Site icon Lớp Văn Cô Thu

Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật và tình cảm của bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà

Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật và tình cảm của bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà

Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật và tình cảm của bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà

I.  Mở bài

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kí ức đau thương của nó vẫn còn in đậm mãi trong trái tim, khối óc của mỗi nguời dân đất Việt. Viết về chiến tranh, ta thường thấy sáng ngời hơn cả là hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, người chiến sĩ Trường Sơn – những nhân vật trung tâm của thời đại. Cũng viết về chiến tranh nhưng Nguyễn Quang Sáng lại khai thác cho mình một góc nhìn khác – góc nhìn về tình cảm gia đình trong hoàn cảnh ngặt nghèo của thời chiến. Một trong những sáng tác nổi bật của ông ở mảng đề tài này chính là “Chiếc lược ngà”. Trong truyện, để lại ấn tượng sâu đậm cho người đọc chính là hình ảnh bé Thu – cô một cô bé cá tính có tình yêu cha sâu sắc, mãnh liệt.

II.Thân bài

1. Khái quát về tác phẩm

Tác phẩm Chiếc lược ngà  được Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang rất ác liệt. Truyện kể về tình cảnh éo le của cha con ông Sáu để từ đó khẳng định rằng: Chiến tranh có thể cướp đi tất cả, thậm chí là cả mạng sống của con người nhưng tình cảm gia đình thì không gì có thể giết chết được. Câu chuyện tập trung thể hiện tình cảm cha con của ông Sáu –  bé Thu, đặc biệt là tình yêu thương mãnh liệt của bé Thu dành cho người cha chiến sĩ.

2. Phân tích

a. Khái quát cảnh ngộ của bé Thu

Cũng như bao đứa trẻ khác cùng thời, Thu sinh và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước ầm ào tiếng bom, khói súng. Ba em – ông Sáu lên đường đánh giặc khi em chưa tròn một tuổi. Suốt tám năm ròng em chưa được gặp ba, em chỉ được ngắm nhìn ba qua bức hình chụp chung với má. Tám tuổi,Thu còn quá nhỏ để hiểu được sự khốc liệt và éo le của chiến tranh. Chính vì vậy cuộc gặp gỡ bất ngờ với người cha sau 8 năm xa cách đã khiến cho bé Thu có nhiều sự ngộ nhận, em ngờ vực, xa lánh chính người cha mà bấy lâu mình khát khao, mong chờ để rồi phải ân hận, tiếc nuối.

b.  Phẩm chất của bé Thu.

