ÔN TẬP KIẾN THỨC ĐỌC – HIỂU
I. NHỮNG DẠNG CÂU HỎI ĐỌC – HIỂU THƯỜNG GẶP
- Nêu tên tác giả, tác phẩm, xác định phương thức biểu đạt
– Các phương thức biểu đạt chính bao gồm: tự sự, miêu tả, nghị luận, biểu cảm và thuyết minh, hành chính công vụ. Theo đó, học sinh cần phân biệt giữa hai kiểu hỏi:
+ Phương thức biểu đạt chính: chỉ nêu lên 1 phương thức biểu đạt chính.
+ Những phương thức biểu đạt: phải nêu tất cả các phương thức biểu đạt của văn bản.
2. Dạng câu hỏi về thể thơ : thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, lục bát, song thất lục bát, thơ tự do,…
3. Nêu nội dung chính/ chủ đề văn bản
– Xác định nhanh câu chủ đề của đoạn văn (vị trí đầu hoặc cuối đoạn văn).
– Đối với các văn bản nghệ thuật ví dụ như thơ, truyện thì học sinh hãy chú ý đến các từ ngữ, hình ảnh xuất hiện xuyên suốt ở trong nội dung của văn bản đó. Vì đó là những từ ngữ, hình ảnh tập trung thể hiện chủ đề của tác phẩm.
– Với những văn bản mà có nhiều đoạn văn, mỗi đoạn văn lại thể hiện một chủ đề khá độc lập thì học sinh cần phải đặt các đoạn văn cạnh nhau và suy nghĩ xem các chủ đề độc lập đó có liên quan gì với nhau không. Khi đó, học sinh sẽ nhìn thấy một nội dung xuyên suốt văn bản và tìm ra được chủ đề chính của văn bản.
4. Xác định và nêu ý nghĩa của các biện pháp tu từ
– Các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, điệp ngữ, chơi chữ, liệt kê, nói giảm – nói tránh, nói quá, câu hỏi tu từ.
– Cách làm:
Bước 1: Nêu chính xác tên gọi của các biện pháp tu từ đó
Bước 2: Nêu lên các cụm từ, câu nói trong bài thể hiện biện pháp tu từ đó.
Bước 3: Nêu tác dụng, ý nghĩa của biện pháp tu từ đó đến toàn bộ đoạn văn/ đoạn thơ (Về hình thức diễn đạt, về nội dung).
5. Giải thích ý nghĩa của từ ngữ, hình ảnh, lời nhận định, quan điểm
– Khi giải thích các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết thì học sinh cần lưu ý dựa vào nội dung văn bản để giải thích, áp dụng đúng vào văn cảnh đề bài ra để trình bày đầy đủ các nét nghĩa.
– Để làm tốt dạng bài này cần chú ý đọc kỹ càng văn bản, sau đó liên hệ cụm từ/hình ảnh/ quan điểm đó với nội dung văn bản. Thường mỗi hình ảnh thơ hay quan điểm sẽ có từ 2 đến 3 lớp ý nghĩa bao gồm ý nghĩa chính. Học sinh cần phải khai thác đầy đủ các lớp nghĩa này mới có thể đạt được điểm tối đa.
6. Xác định phép liên kết câu và đoạn văn.
– Phép liên kết câu: liên kết câu theo nội dung và liên kết câu theo hình thức.
+ Liên kết nội dung: các câu trong văn bản sẽ tập trung làm sáng tỏ chủ đề nhất định.
+ Liên kết hình thức: Phép lặp, phép thế, phép nối, dùng từ đồng nghĩa – trái nghĩa – cùng trường liên tưởng.
7. Xác định thành phần câu, kiểu câu
a. Thành phần câu
– Thành phần chính: CN, VN
– Thành phần phụ: Trạng ngữ, khởi ngữ
– Thành phần biệt lập: tình thái, cảm thán, phụ chú, gọi đáp
b. Kiểu câu:
- Câu phân loại theo cấu tạo
– Câu đơn:
+ Câu đơn bình thường
+ Câu đơn đặc biệt
+ Câu đơn rút gọn
+ Câu đơn mở rộng thành phần
– Câu ghép : là câu có hai cụm chủ – vị trở lên, không bao hàm lẫn nhau.
Mối quan hệ giữa các vế trong câu ghép:
+ quan hệ tương phản
+ quan hệ đồng thời
+ quan hệ nối tiếp
+ Quan hệ nguyên nhân – kết quả
+ quan hệ giả thiết – kết quả
+ quan hệ tăng tiến
- Câu phân loại theo mục đích nói:
– Câu trần thuật (câu phủ định)
– Câu nghi vấn
– Câu cảm thán
– Câu cầu khiến
8. Xác định hành động nói trong câu
Có 5 hành động nói thường gặp:
– Trình bày
– Điều khiển
– Hỏi
– Bộc lộ cảm xúc
– Hứa hẹn
Có hai cách thực hiện hành động nói:
– Thực hiện bằng cách trực tiếp: dùng các kiểu câu phân loại theo mục đích nói có chức năng chính tương ứng với hành động nói trong câu.
