Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” xoay quanh tình huống về nhân vật Phùng – một nghệ sĩ nhiếp ảnh – người đang đi săn tìm cái đẹp của cuộc sống để đem lại những bức ảnh đẹp cho vào bộ lịch nghệ thuật về thuyền và biển. Nhân chuyến thăm người bạn chiến đấu năm xưa tên Đẩu – giờ là chánh án tòa án huyện, Phùng sau bao đắn đo đã quyết định chụp cảnh đoàn thuyền đánh cá vào lúc bình minh. Cảnh ấy thật lung linh, huyền ảo, thơ mộng với “một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích, một vẻ đẹp của “đạo đức, chân lí của sự toàn thiện”. Phùng cảm thấy sung sướng vô cùng khi anh “khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nhưng chính lúc anh đang tràn ngập niềm vui, hạnh phúc do “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại” thì anh bất giác nhìn thấy chiếc thuyền của người đàn bà hàng chài ngay trước mặt. Tệ hại hơn, anh còn được chứng kiến cảnh lão đàn ông dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng vợ. Và rồi anh cùng với người bạn của mình tìm hiểu về cuộc sống của gia đình người đàn bà hàng chài. Cuối cùng anh cũng ngộ ra mối quan hệ giữa cuộc đời thật và nghệ thuật thật không đơn giản. Đằng sau bức ảnh con thuyền chìm trong bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào là số phận đớn đau của người phụ nữ, là cuộc sống nheo nhóc, lênh đênh của một gia đình hàng chài, là tình trạng bạo lực gia đình. Và con mắt tinh tường của anh đã từng băn khoăn về một chân lí lớn đã được một đại văn hào phát hiện: bản thân cái đẹp chính là đạo đức. Nhưng anh cũng nhận ra rằng quan niệm về đạo đức cũng đang biến đổi theo hoàn cảnh, theo sự nhìn nhận của từng số phận cá nhân. Cuối cùng, anh đã có cái nhìn thay đổi về cuộc sống và nghệ thuật. Người nghệ sĩ không thể có cái nhìn đơn giản và sơ lược về cuộc sống. Trong những bức ảnh anh đã mang về có một bức ảnh màu trắng thật đẹp và đã được lựa chọn. Tuy là ảnh đen trắng nhưng lạ thay, mỗi lần anh ngắm đều thấy hiện lên màu hồng hồng của sương mai, càng nhìn kĩ lại càng thấy hiện lên người đàn bà hàng chài nghèo khổ, đang bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông.
Rõ ràng truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” xoay quanh tình huống nhận thức của nhân vật Phùng. Anh đã đi từ lầm lẫn, ngộ nhận đến hiểu biết, “giác ngộ” trong cách nhìn về cuộc sống. Qua tình huống tự nhận thức ấy, ta không chỉ thấy được quan niệm nghệ thuật mới mẻ của Nguyễn Minh Châu – người mở đường tinh anh cho văn xuôi Việt nam sau 1975 mà còn thấy được ý nghĩa nhân bản sâu xa toát ra từ tác phẩm. Đó là tình yêu tha thiết với con người. Tình yêu ấy cháy bỏng lên thành khát vọng kiếm tìm, phát hiện và tôn vinh vẻ đẹp của con người. Đó còn là nỗi lòng khắc khoải, lo âu trước cái xấu xa, tàn bạo. Tôi chợt nhớ tới câu nói của Nguyễn Đình Thi: “Nói nghệ thuật tức là nói đến sự cao cả của tâm hồn. Đẹp tức là một cái gì cao cả. Có khi nhà văn miêu tả một cái nhìn rất xấu, một tội ác, một tên giết người nhưng cách nhìn, cách miêu tả phải cao cả”. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã làm nên những điều cao cả ấy trong thế giới văn chương. Đằng sau cái nhìn hiện thực gồ ghề, thô ráp, đau đớn và cả cái ác là vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, là trái tim của người phụ nữ hy sinh, nhân ái, vị tha. Cái nhìn hiện thực của nhà văn sâu sắc, trĩu nặng tình thương và nỗi lo âu với con người. Nguyễn minh Châu đã từng quan niệm: “Người viết văn là một người rất nặng nợ với đời” ( Trang giấy trước đèn ). Bởi trong thâm tâm, ông luôn quan niệm tình yêu ở người nghệ sĩ “vừa là một niềm hân hoan, say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh mình” ( Ngày xuân phỏng vấn các nhà văn, Báo văn nghệ ). Ông luôn có ý thức rõ về vai trò của mình khi cho rằng cuộc đời nhà văn “là một cuộc đời không bao giờ được phép ngừng lăn lộn trong cuộc sống thực tế, không bao giờ ngừng nghiên cứu và quan sát xã hội, và trong khi chăm chú đọc cái cuốn sách khổng lồ đó, anh ta phải đặt hết tâm hồn và trí tuệ của mình vào, phải tỏ rõ chính kiến và lập trường của mình trước mỗi sự việc, mỗi hoàn cảnh, mỗi một con người” ( Trang giấy trước đèn ).
Tình huống tự nhận thức cũng phản ánh rõ nét đặc điểm phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu. Đó là một lối văn thâm trầm, giản dị, đôn hậu mà sâu sắc, thấm thía, nhiều dư vị, lắng đọng chiêm nghiệm sâu xa về lẽ đời để kết tụ thành những triết lí nhân sinh sâu sắc.
Vậy từ những tình huống tự nhận thức ấy, người nghệ sĩ văn chương và độc giả rút ra những bài học nhận thức gì cho mình ?.
Ý nghĩa của tình huống tự nhận thức trong “Chiếc thuyền ngoài xa”
Nhận thức về con người và cuộc sống
Có lẽ, những người nghiên cứu văn học muôn đời luôn thấm thía một câu nói của đại văn hào Nga, Mácxim Gorki “Văn học là nhân học”. Quả thực, con người là chủ thể của vũ trụ và là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Chỉ nhắc đến hai tiếng Con Người, lòng ta đã tràn đầy niềm tự hào, hứng khởi, hạnh phúc: “Con Người, hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh và hùng tráng xiết bao”. Bởi vậy, bất kì tác phẩm văn học chân chính nào cũng có những nhận thức, khám phá mới mẻ về cuộc sống của con người. Cao quý hơn, nó còn là tiếng nói tôn vinh những giá trị tốt đẹp của con người. Hơn ai hết, Nguyễn Minh Châu ý thức rất rõ về thiên chức của người nghệ sĩ trong việc phát hiện ra những bí mật ẩn chứa trong tâm hồn con người, đó là những “hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Ông là người nghệ sĩ luôn sưu tầm, lượm lặt cái đẹp rải rác trong cuộc sống. Nhà văn luôn tìm đến những phương trời xa lạ mà lại rất gần trong tâm hồn con người, khám phá những vấn đề tiềm ẩn trong cuộc sống mà ta chưa biết, những diều tưởng như rất giản dị, gần gũi mà ít ai nghĩ tới. Thế đấy, Nguyễn Minh Châu luôn quan niệm con người như một thế giới bí ẩn mà loài người không bao giờ giải mã hết những thông số về nó: “Mỗi con người đều chứa đựng trong lòng những nét đẹp đẽ, kì diệu đến nỗi cả một đời cũng chưa đủ để nhận thức, khám phá tất cả những cái đó”(Tr36, Nguyễn Minh Châu, tác giả – tác phẩm). Sự nhận thức về con người quả là vô hạn. Vì vậy văn học mọi thời đại luôn quay guồng thay đổi cùng với nhịp sống thì mới có thể hiểu sâu về con người.
