Site icon Lớp Văn Cô Thu

Phân tích truyện ngắn làng của Kim Lân – Dàn ý chi tiết

Phân tích truyện ngắn làng của Kim Lân - Dàn ý chi tiết

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

– Tên thật: Nguyễn Văn Tài (1920-2007). Quê: Từ Sơn, Bắc Ninh.

– Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và đã có sáng tác đăng báo trước Cách mạng tháng Tám 1945. Kim Lân am hiểu sâu sắc và gắn bó với nông thôn, nông dân.

– Các sáng tác của ông thường viết về sinh hoạt nông thôn và cảnh ngộ của người nông dân.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

-1948: Thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ 1948.

b. Phương thức biểu đạt, ngôi kể.

-Phương thức biểu đạt: Tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm.

-Ngôi kể:

+ Truyện được kể theo ngôi thứ ba.

+ Tác dụng: Đảm bảo tính khách quan của những cái được kế và gợi cảm giác chân thực cho người đọc.

c.Tóm tắt

– Truyện kể về ông Hai làng chợ Dầu. Khi kháng chiến bùng nổ, ông buộc phải rời làng. Ở nơi tản cư, ông luôn nhớ về làng. Ngày nào ông cũng ra phòng thông tin để nghe lỏm tin tức của làng. Bao nhiêu tin vui về cuộc chiến đấu…làm ruột gan ông lão cứ múa cả lên.

– Một hôm, ông Hai nghe tin làng Dầu làm Việt gian theo Tây, ông rất khổ tâm và xấu hổ. Về nhà, ông nằm vật ra giường nhìn lũ con, nước mắt trào ra. Nghe bất cứ chuyện gì ông cũng sợ rằng người ta nói đến chuyện ấy. Bà chủ nhà đã biết chuyện có ý đuổi khéo nhà ông đi. Ông lâm vào hoàn cảnh bế tắc không biết đi đâu về đâu, đành tâm sự với đứa con út.

– Khi tin đồn được cải chính, ông Hai đi khắp nơi khoe nhà ông bị giặc đốt và lại sang nhà bác Thứ kể chuyện về làng.

II. Tìm hiếu chi tiết

1. Tình huống truyện và ý nghĩa của tình huống truyện.

– Kim Lân đã tạo được tình huống truyện đặc sắc: Ông Hai nghe tin làng Dầu theo Tây.

+ Tác giả đặt nhân vật vào tình huống gay cấn, để làm bộc lộ sâu sắc tình cảm với làng với nước của ông Hai. Ông Hai rất yêu làng Dầu mà phải đón nhận cái tin dữ ấy từ những người dưới xuôi lên.

+ Tình huống bất ngờ ấy, cho thấy lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến bao trùm chi phối tình yếu làng quê.

– Ý nghĩa:

+ Tạo sức hút đối với người đọc, tạo nên nút thắt cho câu chuyện, tạo điều kiện thể hiện tâm trạng và phẩm chất nhân vật và góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm.

+ Khắc họa đặc điểm nổi bật về tình yêu làng, yêu nước, trung thành với cách mạng, với cụ Hồ của người nông dân Việt Nam, tiêu biểu là nhân vật ông Hai.

2. Diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai.

a. Trước khi nghe tin làng Dầu theo giặc.

– Ở nơi tản cư, tình yêu làng của ông Hai hòa nhập với tình yêu nước.

– Xa làng ông nhớ làng da diết. Nỗi nhớ làng khiến ông thay đổi tâm tính: “Lúc nào ông cũng thấy bực bội, ít nói, ít cười, cái mặt lúc nào cũng lầm lầm, hơi một tí là gắt, hơi một tí là chửi”.

– Khi được nói chuyện về làng, ông vui náo nức đến lạ thường: “Hai con mắt ông sáng hắt lên, cái mặt biến chuyển hoạt động”.

– Ông quan tâm đến tình hình chính trị thế giới, đến các tin chiến thắng của quân ta

+ Tin một em bé trong ban tuyên truyền xung phong bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kì trên tháp rùa.

+ Một anh trung đội trưởng sau khi giết được bảy tên giặc đã tự sát bằng quả lựu đạn cuối cùng.

+ Đội nữ du kích Trưng Trắc giả làm người mua hàng đã bắt sống được tên quan hai bốt thao ngay giữa chợ mà “ruột gan ông lão cứ múa cả lên”.

=> Đó là niềm vui của một người biết gắn bó tình cảm của mình với vận mệnh của toàn dân tộc, là niềm vui mộc mạc của một tấm lòng yêu nước chân thành.

b. Nỗi đau đớn, tủi hổ khi nghe tin làng Dầu theo giặc.

• Khi mới nghe tin dữ về làng:

– Tin dữ quá đột ngột khiến ông Hai xúc động đến sững sờ: “Cổ họng ông lão nghẹn ắng cả lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng hẳn đi, tưởng như không thở được”.

– Khi trấn tĩnh lại, ông còn cố không tin vào cái tin dữ ấy. Nhưng rồi những người tản cư kể rành rọt quá, lại khẳng định họ “vừa ở dưới ấy lên” làm ông không thể không tin.