Vd. Con làm bài tập chưa?
Kiểu câu: câu nghi vấn
Hành động nói : hỏi
Cách dùng trực tiếp
– Thực hiện bằng cách gián tiếp: dùng các kiểu câu phân loại theo mục đích nói có chức năng chính không tương ứng với hành động nói trong câu.
Vd. Cậu cho mình mượn bút một chút được không?
Kiểu câu: nghi vấn
HĐN : Yêu cầu
Cách dùng gián tiếp
Câu hỏi vận dụng
Đây là câu hỏi cuối cùng của đề đọc hiểu. Gồm 3 dạng chính
+ Dạng 1: Viết đoạn văn ngắn từ 4 cho đến 6 dòng. Học sinh sẽ trình bày về quan điểm của mình (không đồng ý hay đồng ý) về một vấn đề cụ thể.
+ Dạng 2 : Viết đoạn văn ngắn nêu lên ý kiến và giải pháp của em cho một thực trạng hay vấn đề còn tồn tại trong văn bản được đề bài đưa ra.
+ Dạng 3: Từ văn bản của đề bài, học sinh nêu lên bài học hoặc thông điệp có ý nghĩa với bản thân hay xã hội.
III. BÀI TẬP VẬN DỤNG
Đề bài | Gợi ý trả lời |
Đề 1.
Giữa năm 2015, bà Lê Thị Thảo, mẹ của Hòa, quyết định tặng thận… […] Tháng 3-2016, Hòa lên bàn mổ để tặng một quả thận cho một người phụ nữ trạc tuổi mẹ mình. Người được nhận thận quê ở Hà Nam, đã bị suy thận nhiều năm và cần được ghép thận để tiếp tục được sống. […] Để tặng được quả thận, từ khi quyết định hiến tặng đến khi lên bàn mổ, bà Thảo đã phải hơn 10 lần một mình một đi xe máy từ Bắc Ninh ra bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội để làm các xét nghiệm. Con gái bà Thảo cũng vậy, và cuối năm 2016 khi mẹ con bà được mời lên truyền hình để nói về ý nghĩa của việc hiến tặng mô tạng, hai mẹ con lại chở nhau bằng xe máy từ Bắc Ninh lên Hà Nội rồi vội vã trở về ngay trong đêm… Nếu có ai hỏi về chuyện hiến thận đã qua, bà chỉ phẩy tay cười: “Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì…” Và nhờ cái “bình thường” của mẹ con bà Thảo, giờ đây có thêm hai gia đình được hạnh phúc vì người thân của họ được khỏe mạnh trở lại. Ở Bắc Ninh, gia đình bà Thảo cũng đang rất vui vẻ. Nỗi đau đớn của ca đại phẫu thuật đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình. Có lẽ bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kì lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kì lạ chút nào, họ chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được! (Trích Hai mẹ con cùng hiến thận, Lan Anh, Báo Tuổi trẻ, ngày 31/5/2018) Câu 1: (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 2: (0.5 điểm) Chỉ ra lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích. Câu 3: (1.0 điểm) Nỗi đau đớn của ca đại phẫu thuật / đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình. a. Xét về mặt cấu trúc, câu trên thuộc kiểu câu gì? b. Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu trên. Câu 4: (1.0 điểm) Có lẽ bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kì lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kì lạ chút nào, họ chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được! a. Xác định thành phần biệt lập có trong câu trên. b. Theo em, thứ hạnh phúc tinh thần mà người viết không thể nào định danh được là gì?
|
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: Tự sự Câu 2: Lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích: “Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì…” Câu 3: a. Câu ghép b. Biện pháp so sánh : hai vết sẹo dài trên bụng hai mẹ con (bà Thảo và Hòa) được so sánh như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình. – Tác dụng của biện pháp so sánh: + Khẳng định giá trị của những vết thương mà hai mẹ con phải chịu đựng. + Hai vết sẹo ấy là bằng chứng sáng rõ nhất của tinh thần làm việc thiện, sẵn sàng cho đi một phần thân thể của mình mà không cần đáp lại. ⟹ Khẳng định tinh thần hiến dâng, biết sống vì người khác của hai mẹ con. Câu 4: a. Thành phần biệt lập trong câu văn trên là: Có lẽ – thành phần biệt lập tình thái. b. Thứ hạnh phúc tinh thần mà người viết không thể nào định danh được là niềm hạnh phúc của việc cho đi, của tinh thần sẻ chia, biết sống vì người khác, biết yêu thương với những số phận bất hạnh trong cuộc đời.
