I. TRẮC NGHIỆM
Đọc kĩ đoạn trích dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.
Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo đi ở cho một nhà phú ông. Họ hiền lành, chịu khó nhưng đã ngoài năm mươi mà vẫn chưa có con.
Một hôm, trời nắng to, người vợ vào rừng hái củi cho chủ, khát nước quá mà không tìm thấy suối. Thấy cái Sọ Dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bưng lên uống. Thế rồi bà có mang.
Chẳng bao lâu, người chồng mất. Bà sinh ra một đứa bé không chân không tay, tròn như một quả dừa. Bà buồn lắm, toan vứt đi thì đứa con bảo:
– Mẹ ơi, con là người đấy. Mẹ đừng vứt con đi mà tội nghiệp.
Nghĩ lại thấy thương con, bà đành để con lại nuôi và đặt tên cho nó là Sọ Dừa.
Lớn lên, Sọ Dừa vẫn không khác lúc nhỏ, cứ lông lốc trong nhà, chẳng làm được việc gì. Một hôm, bà mẹ than phiền:
– Con nhà người ta bảy, tám tuổi đã đi ở chăn bò. Còn mày thì chẳng được tích sự gì.
Sọ Dừa nói:
– Gì chứ chăn bò thì con chăn cũng được. Mẹ cứ nói với phú ông cho con đến ở chăn bò.
[..] Ngày mùa, tôi tớ ra đồng làm cả, phú ông có ba cô con gái thay phiên nhau đưa cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị ác nghiệt, kiêu kì, thường hắt hủi Sọ Dừa; còn cô em út hiền lành, tính hay thương người, đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế.
[…] Từ ngày cô em út lấy được chồng trạng nguyên, hai cô chị càng sinh lòng ghen ghét, định tâm hại em để thay em làm bà trạng. Nhân quan trạng đi sứ vắng, hai cô chị sang chơi, rủ em chèo thuyền ra biển, rồi đẩy em xuống nước.
[…] Quan trạng cho thuyền vào xem. Vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Về nhà, quan trạng mở tiệc mừng, mời bà con đến chia vui, nhưng lại giấu vợ trong buồng không cho ra mắt. Hai cô chị không hay biết gì hết, khấp khởi mừng thầm, chắc mẩm chuyến này được thay em làm bà trạng. Hai cô chị tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro rồi khóc nức nở ra chiều thương tiếc lắm. Quan trạng không nói gì. Tiệc xong, quan trạng cho gọi vợ ra. Hai người chị xấu hổ quá, lén ra về lúc nào không ai hay và từ đó bỏ đi biệt xứ.
- Truyện Sọ Dừa thuộc thể loại nào?
