Site icon Lớp Văn Cô Thu

Nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân

NHÂN VẬT HUẤN CAO

Giữa cuộc đời cũng như trong nghệ thuật, Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ có lí tưởng thẩm mĩ và phong cách độc đáo. Đánh giá về Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng nói: Nguyễn là “một cái định nghĩa về người nghệ sĩ”. Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân nổi tiếng với “Vang bóng một thời” – tập truyện được xuất bản năm 1940, viết về những vẻ đẹp của “một thời” đã qua nay chỉ còn “vang bóng”. Trong tập truyện này, Chữ người tử tù được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, kết tinh phong cách sáng tác và tài năng nghệ thuật của nhà văn. Chữ người tử tù là một truyện ngắn. Thế giới nhân vật ở đó không nhiều. Nhưng nhân vật nào cũng hiện lên thật sống động với số phận, tính cách và vẻ đẹp riêng. Điển hình là Huấn Cao – nhân vật trung tâm của tác phẩm.

1/ Nguyên mẫu của hình tượng nhân vật Huấn Cao:

Theo các nhà nghiên cứu, nhân vật Huấn Cao được xây dựng từ nguyên mẫu là Cao Bá Quát (1808-1855). Chữ “Huấn” ở đây là huấn đạo (giáo thụ) – chức quan phụ trách việc học ở một huyện. Cao Bá Quát đã từng làm chức giáo thụ ở Quốc Oai – Hà Tây. Còn “Cao” là họ của “thánh Quát”. Trong lịch sử nước ta, Cao Bá Quát không chỉ nổi danh là “văn hay chữ tốt” như đương thời truyền tụng “Thần Siêu, thánh Quát”, “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” mà còn nổi tiếng là người cương trực, quý trọng tài năng, có bản lĩnh, sống có lý tưởng và dám đương đầu với cường quyền. Con người ấy đã từng chịu cực hình tra tấn trong gần ba năm chỉ vì khi làm sơ khảo ở trường thi Thừa Thiên đã dùng muội đèn chữa những chỗ phạm trường quy trong 24 quyển thi đáng được lấy đỗ. Và cũng chính con người ấy đã cứng cỏi đứng lên tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương chống lại triều đình nhà Nguyễn hèn yếu, lạc hậu để rồi hi sinh trong một trận đánh. Con người vừa tài hoa nghệ sĩ vừa cứng cỏi anh hùng, vừa là nhà nho uyên bác vừa là lãnh tụ nông dân khởi nghĩa như Cao Bá Quát, trong lịch sử nước ta, quả thật không nhiều. Chẳng phải thế mà Nguyễn Tuân đã chọn làm nguyên mẫu để xây dựng nên hình tượng Huấn Cao.

Tuy nhiên, Cao Bá Quát chỉ là một điểm tựa, một “chất liệu văn học” để Nguyễn Tuân xây dựng nên nhân vật của mình. Phần hư cấu, sáng tạo của nhà văn vẫn là chủ yếu bởi Huấn Cao đã xuất hiện trong tác phẩm theo đúng lý tưởng thẩm mĩ và quan niệm nghệ thuật của tác giả. Và đây mới chính là điểm mấu chốt tạo nên một hình tượng Huấn Cao đặc sắc, đọng lại được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ.

Sinh thời Cao Bá Quát có hai câu thơ sáng ngời nghĩa khí:

Thập cổ luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

(Mười năm lặn lội tìm gươm báu

Chỉ biết cúi đầu trước cành hoa mai)

2/ Phân tích chi tiết hình tượng nhân vật Huấn Cao

Nhà văn Nga Sê Khốp từng có nhận định:  “Thanh nam châm hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái đẹp và cái nhân đạo của lòng người”. Và chỉ khi đọc đến truyện ngắn “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân, người ta mới thấy được một tác phẩm như “thanh nam châm hút mọi thế hệ”. Đặc biệt bằng tài năng và niềm trân trọng của mình, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công nhân vật Huấn Cao với những phẩm chất tốt đẹp một con người tài hoa, phí phách kiên cường và thiên lương trong sạch để từ đó làm nổi bật quan niệm nhân sinh quan về cái đẹp một cách sâu sắc .

