Site icon Lớp Văn Cô Thu

Phân tích bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến

Phân tích bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến

Phân tích bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến

Thưởng thức thơ Nguyễn khuyến ta thường không cảm thấy được niềm vui ở trong đó vì những bài thơ đó thường được viết khi tâm trạng ông rất buồn bã khi chứng kiến cảnh đất nước đau thương, nhiều éo le. Nỗi buồn ấy càng da diết hơn biết bao nhiêu khi ông cáo quan về quê nhà ở ẩn. Nhưng khi đọc Bạn đến chơi nhà dường như ta không còn cảm nhận được nỗi buồn ấy. Bài thơ chính là cảm xúc của Nguyễn Khuyến khi được bạn đến chơi nhà. Toàn bộ bài thơ là tâm trạng hồ hởi, vui sướng khôn xiết và ẩn chứa trong đó là tình bạn gắn kết vượt lên trên mọi hoàn cảnh.

Bài thơ Bạn đến chơi nhà được làm theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật là bài thơ thành công, tiêu biểu nhất của Nguyễn Khuyến, và cũng là bài thơ nổi bật, đại điện cho thơ Nôm Đường luật Việt Nam nói chung. Bài thơ lấy cảm hứng từ một kỉ niệm của ông ở tuổi mà xưa nay hiếm. Nó bày bày tỏ cảm xúc của ông và một người bạn quen nhau chốn quan trường, nay gặp lại nơi thôn quê thanh bình – nơi chôn rau cắt rốn của ông. Từng câu từ trong bài mượt mà mà thanh cao, tình cảm thắm thiết, gắn bó, mặn mà, đầy chất nhân văn. Nó thể hiện một con người chất phác, sống bằng tình cảm nơi ông.

Mở đầu bài thơ là câu nói giản dị như chính là lời chào của hai người bạn thân sau biết bao nhiêu ngày tháng mới được gặp lại:

“Đã bấy lâu nay bác tới nhà”

Tuổi già chính là lứa tuổi mà cảm thấy cô đơn nhất nên người ta luôn khao khát có một người bạn để cùng tâm sự, trò chuyện. Cụm từ “đã bấy lâu” đã vẽ lên khoảng thời gian đã quá lâu rồi mà người bạn kia mới có thời gian đến chơi với nhà thơ. Chính vì lẽ đó khi có bạn đến thăm thì nhà thơ quá đỗi vui mừng. Tác giả đã lựa chọn cách xưng hô rất thân mật- gọi bạn là “bác” thể hiện sự thân tình, gắn bó đồng thời ta cũng nhận thấy thái độ tôn trọng tình cảm bạn bè giữ hai người. Hai vế câu sóng đôi như một lời reo vui, đón khách, thể hiện sự xúc động ngọt ngào. Qua đó, cho thấy mối quan hệ gần gũi, thân mật giữa chủ và khách. Chỉ với một câu thơ ngắn gọn, người đọc đã cảm nhận một cách rõ nét hơn về quan hệ bạn bè bền chặt của hai người. Câu nhập đề tự nhiên như một lời nói mộc mạc, như một tiếng reo vui, thể hiện sự chân tình, niềm xúc động của tác giả khi bạn đến chơi nhà.

Theo như phép tắc thông thường thì khi bạn đến chơi, chủ nhà sẽ phải tiếp đón thật chu đáo để thể hiện tình cảm của mình thế nhưng ở đây nhà thơ lại không có bất cứ thứ gì để thiết đãi bạn.Những câu thơ tiếp theo gợi lên hoàn cảnh của nhà thơ khi bạn đến chơi:

“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”

Lúc này, chỉ có một mình nhà thơ ở nhà, những người trẻ tuổi trong nhà đều đã đi vắng hết, ngay cả chợ cho mọi người mua bán cũng ở rất xa nhà. Theo như bề nổi của câu chữ thì Nguyễn Khuyến đang muốn thanh bạch với bạn mình rằng: cá thì rất nhiều nhưng ao lại sâu, gà thì không thiếu nhưng vườn lại rộng. Cải, cà, bầu, mướp thì chưa ra cây, chỉ có nụ, vừa rụng rốn rồi thì đương hoa. Tất cả những gì nhà thơ liệt kê ra nhằm muốn diễn đạt rằng tất cả mọi thứ đều đang ở độ dở dang và chưa đến lúc dùng được. Như vậy, bữa cơm mời khách với đầy đủ thức ăn và cả rau dưa đều không có. Nhịp thơ 3/4 tạo âm hưởng nhịp nhàng, chậm rãi, khoan thai. Phép đối chặt chẽ, lặp cấu trúc cụm từ, sử dụng tính từ, từ phủ định…đã được sử dụng để tạo dựng một hoàn cảnh éo le, đó là cách nói hài hước, phóng đại về cuộc sống thiếu thốn vật chất của tác giả, qua đó thể hiện sự hóm hỉnh, hài hước của một nhà nho thanh bạch.