– Từ lúc ấy, tâm trí ông Hai chỉ còn cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó trở thành nỗi ám ảnh, day dứt.

• Khi mới nghe tin dữ về làng:

-Về đến nhà ông nằm vật ra giường, rồi tủi thân nhìn đàn con mà: “Nước mắt ông cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?”.

– Ông giận lũ người theo giặc, nắm chặt hai tay mà rít lên: “chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”.

– Rồi ông ngờ ngợ, niềm tin, nỗi ngờ giằng xé trong ông: “ông kiểm điểm từng người trong óc”. => Ông Hai đau xót, tủi hổ trước tin dữ về làng ông.

Mấy ngày sau đó:

– Ông không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà, nghe ngóng binh tình bên ngoài: “một đám đồng túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng nói cười xa xa ông cũng chột dạ”.

– Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, tưởng như người ta đang để ý, bàn tán đến “cái chuyện ấy”, cứ thoáng nghe thấy những tiếng Tây, Việt gian, Cam nhông,…là ông lại nín thít.

– Ông Hai cảm thấy mình có lỗi trong việc làng ông theo Tây.

=> Tác giả đã diễn tả rất cụ thể nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông Hai.

– Cuộc xung đột nội tâm của ông Hai khi mụ chủ nhà biết chuyện.

– Khi mụ chủ nhà biết chuyện và có ý đuổi khéo gia đình ống đi, ông Hai đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, bề tắc hoàn toàn:

+ Ông thoáng có ý nghĩ “hay là trở về làng”, tuy nhiên ông lại gạt bỏ ngay ý nghĩ đó, bởi “Làng đã theo Tây, về làng là rời bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, là cam chịu trở về kiếp sống nô lệ

+ Chính vì thế ông đã tự xác định một cách đau đớn nhưng dứt khoát: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây rồi thì phải thù”.

-> Quyết định ấy khẳng định tình yêu nước mạnh mẽ, thiêng liêng, rộng lớn hơn, bao trùm lên tình cảm với làng quê. Niềm tin vào cách mạng vào kháng chiến đã giúp ông có được sự lựa chọn đó.

– Nhưng dù xác định như thế, ông vẫn không thể dứt bỏ tình cảm với làng quê, vì thế ông càng đau xót, tủi hổ:

+ Đau xót không biết tâm sự cùng ai, ông chỉ còn biết trút nỗi lòng mình vào những lời tâm sự thủ thỉ với đứa con
còn rất ngây thơ.

+ Yêu làng Dầu, ông muốn khắc sâu vào trái tim bé nhỏ của con tình cảm với làng: “Nhà ta ở làng chợ Dâu”.

+ Đó cũng là tấm lòng thủy chung với kháng chiến, với cụ Hồ: “Anh em đồng chí biệt cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu, trên cổ soi xét cho bố con ông”.

+Tình cảm ấy sâu nặng, thiêng liêng: “Cái lòng của bố con ông là như thế đây, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”.

+ Ngần ấy tuổi đầu mà nước mắt ông cứ ròng ròng khi nghĩ về làng.

=> Nỗi đau ấy mới đáng trân trọng làm sao. Bởi đó là nỗi đau của một con người coi trọng danh dự của làng như của chính bản thân mình.

c. Niềm vui sướng của ông Hai khi tin đồn được cải chính.

– Thái độ của ông Hai thay đổi hẳn: “Cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”.

– Ông lại lật đật đi khắp nơi khoe làng. Ông khoe: “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác a, đốt nhẵn!”. Đối với người nông dân, căn nhà là cả cơ nghiệp cả cuộc đời, vậy mà ông hả hê loan báo cái tin ấy một cách cho mọi người biết một cách đầy tự hào như một niềm hạnh phúc thực sự của mình. Điều đó chứng tỏ ông vui một cách chân thành với niềm vui chung. Ngôi nhà mất nhưng danh dự còn, thế là ông mung.
Đó là nỗi lòng sung sướng hồn nhiên nhưng thật sự xúc động của ông Hai.

=> Ta thấy ở ông Hai tình yêu làng quê và tình yêu nước được đặt cao hơn nỗi mất mát cá nhân.

3. Đặc sắc nghệ thuật

-Nghệ thuật xây dựng từ rác huống truyện: tác giả đặt nhân vật vào tình huống cụ thể để thử thách nhân vật, để nhân vật tự bộc lộ chiều sâu tâm trạng.

-Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật: Khắc họa thành công nhân vật ông Hai qua những diễn biến nội tâm: suy nghĩ, hành động, lời nói,…Đặc biệt là các đoạn độc thoại, đối thoại và độc thoại nội tâm.

-Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ rất đặc sắc: có ngôn ngữ mang đậm tính khẩu ngữ, vừa có ngôn ngữ chung của người nông dân vừa mang đậm cá tính của nhân vật.

-Cách trần thuật truyện linh hoạt, tự nhiên.

🔻 Xem thêm:

Exit mobile version