Nếu văn học Việt Nam trước năm 1975 mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn thì văn học sau năm 1975 lại phản ánh hiện thực cuộc sống như nó vốn có, tìm về với những đề tài bình dị, phản ánh mọi góc độ đời tư thế sự của cuộc sống. Trước đây, người ta chỉ thấy cảm hứng ngợi ca, thấy ánh hào quang của lí tưởng sống quên mình vì tất cả, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Còn bây giờ, tiếng súng chiến tranh đã im bặt, con người trở về với nhịp sống bình lặng, yên ổn. Nhưng đó cũng là lúc con người phải đối mặt với nhiều nỗi lo của cuộc sống mới như cơm áo, gạo tiền, kiếm kế mưu sinh, sự tha hóa biến chất theo kiểu mới của nhân loại, đời sống cá nhân phát triển với nhiều đòi hỏi riêng…Từ những năm 1960, Nguyễn Minh Châu đã từng băn khoăn: “Phải chăng bên cạnh những đức tính tốt đẹp thì tính cơ hội, nịnh nọt, tham lam, ích kỉ, phản trắc, vụ lợi còn được ẩn kín và đã có lúc ngấm ngầm phát triển đến mức gần như lộ liễu ? Bây giờ ta phải chiến đấu cho quyền sống của cả dân tộc. Sau này, ta phải chiến đấu cho quyền sống của từng con người, làm sao cho con người ngày một tốt đẹp. Chính cuộc chiến đấu ấy mới lâu dài”.
Quả thực, Nguyễn Minh Châu rất dũng cảm khi ông bước vào cuộc chiến đấu cho quyền sống của từng con người. Là người sống sâu sắc, từng trải với đời, Nguyễn Minh Châu giống như con tằm bấy lâu nay chắt chiu, cần mẫn để nhả cho đời những sợi tơ văn chương óng vàng. Với cái nhìn tin tưởng và hy vọng vào con người: “Mỗi con người đều chứa đựng trong lòng những nét đẹp đẽ, kỳ diệu đến nỗi cả một đời cũng chưa đủ để nhận thức, khám phá tất cả những cái đó” nên sáng tác của ông thường đi vào việc phân tích bề sâu tâm hồn con người để phát hiện nhiều vẻ đẹp bị khuất lấp. Phải chăng, vì thế mỗi sáng tác của ông đều làm gợn lên những gợn sóng lăn tăn băn khoăn, suy tư trên mặt nước tâm hồn người đọc ? Đọc “Chiếc thuyền ngoài xa” có biết bao suy nghĩ đang ngủ quên trong khối óc bình yên của con người được đánh thức. Đó là suy nghĩ về cuộc sống của những kiếp người lao động nghèo khổ ở miền biển sống bằng nghề chài lưới lênh đênh trên mặt nước, về số phận của người phụ nữ trước cái đói nghèo, là tình trạng bạo lực vũ phu, về sự tha hóa của nhân tính, về tương lai của những đứa trẻ thơ, về chuyện cơm áo để tồn tại mưu sinh, về những hạnh phúc và niềm ao ước giản đơn của con người mà cũng không có được…
Trước hết, nhà văn đã tái hiện bức tranh sinh động về cuộc sống của người đàn bà hàng chài qua lời tâm sự của mụ khi đối thoại với Đẩu. Đó là cuộc sống vô cùng “lam lũ và khó nhọc”. Nỗi nhọc nhằn vì cuộc sống mưu sinh ấy hằn in trên dáng vẻ thô kệch và khuôn mặt của người đàn bà miền biển: “Mụ rỗ mặt. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”. Chua xót thay, từng lời tâm sự của chị như đang trút ra những gánh nặng của cuộc sống đang hàng ngày đè nặng trên đôi vai gầy guộc. “Cái nhìn suốt cả đời mình” khi nói chuyện với Đẩu dường như là một nỗi lo âu cứ đeo bám, xuyên thấu cả một quãng đời nghèo khổ của chị. Chị nói ra những điều tưởng như rất đơn giản nhưng chẳng biết bao giờ chị mới có được nó: “Giá tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn”. Với người dân hàng chài thì cái chuyện sinh sống, ăn ở của họ đều được phó thác cho biển cả. Đẩu hỏi người đàn bà sao không lên bờ mà ở thì chị trả lời rất có lí: “Làm nhà trên đất ở một chỗ thì đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó. Từ ngày cách mạng về, cách mạng cấp đất nhưng chẳng ai ở vì không thể bỏ nghề được !”. Như thế nghĩa là không phải là người đàn bà hàng chài không muốn lên bờ sinh sống, không phải không muốn thoát khỏi kiếp sống lênh đênh trên con thuyền giữa mênh mông sóng nước , đầy phong ba bão táp. Cái căn nguyên sâu xa của nó chính là miếng ăn để tiếp tục tồn tại mưu sinh. Điều đó rất nan giải bởi nó còn quyết định sự sống của biết bao con người, nhất là những đứa con thơ mà nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Thuyền thì chật mà đẻ lại nhiều. Phải chăng nhà văn Nguyễn Minh Châu còn đặt ra một quy luật của xã hội loài người: con người luôn tập trung đông đúc ở những nơi nào dễ làm ăn sinh sống. Còn mảnh đất nơi họ định cư mà khó làm ăn thì họ sẽ bỏ quê hương đi tha phương cầu thực. Hoàn cảnh sống quyết định rất nhiều đến sự lựa chọn cuộc sống của con người mà không phải lúc nào con người cũng có quyền lựa chọn theo ý muốn. Sống cho mình hay sống vì các con, sống trên bờ hay sống ở dưới nước đều là những câu hỏi khiến người đàn bà hàng chài phải băn khoăn suy nghĩ.
