Site icon Lớp Văn Cô Thu

Ôn tập: Những câu hát về tình cảm gia đình| Học văn 7

NHỮNG CÂU HÁT VỀ TÌNH CẢM GIA ĐÌNH

Bài 1

Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông

Núi cao biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.

1.Bài ca dao này được sáng tác theo thể thơ nào? Phương thức biểu đạt chính là gì?

2.Chỉ rõ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong bài ca dao?

3.Hãy tìm một bài ca dao khác cũng dùng hình ảnh “núi” và “biển” để nói về “công cha”, “ nghĩa mẹ”. Theo em, vì sao tác giả dân gian lại dùng những hình ảnh này để nói về công ơn cha mẹ?

4.Hãy chỉ ra từ láy trong bài ca dao trên và cho biết từ láy đó thuộc loại nào?

5.Em hiểu thế nào về cụm từ “cù lao chín chữ”?

6.Từ nội dung bài ca dao, em hãy viết đoạn văn ngắn (8-10 câu), nói lên tình cảm của mình với cha mẹ.

Trả lời

1.Bài này được sáng tác theo thể thơ lục bát. Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

2.Biện pháp tu từ so sánh: công cha –núi ngất trời, nghĩa mẹ – nước ngoài biến Đông và ẩn dụ : “núi cao biển rộng” chỉ “công cha nghĩa mẹ” Giúp cảm nhận sâu sắc và cụ thể hơn công lao to lớn của cha mẹ

3.Bài ca dao khác cũng dùng khác cũng dùng hình ảnh “núi”“biển” để nói về “công cha”, “ nghĩa mẹ”:

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ, kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

– Dùng hình ảnh “núi” “biển” để thể diễn tả  “công cha, nghĩa mẹ” là cách ví von, cách nói đối xứng quen thuộc của ca dao, dân ca, khiến cho công cha nghĩa mẹ trở nên cụ thể, gần gũi hơn đốì với sự tiếp nhận của đứa con.

+ Núi và biển đều là những thứ to lớn, mênh mông không cùng. Phải là những hình ảnh đó mới thể hiện được công ơn sinh thành, nuôi dạy của cha mẹ. Bởi công cha nghĩa mẹ là không thể nào đo đếm được.

+ Núi và biển đều tồn tại vĩnh hằng cũng giống như tình cảm cha mẹ dành cho con cái luôn dạt dào, không bao giờ vơi cạn.

+ Đây là một đặc điểm của văn hóa phương Đông,  cha thường được ví với trời/núi, mẹ ví với đất/biển, tạo thánh các cặp biểu tượng truyền thống khi nói về cha mẹ.

+ Chú ý, trong bài ca dao này, đối tượng được dùng để so sánh không chỉ to lớn, mang tầm vũ trụ, mà mức độ so sánh còn mang tính tuyệt đối (núi ngất trời, nước mênh mông)

4. Từ láy: mênh mông, là từ láy bộ phận (phụ âm đầu)

5. Cù lao chín chữ:

–  Sinh: Cha mẹ đẻ ra

– Cúc: Nâng đỡ

– Phủ: Vỗ về vuốt ve

– Súc: Cho ăn bú mớm

– Trưởng: Nuôi dưỡng thể xác

– Dục: Giáo dưỡng tinh thần

– Cố: Trông xem – nhìn ngắm

– Phục : Quấn quít – săn sóc không rời tay

– Phúc : ẵm bồng, gìn giữ, lo cho con đầy đủ, sợ con bị ăn hiếp

Chín chữ cù lao đã cụ thể hóa công ơn sinh dưỡng của cha mẹ dành cho con cái.

6. Tham khảo

Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của mỗi người là được sống trong tình yêu thương vô bờ của cha mẹ. Cha mẹ là người đã sinh ra ta, nuôi dưỡng ta, yêu thương ta hơn chính bản thân mình. Tình yêu, sự hi sinh của cha mẹ dành cho con cái là vô cùng to lớn, không gì có thể sánh bằng. Hiểu được tình cảm lớn lao và thiêng liêng ấy của cha mẹ, bản thân mỗi chúng ta phải biết ghi nhớ công lao của cha mẹ;  ngoan ngoãn, vâng lời, chăm ngoan học giỏi để cha mẹ vui lòng; chúng ta phải quan tâm, yêu thương, chăm sóc cha mẹ nhất là khi cha mẹ già yếu.

