Site icon Lớp Văn Cô Thu

NLXH 200 chữ “Suy nghĩ gì về lòng dũng cảm của thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay”

Bài văn mẫu 1

Cuộc đời là một ngọn núi cao, để lên được đỉnh hay chỉ trụ lại ở nơi sườn núi, con người cần rất nhiều yếu tố và kỹ năng. Đặc biệt là với những người bắt đầu từ chân núi – những người trẻ tuổi. Nếu nhìn thấy ngọn núi cao chót vót kia hay nhìn những kẻ rơi từ độ cao ngàn mét xuống mà sợ hãi không dám leo thì những kỹ năng hay phẩm chất đều bỏ đi. Cho nên lòng dũng cảm thực sự là một yếu tố quan trọng để tuổi trẻ vững bước vào đời. Vậy lòng dũng cảm là gì? Đôi khi chỉ là dám nói lên ý nghĩ của mình, không nghe theo lời đám đông, hay tự nhận lỗi, hay to lớn hơn là đứng lên để tạo nên một con đường riêng.
Cuộc đời không phải là bài toán với những công thức mà sẽ có những bất ngờ, những cạm bẫy, nguy hiểm và ta cần lòng dũng cảm để đối mặt và vượt qua. Một con người dũng cảm, dám nói lên tiếng nói riêng của mình sẽ khẳng định được giá trị bản thân, hay một người dũng cảm nhận lỗi đối mặt với sóng gió sẽ luôn tìm ra được kho báu trong lỗi lầm để sửa sai và phát triển. Nhưng đôi khi có những người trẻ không thể có sự dũng cảm và chỉ thu mình trong bao, ấn mình vào thất bại, hay có sự dũng cảm nhưng lại mù quáng, thiếu kinh nghiệm dẫn đến cả cơ đồ chỉ còn là một đống sắt vụn. Dũng cảm thật dễ để nói ra nhưng thật khó để thực hiện. Nhưng sẽ càng khó hơn để phân biệt giữa dũng cảm với liều mạng.

Bài văn mẫu 2

Người trẻ chọn cái chết? Hay chính cái chết chọn người trẻ? Chúng ta không biết, nhưng ngày ngày thời sự vẫn đưa tin những thanh niên vốn phải “tràn đầy sức sống” đã từ bỏ mạng sống của mình ở tuổi 18. Sẽ chẳng có gì lạ, nếu bạn nghe lời bàn ra tán vào trên khắp các trang mạng xã hội rằng: đó là kết cục thoả đáng của một người yếu đuối, một người thiếu bản lĩnh. Nhưng, sự thật là người trẻ đang ngày càng “yếu đuối” hay đang trở nên “mạnh mẽ” khi đối diện với điều mà đáng ra bản năng con người phải sợ hãi và chùn bước trước nó. Họ mạnh mẽ từ bỏ tính mạng, là do họ không đủ mạnh mẽ để tiếp tục sống, và thực tế, thế hệ trẻ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn ta tưởng.
Đầu tiên họ khó khăn trong việc giao tiếp. Khi nhà trường chỉ dạy cho chúng ta những kiến thức, mà không dạy ta cách sống, kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp, sẽ đến lúc chúng ta trở nên bất lực vì không thể biểu đạt cảm xúc, ý nghĩ của mình với thế giới. Việc giao tiếp và bày tỏ cảm xúc sẽ rất quan trọng khi bạn cần đến nó để giải toả chính mình. Nếu không biết cách nói ra, cứ tích tụ nó trong lòng, rồi đến lúc nó sẽ vỡ oà ra, và hậu quả lúc đó không thể lường trước. Thứ hai, họ không được dạy cách thất bại, họ chỉ biết và ham muốn thành công, mà quên mất thất bại cũng là một phần của thành công, vì thế thất bại sẽ là một trở ngại tâm lý lớn đối với những người trẻ tuổi. Thứ ba, họ không được biết cách định hướng tương lai của chính mình. Không biết cách lựa chọn hướng đi, không dám chịu trách nhiệm đó là một khó khăn của tuổi trẻ.
Vì thế, việc có thể dũng cảm là điều cần thiết để chúng ta không đánh mất chính mình, không gục ngã, và vững bước đi đến tương lai. Dũng cảm để biểu đạt suy nghĩ, dũng cảm để là chính mình, dũng cảm để thất bại, dũng cảm để hồi phục, dũng cảm để thành công.
Nhờ dũng cảm, người trẻ sẽ học được cách biểu đợt những khó khăn của mình, và cùng giải quyết những khó khăn với bố mẹ, thầy cô hay bạn bè. Nhờ dũng cảm, người trẻ sẽ bình tĩnh trước mỗi thất bại, và học được cách đề thành công vào lần sau. Cuối cùng, dũng cảm sẽ giúp người trẻ thấu hiểu bản thân chế ngụ thất bại, để tiến tới tự định hướng cuộc sống của chính mình. Hành trình học cách dũng cảm này sẽ cần đến sự hỗ trợ của gia đình và xã hội để người trẻ không đơn độc khi đối diện với khó khăn. Quả thực, dũng cảm đóng một vai trò to lớn trong quãng đời trẻ tuổi. Dũng cảm để biểu đạt suy nghĩ, dũng cảm để là chính mình, dũng cảm để thất bại, dũng cảm để hồi phục, dũng cảm để thành công.

Bài văn mẫu 3

Tư duy đột phá là một biểu hiện của sự dũng cảm bởi lẽ chỉ riêng việc dám nghĩ khác với số đông thôi cũng là một sự dũng cảm. Trước hết, tâm lý đám đông cho người ta một cảm giác an toàn, bởi lẽ người ta luôn cảm thấy có nhiều người suy nghĩ giống mình. Kể cả khi ý kiến đó bị chỉ trích thì người ta cũng cảm thấy chỉ trích đó nhắm vào đám đông chứ chẳng phải nhắm vào cá nhân họ, vì vậy mà họ cảm thấy an toàn và dễ chịu hơn. Có thể nói, đám đông dường như trở thành một lá chắn vô hình bảo vệ họ khỏi những chỉ trích và phản đối. Vì vậy, suy nghĩ khác đám đông chính cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ cảm giác an toàn và bình yên này.
Tư duy đột phá không chỉ là từ bỏ sự an toàn của đám đông mà còn là dám đi ngược với đám đông, dám nhận sự chỉ trích từ đám đông ấy, dám đứng lên bảo vệ ý kiến của mình mà gần như không nhận được sự ủng hộ của ai. Đó chính là một điều thể hiện rõ lòng dũng cảm trong con người ấy. Một ví dụ điển hình chính là Galileo, người phát hiện ra thuyết nhật tâm, đã bị bỏ tù vì dám nói rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời, một lời tuyên bố bị coi là tà ma, đi ngược lại lời dạy của Thiên Chúa và suy nghĩ của toàn dân bấy giờ. Tuy nhiên, cho dù phải chịu sự chỉ trích và bất công như vậy, ông vẫn giữ nguyên quan điểm của mình…

Exit mobile version