Đề: Nhìn lại vốn văn học dân tộc, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu có nêu một nhận xét về lối sống của người Việt Nam truyền thống là:
Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn.
(Theo Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 160-161)
Từ nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực của lối sống trên, anh/chị hãy bày tỏ quan điểm sống của chính mình (bài viết khoảng 600 từ).
a.Giải thích ý kiến
– Trí tuệ là khả năng nhận thức, suy xét bằng bộ óc; khôn khéo là khôn ngoan, khéo léo, linh hoạt trong ứng xử
– Ý kiến đã nêu được một nét đáng lưu ý về lối sống của người Việt Nam truyền thống là ít đề cao trí tuệ mà chỉ đề cao sự khôn khéo, một dạng trí khôn của đời sống; đồng thời chỉ ra một số biểu hiện của lối sống khôn khéo đó.
b. Nhận thức về các mặt tích cực và tiêu cực
– Về mặt tích cực
+ Tạo ra lối ứng xử linh hoạt trong đời sống hàng ngày giúp con người có thể an thân, hưởng lợi, giữ mình thoát hiểm.
+ Khiến cho mỗi cá nhân có lối sống thiết thực, tuỳ cơ ứng biến để tồn tại trong cộng đồng.
– Về mặt tiêu cực
+ Mặt tiêu cực của việc không đề cao trí tuệ: ít coi trọng những nỗ lực khám phá, chinh phục, sáng chế nhằm hướng tới những đỉnh cao trong sản xuất, khoa học, nghệ thuật; chưa thực sự tôn trọng thành quả của trí tuệ, tri thức và sáng tạo; dẫn đến sự trì trệ, kém phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội.
+ Mặt tiêu cực của lối sống khôn khéo: chỉ biết thu lợi, cầu an cho mình, đẩy khó khăn, thiệt thòi cho người; ngại va chạm, ngại đối mặt với thách thức; con người có nguy cơ trở nên thiển cận, nhu nhược, ích kỉ.
c. Bày tỏ quan điểm sống
– Trên cơ sở nhận thức những mặt tích cực và tiêu cực của lối sống truyền thống, em tự đề ra quan điểm sống cho bản thân và phương hướng hành động để thực hiện quan điểm sống ấy.
– Học sinh được tự do bày tỏ quan điểm sống của mình, nhưng cần phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, cầu tiến.
Bài văn tham khảo
Bàn về lối sống của người Việt Nam truyền thống, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã viết “ Không ai ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sao, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn”. Câu nói không chỉ thể hiện được sự khôn khéo, linh hoạt, thích nghi nhanh trong những môi trường sống đặc biệt nhưng cũng ngầm phê phán những tiêu cực trong quan điểm sống truyền thống này.
“Trí tuệ” là khả năng nhận thức, suy xét sự vật, hiện tượng bằng bộ óc của con người, nhờ có trí tuệ mà con người có thể chinh phục được thiên nhiên, chinh phục hoàn cảnh sống khó khăn để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn. “Ca tụng” thể hiện thái độ tôn vinh, ngưỡng mộ đối với một sự vật, hiện tượng nổi bật nào đó trong cuộc sống. “Khôn khéo” lại là sự khôn ngoan, linh hoạt trong cách ứng xử.
Như vậy, ta có thể thấy, câu nói “ Không ai ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sao, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn” của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã khái quát được những nét đặc trưng cơ bản trong lối sống của người Việt Nam truyên thống, đó là ít đề cao trí tuệ mà lại ca ngợi, tôn vinh sự khôn khéo, một dạng trí khôn được hình thành từ trong chính đời sống. Cũng qua câu nói, Trần Đình Hượu đã chỉ ra những biểu hiện cụ thể của lối sống khôn khéo, linh hoạt đó.
Lối sống khôn khéo “ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình” có thể tạo ra lối ứng xử linh hoạt, mang đến nhiều lợi ích cho bản thân và tránh được những mạo hiểm mà an thân, hưởng lợi, giữ mình thoát hiểm khỏi những tình huống ngặt nghèo.
Lối xứng xử khôn khéo còn rèn luyện cho con người khả năng nhìn nhận sáng suốt, suy xét tình hình thấu đáo để có những ứng xử phù hợp, khéo léo. Lối sống này đã giúp cho những người Việt Nam truyền thống xưa có thể thích nghi nhanh trong mọi hoàn cảnh sống, dễ dàng vượt qua những thách thức của cuộc sống để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp.
Ứng xử khôn khéo còn mang đến cho mỗi cá nhân lối sống thiết thực, gắn liền với thực tiễn, biết tùy cơ ứng biến trong mỗi hoàn cảnh giúp con người vững vàng hơn trong cuộc sống cộng đồng. Tuy lối sống này mang đến nhiều ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống nhưng cũng tồn tại không ít mặt hạn chế, đặc biệt nếu đặt lối sống ấy trong cuộc sống hiện đại còn làm kìm hãm sự phát triển của xã hội.
Không coi trọng trí tuệ là không coi trọng đúng mức, thậm chí là phủ nhận những nỗ lực khám phá, tìm tòi, sáng chế ra những cái mới hướng đến những thành tựu mới trong sản xuất, khoa học cũng như trong cuộc sống con người. Không coi trọng trí tuệ sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ, kém phát triển, trí tuệ không có điều kiện để được phát triển dẫn đến tình trạng kém phát triển về mọi mặt của đời sống.
“Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” tuy có thể mang đến lợi ích cho bản thân nhưng nếu bất cứ ai trong xã hội cũng tồn tại lối sống này sẽ làm cho xã hội không thể phát triển, không có cơ hội để phát triển. Nếu tuyệt đối hóa lối sống này sẽ trở thành tính ích kỉ, khôn lỏi khi chỉ biết thu lợi cho mình, cầu bình an cho riêng mình mà đẩy những khó khăn, thiệt thòi, nguy hiểm cho người khác. Và khi con người chỉ bị động trong mọi chuyện sẽ làm nảy sinh tâm lí ngại va chạm, ngại đối mặt với những thách thức, con người dần trở nên thiển cận, ích kỉ, nhu nhược.
Câu nói đã mang đến cho chúng ta, thế hệ tương lai đất nước một bài học về lối sống, cách ứng xử trong cuộc sống xã hội. Để phát triển bản thân, phát triển đất nước, chúng ta không chỉ cần tiếp thu sự khéo léo, linh hoạt để thích nghi với môi trường sống của ông cha nhưng cũng cần ý thức được những mặt tiêu cực, cần chủ động phát triển bản thân, không ngừng nỗ lực vươn lên để chinh phục những đỉnh cao mới. Nếu chỉ biết thu mình trong vỏ ốc để cầu bình an sẽ khiến con người trở nên ù lì, ích kỉ, mãi mãi không thể phát triển được.