1/ Mở bài : giới thiệu tác giả, tác phẩm, ấn tượng chung về tác phẩm.
– Là một cây bút nổi tiếng của văn học Việt Nam trước năm 1945, nhà văn Thạch Lam thành công với thể loại truyện ngắn với phong cách viết văn bình dị, giàu cảm xúc và đậm chất thơ. Các tác phẩm của ông ẩn chứa niềm tin yêu, trân trọng đối với thiên nhiên và con người.
– Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách ấy của ông.
– Xoay quanh một tình huống truyện đơn giản, truyện ca ngợi tình yêu thương, sự sẻ chia ấm áp, trong trẻo của con người với con người, đặc biệt tình yêu thương vô tư của những đứa trẻ.
2/ Thân bài
a/ Phân tích nội dung, chủ đề của truyện
– Nêu hoàn cảnh ra đời, tóm lược nội dung chính của truyện.
Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” được viết vào năm 1937 và in trong tập truyện cùng tên. Tác phẩm đưa người đọc vào thế giới cảm xúc trong trẻo của tuổi thơ để lại những rung động sâu sắc trong lòng mỗi người. Mùa đông giá lạnh đã đến, hai chị em Lan và Sơn được mặc quần áo đẹp đẽ và ấm áp. Hai chị em ra xóm chợ chơi và thấy những người bạn nghèo mặc những bộ quần áo bạc màu, nhiều chỗ vá. Đặc biệt là em Hiên chỉ có mang áo rách tả tơi, co ro chịu rét. Chị Lan hăm hở về lấy áo cho Hiên, trong lúc đợi chờ, Sơn cảm thấy trong lòng mình ấm áp, vui vui. Chuyện cho áo đến tai người thân, lo sợ bị mẹ mắng, hai chị em đi tìm Hiên đòi áo. Mẹ Hiên sang nhà Sơn trả lại áo bông. Biết hoàn cảnh của gia đình Hiên, mẹ Sơn cho mẹ Hiên mượn tiền may áo mới cho con. Câu chuyện chỉ có vậy nhưng giá trị mà tác phẩm để lại thì vô cùng to lớn.
– Nêu chủ đề truyện: Qua câu chuyện cho áo – trả áo của những đứa trẻ và hai người mẹ, truyện cho chúng ta nhìn thấy được sự khác biệt rõ rệt giữa những đứa trẻ trong gia đình nghèo khó và gia đình giàu có nơi phố chợ nghèo trong cơn gió lạnh đầu mùa và tình yêu thương giữa người với người cao cả, đẹp đẽ. Để rồi qua đó đề cao, ca ngợi tấm lòng yêu thương và nhân ái của con người đối với nhau trong cuộc sống.
– Phân tích nhân vật để làm sáng tỏ chủ đề truyện.
Trong truyện Gió lạnh đầu mùa, nhân vật được Thạch Lam xây dựng chủ yếu qua từng cảm xúc, tâm trạng gắn liền chuyển biến của thiên nhiên, cảnh vật, sự việc. Nhân vật không được kể nhiều về hình dáng, ngoại hình mà nhà văn tập trung miêu tả khai thác diễn biến tâm lí của nhân vật giúp người đọc thấy được vẻ đẹp trong tính cách tâm hồn.
• Nhân vật Sơn
Nhân vật được nhà văn tập trung khắc hoạ và gây được ấn tượng mạnh trong lòng người đọc đó là nhân vật Sơn. Nhân vật xuất hiện ngay mở đầu tác phẩm trong ngôi nhà ấm cúng của mình khi gió mùa về. Sơn “tung chăn tỉnh dậy”, em nhìn ra ngoài sân, nghe “gió vi vu…”, âm thanh xào xạc của những chiếc lá khô, Sơn cảm nhận rất rõ cái lạnh đầu mùa. Gia đình Sơn thuộc tầng lớp trung lưu nên cậu được ăn mặc rất sạch đẹp, một chiếc áo dạ đỏ lẫn áo vệ sinh, áo vải thâm bên ngoài. Khi vú già nhắc đến chuyện chiếc áo bông, mẹ Sơn nhắc đến em Duyên, người em đã mất của Sơn, Sơn cảm động và thương em quá. Có thể nói, ngay đầu tác phẩm, người đọc đã cảm nhận được không khí ấm áp của gia đình Sơn, cảm nhận được Sơn là cậu bé ngoan ngoãn, sống giàu tình cảm, tinh tế , biết quan sát và cảm nhận được tâm trạng, cảm xúc của người thân.
