Site icon Lớp Văn Cô Thu

Phân tích sáng tác của Nguyễn Du để làm sáng tỏ nhận định: Văn chương giúp con người thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”

Phân tích sáng tác của Nguyễn Du để làm sáng tỏ nhận định: Văn chương giúp con người thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”

Phân tích sáng tác của Nguyễn Du để làm sáng tỏ nhận định: Văn chương giúp con người thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”

Đề: “Điều rất quý mà văn chương có thể làm được là giúp con người có tâm thế sống an nhiên, tự chủ, thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”, sau khi nó đã phơi trải dưới mắt ta toàn bộ cái mà ta thường vẫn gọi là sự phức tạp của con người, của cuộc đời”.

(Phan Huy Dũng –Văn chương giúp con người thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”, Văn nghệ quân đội số 911, tháng 2/2019)

Qua các sáng tác của Nguyễn Du, anh/ chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

I – Mở bài

– Dẫn dắt và nêu vấn đề cần bàn luận

II – Thân bài

Giải thích ý kiến

– Ý kiến đã khẳng định chức năng tác động, hay giá trị nhận thức của văn học.

– “Văn chương phơi trải dưới mắt ta toàn bộ cái mà ta thường gọi là sự phức tạp của con người, cuộc đời” nghĩa là qua quá trình tiếp nhận tác phẩm độc giả được trải nghiệm, chứng kiến biến cố, mặt trái của cuộc đời và những éo le, phức tạp của lòng người. Đến với văn chương ta được mở rộng tâm hồn, sống nhiều cuộc đời, ở nhiều thế kỉ. Con người không chỉ trải nghiệm nỗi đau của một mà còn là nhiều nhân vật với đủ mọi cung bậc cảm xúc.

– Và sau đó “văn chương giúp con người có tâm thế sống an nhiên, tự chủ, tự thấy kiếp nhân sinh cũng “nhẹ bồng”: Sau khi trải qua, được tiếp xúc và sống sâu với hiện thực trong tác phẩm, độc giả sẽ bớt bất ngờ trước những biến cố cuộc đời, tôi luyện được thái độ sống chủ động, mạnh mẽ, tự tin, một tâm hồn thanh thản, thoải mái. -Để một ngày cảm thấy “nhẹ bồng” trước những biến thiên dâu bể của cuộc đời thì ta cần thực sự đồng cảm, yêu thương cho những nhân vật, phải “nung nấu tâm can vò võ trán”. Đây cũng là yêu cầu văn chương đặt ra với người đọc – đồng sáng tạo cùng tác giả.

Bàn luận về ý kiến:

– “Văn học là cuốn sách giáo khoa của đời sống”. Nó như chiếc chìa khóa vàng mở ra muôn cánh cửa giúp người đọc tự khám phá những điều bí ẩn từ thế giới xung quanh. Qua những tác phẩm nghệ thuật chân chính ta có thể thấy cuộc sống như đang phập phồng trong từng con chữ. Tiếp xúc với thế giới trong tác phẩm lớn ta tiếp cận gần hơn với cuộc sống, hiểu sâu, thấu đáo, kĩ càng hơn về cuộc sống con người và chính bản thân mình. Từ đó nắm bắt được chân lý, hiểu và khám phá ra quy luật cuộc sống.

– Con đường tác động của văn chương dù là nhận thức thì vẫn qua cảm xúc của con người, tức đó là quá trình tự nhận thức, chiêm nghiệm bản thể của con người. Từ việc thể hiện cuộc đời trong văn chương với cảm xúc của cái tôi trữ tình mang nghĩa phổ quát đã khơi dậy những rung động sâu sắc, những cảm xúc phong phú, những ước mơ được sống hết mình cho cuộc đời và con người, làm cho cuộc đời ngày càng tốt đẹp, nhân đạo hơn. Văn chương phải thực sự hướng con người đến ánh sáng dẫu rằng cuộc đời còn nhiều u ám “văn học cần phải phát hiện ra mặt sáng sủa từ phía u ám của nhân loại, đem lại sức mạnh cho con người…văn học cho dù viết ra bao điều u ám của nhân loại, vừa viết về những âm thanh dòng sông đang cuốn trôi trong đêm khuya dễ sợ, vừa phải ngẫm nghĩ sao cho đến trang cuối cùng kết cục hiện ra trước mắt nhân loại phải là niềm hoan lạc lớn lao” ( Kenzaburo Oe)

– Để có thể truyền đến người đọc những tình cảm, cảm xúc sâu sắc, văn chương còn cần một sự công phu, tinh tế trong nghệ thuật biểu hiện. Nghĩa là tài năng của người nghệ sĩ còn thể hiện ở việc công phu tìm tòi, lựa chọn được một hình thức nghệ thuật độc đáo, cuốn hút. Bởi một tác phẩm nghệ thuật chân chính “bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” (Lêônít Lêônốp)

Chọn và phân tích thơ Nguyễn Du để làm sáng tỏ vấn đề

Chọn được dẫn chứng hợp lí, tiêu biểu

– Qua thơ Nguyễn Du gợi suy ngẫm về lẽ đời bể dâu thay đổi: Nỗi dâu bể của tạo hóa, của đời người và của cả xã hội. Ông đã phản ánh về hiện thực đau đớn, một xã hội “nhiều tà dương và mưa bụi” ( Chế Lan Viên): xã hội vì tiền diễn ra nhiều phi lý bất công đã vùi dập không thương tiếc những giá trị cao quý trong cuộc sống là cái Đẹp, cái Tài.

– Nguyễn Du đã thể hiện cái nhìn thấu suốt về con người khi nhìn nhận con người toàn vẹn ở 3 phương diện thân – tâm- phận. Từ những phận người đó ta thấy được con người nói chung, những cảm xúc hay tâm thức phổ biến.

Như phận Kiều, Tiểu Thanh xét cho cùng là bi kịch của phụ nữ, rộng hơn là của cá nhân trong một xã hội bạo tàn. Ta có thể tìm thấy ở nhiều thời đại khi xã hội và con người xung đột, xã hội và thể chế trì trệ tước đi quyền tự do biểu đạt , quyền sống của họ. Và có thể không riêng gì con người bất hạnh, ở mỗi chúng ta, có một khoảng thời gian nào đó cũng giống như con người trong tác phẩm của Nguyễn Du mang một hay nhiều bi kịch của cá thể nhỏ bé, lạc lõng, phôi pha.

Nguyễn Du không chỉ nói đến một cá nhân, con người thời đại ông mà nói đến con người nhân loại, bi kịch muôn thuở của kiếp nhân sinh.

Đánh giá, mở rộng:

– Đó là nhận định đúng đắn bởi đã chỉ ra nét đặc trưng, chức năng của văn chương.

– Ý kiến là kim chỉ nam cho độc giả khi tiếp nhận văn chương: đọc thơ văn giúp ta hiểu đời, hiểu người và hiểu mình. Vì hiểu mình, hiểu con người và cuộc sống phức tạp nên chấp nhận nó, đón nhận nó một cách tự nhiên, nhẹ nhàng theo đúng quy luật. Đây chính là sự tự nhận thức của độc giả. Đồng thời ý kiến cũng đặt ra yêu cầu đối với người nghệ sĩ khi cầm bút sáng tác: cần có một trái tim nhạy cảm, giàu xúc động, giàu yêu thương trước cuộc đời để có thể tạo ra nét riêng độc đáo mới lạ trong tác phẩm của mình.

III – Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề

Exit mobile version