Nhân vật Huấn Cao được sáng tạo từ một nguyên mẫu có thực trong cuộc đời: đó là nhà thơ Cao Bá Quát anh hùng khí phách, nổi tiếng viết chữ đẹp một thời. Nguyên mẫu vốn đã đẹp, nhưng khi đi vào tác phẩm, nhờ điển hình hóa nghệ thuật đã trở thành một hình tượng nhân vật lung linh tỏa sáng với vẻ đẹp toát lên từ phong thái và cốt cách của một người tài hoa, anh hùng.

Ngay từ đầu tác phẩm,  Huấn Cao đã hiện lên như ánh hào quang phủ kín cả bầu trời tỉnh Sơn. Qua lời trò chuyện của quản ngục và thơ lại ta thấy tiếng tăm của Huấn Cao đã nổi như cồn. Dẫu là nhìn qua nhãn quan của những kẻ đối nghịch nhưng tài năng của Huấn Cao cũng không thể bị bóp méo, đây chính là một dụng ý nghệ thuật khi mà tác giả không để cho nhân vật của mình xuất hiện một cách trực tiếp mà thông qua cuộc trò chuyện của những người khác.

 Cái tài được tô đậm ở nhân vật Huấn Cao chính là tài nghệ viết thư pháp. Đây là một bộ môn nghệ thuật truyền thống và cao siêu của dân tộc ở sự gửi gắm, kí thác toàn bộ  những tâm huyết sâu xa của mình. Bởi thế mỗi chữ là một tác phẩm nghệ thuật, là sự kết tinh của vẻ đẹp tâm hồn người viết, mỗi con chữ là thể hiện khí phách thiên lương tài hoa.

Huấn Cao nổi tiếng là người “viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, danh tiếng của ông Huấn đã lan ra khắp một vùng tỉnh Sơn, đến tai cả những người như quản ngục và thơ lại, khiến họ cũng phải trầm trồ và dè dặt. Chính viên quản ngục cũng phải cảm khái “Chữ ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm, có được chữ ông treo trong nhà là một báu vật ở đời”.

Chính tài năng của Huấn Cao đã khơi dậy trong lòng viên quản ngục khao khát cháy bỏng được treo riêng ở nhà một câu đối do chính tay Huấn Cao viết. Không chỉ ao ước, viên quản ngục còn tìm mọi cách để “biệt đãi” những mong Huấn Cao mở lòng cho chữ. Ngay cả khi bị Huấn Cao tỏ ra khinh bạc, viên quản ngục cũng chỉ biết vâng lời, nhẫn nhục và vẫn hết lòng trọng đãi ông.

Có thể nói, tài hoa của Huấn Cao đã chinh phục được viên quản ngục bởi lẽ viên quản ngục đã bất chấp cả sự nguy hiểm đến danh vị và tính mạng của mình đây chính là biện pháp đòn bẩy để Nguyễn Tuân ca ngợi tài viết chữ của ông Huấn. Hành động hạ mình trước Huấn Cao của viên quản ngục chính là sự khuất phục của uy quyền trước cái đẹp. Trong một xã hội mà Đông Tây bát nháo, ối a bông phèng, cái cũ thì chưa suy hẳn mà cái mới thì chưa kịp thay thế hết, Nguyễn Tuân là một nhà nho mang tâm thế bất hòa, bất mãn, bất lực với thực tại, xây dựng nhân vật với một tài năng siêu việt về thú chơi cổ truyền như một cách để nhà văn bày tỏ những tiếc nuối về một quá khứ vàng son đã qua nay chỉ còn vang bóng.

Huấn Cao mang cốt cách khí phách, phi thường của một bậc trượng phu. Những kẻ theo học đạo Nho thường thể hiện lòng trung quân một cách mù quáng. Nhưng trung quân để rồi “dân luống chịu lầm than muôn phần” thì hóa ra là tội đồ của đất nước. Ông Huấn đã lựa chọn con đường khác: con đường đấu tranh giành quyền sống cho người dân vô tội. Bị triều đình phán xét là kẻ tử tù phản nghịch, xử tội chém. Huấn Cao bị triều đình coi là “giặc cỏ” nhưng trong lòng nhân dân lao động chân chính ông lại là một anh hùng bất khuất, một kẻ ngang tàng “khuấy nước chọc trời” sống ngoài vòng cương tỏa, lừng lẫy chẳng khác gì 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc ở Trung Hoa năm xưa. Tuy chí lớn của ông không thành nhưng ông vẫn hiên ngang bất khuất, lung linh sáng tỏa giữa cuộc đời.

