Site icon Lớp Văn Cô Thu

Phân tích bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” – Bà huyện Thanh Quan

Phân tích bài thơ "Chiều hôm nhớ nhà" - Bà huyện Thanh Quan

Phân tích bài thơ "Chiều hôm nhớ nhà" - Bà huyện Thanh Quan

I – Mở bài

– Giới thiệu khái quát về Bà Huyện Thanh Quan.

– Giới thiệu khái quát về bài thơ Chiều hôm nhớ nhà.

II – Thân bài

*Nội dung:

– Ở bài thơ, ta bắt gặp một quang cảnh buồn, hoang vắng, cô tịch. Đó là cảnh buổi hoàng hôn tím sẫm, cái khoảng không gian và thời gian buồn, gợi nhớ nhất trong một ngày.

– Xuất hiện hình ảnh con người nhưng chỉ thoáng bóng thôi, và quang cảnh chỉ có thế. Đó là những người dân lao động nghèo, vất vả làm ăn, sinh hoạt của họ thật tẻ nhạt, thiếu sinh động.

– Bà luôn hoài cổ để chối bỏ thực tại và bày tỏ sự chán ghét thực tại. Đó là nỗi nhớ nước, nhớ nhà bà luôn giấu kín trong lòng.

– Trước cảnh, bà bộc lộ được niềm tâm sự của mình, một tâm sự hoài cổ, đầy nuối tiếc, muốn níu giữ những kỉ niệm xa xưa.

*Nghệ thuật:

– Bài thơ đã đạt đến sự chuẩn mực trong việc sử dụng thể thơ Đường luật.

– Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình được sử dụng tài năng và đem đến hiệu quả nghệ thuật to lớn.

– Nghệ thuật đảo ngữ, chơi chữ cùng việc sử dụng các từ láy.

III – Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề: Qua bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” Bà Huyện Thanh Quan đã khẳng định tài hoa thơ phú của mình. Bài thơ chứa một niềm tâm sự hoài cổ, nuối tiếc thời xưa được thể hiện qua nghệ thuật miêu tả cảnh để bộc lộ tình của tác giả.

Bài văn tham khảo

Trong làng thơ Việt Nam, có những nữ sĩ để lại cho thơ ca dân tộc những dấu ấn đẹp. Nếu thơ Hồ Xuân Hương tài ba, ngạo mạn thì thơ bà Huyện Thanh Quan lại trang nhã, trữ tình và duyên dáng. Đọc thơ bà, ta thấy nỗi buồn man mác, tâm trạng hoài cổ thật thanh cao đượm sự cô đơn, trống vắng. Một trong những bài thơ đó là tác phẩm Chiều hôm nhớ nhà. Tìm hiểu bài thơ ta sẽ thấy tài thơ điêu luyện của Bà:

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn

Gác mái, ngư ông về viễn phố

Gõ sừng, mục tử lại cô thôn

Ngàn mây gió cuốn chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa khách bước dồn

Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn

Ở hai câu đề, khoảng thời gian là trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn. Ánh sáng vẫn còn đó, nhưng chỉ còn là ánh lờ mờ của ngày tàn và đêm sắp tới. Câu thơ chỉ giới thiệu thời gian mà người đọc như cảm thấy cả không gian một vùng quê rộng lớn. Trước thiên nhiên ấy, giữa trời và đất, có một cái gì đó tràn ngập con người nhạy cảm. Buổi chiều là thời gian dễ buồn nhất và đó cũng là khoảng thời gian thường xuất hiện trong thơ của bà Huyện Thanh Quan. Con người trong cuộc sống hỗn độn, ồn ào vẫn có một lúc nào đó trở về với cái bình yên muôn thuở của thiên nhiên, về với chính lòng mình. Và lúc này chính là khoảnh khắc đó của nữ sĩ.