Không chỉ dừng lại ở việc phản ánh những số phận chung chung của người dân nghèo miền biển mà tác giả còn tạc vào không gian sóng nước kia một bức chân dung của người đàn bà hàng chài như một ám ảnh, một nỗi nhức nhối. Viết về đề tài người phụ nữ, xưa nay đã có không ít những áng thơ văn nức danh. Có mấy ai nghĩ sẽ có những người phụ nữ nào đẹp và tài năng hơn nàng Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hay là hình ảnh người phụ nữ vừa đẹp vừa tài năng, sắc sảo trong thơ bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, vừa đẹp vừa dịu hiền nết na như nàng Vũ Nương trong “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ ? Nhưng quả thật, khi đọc truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu ta dường như thấy vẫn có nhiều điều mới mẻ, thú vị khi khám phá. Một vẻ đẹp không đơn điệu, không nhàm chán, không trùng lặp mà ngược lại, ta thấy người phụ nữ ấy hội tụ đầy đủ cả vẻ đẹp tâm hồn truyền thống và hiện đại của người phụ nữ Việt Nam. Ta đã từng biết đến những người phụ nữ trong văn Nam Cao hiền lành, yếu đuối và cam chịu như Từ ( Đời thừa), Nhu ( Ở hiền )…, là mẹ Lê tuy nghèo khổ nhưng yêu thương con hết mực trong “Nhà mẹ Lê” ( Thạch Lam ) hay đó là cô Đào vừa bất hạnh nhưng rất giàu nghị lực và sắc sảo trong “ Mùa lạc”, một cô Mị vừa hiền lành, cam chịu nhưng cũng táo bạo, dũng cảm khi dám đấu tranh để tự giải phóng cho mình trong “Vợ chồng A Phủ” ( Tô Hoài )…Rồi sau này, khi đất nước có giặc ngoại xâm, biết bao người phụ nữ đã trở thành những người anh hùng mà vẫn “trung hậu, đảm đang” như chị Út Tịch ( Người mẹ cầm súng – Nguyễn Thi ), là Mai, Dít – những cô gái của núi rừng Tây Nguyên quả cảm trong “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, là Chiến – người con gái Nam Bộ vừa nữ tính vừa mạnh mẽ, quyết đoán, tháo vát, đảm đang trong “ Những đứa con trong gia đình” – Nguyễn Thi )…Và người phụ nữ bước vào trang văn của Nguyễn Minh Châu cũng không phải là ít như Quỳ trong “ Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”, người vợ đảm đang của nhân vật Nhĩ trong “Bến quê”, là Nguyệt trong “Mảnh trăng cuối rừng”…Làm một phép quy nạp, ta thấy hầu hết người phụ nữ trong văn thơ đều đẹp từ hình thức đến phẩm chất, tâm hồn. Bởi họ chính là những loài hoa tinh túy của trời đất, tạo hóa ban cho họ vẻ đẹp tự nhiên, dịu dàng cũng như thiên chức của họ là những người mẹ hiền từ, người chị đảm đang, người đàn bà đôn hậu, giàu yêu thương. Vì vậy, người phụ nữ xứng đáng được tôn vinh, ngợi ca, trân trọng hơn bao giờ hết. Còn người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu thì sao ? Nếu như những người phụ nữ khác thường chỉ lướt qua trong lòng người đọc thì người đàn bà hàng chài lại là một bí ẩn mà càng khám phá, ta càng thấy toát lên vẻ đẹp kì diệu. Người phụ nữ ấy không đến với người đọc một cách hời hợt, nông cạn bởi vẻ đẹp hình thức mà đẹp ở bề sâu tâm hồn khiến ta phải vấn vương, suy nghĩ. Với tôi, sức hấp dẫn của người đàn bà ấy không phải là ở sắc đẹp. Nếu như chúng ta cho rằng tất cả phụ nữ đều xinh đẹp thì người đàn bà hàng chài là một ngoại lệ. Về hình thức, mụ rất xấu và thô kệch, lại “rỗ mặt”, khi còn trẻ cũng vì xấu quá trong phố không ai lấy nên cuối cùng trót mang với anh con trai nhà hàng chài và lấy anh ta làm chồng. Phải chăng, xấu quá hay đẹp quá với người phụ nữ đều có thể khiến cho cuộc đời họ gặp nhiều tai ương, trắc trở ? Miêu tả hình thức của người phụ nữ xấu, có lẽ Nguyễn Minh Châu có điểm tương đồng với Nam Cao khi khắc họa nhân vật Thị Nở trong “Chí Phèo”. Thị Nở cũng là người phụ nữ xấu xí nhưng lại có một tấm lòng nhân hậu, giàu yêu thương. Vậy mục đích của các nhà văn khi miêu tả người phụ nữ xấu có phải để rêu rao, chế nhạo hay khinh miệt họ ?
Không, nếu chỉ thiên về tả ngoại hình xấu xí đến mức “vật hóa” thì các nhà văn đó đã rơi vào chủ nghĩa tự nhiên. Dường như phải có cái gốc nhân bản rất vững chắc thì Nguyễn Minh Châu mới dám miêu tả cái xấu của bề ngoài để làm nền tôn vinh cái đẹp về tâm hồn. Cái đẹp đăng quang, tỏa rạng từ cái xấu của ngoại hình mới đáng quý làm sao ! Sự thật, vẻ đẹp nhân cách của Thị Nở và người đàn bà hàng chài đã chứng minh điều đó. Thị Nở trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao cũng biết yêu thương và che chở, đùm bọc, quan tâm đến những người bất hạnh trong khi đó bao người dân làng Vũ Đại quay lưng bỏ mặc Chí Phèo. Tình yêu giản dị chân thành của Thị chính là liều thuốc thần đánh thức phần Người bấy lâu nay trong con người Chí, vẻ đẹp nhân tính bấy lâu nay bị chìm khuất trong con người Chí bỗng trỗi dậy. Những ánh sáng của tình người đang hòa quyện, thanh khiết, thơm tho như màu trắng của vị cháo hành mộc mạc. Còn người đàn bà hàng chài lặng lẽ, thầm kín một đức hy sinh, tần tảo, cam chịu. Chị vốn là người phụ nữ chủ động và đầy bản lĩnh trước cuộc sống. Sinh ra là phận đàn bà, có người phụ nữ nào lại không khao khát một bờ vai của người chồng là điểm tựa vững chắc cho cuộc đời của họ. Có ai lại không mong ước một người chồng giỏi giang và tài hoa, còn những đứa con thì chăm ngoan, thành đạt. Nhưng đó luôn là mong ước, là thế giới thần tiên trong trí tưởng tượng của con người. Còn thực tế thì luôn đầy nghịch lí, trớ trêu và nghiệt ngã. Điều quan trọng với mỗi người là phải dũng cảm đương đầu với thử thách và chấp nhận hoàn cảnh để tiếp tục tồn tại. Người đàn bà hàng chài là một trong những người phụ nữ kém may mắn và chịu nhiều bất hạnh, khổ nhục. Cuộc sống vốn lam lũ lại thêm lão chồng vũ phu luôn dùng thắt lưng quật tới tấp vào lưng vợ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Nỗi nhọc nhằn hiện hình ngay trong đôi mắt và trên khuôn mặt của chị “khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”. Vậy mà, khi Đẩu gọi đến hỏi chuyện thì mụ đã van xin khẩn thiết “Con lạy quý tòa. Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Lạ lùng thay, bị đánh đập và hành hạ dã man như vậy mà người đàn bà không muốn bỏ người chồng vũ phu ấy. Hay ở lâu trong cái khổ, chịu những trận đòn chồng nhiều nên mụ quen rồi ? Hay đó là mụ bất cần đời, không thiết gì đến sự sống của mình nữa ? Cũng có thể đó là sự lựa chọn bất đắc dĩ nhưng đã được suy nghĩ sáng suốt ? Tiếp tục lắng nghe lời tâm sự của mụ, ta sẽ vỡ lẽ ra nhiều điều. Mụ đã nói với Phùng và Đẩu “là bởi vì các chú không phải là người đàn bà, chưa bao giờ các chú biết thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có người đàn ông”. Đến đây, ta còn thấm thía thêm một nỗi khổ khác của người phụ nữ. Họ là phái yếu, họ cần lắm những bờ vai chở che, những chỗ dựa tinh thần trong cuộc đời. Họ không thể tự quyết định số phận hay tương lai của mình. Đâu đó trong ta những câu hát dân gian thưở xưa vọng về “Thân em như hạt mưa xa. Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày”, “Thân em như tấm lụa đào. Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Quả thực, người phụ nữ phận mỏng cánh chuồn sướng hay khổ, hạnh phúc hay bất hạnh đều do người khác quyết định. Đối với người đàn bà hàng chài, mụ dù khổ nhưng không thể bỏ chồng dù người chồng ấy có man rợ, tàn bạo. Bởi họ không thể một mình giữ mái chèo của con thuyền mưu sinh , con thuyền hạnh phúc giữa mênh mông sóng nước đầy phong ba bão táp. Chị nói với Đẩu “mong các chú thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có một người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Như vậy, thái độ cam chịu của người đàn bà hàng chài bắt nguồn từ một lí do hết sức cao đẹp: đó là ý thức về thiên chức của người phụ nữ là sinh con đẻ cái, nuôi nấng chúng nên người nên sẵn sàng chấp nhận cái khổ và hy sinh vì người khác. Đức hy sinh ấy của người phụ nữ Việt Nam biết bao lần đã tạc nên những tượng đài bất tử trong văn chương. Đó là những người bà, người mẹ, người chị có tên tuổi hay vô danh như người đàn bà hàng chài này luôn nhẫn nhịn và giàu yêu thương.
