Việc trích dẫn thơ vào bài nghị luận xã hội không chỉ giúp bài viết của chúng ta trở nên sinh động hơn mà còn giúp tạo ấn tượng, ăn điểm trong lòng giám khảo. Sau đây là một số đoạn thơ các em có thể tham khảo áp dụng vào bài viết:
1. “Là con người cần có một tấm lòng
Để trải rộng trao cuộc đời trước mặt
Để ý chí luôn lớn hơn vật chất
Để chúng ta sống chân thật bên nhau”
(Một lời cảm ơn – Sưu tầm)
=> Vận dụng vào đề tài: Lối sống đẹp, tấm lòng của con người.
Ví dụ:
Mỗi con người sinh ra trong cuộc đời đều mang trong mình những tính cách, lối sống khác nhau. Mỗi người một tính và chẳng ai giống ai cả. Ai cũng chọn cho mình một con đường riêng để bước đi trong cuộc đời. Sống như thế nào chẳng thể do người khác quyết định được. Có những người sống một cuộc đời dối trá, lừa đảo, ích kỉ, xấu xa. Nhưng cũng có những người sống một cuộc đời tử tế, cao đẹp, sống có ích, đúng nghĩa. Nhưng để sống một cuộc đời như thế, cốt yếu phải có tấm lòng:
“Là con người cần có một tấm lòng
Để trải rộng trao cuộc đời trước mặt
Để ý chí luôn lớn hơn vật chất
Để chúng ta sống chân thật bên nhau”
Sống trong một xã hội với vô vàn những hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta nên sống một cuộc đời đúng nghĩa, hòa nhập, yêu thương, sẻ chia với mọi người.
2. “Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau.”
(Bài ca mùa xuân 1961 – Tố Hữu)
=> Vận dụng vào đề tài: Lòng nhân ái.
Ví dụ:
Trong “Bài ca mùa xuân 1961”, Tố Hữu từng viết hai câu thơ:
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau.”
Dù chỉ vỏn vẹn vài câu từ nhưng cũng đủ để cho ta hiểu về lòng nhân ái. Lòng nhân ái – những hạt nắng ấm áp, dịu dàng và ngọt ngào nhất. Hãy thử tưởng tượng, nếu như cuộc đời thiếu đi tình yêu thương, lòng nhân ái thì sẽ lạnh giá biết bao! Nếu những mảnh đời bất hạnh thiếu đi sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ thì sẽ đau khổ chừng nào! Nếu những trái tim không còn biết yêu thương thì trái đất đã đến ngày tận thế rồi đấy!
3. “Xin tạm biệt đời yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ, một nắm tro
Thơ gửi bạn đường, tro bón đất
Sống là cho và chết cũng là cho.”
(Tạm biệt – Tố Hữu)
=> Vận dụng vào đề tài: Cho và nhận, cống hiến.
Ví dụ:
Giữa một cuộc sống có biết bao nhiêu bộn bề và lo lắng cho nên chúng ta ắt hẳn ai cũng rất cần những yêu thương và chia sẻ cho dù là bình dị nhất. Trao đi yêu thương để nhận lại vốn là một quy luật luôn có trong cuộc sống. Đó là mối quan hệ qua lại lẫn nhau. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu hát rằng “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, nhà thơ Tố Hữu cũng từng viết:
“Xin tạm biệt đời yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ, một nắm tro
Thơ gửi bạn đường, tro bón đất
Sống là cho và chết cũng là cho.”
Cho và nhận đã trở thành một triết lý mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một tấm lòng đáng kính và đang được ghi nhận.
4. “Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
(Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)
=> Vận dụng vào đề tài: Lẽ sống đẹp, sống cống hiến.
