Site icon Lớp Văn Cô Thu

Phân tích đặc sắc về nghệ thuật của trích đoạn truyện ngắn “Hương cuội” – Nguyễn Tuân

Phân tích đặc sắc về nghệ thuật của trích đoạn truyện ngắn "Hương cuội" - Nguyễn Tuân

Phân tích đặc sắc về nghệ thuật của trích đoạn truyện ngắn "Hương cuội" - Nguyễn Tuân

Đề: Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của trích đoạn truyện sau:

“Đêm giao thừa, bên cạnh nồi bánh chưng sôi sình sịch, bõ già đang chăm chú canh nồi kẹo mạch nha. Cụ Kép dặn bõ già phải cẩn thận xem lửa kẻo lơ đễnh một chút là khê mất nồi kẹo.

Hai ông ấm, con trai cụ Kép, người lớn tuổi đứng đắn như thế, mà lại ngồi gần đấy, phất giấy vào những nan lồng. Thực là hai đứa trẻ con đang ngồi nghịch với lồng bàn giấy. Họ trịnh trọng ngồi dán hồ, vuốt giấy. Ông cụ Kép đứng kèm bên, mỗi lúc lại nhắc:

– Này Cả, thầy tưởng miệng lồng bàn, con nên đan to hơn miệng chậu. Con chạy ra, lấy cái que đo lại lợi chậu xem. Nếu rộng thì hỏng hết. Đo lợi chậu Mặc lan thôi.

Hai ông ấm, ngồi phất được đến mười cái lồng bàn giấy. Họ rất vui sướng vì họ tin đã làm toại được sở thích của cha già. Cụ Kép co ro chạy từ nồi mạch nha, qua đám lồng bàn giấy, đến cái rổ đá cuội đã ráo nước thì cụ ngồi xổm xuống, ngồi lựa lấy những viên đá thật trắng, thật tròn, để ra một mẹt riêng. Ông ấm cả, ông ấm hai lễ mễ bưng những chậu Mặc lan vào trong nhà. Cả ba ông con đều nhặt những hòn cuội xấu nhất, méo mó, xù xì trải xuống mặt đất những chậu lan gần nở. Mỗi lần có một người đụng mạnh vào rò lan đen, cụ Kép lại xuýt xoa như có người châm kim vào da thịt mình.

Nồi kẹo đã nấu xong nhưng phải đợi đến gần cuối canh hai kẹo mới nguội.

Bây giờ thêm được bõ già đỡ một tay nữa, cả ba ông con đều lấy những hòn cuội để riêng ban nãy ra mẹt, đem dúng đá cuội vào nồi kẹo, quấn kẹo bọc kín lấy đá, được viên nào liền đem đặt luôn vào lồng chậu hoa. Những viên đá bọc kẹo được đặt nhẹ nhàng lên trên lượt đá lót lên nền đất chậu hoa.

Úp xong lồng bàn giấy lên mười chậu Mặc lan thì vừa cúng giao thừa.

Ba ông con, khăn lượt áo thâm lạy trước bàn thờ đặt ngoài trời. Năm nay, trời giao thừa lành.

Cả một buổi sớm, cụ Kép phải bận ở đình làng. Trước khi ra đình cụ đã dặn bõ già ở nhà phải sửa soạn cho đủ để đến quá trưa, cụ và vài cụ nữa đi việc đình làng về sẽ cùng uống rượu thưởng hoa.

Bõ già đã bày ra giữa sân bốn cái đôn sứ Bát Tràng mầu xanh quan lục. Trước mặt mỗi đôn, bõ già đặt một án thư nhỏ, trên đó ngất nghểu hai chậu lan còn lù lù chiếc lồng bàn úp, và một hũ rượu da lươn lớn có nút lá chuối khô. Bõ già xếp đặt trông thạo lắm. Trong mấy năm nay, đầu mùa xuân nào bõ già cũng phải ít ra là một lần, bày biện bàn tiệc rượu Thạch lan hương như thế. Bõ già hôm nay lẩm bẩm phàn nàn với ông ấm hai:

– Năm nay cụ nhà uống rượu sớm quá và lại uống ban ngày. Mọi năm, cứ đúng rằm tháng giêng mới uống. Vả lại uống vào chiều tối. Đốt đèn lồng, treo ở ngoài vườn, trông vào bữa rượu hoa, đẹp lắm cậu ạ […]

Phía ngoài cổng, có tiếng chó sủa vang.

Bõ già nhìn ra thấy bốn cụ tiến vào đã quá nửa lòng ngõ duối. Cụ nào cũng cầm một cây quạt thước, chống một chiếc gậy tre càng cua hay trúc đùi gà. Uống xong tuần nước, cụ Kép mời ba cụ ra sân uống rượu. Bõ già vòng tay vái các cụ và đợi các cụ yên vị rồi thì khom khom mở từng chiếc lồng bàn giấy một.