Bài 2.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

Người nói trong bài  ca dao là ai và nói trong hoàn cảnh nào? Tình cảm trong bài này có gì đặc biệt ? Từ cảnh ngộ của người phụ nữ trong bài ca dao này, em có suy nghĩ gì về thân phận của người phụ nữ trước đây ?

Trả lời

Trong bài ca dao, người nói là người phụ nữ lấy chồng xa đang nói với mẹ, nhớ mẹ da diết. Tình cảm trong bài thơ này rất buồn, người nói không biết chia sẻ cùng ai.

– Tâm trạng của người con gái nhớ mẹ gắn với thời gian buồn là chiều chiều. Trong văn học dân gian và trong văn học nói chung, hình ảnh buổi chiều thường gợi nỗi mong nhớ, vắng vẻ, cô đơn. Thông thường, khi chiều đến, các thành viên trong gia đình đoàn tụ trong ngôi nhà ấm cúng của mình. Nhưng người con gái “xuất giá tòng phu” như cánh chim lưu lạc nơi đất khách quê người. Hai chữ chiều chiều cho thấy thời gian ngóng nhìn cứ dải mãi, dài mãi. Câu thơ như một niềm khắc khoải, nghẹn ngào.

– Không gian vắng, hẹp : ngõ sau. Sao lại không là ngõ trước? Ngõ sau thường hẹp, khuất, vắng. Người đọc có thể nhận thấy tình cảm nhớ mẹ, nhớ quê của nhân vật trữ tình không được chia sẻ cùng ai. Không gian này gợi niềm cô đơn và thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa: Họ phải che giấu niềm riêng của mình, không dám than thở với mọi người.

– Cách nói độc đáo : Mở đầu bằng chiều chiều và khép lại bằng chín chiều, gợi sự quẩn quanh, bế tắc. Ở đây, nỗi đau pha lẫn niềm tê tái.

– Bài ca dao tuy ngắn nhưng chứa đầy tâm trạng. Tác giả dân gian đã cho ta hiểu hơn thân phận của người phụ nữ xưa : Khi lấy chồng, họ phải phụ thuộc vào chồng (gia đình chồng). Con đường về với quê mẹ, thăm nom mẹ cha lúc già yếu gần như bị đóng chặt.

– Phải chẳng là trong thời gian sống ở nhà chồng, người phu nữ này khồng hanh phúc. Vì thế mới ra đứng ngõ sau, không biết bày tỏ nỗi niềm cùng ai. Có lẽ, đã lâu lắm người phụ nữ này chưa được về quê mẹ nên mới khắc khoải đến thế (chiều chiều ra đứng), mới tê tái đến thế (ruột đau chín chiều). Bài ca dao thêm một lần nữa cho ta thấy chiều sâu tình cảm của người con lấy chồng xa dành cho mẹ.

Bài 3.

Ngó lên nuộc lạt mái nhà

Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.

Ai là người nói trong bài ca dao ? Phân tích cách bày tỏ tình cảm độc đáo trong bài này.

Gợi ý

Bài ca dao nói lên tình cảm của con cháu đối với ông bà. Lời người nói là lời của bậc dưới (có thể là con cháu) với ông bà (hoặc người thân nhưng là bậc trên).

Cách bày tỏ tình cảm trong bài thơ này có những nét đặc sắc như sau :

– Ngó lên : Tư thế trữ tình của người nói, gợi tình cảm tôn kính.

– Đối tượng nhớ là ông bà, còn hình ảnh so sánh là nuộc lạt mái nhà. Đây là hình ảnh vừa gần gũi vừa cụ thể, rồi trên nền cụ thể ấy mà nói đến những vấn đề sâu xa. Nuộc lạt mái nhà thường rất nhiều, chúng gắn bó với nhau để tạo ra sự bền vững của ngôi nhà. Ở đây, hình ảnh này gợi lên sự gắn bó sâu sắc về huyết thống, tình cảm và công ơn to lớn của ông bà đối với con cháu (mái nhà là hình ảnh gợi nhắc đến gia đình).

– Cách thức so sánh : Tác giả sử dụng lối so sánh tăng cấp : bao nhiêu … bấy nhiêu. Nỗi nhớ và niềm tôn kính càng ngày càng sâu sắc.

Exit mobile version