- Ánh sáng trong cảnh, nhãn tự trong thơ không có một cuộn phim, một bức hoạ hay một máy ảnh nào có thể lột tả hết được.
- M.Go-rơ-ki đã từng nói: “Con người, hai tiếng ấy thật tuyệt diệu, nó vang lên kiêu hãnh và hùng tráng biết bao”. Vì thế sự uyên bác, tài hoa, đầy sáng tạo bất ngờ trong những trang văn của người nghệ sĩ nồng ấm một tình yêu và lòng tự hào về con người.
- Nói tới “đôi mắt”, ta không đơn thuần đề cập đến góc độ sinh học, là một bộ phận trên cơ thể con người. Trong văn học, “đôi mắt” là cách nhìn, cách đánh giá, cao hơn nữa là tư tưởng xuyên suốt trong các tác phẩm của người nghệ sĩ trước cuộc đời.
- Đi từ đặc trưng và nhiệm vụ của văn học, tác phẩm đã lấy chất liệu, lấy phông nền từ hiện thực cuộc đời. Có thể nói, cuộc sống có bao nhiêu loại hiện thực thì văn học có bấy nhiêu loại đề tài.
- Văn học-loại hình nghệ thuật ngôn từ ấy đã chuyển tải kì diệu một thế giới thứ hai lên trang văn, thế giới ấy như Mác-xen Prut nói, “đã đi qua sự tạo lập sáng tạo, độc đáo của người nghệ sĩ”.
- “Nếu như cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những khát vọng rất người của con người, cảm hứng nhân văn thiên về ngợi ca vẻ đẹp của của con người thì cảm hứng nhân đạo là cảm hứng bao trùm” – (Hoài Thanh)
- “Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lí” (M. Go-rơ-ki)
- “Đối với con người, sự thực đôi khi nghiệt ngã, nhưng bao giờ cũng dũng cảm củng cố trong lòng người đọc niềm tin ở tương lai. Tôi mong muốn những tác phẩm của tôi sẽ làm cho con người tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, thức tỉnh tình yêu đối với con người và khát vọng tích cực đấu tranh cho lí tưởng nhân đạo và tiến bộ của loài người.” (Sô-lô-khốp)
- “Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn.” (M. L. Kalinine)
- “Văn học không quan tâm đến những câu trả lời do nhà văn đem lại, mà quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra, và những câu hỏi này, luôn luôn rộng hơn bất kì một câu trả lời cặn kẽ nào.” (Claudio Magris – Nhà văn Ý)
- “Văn học, nghệ thuật là công cụ để hiểu biết, để khám phá, để sáng tạo thực tại xã hội.” (Phạm Văn Đồng)
- “Con người đến với cuộc sống từ nhiều nẻo đường, trên muôn vàn cung bậc phong phú nhưng tiêu điểm mà con người hướng đến vẫn là con người.” (Đặng Thai Mai)
“Cái bóng của độc giả đang cúi xuống sau lưng nhà văn khi nhà văn ngồi dưới tờ giấy trắng. Nó có mặt ngay cả khi nhà văn không thừa nhận sự có mặt đó. Chính độc giả đã ghi lên tờ giấy trắng cái dấu hiệu vô hình không thể tẩy xoá được của mình.” (Sách Lí luận văn học)
- “Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm, mà tâm điểm chính là con người”- Nguyễn Minh Châu.
- Bởi thế nên trái tim nhạy cảm và tinh tế không cho phép người nghệ sĩ sống như một bông hoa điếc giữa đời, không đưa đến một quan niệm, nhận thức nào sâu sắc nào về con người.
- Mọi sáng tác của người nghệ sĩ chân chính đều chung mục đích là đổ ra dòng sông nhân bản. Văn học không chỉ phản ánh thế giới khách quan bên ngoài mà hơn hết còn hướng vào thế giới chủ quan bên trong con người. Những tác phẩm sống mãi với thời gian là những bức tranh về đời sống tâm hồn con người qua các thời kì bởi xét cho cùng lịch sử văn học chính là lịch sử tâm hồn con người.
- Những cuộc chiến qua đi, những trang lịch sử của từng dân tộc được sang trang, các chiến tuyến có thể được dựng lên hay san bằng. Nhưng những tác phẩm đi xuyên qua mọi thời đại, mọi nền văn hóa hoặc ngôn ngữ cuối cùng vẫn nằm ở tính nhân bản của nó. Có thể màu sắc, quốc kì, ngôn ngữ hay màu da chúng ta khác nhau. Nhưng máu chúng ta đều có màu đỏ, nhịp tim đều giống nhau. Văn học cuối cùng là viết về trái tim con người” (Maxin Malien)
- Điều gì đã làm nên sự kì diệu của thơ văn, điều gì khiến ta mở trang sách ra đắm mình vào thế giới nghệ thuật rồi không thôi xúc động, bồi hồi? Phải chăng đó là nhờ tấm lòng yêu thương con người, vào con mắt, vào cách nhìn mới mẻ của người nghệ sĩ? Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Kinh Thi cho tới ca dao Việt Nam con người vẫn là đối tượng muôn đời của văn học và tình yêu thương con người là động lực thôi thúc trái tim người nghệ sĩ rung động. Bởi thế mà Sê-khốp đã quả quyết: “ Nhà văn lớn phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”.
- “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực” (Nguyễn Minh Châu)