I. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm cùng bài thơ.
II. Thân bài
* Bốn câu thơ đầu (Năm ấy lụt to tận mái nhà…Tay mẹ trùm con, tựa mẹ già).
=> Bốn câu thơ đã gợi nhớ lại những kỉ niệm mùa lũ năm ấy của hai mẹ con khi không có bố ở gần và sự khắc nghiệt của bão lũ.
* Bốn câu thơ tiếp (Mẹ cắn bầm môi cho khỏi khóc…Nếu chết trời ơi! Ôm lấy con).
=> Tình yêu thương và sự hy sinh cao cả của người mẹ giành cho con qua hành động và suy nghĩ.
* Bốn câu thơ tiếp (Gọi với láng giềng, lời mẹ dặn…Đáp lại từ xa một tiếng “ời”).
=> Vì không có trụ cột vững chắc là bố bên cạnh nên mẹ rất vất vả, vừa là mẹ vừa là bố che chở, bảo vệ con. Tuy nhiên, sức phụ nữ yêu đuối vốn không đủ để chống chọi nổi sự dũng mãnh, khủng bố của bão tố nên mẹ đành nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh với hy vọng là con được sống tốt.
* Bốn câu thơ còn lại (Nước, nước… lạnh tê như số phận…Mắt mẹ trừng sâu hơn nước sâu).
=> Bốn câu thơ đã cho thấy sự kiên cường của người mẹ, có thể so sánh được với cả dòng nước sâu.
III. Kết bài
– Nêu cảm xúc của mình về bài thơ.
Bài văn mẫu Phân tích bài thơ “Nhớ mẹ năm lụt”
Mẹ luôn là chủ đề muôn thuở trong thơ ca và kho tàng văn học Việt Nam. Viết về mẹ, có biết bao nhiêu điều không kể hết, bao nhiêu công ơn không trả kịp. Trong số các bài thơ về mẹ, Nhớ mẹ năm lụt của Huy Cận là bài thơ đã để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng và cảm xúc nhất. Tiêu đề đã bao trùm toàn bộ nội dung bài thơ, là những thước phim quá khứ về những ngày tháng lũ lụt khổ sở cùng mẹ của tác giả.
Lũ lụt là một hiện tượng tự nhiên mà hàng năm đều xảy ra ở miền Trung nước ta. Là một hiện tượng con người không thể kiểm soát được nhưng lại vượt qua được nếu như có tình yêu thương và tinh thần đoàn kết của tất cả mọi người. Bài thơ chỉ có bốn khổ thơ nhưng đã khác họa được bức tranh cùng những kỉ niệm cùng mẹ mùa mưa lũ của tác giả cùng mẹ và những người dân xung quanh.
Năm ấy lụt to tận mái nhà
Mẹ con lên chạn – Bố đi xa
Bốn bề nước réo, nghe ghê lạnh
Tay mẹ trùm con, tựa mẹ già.
Năm lũ lụt năm ấy, lũ to lên tận mái nhà nhưng bố không có nhà, ở nhà chỉ có hai mẹ con nên rất vất vả. Ngồi trên mái nhà, bốn bề xung quanh nước réo lạnh cả người, chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau, tay mẹ ôm con trọn vào lòng. Hình ảnh đầy xúc động, người mẹ ôm trọn con vào lòng, che chăn cho con mọi sự rét buốt và những hạt mưa đáng ghét, xua tan mọi sự sợ hãi và lo lắng trong con. Dù cũng sợ nhưng mẹ vẫn luôn tỏ ra kiên cường và mạnh mẽ.
Mẹ cắn bầm môi cho khỏi khóc
Thương con lúc ấy biết gì hơn?
Nước mà cao nữa không bè thúng
Nếu chết trời ơi! Ôm lấy con.
Hành động cắn bầm môi lại càng cho thấy sự kiên cường hơn của người mẹ, cố gắng không để mình bật khóc. Trong đầu giờ chỉ có con, thương con không để đâu cho hết được. Mẹ sợ nước dâng cao lên không có bè thúng gì sẽ làm con không chịu nổi.
Gọi với láng giềng, lời mẹ dặn
“Xẩy chi cứu giúp lấy con tôi!”
Tiếng dờn giữa nước mênh mông trắng
Đáp lại từ xa một tiếng “ời”
Vì không có trụ cột vững chắc là bố bên cạnh nên mẹ rất vất vả, vừa là mẹ vừa là bố che chở, bảo vệ con. Tuy nhiên, sức phụ nữ yêu đuối vốn không đủ để chống chọi nổi sự dũng mãnh, khủng bố của bão tố nên mẹ đành nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh với hy vọng là con được sống tốt.
Trong lúc hoạn nạn, mẹ chỉ biết gọi láng giềng giúp đỡ “Xẩy chi cứu giúp lấy con tôi!”. Không màng đến mạng sống của mình, mẹ chỉ quan tâm đến con, gọi người cứu giúp con. Tiếng kêu vang vọng giữa biển nước mênh mông, vang vọng hơn cả tiếng nước dồn dập. Đáp lại chỉ có tiếng ời từ xa. Tiếng “ời” ngắn gọn nhưng lại có thể mang lại sự sống và hy vọng cho hai mẹ con rất lớn.
Nước, nước… lạnh tê như số phận
Lắt lay còn ngọn mấy hàng cau
Nhưng mà mẹ thức ngồi canh chạn
Mắt mẹ trừng sâu hơn nước sâu.
Câu thơ mở đầu đoạn bốn được tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh để nói về số phận bất hạnh và khổ cực của hai mẹ con. Nước lạnh như số phận của họ vậy. Biện pháp đảo ngữ được sử dụng trong câu thơ thứ hai đã cho thấy được sức mạnh của cơn lũ đến tinh thần và vật chất của người dân nơi đây. Những cây cau to, cao và chắc khỏe đến thế nhưng vẫn bị dòng nước nhấn chìm, chỉ còn lay lắt vài ngọn.
Cơn lũ hung bạo và tàn ác cũng không thể nào nhấn chìm được tình yêu thương của mẹ giành cho con. Ôm con trong lòng, bảo vệ con, canh cho con ngủ. Dù buồn ngủ nhưng mẹ vẫn cố thức canh cho con ngủ. Mắt mẹ cố trừng lên, sâu thẳm còn hơn cả nước sâu.
Qua bài thơ, ta có thể thấy được tình cảm sâu nặng và sự hy sinh cao cả của người mẹ giành cho con của mình. Qua đó, chúng ta nên biết ơn mẹ của mình và biết ơn những công ơn của mẹ giành cho mình. Qua đó, cũng có thể thấy được sự tàn nhẫn của thiên nhiên với cuộc sống vật chất và tinh thần của con người. Từ đó, chúng ta nên biết bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường thiên nhiên để có được cuộc sống tốt hơn.
Bài thơ tuy không dài nhưng cũng đủ để cho chúng ta thấy được những thước phim kỉ niệm ngày lũ của hai mẹ con. Qua đó cho thấy tình cảm của tác giả giành cho mẹ của mình qua những dòng thơ. Nhờ những thông điệp ý nghĩa đó, Huy Cận đã mang tới mọi người những điều tích cực hơn trong cuộc sống qua bài thơ này.