Đặc biệt, hoàn cảnh sống của chị khiến chị còn phải hy sinh nhiều hơn. Đã không được lựa chọn cuộc sống trên bờ như nhiều người phụ nữ khác vì muốn có miếng ăn cho con, vậy mà còn phải chìa lưng ra hứng những trận đòn khi cơn nóng giận của lão chồn bùng phát. Người đàn bà ấy sẵn sàng chịu nỗi đau đớn về phía mình chỉ mong cho con cái có cuộc sống no đủ, vui vẻ. Suy nghĩ của chị ngời sáng vẻ đẹp của tình mẫu tử, lòng bao dung, vị tha “đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được”. Như vậy, cuộc sống luôn là sự lựa chọn, lựa chọn giữa bổn phận, trách nhiệm và sở thích. Người đàn bà hàng chài cũng có lúc cảm thấy hạnh phúc khi được nhìn thấy cảnh gia đình vui vẻ và lũ con được ăn no. Mụ nói với Đẩu: “Vả lại ở trên thuyền cũng có lúc vợ chồng, con cái chúng tôi hòa thuận, vui vẻ”. Niềm vui của chị không phải là ham muốn vật chất, tiền bạc mà nó thật bình dị, đời thường “vui nhất là lúc nhìn đàn con tôi, chúng nó được ăn no”. Niềm vui của người đàn bà hàng chài hình như ta đã từng bắt gặp trong nhân vật bà cụ Tứ trong “Vợ nhặt” của Kim Lân. Giữa cảnh đói khát, bà cụ Tứ thấy con mình lấy được vợ thì vừa mừng vừa lo, nhưng để đem lai niềm lạc quan cho các con, trong bữa cơm ngày đói, bà kể toàn những chuyện vui, chuyện làm ăn no đủ sau này. Bà cụ Tứ nói với Tràng: “Tràng ạ. Khi nào có tiền mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có đàn gà cho mà xem…”( Vợ nhặt – Kim Lân ). Thì ra, trong đói nghèo, khổ cực, trong lam lũ nhọc nhằn, đức hy sinh và tình yêu thương của những người mẹ luôn là ngọn lửa sưởi ấm cho các con.
Đối xử với con thì yêu thương, hy sinh; còn với chồng là lòng vị tha, bao dung vô bờ bến. Dù bị chồng đánh đập tàn bạo nhưng mụ vẫn nói về chồng với thái độ bênh vực, bảo vệ. Mụ cho rằng bản chất của chồng mình không phải là sự cục cằn, thô bạo mà đó là do hoàn cảnh đã làm thay đổi tính nết. Nguyên nhân chủ yếu là gia đình đông con mà cuộc sống lại nghèo khổ, chỗ ở chật chội. Mụ nói với Đẩu: “chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”. Không những vậy, chị còn nhận hết lỗi về mình: “cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật” nên mới sinh ra tính vũ phu, tàn bạo của chồng. Rõ ràng, Nguyễn Minh Châu đã phát hiện ra hạt ngọc tâm hồn ẩn giấu sau vẻ bề ngoài thô kệch, xấu xí của người đàn bà hàng chài. Đó là lòng vị tha, đức hy sinh, tình mẫu tử ngọt ngào, sâu sắc. Vẻ đẹp khuất lấp ẩn kín trong tâm hồn con người đâu dễ nhận ra nếu không được tìm hiểu kĩ, như nhà văn Nam Cao đã từng viết: “Chao ôi ! đối với những người ở chung quanh ta, nếu ta không cố mà tìm hiểu họ thì ta chỉ thấy họ là những người bần tiện, xấu xa, bỉ ổi. Toàn những cái cớ để cho ta ghét họ, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương và không bao giờ ta thương”.
Bên cạnh những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, người đàn bà hàng chài còn là người phụ nữ sắc sảo, từng trải, hiểu sâu sắc lẽ đời. Ngay từ đôi mắt đã cho thấy sự từng trải, sắc sảo, một ánh mắt “như đang nhìn thấu suốt cuộc đời mình”. Trong cách cư xử với Phùng và Đẩu ở tòa án, chị nói năng bộc lộ sự hiểu biết về cuộc sống. Lí lẽ của người phụ nữ ấy là sự đúc kết của con người từng trải lẽ đời. Lúc đầu mới đến tòa án, mụ còn có vẻ sợ sệt, rón rén, ngồi vào mép ghế và cố thu người lại, rồi chắp tay vái lia lịa. Mụ nhấp nhổm xoay mình trên chiếc ghế như bị kiến đốt. Nhưng sau khi nghe Đẩu khuyên giải về việc mụ nên bỏ chồng thì người đàn bà mất hết vẻ sợ sệt, khúm núm thay vào đó là những hành động và ngôn ngữ khác, bất ngờ. Đang gục xuống, người đàn bà bỗng ngẩng lên nhìn thẳng vào Đẩu và Phùng, từng người một, với một vẻ ban đầu hơi ngơ ngác và nói: “Chị cám ơn các chú – Người đàn bà đột nhiên thốt lên bằng một giọng khẩn thiết – Đây là chị nói thành thực, chị cám ơn các chú. Lòng các chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn…cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của người làm ăn lam lũ, khó nhọc”. Rõ ràng người đàn bà tuy ít học nhưng vốn sống thực tế và sự hiểu biết thì không hề ít ỏi chút nào. Điều mà mụ rất hiểu ấy là lẽ đời, là cuộc sống thực tế để mưu sinh chứ không phải là những luật pháp hay lí thuyết suông đẹp đẽ mà con người ta vẫn dùng để khuyên bảo nhau như những lời giáo huấn cao đạo. Nhưng thật nghiêm trọng cho Đẩu và Phùng, vì vốn sống thực tế của các anh quá ít ỏi nên những lời khuyên và giải pháp đưa ra để giúp đỡ người phụ nữ miền biển là ảo tưởng và phi thực tế. Rồi mụ tiếp tục phân trần, giải thích cho Đẩu nghe về lí do tại sao mụ không bỏ chồng: “Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được ! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó !”. Ở người phụ nữ ấy, tình thương con cũng như nỗi đau không để lộ ra bên ngoài mà nó ẩn kín, sâu sắc thấm thía xiết bao ! Chị đã khóc khi nghe Phùng nhắc đến thằng Phác. “Nhưng tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái việc thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bên ngoài. Trong cái đám con cái đông đúc đang sống ở dưới thuyền, mụ không yêu một đứa nào bằng thằng Phác, cái thằng con từ tính khí đến mặt mũi giống như lột ra từ cái lão đàn ông đã từng hành hạ mụ, và không khéo sẽ còn hành hạ mụ cho đến khi chết nếu không có cách mạng về”.