 Trước uy quyền của nhà lao, con người ấy càng sáng tỏa.  Khi Huấn Cao bị rệp cắn đỏ cổ, đã cùng mọi người quỳ xuống đất để rỗ gông cho rệp ra thì một tên lính ra trò thị oai nói “ Các người chả phải tập nữa. Mai mốt chi đây sẽ có người sành sỏi dẫn các người ra làm trò ở pháp trường. Bấy giờ tha hồ mà tập. Đứng dậy không ông lại phết cho mấy hèo bây giờ”. Trò tiểu nhân thị oai, dọa dẫm của bọn tiểu lại giữ tù càng làm cho ông thêm phần ngang ngạo. Ông vẫn giữ thái độ bình thản, xem thường, dỗ gông, phủi rệp. Huấn Cao “cúi đầu thúc mạnh đầu thang gông xuống đất đánh thuỳnh một cái” làm vỡ tan đi chốn trang nghiêm của chốn ngục tù. Đó là thái độ ngang tàng, bất chấp luật pháp của một xã hội dơ bẩn.

 Người xưa thường nói “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” (Một ngày ở trong tù bằng nghìn thu ở ngoài). Thay vì buồn rầu, chán nản “gậm một mối căm hờn trong cũi sắt” thì ông lại thản nhiên nhận rượu thịt và ăn uống no say coi như một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình. Chứng tỏ ông nào xem nhà tù là chốn ngục tăm tối mà chỉ xem nhà tù như một chốn dừng chân để nghỉ ngơi “Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù”.

Đối với quản ngục, Huấn Cao rất: lạnh lùng, khinh bạc xưng hô “ta – ngươi“, miệt thị hạ nhục: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Cách trả lời ngang tàng, đầy trịch thượng như vậy là bởi vì Huấn Cao vốn hiên ngang, kiên cường, “đến cái chết chém cũng còn chẳng sợ nữa là…”. Lời tuyên bố dõng dạc của ông đủ để thấy Huấn Cao đã bỏ hết thảy những sợ hãi, lo âu, không thèm đếm xỉa đến sự trả thù của kẻ đã bị mình xúc phạm. Huấn Cao rất có ý thức được vị trí của mình trong xã hội, ông biết đặt vị trí của mình lên trên những loại dơ bẩn “cặn bã” của xã hội, “Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” tức là nghèo hèn không đổi chí khí, gặp quyền uy không chịu khuất phục. Nhân cách của Huấn Cao quả là trong sáng như pha lê, không hề có một chút trầy xước nào.

Khí phách của Huấn Cao càng ngời sáng rực rỡ hơn khi ông nhận được tin báo ngày mai sẽ bị đưa về kinh xử chém. Với những con người bình thương, khi đối mặt với cái chết, họ thường tỏ ra khiếp sợ. Vậy mà Huấn Cao vẫn bình thản “mỉm cười” coi thường cái chết. Hơn thế nữa ông còn ung dung, chủ động sắp xếp kế hoạch cho chữ viên quản ngục sau khi nhận ra tấm lòng yêu quý cái đẹp của quản ngục.

Sáng lên hơn cả trong nhân cách người tử tù là một thiên lương trong sáng, vững lành, có sức mạnh cứu rỗi những tâm hồn đang dần bị bôi đen. Đó là nhân cách của bậc đại trí, đại dũng, không bao giờ bị lung chuyển trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục: “Ta nhất sinh không vì vàng bạc hay quyền quý mà ép mình phải viết chữ bao giờ”. Ông chỉ cho những người bạn tri kỉ, những con người biết thưởng và trân trọng con chữ bởi vậy mà “ Đời ta cũng mới viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho 3 người bạn thân của ta thôi”  Một con người ý thức sâu sắc được thiên chức và phẩm giá của nghệ thuật. Một con người không bao giờ thị tài.