Tiếp đến, Nguyễn Khuyến lại đưa ra tình huống:

“Đầu trò tiếp khách trầu không có”

Ông cha ta có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu là sự lịch thiệp, là thứ tối thiểu cần có mỗi khi bắt đầu một câu chuyện. Vậy mà giờ đây một miếng trầu cũng không hề có. Đọc đến đây người đọc càng hình dung ra rõ hơn sự lúng túng của vị đại quan ngày xưa nay đã trở thành một người nông dân bình thường nơi quê nhà. Tình huống được tạo ra có tính bông đùa, có sẵn nhưng hóa ra lại không có gì, từ đó cho thấy hoàn cảnh éo le của tác giả. Vật chất không có, chỉ có sự chân tình tiếp đãi bạn. Bạn biết mình nghèo, lại ở một vùng quê hẻo lánh mà vẫn đến chơi với mình thì điều đó còn gì quý giá hơn. Ẩn trong câu chữ của Nguyễn Khuyến chính là sự tự hào trong lối sống thanh bạch của mình. Tuy nhà thơ nghèo thật nhưng khó có ai có thể đổi được cái nghèo như vậy.
Câu thơ khép lại bài đã nói thật rõ về ý và tình của nhà thơ. Tiếp bạn không có mâm cao cỗ đầy, cao lương mĩ vị mà chỉ cần có một tấm lòng chân thành, một tình bạn thắm thiết là đủ:

“Bác đến chơi đây ta với ta”

Câu thơ này chính là linh hồn của cả bài thơ. “Ta với ta” nghĩa là một tấm lòng đến với một tấm lòng, hai người tri kỉ tìm đến nhau. Sử dụng quan hệ từ “với” nối liền hai chữ ta, qua đó ta thấy giữa chủ và khách dường như không còn khoảng cách, chỉ còn lại sự hòa hợp, vui vẻ, trọn vẹn. Tất cả những lễ nghi bên trên đều trở nên vô nghĩa. Giữa chủ và khách có chung tình cảm thắm thiết mà không thứ vật chất nào có thể so bì được. Ba tiếng “ta với ta” gợi cảm xúc thật vui mừng. Bạn bè xa nhau lâu ngày, nay vượt khoảng cách xa xôi đến thăm nhau thật là đáng quý. Sự gắn bó, gần gũi nhau về mặt tâm hồn đã gắn bó chủ và khách làm một. Tất cả những thứ vật chất cao sang như đã bị xoá nhoà. Tình bạn của hai người là thứ quý giá nhất.

Bạn đến chơi nhà được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật nhưng ý thơ lại khá bất ngờ khi không tuân theo cấu trúc đề, thực, luận, kết như ở thơ Đường truyền thống. Đây là điều đặc biệt như chính cách mà hai người bạn đến chơi với nhà và trò chuyện với nhau. Giọng thơ tự nhiên, giản dị gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân chốn quê nhà nhưng qua đấy nét tài hoa của Nguyễn Khuyến trong tả cảnh, tả tình cũng được bộc lộ rõ nét. Cảnh và tình hoà hợp với nhau để tạo nơi bức tranh nơi làng quê đẹp đẽ và đầy mối ân tình. Bài thơ là tấm lòng của nhà thơ nhưng cũng là bức tranh phong cảnh nơi nông thôn bình dị và tràn đầy sức sống.

Bạn đến chơi nhà quả là bài thơ hay viết về tình bạn, một thứ tình cảm gắn bó keo sơn. Tâm hồn thanh bạch của hai người bạn đã hoà vào nhau làm một, một lối sống trọng nghĩa trọng tình. Ta ngưỡng mộ biết bao nhiêu tình bạn cảm động ấy. Thứ mà tác giả thiết đãi bạn của mình chính là cảnh vật bình dị là lòng người mang đầy sự ấm áp. Món quà đó còn mang nhiều giá trị hơn là những món cao sơn mĩ vị. Bài thơ gợi cho ta những suy nghĩ về giá trị, ý nghĩa của tình bạn chân chính trong cuộc đời.

Exit mobile version