Quả thật, sự nhận thức về đời sống không hề đơn giản, máy móc. Khi nghe người đàn bà tâm sự, Đẩu – một chánh án tòa án huyện mới ngộ ra nhiều điều. Anh là người hiểu rõ luật pháp và thực thi pháp luật nhưng anh lại ít kiến thức thực tế. Chưa hiểu hết hoàn cảnh của người đàn bà hàng chài, khi biết mụ bị chồng đánh nên anh nghĩ rằng giải pháp tốt nhất là mụ không nên tiếp tục chung sống với lão. Nhưng khi nghe lời bộc bạch từ phía người đàn bà hàng chài thì anh đã hiểu ra nhiều điều “Một cái gì vừa mới vỡ ra trong đầu vị Bao công của cái phố huyện vùng biển”. Chính anh đã thú nhận với người đàn bà trong sự đau đớn, chua xót khi phát hiện ra những nghịch lí trớ trêu của cuộc sống “Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, – bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, – trên thuyền phải có một người đàn ông…dù hắn man rợ, tàn bạo ?”. Như vậy, đâu phải lúc nào người ta cũng có thể vận dụng luật pháp hay những thiết chế cứng nhắc để điều khiển cuộc sống của con người. Và không phải bất cứ lúc nào ta cũng vận dụng một cách máy móc luật pháp để giải quyết mọi tình huống trong thực tế cuộc sống. Quan trọng hơn cả là sự linh hoạt của con người trong cách ứng xử, vận dụng nguyên tắc cứng nhắc để bảo vệ quyền sống cho con người. Mặt khác, mọi lí thuyết sách vở nếu không xuất phát từ thực tế thì chỉ trở thành lí thuyết suông, giáo điều và có thể trở nên tai hại với cuộc sống của con người. Bởi vậy, mỗi chúng ta dù là ai trong cuộc đời này, đã sống thì phải có trải nghiệm thực tế để hiểu sâu sắc hơn mọi lẽ đời.
Bên cạnh đó, xây dựng nhân vật thằng Phác, nhà văn Nguyễn Minh Châu còn đặt ra những vấn đề lớn lao, có tính thời sự đối với xã hội. Đó là vấn đề bạo lực gia đình và quyền sống của trẻ thơ. Thằng Phác cũng như bao trẻ thơ khác, lẽ ra phải được sống trong một gia đình yên ấm, hạnh phúc nhưng em lại không được hưởng sự may mắn đó. Phác đã từng chứng kiến cảnh cha đánh mẹ và bản thân nó cũng phải hứng chịu trận đòn từ người cha chỉ vì thương mẹ, bênh vực cho mẹ mà vô lễ với cha. Theo lời kể của Phùng: “Bóng một đứa con nít lao qua trước mặt tôi. Tôi vừa kịp nhận ra thằng Phác – thằng bé trên rừng xuống vừa nằm ngủ với tôi từ lúc nửa đêm. Thằng bé cứ chạy một mạch, sự giận dữ căng thẳng làm nó lúc chạy qua không nhìn thấy tôi. Như một viêm đạn trên đường lao tới đích đã nhắm, mặc cho tôi gọi nó vẫn không hề ngoảnh lại, nó chạy tiếp một quãng ngắn giữa những chiếc xe tăng rồi lập tức nhảy xổ vào cái lão đàn ồng…Khi tôi chạy đến nơi thì chiếc thắt lưng da đã nằm trong tay thằng bé, không biết làm thế nào nó đã giằng được chiếc thắt lưng, liền dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng có những đám lông đen như hắc ín, loăn xoăn từ rốn mọc ngược lên. Lão đàn ông định giằng lại chiếc thắt lưng nhưng chẳng được nữa, liền dang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát khiến thằng nhỏ lảo đảo ngã dúi xuống cát”. Chúng ta có thể có nhiều cái nhìn khác nhau về nhân vật bé Phác. Nếu phán xét nhân vật theo quan điểm đạo đức thì em là đứa trẻ bất hiếu, vô lễ với cha. Nhưng xét về phương diện tâm lí con người thì em hành xử theo đúng tâm lí của những đứa trẻ bình thường và rất cần được thấu hiểu, chấp nhận, cảm thông. Bởi chẳng có đứa trẻ nào lại không thương mẹ và có thể sống thiếu mẹ. Vì thế việc làm của Phác chỉ là hành động bột phát để bảo vệ mẹ trước người cha bạo lực. Điều gì khiến em làm tất cả, có lẽ đó chính là tình yêu thương đối với người mẹ vất vả, tảo tần nuôi em khôn lớn. Chúng ta thấy Phác đáng thương nhiều hơn là đáng trách. Ai đã từng ở vào hoàn cảnh của em và như em thì mới có thể hiểu và đồng cảm, rộng lượng khi đánh giá về cậu bé miền biển. Tuổi thơ của em đã thua thiệt nhiều so với bao đứa trẻ khác. Và em sẽ trở thành người như thế nào nếu cứ tiếp tục sống trong gia đình như vậy ? Câu hỏi đặt ra thì dễ nhưng câu trả lời không đơn giản chút nào. Phác sống trong gia đình có người cha vũ phu nên phần nào tính cách của em cũng chịu ảnh hưởng từ cha mình. Người đàn bà hàng chài mặc dù đã bao nhiêu lần xin người chồng lên bờ mà đánh để các con không nhìn thấy nhưng làm sao có thể giấu mãi được. Vì thương mẹ nên Phác cũng không tránh khỏi hành động thô bạo. Em đã mất đi tuổi thơ tươi đẹp và thói bạo lực gia đình đã cướp mất tâm hồn trong sáng như tờ giấy trắng, đã phá vỡ niềm tin trong trẻo nguyên sơ của tuổi thơ. Đứa con ấy cũng để lại cho những người mẹ biết bao dằn vặt, đau đớn. Và tình thương của em dành cho mẹ cũng thật xúc động biết bao “Thằng nhỏ cho đến lúc này vẫn chẳng hề hé răng, như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt và cái thằng nhỏ lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt”. Để giúp tâm hồn Phác không bị tổn thương và tránh làm những điều dại dột với người cha nên người đàn bà hàng chài đã gửi nó lên ở với ông ngoại. Ở với ông, thằng bé sướng hơn ở trên thuyền với bố mẹ nhưng cứ rời ra là nó lại trốn về. Và trong lòng cậu bé vẫn nung nấu một quyết tâm bảo vệ và che chở cho người mẹ đau khổ của mình “Thằng bé tuyên bố với các bác ở xưởng đóng thuyền rằng nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh”. Như vậy, ngay cả những chuẩn mực đánh giá về đạo đức con người cũng trở nên phức tạp và không hề đơn giản một chiều. Và hoàn cảnh sống chi phối rất nhiều đến những cách đánh giá về con người. Ở những lúc tưởng như con người không đạt đến chuẩn mực nhân cách của phạm trù đạo đức thì lại có tình mẫu tử tỏa sáng, là cứu cánh cho niềm hy vọng của con người. Tác giả đã có cái nhìn toàn diện về cuộc sống, cuộc đời thì đa đoan, con người thì đa sự. Ngay trong gia đình người dân hàng chài cũng tiềm ẩn nhiều nghịch lí: người đàn bà xấu xí, bất hạnh nhưng lại có một đứa con biết thương mẹ, vì yêu mẹ mà sẵn sàng và lúc nào cũng sẵn sàng đánh nhau với bố, thủ dao găm để tìm dịp trả thù. Qua nhân vật thằng Phác, tác giả không chỉ lên án và báo động về tình trạng bạo lực gia đình mà còn ca ngợi vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, thấu hiểu khát vọng được sống trong tình yêu thương và thế giới yên bình của những mái nhà hạnh phúc mà biết bao em thơ đang chờ đợi. Cuộc sống của những đứa trẻ bất hạnh như Phác sẽ thế nào nếu hoàn cảnh sống không thay đổi ? “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”, “Trẻ em hôm nay, thế giói ngày mai”, vậy mà hiện nay có biết bao tâm hồn trẻ em bị tổn thương vì những lỗi lầm của người lớn gây ra ?