|
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Một gia đình nọ mới dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc ăn điểm tâm, đứa con thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi. “Tấm vải bẩn thật!” – Cậu bé thốt lên “- Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một thứ xà bông mới thì giặt sẽ sạch hơn”. Người mẹ nhìn cảnh ấy nhưng vẫn im lặng. Cậu bé vẫn cứ tiếp tục lời bình phẩm ấy mỗi lần bà hàng xóm phơi tấm vải. Ít lâu sau, vào một buổi sáng, cậu bé ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cậu nói với mẹ “Mẹ nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết giặt tấm vải sạch sẽ, trắng tinh rồi”. Người mẹ đáp: “Không sáng nay mẹ đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”. (Phỏng theo Nhìn qua khung cửa sổ, www.goctamhon.com) Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản. Câu 2 Qua những lời bình phẩm của cậu bé, em nhận thấy những tính cách nổi bật nào của nhân vật. Câu 3. Lời đáp của người mẹ: “Không, sáng nay mẹ đã lau kính cửa sổ nhà mình có ý nghĩa gì? Câu 4: Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu cùng với những trải nghiệm của bản thân, em hãy và một đoạn văn (khoảng 20 dòng) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thay đổi cách nhìn cuộc sống theo hướng tích cực.
|
1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: tự sự
2. Cậu bé quan sát tấm vải qua khung cửa sổ, thấy tấm vải màu đen sạm và kết luận người chủ tấm vải bẩn thỉu, không biết cách giặt giũ… => cậu là người tinh ý, biết quan tâm, nhận xét thế giới quanh mình, thậm chí cậu còn nghĩ tới cả giải pháp giúp người khác thay đổi. Đấy là điểm tích cực ở cậu.
Tuy nhiên, đến một ngày, cậu bé thấy tấm vải trắng sáng và cậu bé thay đổi cách nghĩ về người chủ của nó => cậu có cái nhìn chủ quan, đầy định kiến .
3. Lời đáp của người mẹ: “Không, sáng nay mẹ đã lau kính cửa sổ nhà mình” là một lời giải đáp, giải thích điều cần thay đổi không phải là tấm vải hay người chủ của nó, điều cần thay đổi là khung cửa sổ nhà cậu bé. => Ý nghĩa mà câu nói của mẹ muốn truyền đạt cho người con: Trước khi phê bình ai, ta nên kiểm tra trước phẩm chất cái nhìn của ta. Ta xuất phát từ động cơ gì, từ thiện chí ra sao đối với người khác. Đừng xét nét, hẹp hòi với người khác cũng như vội vàng đánh giá, kết luận về họ mà chưa soi lại cách nhìn nhận, đánh giá của mình. 4. – Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sự thay đổi cách nhìn cuộc sống theo hướng tích cực. Vd. Trong cuộc sống mỗi người đều có một cách nhìn khác nhau trong bất cứ sự vật sự việc nào, nhưng nếu có một cách nhìn cuộc sống theo hướng tích cực thì sự chuyển biến luôn theo hướng tốt hơn với bạn. Hoặc Sự khác biệt giữa người có thái độ sống tích cực với người có thái độ sống tiêu cực biểu hiện rất rõ trong cách cư xử thường nhật. Bàn luận vấn đề Giải thích: Sự thay đổi cách nhìn cuộc sống theo hướng thích tích cực chính là cách chúng ta rèn luyện một thái độ sống tích cực, luôn nhìn nhận mọi vấn đề ở góc độ tốt đẹp, luôn giữ cho mình một tinh thần trong sáng, một niềm tin vào cuộc sống, tương lai. – Đây là cái nhìn đúng đắn về cuộc sống, về mối liên hệ giữa cá nhân với cuộc đời, về trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội. Giá trị mà thái độ sống tích cực mang lại: – Khi đối mặt với khó khăn, ta luôn nghĩ cách tìm ra các giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề – Tạo dựng được thái độ sống tích cực sẽ giúp ta có được phẩm chất đáng quý của con người, một lối sống đẹp. – Người biết thay đổi cách nhìn cuộc sống theo hướng tích cực sẽ có nhiều cơ hội thành công trong cuộc sống cao hơn đồng nghĩa với việc tạo dựng được những thành quả từ chính sức lực, trí tuệ, lối sống của mình. – Thái độ sống tích cực giúp con người xây dựng được những giá trị tinh thần đem lại nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc khi thấy cuộc sống của mình có ích, có nghĩa, được quý trọng, có được sự tự chủ, niềm lạc quan, sự vững vàng từ những trải nghiệm cuộc sống. Mở rộng: Phê phán những người có thái độ sống tiêu cực, luôn bi quan, chán nản, nhìn nhận cuộc sống và con người ở góc nhìn thiếu lạc quan…. Bài học nhận thức và hành động: Tích cực phấn đấu rèn luyện trong học tập, trong cuộc sống, bồi dưỡng lòng tự tin, ý thức tự chủ. |