Đề 1. Phát biểu cảm nghĩ của em về bài ca dao.
“Ở đâu năm cửa nàng ơi
…..
Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây”
GỢI Ý:
Giới thiệu bài ca dao
Ca dao là tiếng nói tâm hồn tình cảm của nhân dân lao động, biểu hiện rõ nét những phương diện tình cảm trong đời sống tinh thần của con người: tình cảm lứa đôi, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước,..Trong đó, những câu hát về tình yêu quê hương đất nước chiếm một dung lượng lớn và sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng. Ở mảng đề tài này, ta có thể kể đến bài ca dao:
“Ở đâu năm cửa nàng ơi
…..
Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây”
Bài ca dao là lời nói của chàng trai với cô gái, hỏi – đáp về từng địa danh và những đặc điểm nổi bật của địa danh ấy.
ở chặng hát đối của các cuộc hát đối đáp, đây là hình thức để các chàng trai, cô gái thử tài của nhau, đo độ hiểu biết về kiến thức lịch sử, địa lí.
Trong bài ca dao, lời hỏi đáp hướng về nhiều địa danh ở nhiều thời kì khác nhau của vùng Bắc Bộ. Những địa danh đó không chỉ có đặc điểm địa lí tự nhiên mà còn có cả những dấu vết lịch sử, văn hóa nổi bật: thành Hà Nội, sông Lục Đầu, sông Thương bên đục bên trong, núi Đức thánh Tản, đền Sòng,….
Người hỏi biết chọn những nét tiêu biểu nhất của từng địa danh để hỏi, người đáp thì hiểu rất rõ và trả lời đúng ý. Hỏi – đáp như vậy là để chia sẻ hiểu biết cũng như để bộc lộ tình yêu, niềm tự hào đối với quê hương, đất nước. Cả chàng trai, cả cô gái cùng chung hiểu biết, cùng chung tình cảm như thế. Đó chính là cơ sở, là cách để họ bày tỏ tình cảm với nhau.
Qua lời hỏi và lời đáp, cả chàng trai và cô gái đều là những người rất am hiểu về kiến thức địa lí, lịch sử , có niềm tự hào về những danh lam thắng cảnh của đất nước. Đó cũng chính là biểu hiện của tình yêu quê hương, đất nước.
Bài ca dao ngắn gọn với cách sử dụng lối hát đối đáp đã thể hiện thật sâu sắc và cảm động tình yêu quê hương, đất nước của nhân dân lao động qua việc hiểu và trân trọng, tự hào vẻ đẹp quê hương. Qua lời đối đáp rất duyên của chàng trai và cô gái, ta thấy mình thêm yêu, thêm tự hào về quê hương, đất nước mình hơn.
Đề 2. Phát biểu cảm nghĩ của em về bài ca dao:
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát
….
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
Ca dao là tiếng nói tâm hồn tình cảm của nhân dân lao động, biểu hiện rõ nét những phương diện tình cảm trong đời sống tinh thần của con người: tình cảm lứa đôi, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước,..Trong đó, những câu hát về tình yêu quê hương đất nước chiếm một dung lượng lớn và sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng. Ở mảng đề tài này, ta có thể kể đến bài ca dao:
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát
….
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
Bài ca dao đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước sâu sắc của nhân vật trữ tình.
Bài ca dao có cấu trúc khá đặc biệt
Hai câu đầu : miêu tả cảnh đẹp của cánh đồng miền trung
+ Câu thơ kéo dài tới 12 tiếng gợi sự trải rộng, mênh mông của cánh đồng.
+ Các từ láy mênh mông, bát ngát có sức gợi tả rất lớn, mang đến cho ta hình dung về những cánh đồng lúa trù phú, trải dài như vô tân.
+ Sự thay đổi điểm nhìn và thủ pháp đối xứng (đứng bê ni đồng, đứng bên tê đồng) đã khiến cho cảnh thêm mênh mông, rộng lớn.
+ Hình thức đảo ngữ : mênh mông bát ngát – bát ngát mênh mông đã nhấn mạnh vẻ rộng lớn, bao la của những cánh đồng lúa quê hương. Nhìn ở phía nào cũng thấy sự mênh mông, rộng lớn của cánh đồng. Cánh đồng không chỉ rộng mà còn rất đẹp, rất trù phú và đầy sức sống.
Hai câu sau: miêu tả vẻ đẹp của cô gái đi thăm đồng
+ Cô gái mang vẻ đẹp trẻ trung, giàu sức sống qua hình ảnh so sánh với “chẽn lúa đòng đòng phất phơ giữa ngọn nắng hồng ban mai” , cô gái và ngọn lúa có nét tương đồng ở nét trẻ trung phơi phới, sức xuân căng tràn.
+ Hình ảnh thơ có sự đối lập giữa không gian rộng lớn, bao la của cánh đồng và hình ảnh người con gái nhỏ bé, mảnh mai. Nhưng cô chính là điểm nhấn của bức tranh. Nếu thiếu đi hình ảnh cô gái thì bài thơ sẽ mất đi sự duyên dáng, sự hô ứng giữa cảnh và tình.
+ Bài ca dao có bốn câu, những câu dài không che lấp những câu thơ ngắn. Hai dòng cuối có vẻ đẹp riêng trong sự kết hợp với toàn bài. Nếu hai câu đầu, ta mới chỉ thấy sự xuất hiện của cảnh mà chưa thấy hồn cảnh thì đến hai câu cuối cái hồn của cảnh đã hiện lên rõ nét. Đó chính là con người, là cô thôn nữ mảnh mai, duyên thầm và đầy sức sống. Cô chính là một phần, là điểm nhấn, là điểm sáng cho bức tranh quê hương, vẻ đẹp con người vừa hòa quyện, vừa tô điểm cho vẻ đẹp quê hương.
Bài ca dao với cách sử dụng rất tinh tế các biện pháp nghệ thuật: so sánh, điệp ngữ, đối xứng, đảo ngữ và các từ láy giàu giá trị biểu cảm đã tái hiện vẻ đẹp của quê hương đất nước bình dị gần gũi và vẻ đẹp của người lao động. Bài ca đã giúp ta thêm yêu thương, gắn bó với quê hương mình.