Tóm lại, từ cái nhìn nhân đạo, Nguyễn Minh Châu phát hiện ra đằng sau câu chuyện buồn của cuộc đời người đàn bà hàng chài là vẻ đẹp của tình mẫu tử, là sự hy sinh nhẫn nhịn, là lòng vị tha và sự thấu hiểu sâu sắc lẽ đời, là bản lĩnh của người phụ nữ hiện đại . Đó là “hạt ngọc ẩn giấu” trong cái lấm láp đời thường mà người nghệ sĩ phải đi sâu tìm hiểu và khám phá, ca ngợi và nâng niu. Như vậy, qua tình huống truyện, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã để lại cho chúng ta bài học nhận thức về cuộc sống, con người. Để đánh giá đúng bản chất của con người và cuộc sống, ta không thể chỉ dựa vào sự quan sát bề ngoài, không chỉ nhìn ở hiện tượng với những phán đoán chủ quan mà cần đi sâu vào thực tế để tìm hiểu và nhìn nhận chính xác trên nhiều phương diện khác nhau. Điều quan trọng khi đánh giá cuộc sống đó là sự hiểu biết và từng trải qua thực tế. Và nhà văn còn đặt ra những vấn đề xã hội rất bức thiết với con người. Đó là sự phụ thuộc của con người vào hoàn cảnh sống, là sự hình thành nhân cách trẻ thơ dưới sự tác động của môi trường sống, là cách đánh giá về con người đâu chỉ phiến diện, một chiều dựa trên chuẩn mực đạo đức khuôn sáo, cứng nhắc thông thường mà cần cái nhìn cảm thông, linh hoạt và chia sẻ. Nếu như trong văn học giai đoạn trước, khi đề cập đến số phận con người, bao giờ các nhà văn cũng theo khuynh hướng lí tưởng hóa nhân vật, đề cao khả năng con người vượt qua nghịch cảnh và những tác động của môi trường, xã hội mới sẽ giúp con người tìm thấy hạnh phúc thì văn học sau năm 1975, họ đã khai thác sự thật về cuộc sống với những gì nghiệt ngã nhất. Khi diễn tả sự vận động trong tính cách con người, các nhà văn cũng nhìn theo chiều hướng tích cực, từng bước vượt lên hoàn cảnh, hồi sinh tâm hồn. Cách nhìn minh họa ấy không tránh khỏi cái nhìn phiến diện, đơn giản một chiều về cuộc sống. Nhưng Nguyễn Minh Châu đã có sự đổi mới trong các sáng tác của mình, truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một minh chứng tiêu biểu.
Nhận thức về chân lí trong nghệ thuật
Ngay từ nhan đề của tác phẩm đã ẩn chứa một thông điệp nghệ thuật sâu sắc. “Chiếc thuyền ngoài xa” là hình ảnh vừa có ý nghĩa thực, cụ thể vừa có ý nghĩa biểu tượng. Chiếc thuyền là phương tiện làm ăn sinh sống của người dân hàng chài. Nó cũng là biểu tượng cho số phận, cuộc đời lênh đênh, trôi nổi của họ. Và rộng hơn, chiếc thuyền ấy chính là biểu tượng cho hiện thực cuộc sống rộng lớn. “Ngoài xa” gợi một không gian xa xăm mịt mùng, là khoảng cách đứng ngắm của người nghệ sĩ để quan sát hiện thực cuộc sống. Như vậy, hình ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” là biểu tượng cho mối quan hệ giữa hiện thực cuộc sống và nghệ thuật. Nếu ngắm chiếc thuyền ở ngoài xa ta thấy nó rất đẹp và thơ mộng. Nhưng khi đến gần, ta mới thấy hết nghịch lí, đau khổ. Như vậy, để nắm bắt đúng bản chất của cuộc sống và khám phá được chiều sâu hiện thực của nó, người nghệ sĩ cần đứng quan sát ở vị trí gần để tiếp cận, quan sát và tìm hiểu. Thông điệp nghệ thuật ấy được nhà văn gửi gắm qua việc xây dựng tình huống nhận thức của nhân vật Phùng.
Phùng vốn là một phóng viên, được trưởng phòng giao nhiệm vụ đi chụp để bổ sung vào bộ ảnh lịch một cảnh biển buổi sáng có sương. Anh đến một vùng biển miền Trung, nơi có phong cảnh “thật là thơ mộng”, còn sương mù vào giữa tháng bảy. Anh đã chụp được một cảnh đắt trời cho giống như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con đang ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Trong lúc ấy, Phùng tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn. Anh đã không phải suy nghĩ gì khi bấm “liên thanh” một hồi hết mọt phần tư cuốn phim, thu vào chiếc máy ảnh caia khoảnh khắc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại.
Nhưng cũng chính ngay lúc ấy, Phùng chứng kiến một hiện thực cuộc sống trần trụi, phũ phàng. Một chiếc thuyền lao tới trước mặt, trên thuyền có một người đàn ông và một người đàn bà. Lập tức, anh được chứng kiến cảnh người chồng đánh vợ, “lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”. Người đàn bà hàng chài bị đòn thường xuyên, ba ngày một trận nhẹ còn năm ngày một trận nặng nhưng mụ vẫn cam chịu, nhẫn nhục, không hề chống trả. Thằng Phác, đứa con trai của người đàn bà hàng chài lao tới cứu mẹ, nó đã giằng được chiếc thắt lưng để đánh cha nhưng đã bị lão đàn ông cho hai cái tát. Người đàn bà cảm thấy vừa xấu hổ vừa vô cùng nhục nhã. Chị đã được Đẩu mời đến tòa án huyện để khuyên giải. Nhưng chị lại cầu xin Đẩu đừng bắt chị phải bỏ chồng vì trên thuyền luôn cần có một người đàn ông. Mụ cho rằng Phùng và Đẩu rất tốt nhưng các anh đâu có phải là những người làm ăn khó nhọc nên đâu hiểu được nỗi vất vả của những người dân miền biển. Nghe chị tâm sự, Phùng và Đẩu thực sự đã vỡ lẽ ra được nhiều điều. Và đối với Phùng, anh mang về rất nhiều tấm ảnh và đã có một tấm ảnh được lựa chọn, “tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra từ tấm ảnh…Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông…”.