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn

Âm thanh từ xa vẳng đến như thúc giục, nhưng vẫn có cái trầm lặng trong đó báo hiệu cho mọi người: ngày sắp hết. Ta như gặp một nét thân quen, man mác của câu ca dao:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Tâm trạng của tác giả đã phần nào được ngầm hiểu trong cách lựa chọn thời gian, không khí và thanh âm. Trong cảnh chiều, trong tiếng gọi tàn ngày đó, con người hiện ra:

Gác mái, ngư ông về viễn phố

Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.

Câu thơ với nhịp 2/5 làm cho ta có cảm giác hoạt động con người đang giảm dần, đang đi tới kết thúc. Phép đối rất chuẩn cùng với những từ Hán Việt đã góp phần tạo nên vẻ trang nhã, cổ kính của hai câu thơ gợi tả này. Trước cảnh thiên nhiên to lớn, con người thật nhỏ, yếu thế và có phần đơn độc. Đó cũng là đặc điểm của thơ Thanh Quan. Gặp cảnh và người ở đây ta không thể không liên tưởng đến cảnh và người.

Lom khom dưới núi, tiều vài chú

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà

Trong Qua đèo Ngang của cùng tác giả, cảnh và người đều vậy: lặng lẽ, đượm buồn. Ta có cảm giác nhà thơ cũng đang lặng lẽ, thẩn thờ. Và con đường trước mắt bà thì sao, hai câu luận đã vẽ ra khung cảnh:

Ngàn mây gió cuốn chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa khách bước dồn

Khoảng đường trước mắt như vô tận. Chim bay mỏi mà chưa tới nơi, khách bước dồn mà chưa tới chốn. Con đường đi hay con đường đời đang dàn trải? Phép đối từng cặp hình ảnh ngàn mây dặm liễu, gió cuốn – sương sa, chim bay mỏi – khách bước dồn làm ý thêm nhấn mạnh. Những từ ngữ bước dồn, bay mỏi cho thấy tâm trạng chán chường, mỏi mệt của nhà thơ. Tâm trạng ấy tất dẫn đến hai câu thơ kết thúc:

Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn

Không có ai để tâm sự, trời đất thì bao la, vắng lặng, trống trải, khiến tác giả quay về với nội tâm, với lòng buồn sẵn có của mình. Câu thơ cuối, vừa như một câu cảm, vừa như một câu hỏi. Ta đã từng bắt gặp những câu thơ tài ba đó trong thơ bà:

Dừng chân đứng lại, trời non nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta

(Qua đèo Ngang)

Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường

(Thăng Long hoài cổ)

Qua đó, ta càng hiểu được nỗi niềm tâm sự của tác giả. Mang tiếng nói của tầng lớp quý tộc phong kiến đang trên đường suy thoái, thơ bà Thanh Quan biểu hiện một khía cạnh tư tưởng của văn chương thế kỉ 18 – 19, phản ánh tâm tư của lớp nho sĩ chán nản bế tắc. Tiếng thơ đó cũng biểu hiện tâm trạng hoài cổ, thiết tha nhớ nhà Lê đã suy vi. Phải chăng đó cũng là tâm tình của tập đoàn phong kiến đã hết thời vàng son, hết vai trò lịch sử? Đặt bài thơ của nữ sĩ vào bối cảnh lịch sử như thế, ta có biểu hiện sâu thêm cái buồn trong lòng bà: cái buồn thời đại.

Thơ bà buồn, nhưng không vì thế mà mất vẻ đẹp gợi cảm. Trái lại, nhờ vậy càng tăng thêm phần đặc sắc. Thơ bà đẹp một cách trầm lặng như chính tâm hồn bà.

Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan mãi mãi đưa đến cho chúng ta những cảm xúc chân thành, đậm đà trước nét buồn thanh tao, đưa đến những suy nghĩa sâu xa hơn về con người và xã hội. Một bài thơ đóng lại nhưng còn mở ra, tạo nên một dư âm trong lòng người đọc.

Exit mobile version