Site icon Lớp Văn Cô Thu

Phân tích nhân vật Lục Vân Tiên

Phân tích những phẩm chất của nhân vật Lục Vân Tiên qua hành động đánh cướp và qua cách cư xử với Kiều Nguyệt Nga trong đoạn trích “ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.

Bài làm

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là một trong những nhà thơ lớn nhất của dân tộc Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX. Truyện “Lục Vân Tiên” là tác phẩm xuất sắc của ông được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Lục Vân tiên – nhân vật chính của tác phẩm, thể hiện lý tưởng của Nguyễn Đình Chiểu. Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” nằm ở phần đầu của truyện. Qua đoạn trích chúng ta bắt gặp một Lục Vân Tiên vừa anh hùng, tài năng vừa chính trực, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài.

Lục Vân tiên là một nhân vật lý tưởng, nhân vật đẹp nhất trong truyện “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu. Chàng là con một gia đình thường dân ở quận Đông Thành, một người học trò khôi ngô, có tài, có đức, văn võ song toàn:
                                  “Có người ở quận Đông Thành
Tu nhân tích đức sớm sinh con hiền.
Đặt tên là Lục Vân Tiên
Tuổi vừa hai tám nghề chuyên học hành”
Chính Lục Vân Tiên tiêu biểu cho lý tưởng sống, đạo đức cao đẹp của nhân dân ta lúc bấy giờ. Chàng là người học rộng, tài cao, văn võ kiêm toàn lại luôn sẵn sàng ra tay cứu giúp người khác khi hoạn nạn. Vừa từ tạ tôn sư xuống núi, định về kinh ứng thi, trên đường đi, chợt thấy một đám người khóc than bỏ chạy, chàng liến hỏi chuyện mới hay có một bọn cướp dữ vừa phá làng xóm và bắt đi hai cô gái. Lục Vân Tiên không chịu nổi cản bất bình, nổi giận:
                                         “Vân Tiên nổi giận lôi đình
Hỏi thăm lũi nó còn đình nơi nao.
Tôi xin ra sức anh hào
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này”.

Thấy người mắc nạn, Lục Vân tiên liền ra tay:
                                             “Vân tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô

Dẫu chỉ mỗi một mình, bọn cướp thì đông ; dẫu trước đó, dân làng hết sức khuyên chàng tuổi trẻ không nê dính vào việc này, e sẽ mang hoạ vào thân, nhưng Lục Vân tiên chủ động đi tìm cướp, đánh tan chúng để cứu người gặp nạn yếu đuối. Hành động đánh cướp, trước hết bộc lộ tính cách anh hùng, tài năng và tấm lòng vị nghĩa của Vân Tiên. Hành động “bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô” của chàng trai Vân Tiên thật đẹp đẽ và mãnh liệt vì đã khắc hoạ được hình ảnh một chàng trai nghĩa sĩ sẵn sàng trừ ác giúp dân. Chàng chỉ có một mình, hai tay không trong khi bọn cướp đông người, gươm giáo đầy đủ, thanh thế lẫy lừng “người đều sợ nó có tài khôn đương”. Vậy mà Vân Tiên vẫn bẻ cây làm gậy xông vào đánh cướp. Hình ảnh Vân Tiên trong trận đánh thật dũng mãnh, bất chấp bọn cướp bao vây tứ phía. Lục Vân Tiên đã dũng cảm “tả đột, hữu xông”, “khác nào Triệu Tử mở vòng Đương Dương”. Ngay từ phần mở đầu truyện thơ, Nguyễn Đình Chiểu đã giới thiệu Vân Tiên là người “văn đà khởi phụng đằng giao – võ thêm tam lược lục thao ai bì”. Thì lúc này, chính là cơ hội để chàng thi thố tài năng võ nghệ của mình. hình ảnh Vân Tiên tung hoành với chiệc gậy trong tay, tạo một ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc của mọi thế hệ. Sức mạnh của chàng trai trẻ đã khiến bọn “lâu la khiếp sợ”:
                                            “Lâu la bốn phía vờ tan
Đều quăng ươm giáo tìm đường chạy ngay”
Bọn lâu la phải quăng cả vũ khí để chạy tháo thân, còn tên đầu đảng thì:
                                          “Phong lai trở chẳng kịp tay
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”
Thế là chỉ một mình, Vân Tiên đã tài giỏi dẹp xong lũ cướp.  Hành động của Vân Tiên chứng tỏ Vân Tiên là người vì việc nghĩa quên thân mình, cái tài của bậc anh hùng và sức mạnh  bênh vực kẻ yếu, chiến thắng những thế lực bạo tàn.

Nhưng điều đáng quý hơn cả của chàng nghĩa sỹ là thái độ vô tư. Thái độ cư xử với Kiều Nguyệt Nga sau khi đánh tan bọn cướp lại bộc lộ tư cách con người chính trực hào hiệp , trọng nghĩa khinh tài cũng rất từ tâm nhân hậu của Lục Vân Tiên . Khi thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, Vân Tiên động lòng tìm cách an ủi họ và ân cần hỏi han:

“Vân Tiên nghe nói động lòng

Đáp rằng ta đã trừ dòng lâu la”

Hành động của chàng thật đàng hoàng, chững chạc. Tuy có phần nệ cổ nhưng vẫn là phong độ giữ lễ của một con người có văn hóa trong khi ứng xử với hai người con gái:

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra

Nàng là phận gái ta là phận trai”

Khi nghe hai cô gái muốn được lạy tạ ơn, Vân Tiên đã cười và khiêm nhường trả lời: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn. Chàng không muốn nhận cái lạy tạ ơn của hai cô gái. Chàng từ chối về thăm nhà của Nguyệt Nga để được cha nàng đền đáp. Dường như đối với Vân Tiên, làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên, chàn không coi đó là công trạng. Đó là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của các bậc anh hùng hảo hán. Vân Tiên quan niệm:

“Nhớ câu kiến ngãi bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”

Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người anh hùng. Hai câu thơ nêu lên một phương châm, một lẽ sống. Hai câu thơ đề cao tinh thần nghĩa hiệp, coi việc nghĩa ở đời là trách nhiệmcao cả, thiêng liêng.

Với ngôn ngữ mộc mạc, bình dị gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày, mang đậm sắc hái Nam Bộ, đoạn trích đã thể hiện thành công hình mẫu người anh hùng lí tưởng Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, chính trực, trọng nghĩa khinh tài. Hình ảnh Lục Vân Tiên là một hình ảnh đẹp, hình ảnh lí tưởng mà Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm niềm tin và ước vọng của mình.

Exit mobile version