Ví dụ:
“Cống hiến” — hai chữ với hai thanh sắc – khiến ta liên tưởng đến điều gì lớn lao, ta nghĩ chỉ những người xuất chúng mới có khả năng cống hiến cho nhân loại. Thế nhưng, dù chỉ là một “nốt trầm” trong bản hòa ca vui tươi, đó cũng là cống hiến. Hãy như Thanh Hải, dù nằm trên giường bệnh nhưng ông vẫn dùng những ngày ít ỏi cuối cùng của cuộc đời để cống hiến cho nền văn học nước nhà với lý tưởng cao đẹp:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
Hãy nhìn những người như anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa”, những cô thanh niên xung phong trong “Những ngôi sao xa xôi” hay những anh lính lái xe Trường Sơn gan dạ, dũng cảm của Phạm Tiến Duật, họ có tiếc gì tuổi trẻ, sức khỏe, mạng sống của mình, tất cả đều cống hiến, hy sinh cho đất nước, cho con đường cách mạng vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trở lại với cuộc sống hòa bình, trách nhiệm của mỗi chúng ta là phải biết sống vì mọi người, sống vì đất nước, dân tộc và “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
5. “Nếu có thể hãy thả lòng mình nhé
Sống vị tha mạnh mẽ giữa cuộc đời
Bởi vẫn biết cho đi là còn mãi
Tự bằng lòng tâm sẽ được thảnh thơi.”
(Giản đơn – An Nhiên)
=> Vận dụng vào đề tài: Lòng vị tha, bao dung.
Ví dụ:
“Chúng ta đầy khiếm khuyết và sai lầm; hãy để chúng ta cùng tha thứ cho sự nực cười của nhau – đó là luật đầu tiên của tự nhiên” (Voltaire). Cuộc sống sẽ bớt đi những điều nực cười nếu bạn và tôi biết nuôi dưỡng cho mình lòng vị tha
“Nếu có thể hãy thả lòng mình nhé
Sống vị tha mạnh mẽ giữa cuộc đời
Bởi vẫn biết cho đi là còn mãi
Tự bằng lòng tâm sẽ được thảnh thơi.”
Giữa thế giới lung linh vạn ánh sáng nhân ái và khu vườn tăm tối với hơi thở của sự lạnh lùng, đâu sẽ là nơi hạnh phúc được lớn dần? Học cách tha thứ là học cách sống đẹp cho người và cho bản thân. Đó cũng là cách bạn tận hưởng và tận hiến giữa cuộc đời!
6. “Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Không chỉ dành cho một riêng ai!”
(Tự Sự – Nguyễn Quang Vũ)
=> Vận dụng vào đề tài: Sống hạnh phúc.
Ví dụ:
Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều có một mục tiêu, một ước mơ để theo đuổi. Nhưng có lẽ, khát vọng lớn lao nhất đó chính là “Hạnh phúc”. Và nhà thơ Nguyễn Quang Vũ đã dành ngòi bút của mình để viết nên những lời nhắn gửi đầy ý nghĩa:
“Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Không chỉ dành cho một riêng ai!”
Đó là một thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc về hạnh phúc.
7. “Có những lúc tâm hồn tôi rách nát
Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn”
(Có những lúc – Lưu Quang Vũ)
=> Vận dụng vào đề tài: Bi quan, từ bỏ, thiếu sức sống.
Ví dụ:
Suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc bi quan, chán nản, tuyệt vọng giống như những con mọt vậy, nó đang dần gặm nhấm tâm hồn ta, khiến ta đau đớn quằn quại, gục ngã, sống trong khốn khổ dằn vặt.. Những lúc như thế, tâm hồn ta “rách nát” chẳng khác gì “một chiếc lá khô, một chồng gạch vụn”.
10. “Nắm muối không hề mặn
Với lượng cả dòng sông
Lỗi lầm kia bé nhỏ
Với cõi lòng mênh mông.”
(Hiểu về trái tim – Minh Niệm)
=> Vận dụng vào đề tài: Khoan dung, vị tha.
Ví dụ:
Ai đã từng đọc qua “Hiểu về trái tim” của Minh Niệm, chắc hẳn không thể bỏ qua bốn câu thơ giàu ý nghĩa này:
“Nắm muối không hề mặn
Với lượng cả dòng sông
Lỗi lầm kia bé nhỏ
Với cõi lòng mênh mông.”
Vâng, tâm hồn con người vẫn luôn được bồi dưỡng bởi những giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Thời gian vẫn chảy trôi, cuộc sống xung quanh ta ngày một đổi thay, chỉ có những tấm lòng cao đẹp vẫn còn lưu giữ giá trị trường tồn mãi mãi. Và “lòng khoan dung” chính là một trong những tài sản vô giá như thế.
11. “Mỗi một ngày thức dậy,
Chúng ta đều phải đi.
Dẫu có ngày nằm lại
Chờ niềm đau qua đi.” (Đi – Nguyễn Thiên Ngân)
=> Vận dụng vào đề tài: Kiên trì, nghị lực, không từ bỏ.