Như vậy, tình huống truyện đã làm nổi bật sự giác ngộ trong nhận thức về cuộc sống của phóng viên Phùng. Anh không ngờ đằng sau cái đẹp của cảnh biển thơ mộng, toàn bích lại chứa đựng biết bao nghịch lí của đời thường. Đó cũng chính là thông điệp về quan niệm nghệ thuật của tác giả muốn gửi gắm. Phát hiện thứ nhất của Phùng là một cảnh biển thơ mộng, một vẻ đẹp toàn bích, lãng mạn, trong trẻo đã từng khiến trái tim anh rung động đắm say. Trong đầu anh đã từng băn khoăn nghĩ về cái đẹp, bản thân cái đẹp chính là đạo đức. Cái đẹp ấy do ngoại cảnh mang lại, cái đẹp của sự toàn thiện. Quan niệm nghệ thuật ấy có phần đúng đắn song theo xu hướng lãng mạn, thi vị hóa cuộc sống. Nó có phần đúng bởi nghệ thuật cũng cần được thăng hoa từ sự rung động của tâm hồn và hướng con người tới vẻ đẹp chân, thiện, mĩ. Tuy nhiên, nếu không được trực tiếp nhìn thấy cảnh người đàn ông đánh vợ thì Phùng mới chỉ nhận thức được cái bề ngoài của cuộc sống, chưa thể hiểu thấu bản chất của con người và cuộc sống. Dường như nhà văn Nam Cao và Nguyễn Minh Châu đều có sự trùng hợp về quan niệm nghệ thuật: người nghệ sĩ không nên thi vị hóa cuộc sống, không nên tô hồng hiện thực dù cho hiện thực ấy trần trụi, khô khan, khắc nghiệt. Đã có lúc nhân vật Điền trong truyện ngắn “Trăng sáng” khao khát sáng tạo những áng văn chương lãng mạn chỉ dành cho những người đẹp chỉ biết nhàn nhã ngồi thưởng thức văn của Điền “ Nghệ thuật chính là cái ánh trăng xanh huyền ảo, nó làm đẹp đến cả những cảnh thật ra chỉ tầm thường, xấu xa”. Nhưng rồi trước cuộc sống của vợ con khổ sở vì đói khát, ốm đau, anh không đành lòng quay lưng ra đi tìm cảm hứng cho riêng mình. Anh như bừng ngộ khi nhận ra “Điền không thể sung sướng khi con Điền còn khổ. Chao ôi ! Trăng đẹp lắm ! Trăng dịu dàng trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình ! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa ! Biết bao cực khổ và lầm than ?..” Qua tác phẩm “Trăng sáng”, Nam Cao viết khẳng định nghệ thuật phải được bắt rễ từ hiện thực đời sống, phản ánh chân thực, khách quan đời sống. Vị trí của nhà văn là phải đứng trong lao khổ để đón nhận mọi vang động của cuộc đời “Chao ôi ! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả, Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời…”
Trở lại với tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, ta càng thấu hiểu hơn chân lí nghệ thuật của các nhà văn Nam Cao và Nguyễn Minh Châu gửi gắm. Phát hiện thứ hai của Phùng chính là một sự vỡ lẽ trong nhận thức về cuộc sống. Anh đã nhận ra được cuộc sống không hề đơn giản một chiều và cũng không hoàn toàn là vẻ đẹp thơ mộng, toàn bích, toàn thiện. Mà đó là một hiện thực thô ráp, trần trụi, đầy nghịch lí, đau khổ mà con người quanh ta đang phải chịu đựng. Anh hoàn toàn ngạc nhiên trước sự cam chịu của người đàn bà hàng chài khi mụ bị chồng đánh mà không trốn chạy hay tìm cách chống trả. Nhưng khi lắng nghe tâm sự từ người phụ nữ ấy, anh đã thấu hiểu phần nào về nỗi khổ của người dân hàng chài, đặc biệt là người phụ nữ. Để rồi, cuối cùng bức ảnh về chiếc thuyền ngoài xa thơ mộng, huyền ảo trong màn sương hồng biến mất, thay vào đó là bức ảnh đen trắng về cuộc sống nhọc nhằn của người dân hàng chài. Bức ảnh ấy anh mang về đã được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Bức ảnh ấy nếu ngắm kĩ vẫn thấy ánh hồng hồng của sương mai và nếu nhìn lâu hơn nữa thì thấy hiện lên hình ảnh người đàn bà đang bước ra khỏi tấm ảnh. Tại sao vậy ? Phải chăng cái màu hồng hồng của ánh sương mai chính là vẻ đẹp của ngoại cảnh thơ mộng và lãng mạn, nó là bề ngoài che phủ, ẩn chứa trong đó hiện thực về cuộc sống nhọc nhằn, vất vả của con người. Bản chất, sự thực đời sống con người luôn chìm lấp đằng sau những bức tranh đời sống tưởng như rất đẹp và toàn thiện. Để nắm bắt được bản chất của đời sống đâu dễ dàng vì nó luôn chìm dưới tầng đáy sâu của cuộc sống. Như chính Nguyễn Minh Châu đã từng quan niệm: “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”. Quả thật, ông đã khiến người đọc nhận ra những mảnh đời thường gặp trong các truyện ngắn của ông “ cái không bình thường hiện ra như một cái gì bình thường và cái gì bình thường hiện ra như một cái không bình thường” (Pauxtốpxki). Phải chăng hình ảnh người đàn bà bước ra từ tấm ảnh thô kệch với tấm lưng áo bạc phếch phía sau của cảnh đẹp thơ mộng kia chính là một ngụ ý về nghệ thuật của tác giả. Đó là mối quan hệ hai chiều giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống được khái quát rất sâu sắc. Nghệ thuật được thăng hoa và sáng tạo từ chính hiện thực cuộc sống lầm than, cơ cực, nghiệt ngã và ngược lại, con người, hiện thực đời sống được phản ánh vào nghệ thuật một cách chân thực, khách quan, nguyên vẹn hơi thở tự nhiên của nó. Dù đó là hiện thực phũ phàng, cơ cực, đắng cay đến đâu thì nghệ thuật cũng phải phản ánh đúng bản chất của nó. Người nghệ sĩ không có quyền tô hồng, thi vị hóa hay bôi đen hiện thực ấy. Mặt khác, đối tượng đáng được quan tâm, phản ánh của nghệ thuật chính là cuộc sống của con người, của quần chúng nhân dân lầm than.
Hình ảnh người đàn bà hàng chài không có tên cụ thể và lại hòa lẫn vào đám đông chính là một điển hình nghệ thuật. Đó là hình tượng vừa có nét riêng, cá biệt nhưng vừa tiêu biểu cho đa số quần chúng lao khổ. Tác giả chỉ nói đến một cuộc đời nhưng đã làm sống dậy biết bao cuộc đời của người dân miền biển khác nhau.