*Thu một cô bé có cá tính rất mạnh mẽ, ương bướng, ngang ngạnh, đáo để nhưng cũng rất trong sáng, hồn nhiên và đáng yêu.
Sau tám năm xa cách, sau bao nhiêu mong ngóng, đợi chờ, Thu mới được gặp Ba. Thế nhưng, trái với suy nghĩ của người đọc, ngày Thu gặp cha lại không phải ngày hạnh phúc nhất . Thu đã có những phản ứng thật dữ dội khi thấy một người đàn ông lạ đang tiến về phía mình, gọi tên mình và xưng là “ba”, người đàn ông ấy lại có vết thẹo dài trên má, đỏ ửng lên, giần giật trông dễ sợ. Thay vì chạy tới ôm lấy ba như ta vẫn tưởng, Thu bỏ chạy, kêu thét lên gọi má. Phản ứng hoảng sợ của bé Thu rất phù hợp với tâm lí nhân vật bởi em còn quá nhỏ, người lớn cũng chưa kịp chuẩn bị cho em đón nhận tình huống bất thường, nỗi hoảng sợ của em là hoàn toàn dễ hiểu.
Thế rồi, trong ba ngày phép ngắn ngủi của ông Sáu, bé Thu vẫn chưa kịp nhận ra ông là cha dù ông đã tìm mọi cách vỗ về, an ủi. Em xa lánh, ngờ vực, thậm chí còn phản ứng quyết liệt trước thái độ ân cần và khao khát được gọi ba của ông Sáu. Ngay cả khi bị dồn vào tình thế bí nhất, Thu vẫn “cứng đầu”, kiên quyết không gọi tiếng “ba”. Mẹ nhắc nhở Thu bảo ba vô ăn cơm thì con bé tìm mọi cách từ chối khéo: “ Thì mẹ mời đi” , khi bị ép thì Thu lại nói trổng “ vô ăn cơm” ông Sáu giả vờ không nghe thấy thì Thu lại nói vọng ra “ cơm chín rồi”  và cuối cùng không gọi được con bé bực quá quay lại mẹ và bảo “ con kêu rồi mà người ta không nghe”.
Không chỉ lời nói, bé Thu còn có những hành động, cử chỉ dứt khoát không nhận ông Sáu là ba: Đó là tình huống bé Thu phải canh nồi cơm và chắt nước cơm. Nồi cơm thì to, quá sức với một đứa trẻ 8 tuổi, khiến Thu không thể bắc được, bị đẩy vào thế bí, tưởng Thu sẽ phải gọi ông Sáu là ba để nhờ giúp đỡ nhưng không con bé vẫn nói trổng: “ Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái” ông Sáu trở vờ không nghe thấy và khi nồi cơm sôi sung sục thì giọng nó vang vẻ hơn: “Cơm sôi rồi nhão bây giờ” , bị bác Ba dọa thì nó hơi sợ, nhăn nhó như sắp khóc nhưng nhất định không gọi ông Sáu một tiếng ba. Rồi nó loay hoay tìm lấy cái vá để múc nước cơm ra. Hành động đó của bé Thu cho thấy Thu thật ương bướng, gan góc nhưng cũng rất đáo để.
Đỉnh điểm của sự ngang ngạnh, ương bướng của bé Thu là trong bữa cơm, ông Sáu gắp cho một miếng trứng cá to vàng để vào chén bé Thu.  Thu liền lấy đũa soi vào chén cơm rồi bất ngờ hất tung miếng trứng cá khiến cơm văng tung tóe cả mâm. Hành động ấy của bé Thu cho thấy sự cương quyết từ chối sự chăm sóc tận tâm của ông Sáu. Bị cha đánh mắng, Thu không khóc mà ngồi im cúi đầu rồi lặng lẽ gắp miếng trứng cá vào bát và đứng dậy. Thu hiểu được việc làm của mình là quá đáng, là sai, là vô lễ với người lớn tuổi nên thấy mình hối lỗi, nhưng vẫn không thể chấp nhận người đàn ông kia là ba mình. Thu bỏ sang nhà bà ngoại , trước khi bơi thuyền đi,  nó còn cố ý khuya dây lòi tói rộn rảng.
Qua tất cả hành động trên của bé Thu, ta thấy Thu rất ương bướng, ngang ngạnh và đáo để, nhưng sự ương bướng cá tính của Thu không làm người đọc khó chịu, và cũng  thấy Thu không phải là một cô bé hư, hỗn láo, mà ta lại thấy ở Thu nét hồn nhiên, ngây thơ,  có phần tội nghiệp. Cô bé cương quyết không chịu nhận ông Sáu là cha chắc hẳn phải có lí do nào đó. Đây chính là tình tiết tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện.
*Thu là một cô bé rất giàu tình cảm, có tình yêu ba sâu sắc và mãnh liệt.
Trong đêm ngủ với bà ngoại, được ngoại giảng giải cho hiểu vì sao ông Sáu lại có một vết thẹo dài trên má, Thu đã hiểu ra sự khốc liệt của chiến tranh, chính chiến tranh đã làm biến dạng khuôn mặt của ba, để ba không còn đẹp như bức hình chụp chung với má nữa. Nó nằm im lăn qua, lăn lại, thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn. Điều này cho thấy Thu đã hiểu ra vấn đề. Trong tiếng thở dài của em, có cả nỗi căm giận thằng Mi đã làm nên vế thẹo trên mặt ba, có cả nỗi ân hận vì trót đối xử không tốt với ba, có cả niềm tiếc nuối vì thời gian bên ba không còn nữa…
Trong buổi sáng chia tay ông Sáu lên đường trở về khu căn cứ, bé Thu đã thay đổi hoàn toàn thái độ, vẻ mặt của em không còn bướng bỉnh, cau có nữa mà vẻ mặt ấy sầm lại trông rất đáng thương. Thu không nhìn ngơ ngác, lạ lùng như trước nữa mà nhìn với một vẻ nghĩ ngợi sâu xa. Nhưng Thu chỉ dám đứng ở góc nhà nhìn ba từ xa vì cô bé mặc cảm với lỗi lầm của mình mà chưa dám nhận cha dù trong lòng em đang trào dâng bao cảm xúc xốn xang khó tả.
Chỉ đợi ông Sáu chào tạm biệt “ Thôi ba đi nghe con” thì tình cảm bị dồn nén bấy lâu bỗng trỗi dậy thật mãnh liệt . Thu chạy ào tới như một con sóc rồi thốt lên “ ba…a…a!”, tiếng kêu ấy như tiếng xé, xé sự im lặng của mọi người nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà Thu đã kìm nén bao năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra trong lòng nó. Nó vừa kêu vừa chạy xô tới nhảy tót lên, dang hai tay ôm lấy cổ ba nó… Chứng kiến những khoảnh khắc xúc động này,  nhà văn đã dùng những câu văn ngắn dồn dập, nhiều động từ mạnh để diễn tả cảm xúc vội vàng, cuống quýt của bé Thu.  Thu ôm chặt lấy cổ ba vừa khóc vừa muốn giữ chân ba ở nhà “ Ba! Con không cho ba đi nữa ba ở nhà với con” rồi  “ Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”, “ Hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nói, nó dang cả hai chân  rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai bó nhỏ của nó run run”. Dường như Thu muốn lấy nụ hôn đó để chuộc lỗi với ba, để xoa dịu những tổn thương mà nó gây cho ba nó rồi nó nghĩ rằng hai tay không thể ôm chặt lấy ba, nên nó dùng cả đôi chân ôm chặt lấy ba. Khoảnh khắc xúc động ấy khiến cho những người chứng kiến không ai cầm được nước mắt, còn bác Ba người kể chuyện cảm thấy khó thở như ai bóp lấy trái tim mình.
Có thể nói đây là đoạn văn rất thành công khi tác giả miêu tả sinh động khoảnh khắc hai cha con nhận nhau. Lúc Thu nhận ra ba cũng là lúc ông Sáu phải ra chiến trường. Chiến tranh thật éo le và khắc nghiệt đã khiến cho niềm hạnh phúc, tình phụ tử của cha con bé Thu phải chia lìa , xa cách. Thương cho hoàn cảnh của cha con ông Sáu bao nhiêu, chúng ta càng căm phẫn chiến tranh bấy nhiêu. Đau thương, mất mát mà chiến tranh mang đến cho mỗi người, mỗi gia đình là không thể kể hết. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy thì tình cảm gia đình, tình cha con lại càng thiêng liêng, bất diệt.