Một mùi hương lan bị bỏ tù trong bầu không khí lồng bàn giấy phất từ đêm qua, đến bây giờ vội tản bay khắp vườn cây. Bốn cụ và bõ già đánh hơi mũi: những cặp mắt kém cỏi đăm đăm nhìn kỹ vào khoảng không trong vắt như có ý theo dõi luồng hương thơm đang thấm nhập dần vào các lớp khí trời. Cơn gió nhẹ pha loãng hương thơm đặc vào không gian.

– Dạ, xin rước các cụ.

Dứt tiếng cụ Kép, tất cả bốn cụ đề úp lòng bàn tay vào nhau thi lễ và giơ tay chỉ thẳng vào giữa mời nhau ai cao tuổi xin nhắp chén trước đi. Tiệc rượu bắt đầu. Bõ già kính cẩn chắp tay đứng sau lưng chủ, có vẻ cũng thèm say lắm.[…].

Sau mấy câu phê bình về tiệc rượu, tỏ ra mình là người biết thưởng thức những vị thanh lương đạm bạc, bốn cụ đều xoay câu chuyện sang phía thơ văn.

Cụ Tú người cùng làng với cụ Kép mở đầu câu chuyện làm thơ.

– Sớm nay, đệ đã khai bút rồi. Đệ nghĩ dược một đôi câu đối. Để các cụ chữa cho mấy chữ. Chiều nay sẽ viết luôn vào giấy hồng điều để xin phép dán thêm vào cổng nhà.

Ba cụ cùng cạn chén một lúc, cùng nói một lúc:

– Cụ Tú hãy cạn luôn ba chén rồi hãy đọc đôi câu đối mới. Câu đối của cụ còn ai mà hạch nổi chữ nào. Cụ nói gì mà khiêm tốn vậy… Chúng tôi xin nghe.

Chờ cụ Tú dặng hắng lấy giọng, mỗi cụ đều bỏ vào mồm những viên kẹo mạch nha đá cuội ướp hương lan. Những nhân đá đánh vào răng kêu lách cách. Mỗi ông già đọc một đôi câu đối.

Rồi chén rượu ngừng là một lời thơ ngâm trong trẻo. Cứ thế cho tàn hết buổi chiều. […].

Trích truyện ngắn Hương cuội, Vang bóng một thời – Nguyễn Tuân.

I – Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân và truyện Hương cuội.

– Khẳng định về nét đặc sắc của tác phẩm: đến từ cá tính riêng biệt của cả nội dung và nghệ thuật

II – Thân bài

Giới thiệu về đoạn truyện và nêu định hướng của bài viết: Là đoạn trong truyện ngắn “Hương cuội” của Nguyễn Tuận, được Nguyễn Tuân viết trước Cách mạng tháng Tám, miêu tả không khí gần Tết của gia đình cụ Kép. Cụ cùng con cháu quây quần sửa sang nơi thờ, rửa lá dong, nấu bánh chưng, chăm chút cho vườn lan nở đúng dịp Tết, nấu kẹo mạch nha, uống rượu bình thơ, thưởng thức cái không khí êm đềm của màu xuân.

Chủ đề của truyện: Từ việc dựng lại tập tục đón Tết của gia đình cụ Kép nhà văn ca ngợi nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, những nét đẹp một thời vang bóng nay đã dần bị lãng quên trước cái xô bồ của thời buổi Tây tàu lố lăng.

Một số đặc sắc về nghệ thuật:

+ Đề tài độc đáo: một phong tục đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt: uống rượu thạch lan hương ngày Tết.

+ Nghệ thuật tạo dựng bối cảnh: Nguyễn Tuân đã giúp người đọc hình dung được không khí rất đặc trưng của những ngày Tết cổ truyển Việt Nam.

+ Lối kể chuyện tỉ mỉ, tinh tế: Mọi công việc chuẩn bị cho ngày Tết đều được nhà văn miêu tả tỉ mỉ: Bữa tiệc rượu đặc biệt thanh tịnh được mở đầu rất ấn tượng: “Bõ già vòng tay vái các cụ và đợi các cụ yên vị rồi thì khom khom mở từng chiếc lồng bàn giấy một. Một mùi hương lan bị bỏ tù trong bầu không khí lồng bàn giấy phất từ đêm qua, đến bây giờ vội tản bay khắp vườn cây…

+ Hệ thống ngôn từ độc đáo: nhà văn đã sử dụng hệ thống từ cổ, từ Hán Việt một cách đắc địa. Những từ cổ này được kết hợp hài hòa, chặt chẽ với những cảnh, những người trong quá khứ, tạo nên một hiệu quả đặc biệt. Việc sử dụng hệ thống ngôn từ độc đáo như trên vừa thể hiện dụng ý của nhà văn lại vừa nói lên một cách đầy đủ nhất sự hiểu biết sâu rộng, cặn kẽ của nhà văn về nhiều phương diện như lịch sử, văn hóa và xã hội.

+ Xây dựng kiểu nhân vật tài hoa, tài tử

Nhận xét nét đặc sắc về nghệ thuật và chủ đề của tác phẩm:

Nhà văn phải là người có vốn sống phong phú, có sự hiểu biết sâu sắc và yêu mến biết bao nhiêu những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc mới có thể viết được những trang văn tinh tế đượm tấm lòng trìu mến

– Nêu tác động của tác phẩm với bản thân

III –  Kết bài

– Khẳng định lại giá trị trong nội dung và nghệ thuật của Nguyễn Tuân thông qua truyện Hương cuội.

– Bài học nhắn gửi tới thế hệ trẻ: Biết lưu giữ và bảo vệ nét đẹp văn hóa sắp dần mai một theo thời gian.

Bài văn tham khảo: Phân tích đánh giá nội dung, nghệ thuật truyện Hương cuội

“Văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức. Một ngày không xa, khi mà văn chương Việt Nam được người Việt Nam ham chuộng hơn bây giờ, tôi dám chắc những văn phẩm của Nguyễn Tuân sẽ còn có một địa vị xứng đáng hơn nữa. “ – Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã từng nhận định như thế, khi ông đánh giá về phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ tài hoa này. Quả thực, trong những sáng tác của mình, Nguyễn Tuân đã làm rất tốt khi ông đã thể hiện nội dung phong phú cùng nghệ thuật miêu tả đặc sắc thông qua truyện kể Hương cuội.

Tác phẩm “ Hương cuội “ là câu chuyện kể về nhân vật cụ Kế – một người có niềm đam mê mãnh liệt từ khi còn trẻ hay cả lúc về già, đó là trồng riêng cho mình một vườn cây đầy hoa thơm cỏ quý, đặc biệt là các loại hoa lan. Người ta ấn tượng với hình ảnh một ông lão phúc hậu lúc nào cũng khoác lên mình chiếc áo lông, cặm cụi cắt tỉa những chiếc lá sâu trong vườn. Cụ Kế là chứng nhân lịch sử, là dấu ấn của thời gian qua dòng chuyển giao thời đại, vẫn còn giữ lại được trong nếp sống lề lối quen thuộc cùng giá trị tinh thần xưa cũ.

Cái hay của nội dung truyện :” Hương nội “, nằm ở việc Nguyễn Tuân đã khéo léo lồng ghép sự chuyển giao của thời đại ấy, giữa một buổi sinh hoạt gia đình chiều ba mươi Tết – với cái thú vui thưởng rượu ngắm hoa của thời xưa. Giữa khung cảnh gia đình quây quần sửa soạn rửa lá gói bánh, quét tước nhà cửa, là những câu thơ ngâm cùng tràng cười sảng khoái khen ngợi hoa đẹp thơ hay. Ngay từ cái cách chọn lựa nên trồng loại lan nào của cụ Kế, cho tới cách chọn sỏi rồi cách nấu kẹo mạch nha sao cho ngon được miêu tả tỉ mỉ kỉ lưỡng, đã cho ta thấy sự thông thạo cùng cái nhìn am hiểu phong tục thời đại của Nguyễn Tuân thật sâu sắc.

Phân tích đánh giá nội dung, nghệ thuật truyện Hương cuội của Nguyễn Tuân
Sự ấn tượng của “ Hương cuội “ còn nằm ở giá trị nghệ thuật mang đậm phong cách cá nhân của người nghệ sĩ. Khung cảnh sinh hoạt gia đình chiều ba mươi Tết đầm ấm quây quần hay vườn cây được chăm sóc kĩ càng mà cụ Kép đã dành cả đời để chăm bón được tái hiện qua việc sử dụng các từ ngữ miêu tả giàu sức gợi. Nghệ thuật am hiểu tâm lý nhân vật được bộc lộ thông qua cái cách Nguyễn Tuân diễn tả lại đam mê của cụ Kép, luôn dành thời gian để chăm sóc mảnh vườn một cách tỉ mỉ, dựa vào thời tiết để phán đoán ngày mà những chậu lan của cụ nở hoa. Một lần nữa, ta càng khâm phục trước sự kỹ càng trong nghệ thuật miêu tả, từ lúc người làm rửa đá cuội cho cụ Kép, chọn ra từng viên tròn trịa sáng bóng; cho tới khi tái hiện lại mùi thơm của mẻ kẹo mạch nha mới nấu, và cuối cùng là khung cảnh thưởng rượu ngâm thơ. Ngôi kể thứ ba giúp Nguyễn Tuân có cái nhìn toàn cảnh về phong tục của một thời đã cũ. Đó là thói quen song hành giữa tửu và hoa.

Thông qua tác phẩm Hương cuội, ta đã thấy được nét riêng nổi bật chỉ có ở phong cách của người nghệ sĩ dành cả đời để đi tìm cái “ ngông “, cùng thú vui xê dịch đi để thu hết đó đây vào tầm mắt, viết nên những sáng tác vừa đặc sắc về nội dung lại phối hợp khéo léo về nghệ thuật. Phong thái ấy không bị trói buộc bởi lễ nghi, lại càng không vì thời cuộc mà trở nên gò bó.

Exit mobile version