Ví dụ:
Thành công được bồi đắp lên từ những thất bại. Con người phải trải qua gian nan, thử thách, khó khăn, phải nếm trải những đắng cay thì mới có thể thu được quả ngọt. Thời gian vô tình lướt qua chẳng nán lại bao giờ, dù có vấp ngã cũng phải tự mình đứng lên, phải biết đối mặt, đừng bao giờ yếu hèn, đầu hàng thử thách. Đó chính là nghị lực, là bản lĩnh của kẻ chiến thắng. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Thiên Ngân đã viết nên những dòng thơ thấm đẫm triết lí:
“Mỗi một ngày thức dậy,
Chúng ta đều phải đi.
Dẫu có ngày nằm lại
Chờ niềm đau qua đi.”
12. “Em ơi, đừng yếu đuối
Một tẹo thôi đã buồn
Làm sao đi đến cuối
Giữa cuộc đời đao gươm.”
(Nguyễn Thiên Ngân)
=> Vận dụng vào đề tài: Nghị lực, mạnh mẽ, kiên trì.
Ví dụ:
“Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc và nở ra những chùm hoa thật rực rỡ”. Mọi thứ vẫn tồn tại với một sức mạnh tiềm ẩn bên trong, một sức sống tràn trề dù cuộc sống có khó khăn khắc nghiệt đến mấy. Con người cũng vậy “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Cuộc sống bôn ba bộn bề nhưng đừng bao giờ chùn bước bởi ngày mai tươi đẹp vẫn chờ đợi ta nếu ta có ý chí quyết tâm và nghị lực phấn đấu. Giống như Nguyễn Thiên Ngân đã viết:
“Em ơi, đừng yếu đuối
Một tẹo thôi đã buồn
Làm sao đi đến cuối
Giữa cuộc đời đao gươm.”
13. “Tất cả cũng tàn phai
Chỉ tình thương ở lại
Những gì trao hôm nay
Sẽ theo nhau mãi mãi.”
(Hiểu về trái tim – Minh Niệm)
=> Vận dụng vào đề tài: Tình yêu thương, sẻ chia, cho đi để nhận lại.
Ví dụ:
Khi cuộc đời thiếu vắng tình yêu thương, con người sẽ sống trong cô đơn, cằn cỗi, khô khan, ích kỉ, hành động nhỏ mọn.. Mối quan hệ giữa người với người trở nên mong manh, yếu ớt. Nỗi cô đơn tha hồ vùng vẫy, gặm nhấm, xé nát trái tim ta. Vì vậy hãy dành tình thương của mình cho mọi người thật nhiều. Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi ta biết mạnh dạn cho đi, hãy đem tình thương của mình gửi đến muôn nơi bởi:
“Tất cả cũng tàn phai
Chỉ tình thương ở lại
Những gì trao hôm nay
Sẽ theo nhau mãi mãi.”
14. “Tình thương yêu rộng lớn
Luôn đem tới niềm vui
Cũng sót chia nỗi khổ
Dìu nhau về thảnh thơi.”
(Hiểu về trái tim – Minh Niệm)
=> Vận dụng vào đề tài: Tình yêu thương.
Ví dụ:
Tình yêu thương là một loại cảm xúc mạnh mẽ nhất, đẹp đẽ nhất nhưng cũng khó nắm bắt nhất. Tôi vẫn mãi nhớ một câu nói về tình người giàu triết lí: “Nơi lạnh nhất không phải là nơi Bắc Cực mà là nơi không có tình yêu thương!”. Vâng, nói như thế để chúng ta thấy rằng tình yêu thương có một vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Một xã hội ngập tràn tình yêu thương thì đó là một xã hội bình đẳng, văn minh, bác ái. Khi lòng yêu thương trở thành chuẩn mực của xã hội thì cái ác sẽ bị đẩy lùi, chiến tranh sẽ không còn và lửa hòa bình ấm áp sẽ thắp lên trong mỗi căn nhà bình dị. Nhưng dù với bất cứ biểu hiện nào thì tình yêu thương cũng luôn mang lại những điều kì diệu riêng cho cả người cho đi và nhận về nó. Giống như Minh Niệm có viết:
“Tình thương yêu rộng lớn
Luôn đem tới niềm vui
Cũng sót chia nỗi khổ
Dìu nhau về thảnh thơi.”