Sống trong cảnh khá giả nhưng Sơn không hề tỏ ra kiêu ngạo, xa cách mà vẫn là một cậu bé tốt bụng và giàu tình cảm. Khác với những người anh họ của mình, Sơn luôn thân thiện và chơi đùa với lũ trẻ hàng xóm. Thấy Hiên đứng “co ro” gần quán nước, trong gió lạnh chỉ mặc độc chiếc áo “tả tơi”, “hở cả lưng, hở tay”, Sơn chợt nhớ mẹ Hiên rất nghèo, chắc chắn không có tiền mua áo cho Hiên. Một ý hay nảy ra trong đầu Sơn, đó là đem chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Nghĩ vậy, Sơn nói với chị gái mình và được chị đồng ý. Lan “háo hức” chạy về nhà lấy áo còn Sơn lặng lẽ đứng chờ, trong lòng cảm thấy “ấm áp, vui vui”. Vẻ đẹp tâm hồn của Sơn lại được thể hiện ở nét đẹp đáng yêu, sự ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng ở cuối truyện khi cùng chị đi tìm Hiên để đòi lại áo vì sợ mẹ mắng. Với ngôn từ giản dị và giọng nói nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, nhân vật Sơn được thể hiện một cách sinh động và chân thực. Thông qua nhân vật Sơn, nhà văn đã gửi gắm những bài học quý giá về tình người trong cuộc sống.
• Nhân vật chị Lan, mẹ Sơn, mẹ Hiên
Ngoài việc khắc hoạ đậm nét nhân vật chính Sơn, Thạch Lam cũng dành tình cảm và sự trân trọng, ngợi ca dành cho các nhân vật khác. Đó là nhân vật Lan – chị gái của Sơn. Lan được khắc họa trong truyện là một cô bé đảm đang, tháo vát. Lan dậy từ sớm cùng mẹ ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống, giúp mẹ lấy thúng áo ra cho em mặc…Không chỉ vậy, cô bé còn là một người giàu tình yêu thương. Đối với em trai, cô bé hết mực yêu thương: là người gọi em dậy mỗi buổi sớm, an ủi động viên em… Còn với trẻ con trong xóm, Lan luôn hòa đồng và thân thiết. Khi nhìn thấy Hiên đứng ở xa mà không đến chơi cùng, Lan đã gọi Hiên lại, hỏi thăm rất chân thành. Khi nghe em trai đề nghị đem chiếc áo bông cho Hiên, Lan cũng đồng ý và còn hăm hở chạy về nhà lấy. Cùng với mẹ của mình, nhân vật Lan đã mang đến cho chúng ta những trái tim ấm áp của tình thương của tình người, bài học về tình yêu thương.
Truyện còn gợi cho người đọc ấn tượng sâu sắc hai người mẹ: mẹ Sơn và mẹ Hiên. Mẹ Hiên làm nghề mò cua bắt ốc kiếm ăn qua ngày nên không có tiền may áo ấm cho con. Khi biết được con gái mình được cho áo, người mẹ nghèo đã mang áo đem trả lại bởi lẽ chiếc áo bông là một vật rất giá trị, chẳng phải ai cũng có mà cũng chẳng phải ai cũng sẵn lòng cho. Việc làm này của mẹ Hiên cho ta thấy bà là người rất giàu lòng tự trọng. Cùng với đó, ta cũng cảm phục vô cùng trước thái độ và cách cư xử của mẹ Sơn. Dù gia đình khá giả, sung túc nhưng bà không hề tỏ ra xa cách với người nghèo, bà cho mẹ Hiên mượn tiền để mua áo cho con mà không hề tính toán. Cuối truyện, mẹ Sơn ôm hai chị em vào lòng và nói lời trách móc thân yêu, ấy cũng chính là biểu hiện của niềm vui, niềm hạnh phúc khi bà biết được những đứa con mình rất giàu lòng nhân ái.
