Site icon Lớp Văn Cô Thu

[NLXH] Kĩ năng trình bày bài văn NLXH

I/Phần mở bài

Có hai cách mở bài (MB) là trực tiếp và gián tiếp. Trả lời thẳng vào câu hỏi đó là MB trực tiếp. Dẫn ra một số ý có liên quan gần gũi với vấn đề sau đó nêu vấn đề gọi là MB gián tiếp. Để MB hay người ta thường dùng gián tiếp. Có nhiều cách MB gián tiếp nhưng tựu trung có bốn cách cơ bản sau:

– Diễn dịch (suy diễn)

– Qui nạp

– Tương liên (tương đồng)

– Tương phản (đối lập)

Kết cấu của MB cũng phải giống như kết cấu của một đoạn văn hoàn chỉnh (vì nó là đoạn MB) vậy nên cũng phải có ba phần: mở đầu đoạn, giữa đoạn và kết đoạn.

Trong khi viết MB HS cần lưu ý:

* Một MB hay cần tránh:

– Tránh dẫn dắt vòng vo quá xa mãi mới gắn được vào việc nêu vấn đề.

– Tránh dẫn dắt ý không liên quan gì đến vấn đề sẽ nêu.

– Tránh nêu vấn đề quá dài dòng, chi tiết, có gì nói hết luôn rồi TB lại lặp lại những điều đã nói ở MB.

* Một MB hay cần phải:

– Ngắn gọn: Dẫn dắt thường vài ba câu, nêu vấn đề thường một vài câu và giới hạn vấn đề một câu.

– Đầy đủ: Đọc xong MB, người đọc biết được bài viết bàn về vấn đề gì? Trong phạm vi tư liệu nào? Thao tác chính vận dụng ở đây là gì?

– Độc đáo: MB phải gây được sự chú ý của người đọc với vấn đề mình sẽ viết. Muốn thế phải có cách nêu vấn đề khác lạ. Để tạo nên sự khác lạ độc đáo cần suy nghĩ dẫn dắt: giữa câu dẫn dắt với câu nêu vấn đề phải tạo được sự bất ngờ.

– Tự nhiên: Viết văn nói chung cần giản dị tự nhiên. Vì vậy dù có mới lạ độc đáo thì cũng vẫn phải tạo được giọng văn tự nhiên để tránh gượng ép, vụng về, giả tạo gây cảm giác khó chịu cho người đọc.

II/ Phần thân bài

1.Để viết được phần TB hay cần chú ý kĩ năng liên kết và kĩ năng viết đoạn văn.

* Cách nối: Có thể dùng từ nối, câu nối, đoạn nối để nối ý này với ý kia, câu này với câu kia, đoạn này với đoạn kia,..nhằm chuyển tiếp chúng qua cái cầu khác.

Ví dụ:

Nói chung, người ta đều có thể vì mình mà tìm ra lí do, vì người khác mà tìm ra tội chướng (Nói chung là từ nối).

Những biểu hiện của lối sống buông thả trong giới trẻ hiện nay như trên đã rõ song nó lại gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng không chỉ cho bản thân họ mà còn cho gia đình, người thân và cả xã hội ( Câu nối chuyển tiếp để sau đó tiếp tục phân tích những hậu quả của lối sống buông thả trong giới trẻ.)

    * Cách đặt câu hỏi:

Câu hỏi đặt ra

Qua các biểu hiện của hiện tượng lười học ở trên, đến đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tác hại của nó. Những tác hại đó  nghiêm trọng như thế nào?  Tiếp theo sẽ trình bày tác hại của hiện tượng lười học.

          * Cách dùng phép lặp:

* Liên kết bằng cách tạo các thế tương ứng giữa hai phần, hai đoạn như thế đối lập, thế so sánh, thế hô ứng,..

– Về hình thức: nằm giữa hai chỗ xuống dòng, viết lùi đầu dòng, viết hoa khi mở đầu, chấm xuống dòng khi kết thúc.

– Về nội dung: chứa một ý tương đối hoàn chỉnh, phải nằm trong chỉnh thể của bài văn. Nghĩa là phải xoay quanh làm sáng tỏ chủ đề lớn của cả bài văn.

