Đề: Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện trong bài “Say mê chân thành trong tìm tòi cái hay, cái đẹp, cái tốt của văn chương” (Tạp chí Sông Hương ngày 25.6.2021) đã cho rằng: “Nghệ sĩ không chỉ say mê, thành thực với riêng mình, cho riêng mình, cốt để bộc lộ bản ngã, bản sắc độc đáo của mình là đủ, anh ta cần phải tìm thấy “cái duyên” của sự gắn bó, hòa nhập với cuộc sống bên ngoài, với người đời”.
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh (Ngữ văn 12, Tập một, NXB giáo dục Việt Nam, 2020) để làm sáng tỏ ý kiến trên.
1.Giải thích:
– Nghệ sĩ không chỉ say mê, thành thực với riêng mình, cho riêng mình, cốt để bộc lộ bản ngã, bản sắc độc đáo của mình là đủ:
Người nghệ sĩ luôn mang trong mình trái tim nhạy cảm, khao khát được giãi bày tâm tư, khao khát được đối thoại với cuộc đời một
cách thành thực nhất, riêng biệt và độc đáo nhất nhưng như thế là chưa đủ.
– Mà còn “Cần phải tìm thấy “cái duyên” của sự gắn bó, hòa nhập với cuộc sống bên ngoài, với người đời”: Có nghĩa là người nghệ sĩ phải qua cách nói riêng để thể hiện được cái chung trong đời sống tâm hồn, tư tưởng của con người, nghĩa là những sáng tạo nghệ thuật của “anh ta” phải có điểm tương đồng gặp gỡ với người đọc, nói lên được tiếng nói chung nhất trong tâm hồn người đọc.
=>Quan niệm của Nguyễn Ngọc Thiện đã đề cập đến vai trò, sứ mệnh c ủa người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo nghệ thuật: không chỉ là hành trình đi tìm bản ngã của mình, mà điều quan trọng là qua tiếng nói riêng phải đề cập đến những giá trị phổ quát.
– Đó cũng chính là giá trị nhân bản của văn chương.
2. Bàn luận:
– Đặc trưng của văn học là phản ánh thế giới khách quan qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ cho nên mỗi tác phẩm là đứa con
tinh thần để người nghệ sĩ gửi gắm tâm tư, tình cảm một cách chân thành, mãnh liệt và cũng là nơi để họ khẳng định dấu ấn cá nhân,
bản ngã độc đáo của mình.
– Nhưng đặc trưng của văn học không chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn cải tạo thế giới ấy vì vậy người nghệ sĩ không chỉ bày tỏ tâm tư tình cảm của mình trong hình thức nghệ thuật độc đáo mà còn phải là cầu nối gắn kết với người đọc, đem lại cho người đọc những rung động, đồng cảm. Nghệ thuật sẽ không là gì cả nếu không cất lên được tiếng nói chung cho đời sống nhân loại.
3. Cảm nhận Sóng của Xuân Quỳnh để làm sáng tỏ quan niệm.
a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích
b. Sóng trước hết là tiếng nói say mê, thành thực với riêng mình, cho riêng mình, cốt để bộc lộ bản ngã, bản sắc độc đáo của Xuân
Quỳnh
– Đó là tiếng nói của nhu cầu tự nhận thức, tự giãi bày tiếng nói bên trong của trái tim nữ sĩ trong tình yêu một cách chân thành, say mê.
+ Nhận thức những biến động phong phú và phức tạp của trạng thái tâm hồn mình khi yêu.
+ Nhận thức tình yêu vốn bí ẩn và phức tạp, khao khát được thấu hiểu, được khẳng định mình trong tình yêu.
+ Bộc bạch một trái tim tha thiết yêu thương qua nỗi nhớ sâu sắc, mãnh liệt và cả ý thức giữ gìn một tình yêu chung thủy; khao khát
một hạnh phúc trọn vẹn.
– Đó là chân dung tự bạch của nữ sĩ, của một hồn thơ giản dị, hồn nhiên tươi tắn, chân thành mà cũng rất táo bạo mãnh liệt trong tình yêu-> bản ngã, bản sắc độc đáo
c. Sóng không chỉ là tiếng nói riêng tư của Xuân Quỳnh mà đã trở thành tiếng nói chung của con người trong tình yêu. Với Sóng, Xuân Quỳnh đã thể hiện được “cái duyên” của sự gắn bó hòa nhập với cuộc sống bên ngoài, với người đời.
– Những rung động, khao khát trong tình yêu là thuộc tính trong thế giới tâm hồn con người.
– Những lo âu, trăn trở, sự nhạy cảm trong tình yêu luôn là thiên tính của phái nữ.
– Khao khát về một tình yêu, về một hạnh phúc thuỷ chung trọn vẹn qua mọi biến thiên thay đổi của cuộc đời là khao khát mãnh liệt của mọi tâm hồn.
– Trong cuộc sống, tình yêu hướng đến những điều lớn lao cao cả là quy luật nhân bản.
d. “Cái duyên” của sự gắn bó hòa nhập với cuộc sống bên ngoài, với người đời của Sóng còn được thể hiện thông qua những hình thức nghệ thuật đặc sắc.
+ Thể thơ năm chữ với nhịp ngắt đều nhau, kết hợp với vắt dòng, sự trở đi trở lại của hình tượng sóng; hình thức trùng điệp từ ngữ,
song hành cú pháp đã tạo ra âm hưởng riêng biệt cho bài thơ nhịp nhàng mà không đơn điệu đó cũng là cái dạt dào, ào ạt mạnh mẽ, sôi nổi mà rất đỗi sâu lắng, thiết tha chỉ có ở nữ sĩ Xuân Quỳnh.
– Ngôn ngữ, hình tượng thơ vừa trong sáng, giản dị vừa sáng tạo, đặc biệt là hai hình tượng sóng đôi sóng và em đã soi chiếu, hòa
nhập vào nhau để bộc bạch, giãi bày, khám phá, thấu hiểu một thế giới cảm xúc của tâm hồn vừa mang nét truyền thống vừa táo bạo hiện đại muốn bất tử hoá trong tình yêu; Vừa nhẹ nhàng, trong sáng vừa mang chiều sâu triết lí.
4. Đánh giá khái quát, nâng cao
– Quan niệm của Nguyễn Ngọc Thiện đã đề cập thiên chức của người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật phải là tiếng nói chân thành, là bản ngã độc đáo của người nghệ sĩ. Nhưng quan trọng hơn nghệ thuật phải là cầu nối, kết duyên những
tâm hồn đồng điệu. Người nghệ sĩ phải là người gieo phù sa cho mảnh đất cằn, người ở giữa cuộc đời để kết nối yêu thương.
– Với người đọc, tiếp nhận tác phẩm cần có thái độ trân trọng, có tinh thần đồng cảm, thấu hiểu mới có thể cảm nhận được “bản ngã, bản sắc độc đáo” của người nghệ sĩ và “cái duyên” của sự gắn bó với cuộc sống con người.
-> Định hướng cho người sáng tác và tiếp nhận.