Như vậy, qua sự đối lập giữa cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh với hiện thực cuộc sống đắng cay nhọc nhằn của những người dân hàng chài, qua sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật Phùng, tác giả đã gửi đến cho chúng ta một thông điệp nghệ thuật. Nghệ thuật có thể nhìn cuộc đời tươi sáng, lãng mạn nhưng trước hết phải ưu tiên cho con người, phải góp phần giải phóng con người thoát khỏi sự cầm tù của đói nghèo, tăm tối và bạo lực. Muốn vậy, vị trí quan sát và tiếp cận của người nghệ sĩ không thể đứng từ xa để rồi chỉ thấy vẻ bề ngoài mà không thấy bản chất, không thể đứng ngoài cuộc sống của nhân dân lao khổ mà phải ở trong cảnh ngộ của họ. Người nghệ sĩ rất cần một mối quan hệ mật thiết với quần chúng cơ cực, phải đứng trong lao khổ, gần gũi để cảm thông, chia sẻ chứ không phải đứng ngoài hay đứng trên để phán xét, nhìn nhận, phản ánh. Để có những tác phẩm nghệ thuật chân chính và có giá trị bền lâu, người nghệ sĩ không thể nhìn đời một cách phiến diện, lệch lạc, đơn giản, dễ dãi mà rất cần một tấm lòng chân thành, biết cảm thông và lắng nghe, yêu thương và thấu hiểu, có đủ bản lĩnh, dũng khí khi cầm bút để phản ánh sự thật đời sống, luôn trăn trở suy tư về những bộn bề lo âu trong cuộc sống của con người. Họ phải thực sự đi sâu tìm hiểu, nhận thức để khám phá, phản ánh bản chất của con người, của sự thật đời sống luôn khuất lấp ẩn giấu ở bề sâu. Bởi cái đẹp chân chính của nghệ thuật luôn bắt đầu và hướng tới cuộc sống chân chính của con người. “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”, Anđéc – xen đã từng nói vậy. Còn Sécnưsépxki thì cho rằng “cái đẹp là sự sống”. Vậy thì có lẽ gì nghệ thuật lại không nảy nở từ chính cuộc sống này với mối chân cảm của người nghệ sĩ trước mỗi số phận, cảnh đời thực tế. Cái đẹp là bản thân cuốc sống với đầy đủ gam màu tối sáng, những quy luật tất yếu lẫn ngẫu nhiên, may rủi khó lường hết. Cái hồn của nghệ thuật chính là vẻ đẹp rất đỗi đời thường, giản dị, chân thật. Nó được chưng cất, được chắt lọc từ cuộc sống thường nhật của biết bao người dân lao động nghèo khổ. Để phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn của đời sống, người nghệ sĩ cần có vốn sống thực tế, có sự am hiểu sâu sắc về đời sống, có cái nhìn đa chiều để phát hiện ra bản chất của nó bị chìm lấp đằng sau cái vẻ bề ngoài đẹp đẽ. Đó đâu chỉ là bài học dành cho những người nghệ sĩ mà còn là bài học sâu sắc cho mỗi chúng ta trong cách nhìn nhận về cuộc sống và con người. Cuộc sống vốn vậy, vẫn đẹp tươi, vẫn êm ả, lãng mạn, toàn bích nhưng nếu không có tấm lòng để nhận ra những uẩn khúc số phận thì những vẻ đẹp như màu hồng hồng của ánh sương mai kia cũng trở nên vô nghĩa, người nghệ sĩ phải nhận ra sự thật khuất sau màn sương huyền ảo kia, phải tiếp cận sự thật để nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống và con người. Đối với những con người sống quanh ta, nếu như ta có một cái nhìn nhân bản, ta sẽ phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn họ. Bởi con người là một thực thể phức tạp, đa chiều.
Tình huống truyện đã gửi gắm một quan niệm nghệ thuật sâu xa của tác giả. Không hề đao to búa lớn, không cần những triết lí cao siêu, cầu kì, những triết lí về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống, về cái nhìn của người nghệ sĩ trước cuộc sống và con người đã được chuyển tải qua tình huống nhận thức của nhân vật Phùng. Khai thác vào giá trị nhân bản, hướng đến những vấn đề mang tầm nhân loại kết hợp với lí giải chiều sâu tâm hồn dân tộc, thân phận cá nhân, Nguyễn Minh Châu xứng đáng được coi là nhà văn tiên phong trong hành trình đổi mới văn học những năm đầu của thập kỉ 80. Với cái nhìn chan chứa yêu thương, luôn cảm thông và hiểu biết sâu sắc về con người, ông đã để lại cho đời những tác phẩm văn học chân chính, đó là thứ văn học luôn hướng về con người và dành cho con người. Đồng thời mỗi chúng ta đều nhận thức được bài học về cách nhìn toàn diện về cái đẹp của cuộc sống cả bề mặt lẫn bề sâu. Những giá trị tinh thần mà văn chương Nguyễn Minh Châu mang lại đều xuất phát từ quan niệm nghệ thuật cao quý về sứ mệnh của nhà văn: “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác, bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào cuộc đời và con người, để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực” ( Ngồi buồn viết mà chơi ).
Tóm lại, tình huống tự nhận thức trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một sự sáng tạo độc đáo của Nguyễn Minh Châu. Truyện ngắn này không những đánh dấu sự chuyển biến trong bước ngoặt sáng tác của ông đầu những năm 80 mà còn minh chứng cho sự ổn định của phong cách nghệ thuật luôn thống nhất ở cái nhìn cuộc sống bằng con mắt của nhà tư duy triết học. Ông đã đem lại những đổi mới nhất định trong quan niệm nghệ thuật của văn học Việt Nam sau 1975, làm nên những diện mạo mới cho một giai đoạn văn học được tự do ngôn luận. Mặt khác, tình huống truyện không chỉ giúp chúng ta nhận thức được những quy luật nhân sinh mang tầm vóc nhân loại mà còn để lại bài học đắt giá về sáng tạo nghệ thuật cho các nhà văn mọi thời đại. Quá trình đi tìm vẻ đẹp của cuộc sống còn phong kín vẫn luôn là hành trình tự nhận thức để vươn tới khát vọng nhân văn trong mỗi con người. Đối với nhà văn, đâu chỉ cần có có con mắt tinh tế để phát hiện ra cái đẹp mà rất cần dự báo quy luật tồn tại, vận động và phát triển của nó. Nhà văn cần phải gieo vào lòng người niềm tin về những giá trị chân thật vĩnh cửu vẫn ẩn náu ở bề sâu hiện thực và trong tâm hồn con người. Đôi khi, sự thành công của nghệ thuật cũng nhờ vào yếu tố ngẫu nhiên, cái tình cờ bắt gặp trong cuộc sống mà không nhất thiết phải thu vào khuôn mẫu nhất định. Để có được những tác phẩm văn học chân chính, nhà văn cần có một cái nhìn toàn diện và trung thực về đời sống, về bản chất con người. Đó là quá trình săn tìm cái đẹp, khai thác chất thơ trong hiện thực đời sống thô ráp thường ngày, một cái nhìn luôn “phát giác sự vật ở bề sâu, bề xa chưa từng thấy”. Điều quan trọng là mỗi nhà văn phải có một bản lĩnh, một lập trường vững vàng trước những sự kiện bất thường của cuộc sống để phát hiện và bảo vệ những giá trị tốt đẹp, dự báo sự phát triển của nó trong tương lai. Tình huống truyện có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bộc lộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Thiết nghĩ, tình huống truyện trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” không chỉ đem lại sức hấp dẫn độc đáo cho tác phẩm mà còn khơi gợi trong lòng người đọc nhiều tầng nghĩa khác nhau để tiếp tục tìm hiểu và khám phá. Tình huống ấy đã làm thay đổi nhận thức về cuộc sống, con người của biết bao ngòi bút văn chương và đã đánh thức trong ta nhiều suy nghĩ. Tình huống truyện đã giúp ta nhận thức được cái nhìn về bản chất con người và cuộc sống không hề đơn giản, xuôi chiều, như có ý kiến đã từng cho rằng “sự thật nghiệt ngã được mô tả trong truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” đã xua tan làn khói lãng mạn phủ lên hình ảnh từ lâu đã trở nên quen thuộc về một ngư phủ dưới cánh buồm ban mai lên trên không gian rộng của biển cả. Cùng với “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu còn hàng loạt tác phẩm chứa đựng cái ý nghĩa rộng lớn, sâu xa, nó khiến ta phải giật mình nếu quen nghĩ rằng cuộc đời đã hết đáng thương, nó khơi gợi người cầm bút nên nhìn kĩ vào những gì sau vẻ đẹp điền viên bề ngoài để nhớ tới trách nhiệm của người nghệ sĩ trước cuộc sống, trước con người”.
Có lẽ, tình huống truyện trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” vẫn còn là một thế giới cổ tích bí ẩn, huyền diệu đầy sức hấp dẫn để cho chúng ta tìm hiểu và khám phá. Vì vậy, tôi mong rằng mỗi chúng ta hãy biết đào sâu khai thác nó để phát hiện ra nhiều điều thú vị, nhiều ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn trong đó.
Nguyễn Thị Bích Dậu
🔻 Xem thêm: