Site icon Lớp Văn Cô Thu

Phân tích bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão

Phạm Ngũ Lão ( 1255-1320) trước là môn khách, sau là con rể của Trần Hưng Đạo. Ông là vị tướng đã lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân Mông- Nguyên, trong việc mở mang biên giới phía Nam. Ông là người văn võ song toàn, đã để lại một số thơ văn, trong đó có bài thơ Thuật hoài :

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu

Dịch thơ tiếng Việt :

Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu

Công danh quân tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

Bài thơ Tỏ lòng được sáng tác vào khoảng những ngày cuộc khởi nghĩa lần thứ hai chống Mông – Nguyên đã đến rất gần. Bài thơ làm theo thể Đường luật, nội dung khắc hoạ hình ảnh con người có sức mạnh, có lí tưởng, nhân cách cao cả mang khí thế hào hùng của thời đại.
Hai câu thơ đầu là vóc dáng hùng dũng của người tráng sĩ thời nhà Trần:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu

(Múa giáo non sông trải mấy thu

                              Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)

So sánh câu thơ đầu trong nguyên tác chữ Hán với câu thơ dịch, ta thấy hai từ “múa giáo” chư­a thể hiện đư­ợc hết ý nghĩa của hai từ “hoành sóc“. “Hoành sóc” là cầm ngang ngọn giáo mà trấn giữ non sông. Từ ý nghĩa lẫn âm hư­ởng, từ “hoành sóc” đều tạo ra cảm giác kì vĩ và lớn lao hơn.

Trong câu thơ đầu này, con ngư­ời xuất hiện trong bối cảnh không gian và thời gian đều rộng lớn. Không gian mở theo chiều rộng của núi sông và mở lên theo chiều cao của sao Ngư­u thăm thẳm. Thời gian không phải đo bằng ngày bằng tháng mà đo bằng năm, không phải mới một năm mà đã mấy năm rồi (cáp kỉ thu). Con ngư­ời cầm cây tr­ường giáo (cũng đo bằng chiều ngang của non sông), lại đư­ợc đặt trong một không gian, thời gian như­ thế thì thật là kì vĩ. Con ng­ười hiên ngang ấy mang tầm vóc của con ng­ười vũ trụ, non sông.

Câu thơ “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu” có hai cách hiểu : Thứ nhất, ta có thể hiểu là “ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”. Nhưng cũng có thể giải thích theo cách khác, với cách hiểu là: Ba quân hùng mạnh khí thế át sao Ngưu. Có thể nói quân đội nhà Trần mạnh cả về trí và lực, không những có được đầy đủ binh hùng tướng mạnh mà còn có những vị đại tướng quân trí dũng song toàn (như: Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật…). Vì thế thật không quá khoa trương khi nói: cái khí thế ấy đúng là đủ sức làm đổi thay trời đất. Tam quân tì hổ là một ẩn dụ so sánh nghệ thuật nêu bật sức mạnh vô địch của quân đội nhà Trần. Khí thôn ngưu là cách nói thậm xưng để tạo nên một hình tượng thơ kì vĩ, mang tầm vũ trụ.

Hai câu tứ tuyệt mười bốn chữ ngắn gọn, cô đúc nhưng đã tạc vào thời gian một bức tượng đài tuyệt đẹp về người tráng sĩ quả cảm lồng trong hình ảnh “ba quân” mang ý nghĩa khái quát, gợi ra hào khí dân tộc thời Trần – “hào khí Đông A”.

Ở hai câu sau, nhà thơ thể hiện khát vọng hào hùng của người tráng sĩ thời nhà Trần:

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu

(Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu)

Tỏ lòng là bài thơ nói chí. Đó là cái chí của những bậc nam nhi trong thiên hạ. Chính vì thế, món “nợ công danh” mà nhà thơ nói đến ở đây vừa là khát vọng lập công, lập danh, mong để lại tiếng thơm, sự nghiệp cho đời, vừa có ý “ch­ưa hoàn thành nghĩa vụ đối với dân, với nước”. Theo quan niệm lí tưởng của trang nam nhi thời phong kiến thì công danh đư­ợc coi là một món nợ đời phải trả. Trả xong nợ công danh mới hoàn thành nghĩa vụ với đời, với dân, với nư­ớc.

Ở phần cuối của bài thơ, tác giả vẫn “thẹn” vì mình ch­ưa đ­ược như­ Vũ Hầu Gia Cát Lư­ợng, nghĩa là vẫn muốn lập công lập danh để giúp nư­ớc giúp đời. Nỗi “thẹn” đã thể hiện vẻ đẹp nhân cách của ngư­ời anh hùng. Phạm Ngũ Lão “thẹn” vì chư­a có đ­ược tài năng m­ưu l­ược như­ Vũ Hầu Gia Cát Lư­ợng (Khổng Minh – đời Hán) để giúp dân cứu nư­ớc, thẹn vì trí và lực của mình thì có hạn mà nhiệm vụ khôi phục giang sơn, đất nư­ớc còn quá bộn bề. Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão cũng là những day dứt của Nguyễn Trãi hay của Nguyễn Khuyến sau này. Đó là những nỗi thẹn có giá trị nhân cách – nỗi thẹn của những con ngư­ời có trách nhiệm với đất n­ước, non sông.

Hai câu thơ sau âm hưởng khác hẳn hai câu thơ trước. Cảm xúc hào sảng ban đầu dần chuyển sang trữ tình, sâu lắng, như lời mình nói với mình cho nên âm hưởng thơ thâm trầm, da diết.

       Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, hình ảnh thơ hoành tráng, thích hợp với việc tái hiện khí thế hào hùng của thời đại và tầm vóc, chí hướng của người anh hùng. Ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, có sự dồn nén cao độ về cảm xúc.Bài thơ là một bức tranh kì vĩ, hoành tráng bởi vẻ đẹp của hình tượng ngư­ời anh hùng vệ quốc hiên ngang, lẫm liệt với lí tư­ởng và nhân cách lớn lao.
Tóm lại, Tỏ lòng là một bài thơ ngắn nh­ưng lại mang đậm dấu ấn của cả một thời (dấu ấn về âm hưởng của hào khí Đông A). Bài thơ là vẻ đẹp của thời đại với khí thế hào hùng mang tinh thần quyết chiến và quyết thắng. Đọc những dòng thơ hào hùng khí thế, ta có thể cảm nhận rât rõ vẻ đẹp sức vóc và ý chí của những trang nam nhi thời đại nhà Trần. Âm hưởng anh hùng ca của thời đại do những con ngư­ời ấy tạo nên và cũng chính âm hưởng ấy tôn lên vẻ đẹp anh hùng của họ. Họ đã từ bỏ lối sống tầm th­ường, ích kỉ, để sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cho sự nghiệp cứu n­ước, cứu dân. Tinh thần và ý chí ngoan cư­ờng của những con ng­ười ấy sẽ vẫn mãi là lí t­ưởng cho nghị lực và sự phấn đấu của tuổi trẻ hôm nay và mai sau.
Exit mobile version