Site icon Lớp Văn Cô Thu

Phân tích nhân vật anh thanh niên qua đoạn trích “Anh hạ giọng … mỗi người viết một vẻ”

Phân tích nhân vật anh thanh niên qua đoạn trích "Anh hạ giọng ... mỗi người viết một vẻ"

Phân tích nhân vật anh thanh niên qua đoạn trích "Anh hạ giọng ... mỗi người viết một vẻ"

I – Mở bài

*Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận:

“Yêu biết mấy những con đường đi tới…
Yêu biết mấy những bước đi dáng đứng
Của đời ta chập chững bước đầu tiên…
Tập làm chủ tập làm người xây dựng…”

( Tố Hữu )

Đó là những câu thơ miêu tả nhịp sống, nhịp lao động khẩn trương của những con người lao động mới trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong những năm 60 -70 của thế kỉ XX. Như một tấm gương phản chiếu, văn học trong thời kì này đã phác họa nên những con người lặng lẽ âm thầm cống hiến tài năng, sức lực của mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà “Lặng lẽ Sa pa” của Nguyễn Thành Long chính là một minh chứng tiêu biểu. Đọc tác phẩm, người đọc không khỏi ấn tượng về nhân vật anh thanh niên – một con người lao động bình thường, giản dị với những nét đẹp sáng ngời trong cách sống , cách nghĩ. Điều đó được thể hiện đặc biệt rõ nét qua đoạn văn ghi lại lời tâm sự của anh với bác họa sĩ và cô kĩ sư trẻ : “Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều……. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.”

II – Thân bài

1. Khái quát chung

Lặng lẽ Sa Pa là kết quả của chuyến công tác ở Lào Cai của tác giả trong mùa hè năm 1970, sau này được in trong tập Giữa trong xanh ( 1972). Đây là truyện ngắn tiêu biểu ở đề tài viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc. Truyện kể về cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa nhân vật anh thanh niên với cô kĩ sư và bác họa sĩ để từ đó ca ngợi những con người với những công việc thầm lặng.

2. Cảm nhận về vẻ đẹp của anh thanh niên trong đoạn trích

a. Giới thiệu về hoàn cảnh sống và công việc của anh thanh niên.

Đoạn trích đưa ta đến vùng đất Sa pa để gặp một chàng thanh niên 27 tuổi làm công tác khí tượng khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Qua lời kể của bác lái xe cũng như qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi trên đỉnh Yên Sơn giữa anh thanh niên với cô kĩ sư và bác họa sĩ, ta phần nào hiểu được hoàn cảnh sống, công việc và con người anh. Anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét, quanh năm làm bạn với thiên nhiên, cây cỏ, mây mù lạnh lẽo, hoàn toàn vắng bóng con người. Khó khăn lớn nhất không phải là thiên nhiên khắc nghiệt mà chính là nỗi cô đơn. Hoàn cảnh sống ấy quả là một thử thách đối với tuổi trẻ vốn sung sức, khát khao hành động. Tuy nhiên cũng chính hoàn cảnh sống đó đã làm cho những vẻ đẹp của anh tỏa sáng lung linh.

b. Nói về anh thanh niên trong đoạn trích này, trước hết ta nhận ra ở anh là tình yêu nghề và niềm đam mê với công việc.

Anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn với công việc bình dị: đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất. Anh quan niệm: “Khi làm việc ta với công việc là đôi sao gọi là một mình được”.Một quan niệm thật giản dị nhưng thể hiện một lẽ sống đẹp. Với anh, khi lao động con người với công việc là đôi, là bạn bởi thế anh không cảm thấy lẻ loi, cô độc. Hơn nữa “ công việc của cháu còn gắn với việc của bao anh em ,đồng chí dưới kia”, bên cạnh anh còn biết bao anh em đồng chí cùng đồng hành với anh, cùng anh âm thầm làm việc phấn đấu hết mình vì việc chung nên không thể gọi là “1 mình được”

Anh tiếp tục lời tâm sự chân tình, cởi mở “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi , cháu buồn đến chết mất”. Thực tế công việc vào giờ “ốp” đầy gian nan và vất vả. Chỉ một mình anh đúng một giờ sáng, phải đậy đúng giờ, phải đi ra ngoài trời giá lạnh “gió tuyết và lặng im”, núi non trùng điệp lạnh lẽo , hoang vu. Đó là một thử thách lớn không phải ai cũng dễ dàng vượt qua.Nhưng lạ lùng làm sao” cất nó đi cháu buồn đến chết mất”. Lời tâm sự chân thành làm ta khâm phục biết bao.. Không biết tự bao giờ anh đã yêu công việc đầy gian khổ ấy. Được sống nơi này để làm việc, được cống hiến với anh là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời. Nhân vật anh thanh niên đã giúp ta hiểu hơn về thế hệ cha ông trong những năm đầu của thập niên 70 ở thế kỉ XX, về tinh thần xây dựng CNXH của nhân dân ta ở miền Bắc.

c. Không chỉ yêu nghề, anh thanh niên trong đoạn trích này còn là một người sống có lý tưởng, có trách nhiệm.