A. Truyền thuyết.
B. Cổ tích.
C. Thần thoại.
D. Trường ca.
2. Trong truyện Sọ Dừa, người mẹ mang thai trong trường hợp nào?
A. Người mẹ đi làm đồng, gặp một bàn chân to và ướm thử, sau đó bà mang thai.
B. Người mẹ sau khi ăn một trái dừa kì lạ thì mang thai.
C. Người mẹ nằm mộng thấy một ngôi sao bay vào người, khi tỉnh dậy thì phát hiện mình có thai.
D. Người mẹ hái củi trong rừng vào một hôm nắng to, bà khát nước và uống nước trong một cái sọ dừa, từ đó bà mang thai.
3. Lúc mới sinh ra, Sọ Dừa là người như thế nào?
A. Khôi ngô, tuấn tú và rất thông minh.
B. Không biết nói, không biết cười, suốt ngày chỉ biết khóc.
C. Không có chân và tay, thân hình tròn như một quả dừa nhưng biết nói và rất thông minh.
D. Có tay nhưng không có chân, suốt ngày lăn lóc khắp nhà.
4. Công việc có ích đầu tiên mà Sọ Dừa làm cho mẹ khi lớn lên là gì?
A. Ra đồng gặt lúa giúp mẹ.
B. Đi ở cho nhà phú ông, làm công việc chăn bò.
C. Đàn hát cho mẹ nghe khi mẹ mệt nhọc.
D. Ở nhà chăn bò giúp mẹ.
5. Trong truyện Sọ Dừa, con gái út của nhà phú ông là người như thế nào?
A. Xấu xí và rất độc ác.
B. Xinh đẹp nhưng rất độc ác.
C. Xấu xí, cục mịch nhưng tốt bụng.
D. Xinh đẹp, hiền lành, có tính hay thương người.
6. Trong truyện Sọ Dừa, Sọ Dừa có biệt tài gì?
A. Thổi sáo rất hay, tiếng sáo véo von khiến người nghe rất dễ chịu.
B. Vẽ tranh rất đẹp, nhất là những lúc chăn bò.
C. Có tài ăn nói và kể chuyện.
D. Biến hóa khôn lường, thường xuyên giúp dân diệt trừ yêu quái.
7. Thái độ của hai cô chị như thế nào khi thấy em gái lấy được người chồng khôi ngô, tuấn tú, lại giàu có?
A. Mừng cho cô em vì lấy được người chồng xứng đáng.
B. Có chút chen tị với cô em nhưng vẫn vui lòng.
C. Vừa tiếc, vừa ghen tức và nuôi lòng thù hận cô em.
D. Xâu hổ vì mình không được như em.
8. Trước khi đi sứ, Sọ Dừa đã trao lại cho vợ những vật dụng gì?
A. Một gói bạc và một con dao.
B. Một hòn đá lửa, hai quả trứng gà và một con dao.
C. Một cái trâm cài và một con dao.
D. Một hòn đá lửa, hai quả trứng gà và một gói bạc.
9. Câu nào dưới đây không nói về thể loại truyện cổ tích?
A. Là loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số nhân vật như nhân vật bất hạnh, có tài năng lạ thường…
B. Truyện thường chứa đựng nhiều yếu tố hoang đường, li kì.
C. Truyện do những tác giả tên tuổi sáng tác.
D. Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu.
10. Việc Trạng nguyên và cô gái út đoàn tụ sau bao nhiêu trắc trở thể hiện ước nguyện gì về công lí xã hội?
A. Ước mơ về sự công bằng: những người tài giỏi, hiền lành sẽ được hưởng hạnh phúc, những người độc ác sẽ bị trừng trị thích đáng.
B. Ước mơ đổi đời: những người có thân phận thấp kém, xấu xí sẽ trở thành người có công danh và xinh đẹp.
C. Ước mơ có một cuộc sống tốt đẹp và bình an.
D. Cả A, B và C đều đúng.
II. TỰ LUẬN
Thế nào là truyện cổ tích? Các thể loại truyện cổ tích.
Gợi ý trả lời:
Truyện cổ tích là loại truyện dân gian có nội dung phản ánh cuộc sống hằng ngày của nhân dân ta. Truyện thường kể về một số nhân vật chính như nhân vật bất hạnh (con riêng, con mồ côi, người có hình dạng xấu xí, người em út…), nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh, nhân vật ngốc nghếch, nhân vật là động vật nhưng biết nói năng, có hoạt động và tính cách như con người…
Cũng như truyền thuyết, truyện cổ tích thường có nhiều yếu tố hoang đường, kì ảo. Những chi tiết này đóng vai trò là cán cân công lí, thể hiện khát vọng công bằng trong cuộc sống, đồng thời là ước mơ và niềm tin của nhân dân về sự thắng lợi của cái thiện đối với cái ác, của cái tốt đối với cái xấu.
Truyện cổ tích được chia làm ba loại chính:
– Truyện cổ tích thần kì: Đây là loại truyện có nhiều chi tiết thần kì, kể về các nhân vật mang nhiều bất hạnh. Kết thúc truyện, những nhân vật bất hạnh luôn được đền đáp xứng đáng, những kẻ độc ác luôn bị trừng trị thích đáng. Thể loại truyện này phản ánh ước nguyện của người dân về công bằng trong xã hội.
– Truyện cổ tích về loài vật: Nhân vật chính trong thể loại truyện này là các con vật. Truyện chú ý giải thích những đặc điểm và mối quan hệ giữa các con vật để đúc kết những kinh nghiệm về thế giới loài vật, đồng thời là lấy chuyện vật để nói chuyện người qua đó răn dạy các vấn đề về đạo đức và kinh nghiệm sống trong xã hội loài người.
– Truyện cổ tích kể về sự thông minh, sắc sảo, tài phán xét của các nhân vật gắn liền với thực tế cuộc sống. Thể loại truyện này thường không có hoặc có rất ít các chi tiết thần kì, do vậy phần nào có các giá trị về tư liệu lịch sử.