Đáng quý hơn, Huấn Cao không chỉ trọng thiên lương của mình mà còn trọng thiên lương của kẻ khác. Điều này được thể hiện trong cách ứng xử chân tình mà ông dành cho quản ngục. Khi chưa hiểu được tấm lòng quản ngục, ông khinh bỉ, coi thường y như coi thường một kẻ cầm tay đao suốt đời chỉ sống trong nhơ bẩn, sống vì phi nghĩa. Còn khi đã hiểu ra cái “sở nguyện cao đẹp” của y, ông hết sức cảm mến và trân trọng: “Nào ta có biết, người như thầy quản đây lại có sở nguyện cao đẹp như thế. Thiếu chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ.” Cũng chính sự thấu hiểu này đã đưa hai con người từ đối đầu thành tri âm tri kỷ.

Nhưng có lẽ tài năng khí phách và nhân cách cao đẹp của ông Huấn thể hiện rõ nhất, tập trung nhất, hài hòa nhất ở cảnh cho chữ – cảnh mà Nguyễn Tuân gọi là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.

Đêm đã khuya, chỉ sáng mai thôi là người tử tù phải vào kinh chịu án chém, nhưng ông Huấn vẫn trút hết tài năng sáng tạo vào ngòi bút và viết ra những con chữ vuông tươi tắn nói lên cái “chí khí tung hoành của đời một con người”. Ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu, mùi mực thơm, màu trắng của tấm lụa bạch như xua tan đi bóng tối ngục thất đầy màng nhện, tổ rệp, phân gián, phân chuột. Ánh sáng đỏ rực của bó đuốc hay ánh sáng thiên lương làm cho hình ảnh tử tù Huấn Cao thêm ngạo nghễ, uy nghi. Cổ đeo gông, chân vướng xiềng, cái chết kề bên, ông Huấn vẫn “đậm tô nét chữ” trong tư thế của người nghệ sĩ chân chính đang làm chủ lao tù. Sự thăng hoa của tài năng và bản lĩnh phi thường của ý chí đã đồng hiện và sáng lên trong cảnh cho chữ ấy.

Huấn Cao còn hiện lên thật đẹp ở khoảnh khắc ấy trong vai trò của người hướng thiện, hướng đạo cho kẻ mê muội. Lời khuyên chân thành dành cho kẻ tri âm đã làm sáng lên vẻ đẹp ấy: “Ở đây lẫn lộn ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa với những nét chữ vuông tươi tắn nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người”. Lời khuyên của Huấn Cao đã khẳng định rằng: cái đẹp, cái thiên lương không bao giờ và không khi nào lại có thể chung sống với cái xấu, cái ác: “Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững được và rồi cũng nhen nhuốm mất cả cái đời lương thiện đi”. Một lời khuyên thật thiện tâm, thiện ý, làm cho viên quản ngục cảm động: “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Cái đẹp của nghệ thuật đã xóa nhòa mọi khoảng cách và ranh giới đưa con người đến với nhau trong vẻ đẹp chân, thiện, mỹ.

Vẫn cái chất Nguyễn Tuân ở đó, uyên bác và tài hoa, trong cả tư tưởng và cách biểu hiện. Nhà văn đã thật thành công khi xây dựng được một tình huống truyện độc đáo. Hai kẻ lúc đầu là đối lập, sau lại thống nhất hài hòa, cùng tỏa sáng hào quang. Nghệ thuật kể chuyện, cấu trúc tình tiết, lời thoại và độc thoại, khắc họa tính cách nhân vật đặc sắc. Nguyễn Tuân đã sử dụng một loạt từ Hán Việt rất đắt (pháp trường, tử tù, tử hình, nhất sinh, bộ tứ bình, bức trung đường, lạc khoản, thiên hạ, thiên lương, lương thiện…) tạo nên màu sắc lịch sử, cổ kính, bi tráng. Đúng Nguyễn Tuân là bậc thầy về ngôn ngữ, rất lịch lãm uyên bác về lịch sử, về xã hội. Đúng như lời Vũ Ngọc Phan đã nói: “… văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức”.

Exit mobile version