh người anh hùng cũng được khắc họa lẫm liệt: trong cảnh “khói tỏa mù trời, cách gang tấc không thấy gì”, nổi bật hình ảnh nhà vua “cưỡi voi đi đốc thúc” với tấm áo đỏ đã sạm đen khói súng.
→ Hình ảnh người anh hùng được khắc họa đậm nét với tính cách mạnh mẽ, trí tuệ sáng suốt, nhạy bén, tài dùng binh như thần; là người tổ chức và linh hồn của chiến công vĩ đại của dân tộc. Đây là hình ảnh người anh hùng chiến trận đẹp vào bậc nhất trong văn học trung đại.
2. Sự thảm bại của quân xâm lược và số phận bi đát của bọn phản nước hại dân vua tôi Lê Chiêu Thống.
a. Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh
– Tướng: lúc quân Tây Sơn chưa đánh thì kiêu căng, tự mãn, chủ quan nhưng khi quân Tây Sơn đánh đến thì “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp…chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng Bắc mà chạy”.
– Quân: trước khi quân Tây Sơn đến thì mặc sức vui chơi nhưng khi lâm trận thì “ai nấy đều rụng rời sợ hãi” xin ra hàng hoặc “bỏ chạy toán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”, “đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa”.
– Cả đội binh hùng tướng mạnh mấy chục vạn người quen diễu võ dương oai giờ đây chỉ còn biết tháo chạy “đêm ngày đi gấp, không dám nghỉ ngơi”.
Đó là số phận tất yếu của kẻ xâm lược.
b. Số phận thảm bại của bọn phản nước hại dân
– Lê Chiêu Thống cùng bề tôi trung thành của ông đã vì lợi ích riêng của dòng họ mà mù quáng đem vận mệnh của dân tộc đặt vào tay kẻ thù xâm lược.
– Họ không còn tư cách bậc quân vương mà phải chịu số phận nhục nhã của kẻ cầu cạnh van xin và chịu chung số phận thảm hại của kẻ vong quốc.
+ Lê Chiêu Thống cũng vội vã cùng kẻ thân tín chạy bán sống bán chết, chạy “luôn mấy ngày không ăn”, cướp cả thuyền của dân để qua sông.
+ Cuối cùng, khi sang đến Trung Quốc phải cạo đầu, tết tóc, ăn mặc giống người Mãn Thanh và khi chết phải gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người.