Anh ý thức một cách rất rõ ràng: Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?. Nhận thức đó cho thấy anh trẻ nhưng không hời hợt. Anh sống một mình nhưng không cô đơn vì lúc nào trong tư tưởng của anh mục đích sống, lẽ sống vẫn luôn luôn tồn tại và nhắc nhở. Làm một công việc đơn độc, phải dậy vào lúc nửa đêm, phải ra ngoài trời lúc mưa bão, lạnh lẽo, anh có thể nằm ở trong nhà, lấy số liệu cũ mà gọi bộ đàm về để báo cáo. Nhưng anh không làm điều đó. Vì anh có trách nhiệm và anh hiểu rõ việc anh làm ở đây có liên quan, có ảnh hưởng đến cuộc sống lao động và chiến đấu của rất nhiều người lúc bấy giờ. Một con người như anh thật đáng để ta trân trọng và cảm phục!

d. Cùng với vẻ đẹp của tình yêu nghề, của tinh thần trách nhiệm, anh thanh niên còn là một người sống cởi mở, chân thành và rất quý trọng tình cảm.

Chỉ gặp họa sĩ và cô kĩ sư một cách tình cờ, trong thời gian rất ngắn ngủi – 30 phút, thế nhưng anh đã tâm tình cởi mở biết bao điều về công việc của mình với họ. Anh cứ thủ thỉ, tâm tình trò chuyện như đã quen thân tự bao giờ. Bởi với anh, được gặp người, trò chuyện với mọi người là một niềm hạnh phúc . Anh khẳng định nỗi khao khát của mình: Còn người thì ai mà chả“thèm ”hở bác? Nỗi thèm người của anh là một nhu cầu chính đáng, đáng quí. Điều đó cho thấy nỗi khát khao giao cảm được trò chuyện của một con người sống cởi mở , nồng nhiệt. Chính bởi sống cởi mở quí trọng tình cảm mà “ Không vào giờ “ốp” là cháu xuống chơi, lâu thành lệ”. Nghĩa là gặp người, giao cảm trò chuyện với mọi người đã trở thành nhu cầu, thành niềm hạnh phúc của anh. Sự chân thành ,cởi mở , quí trọng tình cảm của anh khiến ta xúc động và trân trọng vô cùng.

Sống một mình trên đỉnh núi, anh không cảm thấy cô đơn vì lúc nào bên cạnh anh cũng có sách. Ngoài giờ làm việc, ngoài lúc phải chăm sóc vườn hoa, đàn gà, anh dành thời gian để đọc sách. Vậy là sống nơi Sa Pa lặng lẽ , anh không cô đơn, buồn tẻ vì đã có sách làm bạn . Sách giúp đỡ đời sống tinh thần của anh thêm phong phú, giúp anh mở rộng tri thức, vốn sống để không ngừng theo kịp thời đại. Sách không chỉ giúp anh nâng cao hiểu biết, nâng cao kiến thức, sách còn giúp anh khuây khoả trong những phút giây rảnh rỗi. Say mê đọc sách là một thói quen, một đức tính đáng quý ở anh.

2. Đánh giá chung

Như vậy, bằng cách kể chuyện tự nhiên, chân thực, đoạn trích trên đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên. Dù anh thanh niên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc, nhưng bằng cách đặt nhân vật vào tình huống gặp gỡ tình cờ, qua cảm xúc và đánh giá của mọi người xung quanh , những chi tiết tiêu biểu… tác giả đã phác họa chân dung nhân vật với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa công việc. Và đằng sau những tình huống ấy, ta nhận ra sự trân trọng, niềm cảm phục của nhà văn dành cho anh thanh niên trong câu chuyện này và cũng là cho tất cả những con người đang cống hiến hết mình vì đất nước.

III – Kết bài:

Đoạn văn ngắn nhưng đã biểu hiện được đầy đủ những nét tiêu biểu cho nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, của nhân vật anh thanh niên. Trong cái “lặng lẽ” của Sa Pa, trên đỉnh Yên Sơn bốn mùa mây phủ, có những chàng trai trẻ như anh thanh niên đang sống và âm thầm dâng hiến tuổi xuân của mình cho hạnh phúc con người, cho Tổ quốc thân yêu. Đó là một mẫu người lý tưởng tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam Nam của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ, hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Vẻ đẹp tâm hồn và những suy nghĩ nghĩ của nhân vật anh thanh niên trong truyện đã gieo vào lòng ta niềm khâm phục, ngưỡng mộ và định hướng cho ta cách sống đẹp, thôi thúc ta khát khao được sống và làm những việc có ích cho cuộc đời.

🔻 Xem thêm:

Exit mobile version