b/ Phân tích đặc sắc nghệ thuật của truyện
• Chất trữ tình đằm thắm
Làm nên thành công của thiên truyện “Gió lạnh đầu mùa” có lẽ trước hết là ở chất trữ tình đằm thắm. Với ngôn ngữ nhẹ nhàng, giản dị, chân thực, câu chuyện tựa như một bài thơ trữ tình về tình người ấm áp. Trong tác phẩm , nhà văn đã miêu tả tinh tế và chính xác sự chuyển đổi mùa từ cuối thu sang đầu đông bằng những từ ngữ cô đọng, vừa tượng thanh, vừa tượng hình vừa khơi gợi cảm xúc: “cái nắng tháng mười làm nứt nẻ đồng ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi …”, “ngoài sân đất khô trắng… cơn gió vi vu làm bốc lên những làn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Cái lạnh đó là cái cớ để mọi người trong nhà thu mình vào thế giới nội tâm se thắt. Chất trữ tình đã tạo nên lời văn mượt mà, trau chuốt đầy chất thơ, giàu chất họa, âm thanh nhẹ nhàng, êm ái mà đầy suy tư, một ngôn ngữ như được chắp cánh thơ, nâng người đọc đến những cảm xúc thẩm mĩ sâu sắc.
• Thủ pháp đối lập
Cùng với chất trữ tình đằm thắm, nên thơ, thủ pháp đối lập cũng là nét nghệ thuật đặc sắc làm nên thành công của thiên truyện. Tác giả đã vẽ nên trong tác phẩm hai mảnh đời đối lập, đó là Sơn – một đứa trẻ may mắn khi được thức dậy trong cái chăn ấm áp, được sưởi tay trong hỏa lò, được mẹ và chị chăm sóc kỹ lưỡng, khi lo cho từng “chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm”. Sơn có đến những hai chiếc áo rét cực dày, “một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm và một cái áo dạ khâu chỉ đỏ”. Trong khi đó, những đứa trẻ xóm chợ, trong đó có cô bé Hiên vì nghèo khó phải vẫn phải đem da thịt trần trụi trong “bộ quần áo nâu bạc, đã rách vá nhiều chỗ” căng sức chống chọi với giá rét. Những đứa trẻ xóm chợ rất đáng thương với đôi môi chúng nó ‘tím lại’’, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi’. Chúng bỏ dở những trò chơi con trẻ, chỉ để được ngắm, được sờ và được ao ước, mộng tưởng về những chiếc áo của Sơn. Từ sự trái ngược, đối lập về hoàn cảnh sống của những đứa trẻ, nhà văn đã nêu bật tình yêu thương giữa con người với con người, khơi sâu trong lòng mỗi người tình thương và sự rung động sâu xa.
3/ Kết bài : Khái quát lại đặc sắc nội dung, nghệ thuật của truyện; nêu giá trị của truyện.
Thời gian dù có trôi qua, khung cảnh câu chuyện Gió lạnh đầu mùa có thể không còn lưu giữ trọn vẹn trong trí nhớ mỗi người nhưng tình người, nghĩa cử ấm ấp của chị em Sơn mãi mãi là việc tử tế được tâm hồn giàu tình thương của Thạch Lam dành trọn không chỉ trong truyện ngắn này mà còn lan toả trong tim biết bao người. Vì thế, truyện “Gió lạnh đầu mùa” mãi mãi đọng lại và lan toả trong lòng chúng ta những ấm áp của tình người và tình đời để tình yêu thương, việc tử tế bước ra ngoài trang sách thật nhiều, tô đẹp thêm cho cuộc sống hàng ngày chúng ta đang sống.