– Mô hình cơ bản của đoạn văn nghị luận thường là diễn dịch. Diễn dịch là câu chủ đề đứng ở đầu đoạn, các câu sau diễn giải, triển khai làm sáng tỏ nội dung câu chủ đề. Câu chủ đề thường là câu đơn có đủ chủ ngữ, vị ngữ và mang ý nghĩa khẳng định.

Ví dụ: Trước kia theo lối học khoa bảng, người học trò hoàn toàn phụ thuộc vào người thầy. Thầy dạy gì trò học nấy. Người thầy là người quyết định tài năng và sự thành đạt của người học trò. Vì thế mới có Nguyễn Dữ (học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm), Phạm Sư Mạnh (học trò của Chu Văn An),..đã làm rạng danh cho người thầy. Cho nên ông cha ta dạy “không thầy đó mày làm nên” quả không sai.

Trong đoạn văn trên câu in nghiêng là câu chủ đề, các câu sau giải thích, chứng minh làm rõ câu chủ đề..

Ngoài ra còn có một số mô hình đoạn văn khác như: qui nạp (câu chủ đề đứng ở cuối đoạn), móc xích (phối hợp diễn dịch với qui nạp), giả thiết (lật ngược vấn đề để xem xét), so sánh (tương đồng và tương phản), phân tích nhân quả (nhân trước quả sau,quả trước nhân sau, nhân quả liên hoàn), song hành (các câu cùng được triển khai có ý nghĩa, vị trí như nhau).

III/Phần kết bài

Phần kết bài (KB) cần thể hiện đúng quan điểm đã trình bày ở TB, chỉ nêu những ý khái quát, có tính chất tổng kết, đánh giá, không lan man hay lặp lại cụ thể những gì đã trình bày ở TB hoặc lặp lại nguyên văn lời lẽ ở MB. Có một số kiểu KB cơ bản như sau:

Tóm lược: tóm tắt quan điểm, nội dung đã nêu ở TB.

Ví dụ: Cuộc sống văn minh hiện đại đòi hỏi mọi người phải tôn trọng lẫn nhau và hợp tác với nhau. Những cuộc họp không thật cần thiết thì không nên tổ chức. Nhưng những cuộc họp cần thiết thì mọi người cần tự giác tham gia đúng giờ. Làm việc đúng giờ là tác phong của người có văn hóa.

(Ngữ văn 9, tập I)

Phát triển: mở rộng thêm vấn đề đã đặt ra trong bài.

Ví dụ: Chữ hiếu là đạo đức mà ông cha ta ngày xưa đã khuyên dạy ta về đạo làm con phải luôn nhớ ơn và thờ kính cha mẹ. Đó là truyền thống quí báu của dân tộc Việt Nam cần phải được kế thừa và phát huy. Tuy nhiên chữ hiếu ngày nay cần phải được hiểu theo nghĩa rộng hơn đó là Trung với nước, hiếu với dân. Trong thực tế cuộc sống, không có người con nào bất hiếu với cha mẹ mà lại trung với nước cả.

(Bài làm của HS)

Vận dụng: nêu phương hướng, bài học áp dụng phát huy hay khắc phục vấn đề nêu trong văn bản.

Ví dụ: Một lần nữa chúng ta xác nhận mối quan hệ giữa lí thuyết và thực hành là mối quan hệ tương hỗ. Chúng cần có nhau và cần cho người làm việc để đưa công việc đến đích thành công. Là học sinh chúng ta thấm thía ý tứ của bài học mà ông cha ta để lại. Trước hết, trong học tập chúng ta cần kết hợp tốt giữa việc làm bài tập với việc học lí thuyết tránh học suông, học vẹt. Hơn nữa muôn trở thành người dân tốt người làm việc tốt trong tương lai, ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải ra sức học tập để nắm vững các kiến thức cơ bản, để mai sau có thể vận dụng tốt vào công việc của mình. Chúng ta trưởng thành đúng hướng sẽ góp phần làm cho đất nước ngày mai tươi đẹp hơn, giàu mạnh hơn.

– Liên tưởng: mượn ý kiến tương tự – những ý kiến có uy tín – để thay cho lời tóm tắt của người làm bài.

Ví dụ: Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định rằng: “Tai nạn giao thông đã trở thành một đại dịch của nhân loại” thế nên xã hội cần có những biện pháp hữu dụng để ngăn chặn và kìm hãm sự phát triển của nó.

 

Exit mobile version