3. Đánh giá chung

Thành công của thiên truyện chính là nhờ tình huống truyện đặc sắc. Truyện đặt nhân vật bé Thu vào tình huống gặp ba nhưng không nhận ra, khi nhận ba lại vào đúng lúc chia tay để bộc lộ diễn biến tâm lý và tình cảm sâu sắc bé Thu dành cho ba. Từ đó, nhân vật bé Thu hiện ra thật có tình, yêu ghét rõ ràng, nhưng cũng thật hồn nhiên, trong sáng. Qua những diễn biến tâm lí của bé Thu, ta thấy tác giả tỏ ra rất am hiểu tâm lí bé trẻ thơ và diễn tả rất sinh động với tấm lòng yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ.

III.  Kết bài:

Kết bài 1
Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi lần đọc “ Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng  chúng ta lại thấy vô cùng xúc động về tình yêu cha mãnh liệt, thiêng liêng của bé Thu dành cho người cha của mình trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh cũng từ nhân vật Thu ta càng thấy trân trọng hơn tình cảm gia đình, cuộc sống hòa bình hiện nay. Cảm xúc viết về chiến tranh nhưng Nguyễn Quang Sáng lại không viết về bom đạn nơi chiến trường mà tác giả lại viết về đề tài tình cảm con người trong chiến tranh, tình cảm cha con thiêng liêng sâu nặng. Chính điều này có thể khẳng định bom đạn có thể hủy diệt đi tất cả nhưng không thể nào hủy diệt đi tình cảm con người, đặc biệt là tình cảm cha con, tình cảm gia đình. Với những giá trị ấy truyện ngắn “ Chiếc lược ngà” đã làm thổn thức, rung động biết bao trái tim bạn đọc muôn thế hệ.
Kết bài 2
Truyện ngắn  Chiếc lược ngà đã thể hiện một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng và cao đẹp của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Truyện còn gợi cho người đọc nghĩ đến và thấm thía những mất mát đau thương, éo le mà chiến tranh gây ra cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình. Nhân vật bé Thu là hiện thân sinh động cho hình ảnh những nạn nhân nhỏ bé, vô tội của chiến tranh, là lời tố cáo mạnh mẽ cuộc xâm lược phi nghĩa và tàn bạo của kẻ thù. Gấp lại trang sách, mỗi chúng ta đều thấy lòng mình dâng lên nỗi niềm xúc động về tình phụ tử sâu nặng, giúp ta thêm yêu quý, trân trọng gia đình, trân trọng hoà bình mà chúng ta đang hưởng.
🔻 Xem thêm:
Exit mobile version