Site icon Lớp Văn Cô Thu

Nguyễn Du là người “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” – Chứng minh qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Đề bài: Nhận xét về truyện Kiều của Nguyễn Du, Mộng Liên Đường Chủ Nhân – Nhà phê bình văn học nổi tiếng thế kỉ XIX viết: Nguyễn Du là người “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”.

Dựa vào đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (Trích Truyện Kiều -Nguyễn Du – SGK Ngữ văn 9 tập 1 – NXBGDVN năm 2010 trang 93-94) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

GỢI Ý LÀM BÀI

I. MỞ BÀI

II. THÂN BÀI

  1. Giải thích khái quát vấn đề:

– “Sáu cõi” là Đông, Tây, Nam, Bắc và Trên, Dưới => Chỉ vũ trụ.

– “Con mắt” là cái nhìn, chỉ sự hiểu, cảm nhận, đánh giá.

– “Nghĩ” là những suy nghĩ, tình cảm.

Ý nói nhìn xa trông rộng, thấu hiểu và cảm nhận, đánh giá sâu sắc.

Ý kiến của Mộng Liên Đường Chủ Nhân đã ngợi ca cái tài năng nhìn nhận đánh giá và tấm lòng của Nguyễn Du. Đây là ý kiến hoàn toàn chính xác vì trong Truyện Kiều, Nguyễn Du luôn cảm nhận, suy nghĩ sâu sắc, thấu hiểu về cuộc đời, về con người đến mức xưa nay hiếm. Cơ sở của cái nhìn và suy nghĩ ấy chính là tấm lòng của Nguyễn Du đối với cuộc đời, con người. Ông không chỉ hiểu đời, hiểu người mà còn yêu thương con người sâu sắc qua cái nhìn trân trọng thương yêu.

2. Chứng minh qua đoạn trích Kiều ở Lầu Ngưng Bích.

a. Nguyễn Du hiểu, cảm nhận được tâm trạng cô đơn, buồn tủi, trăm mối tơ vò và nỗi đau đớn nhục nhã đến ê chề của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. (Phân tích 6 câu đầu)

– Từ lầu cao trông ra xa chỉ thấy nước mây thăm thẳm, núi cũng xa vời. “Trăng gần” chẳng xóa được sự hoang vắng. Dưới mặt đất thì “bốn bề bát ngát…” những cát và bụi. Cái mênh mông vắng lặng đến lạnh người khiến Kiều càng chìm đắm trong nỗi niềm cô đơn bẽ bàng.

– Bức tranh thiên nhiên được chấm phá bằng vài nét bút tài hoa: “non xa”, “trăng gần”,“cát vàng”, “bụi hồng”… đã làm nổi bật tâm trạng như bị sẻ chia của Thúy Kiều “nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng” –  Một nửa là cảnh vật, một nửa là tâm trạng khiến nàng dồn tới lớp lớp những nỗi niềm chua xót đau thương…

– Nguyễn Du còn hiểu được nỗi đau đớn nhục nhã ê chề của Thúy Kiều khi nàng vừa trải qua nỗi đau đầu đời do Mã Giám Sinh làm nhục.

b. Nguyễn Du đã hiểu và cảm thông với nỗi nhớ thương ngậm ngùi, khắc khoải của Thúy Kiều đối với cha mẹ và người yêu. (phân tích 8 câu tiếp)

* Khi nhớ người yêu:

– Kiều nhớ tới Kim Trọng trước. Điều này hoàn toàn phù hợp với tâm lí Kiều.

– Đau đớn tưởng tượng đến hình bóng chàng Kim chắc chưa hay biết nàng đã lưu lạc nên vẫn mòn mỏi trông chờ. “Tin sương luống những rày trông mai chờ”. Càng đau đớn khi trăng gợi nhớ vầng trăng, chén rượu thề nguyện càng xót xa ân hận.

– Càng nhớ người yêu càng thấm thía cảnh bơ vơ nơi chân trời góc biển với một trái tim yêu thương đau đớn đến nhỏ máu (dẫn chứng).

* Khi nhớ cha mẹ:

– Kiều xót xa hình dung cha mẹ ngóng trông tin nàng (dẫn chứng).

– Day dứt khôn nguôi vì không được phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ ngày càng già yếu (dẫn chứng).

=> Kiều đã quên cảnh ngộ của bản thân để nghĩ tới người yêu và cha mẹ. Kiều là người tình chung thủy, người con hiếu thảo, người phụ nữ có tấm lòng vị tha đáng trân trọng.

Hiểu được nỗi lòng nhớ thương đau đớn, xót xa của Thúy Kiều dành cho người yêu và cha mẹ, đồng thời đưa nỗi nhớ người yêu lên trước cha mẹ…chính là xuất phát từ sự hiểu sâu sắc, đồng cảm  và tấm lòng tê tái thương yêu của Nguyễn Du – người “có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời”.

c. Nguyễn Du còn hiểu, cảm nhận được nỗi buồn, lo sợ hãi hùng đến tuyệt vọng của Thúy Kiều. (phân tích 8 câu cuối)

– Nguyễn Du đã lấy cảnh ngụ tình và kết hợp hàng loạt các biện pháp tu từ để diễn tả tâm trạng đó của Thúy Kiều:

– Điệp từ “buồn trông” – nhấn mạnh nỗi buồn triền miên liên tiếp, dai dẳng của Thúy Kiều.

– Sử dụng từ láy: xa xa, thấp thoáng, ầm ầm.

– Ẩn dụ: qua các hình ảnh:

+ “Cánh buồm”: gợi thân phận cô đơn, lẻ loi của Kiều.

+ “Hoa trôi”: gợi thân phận vô định của Kiều.

+ “Chân mây mặt đất”: là sự rộng lớn của thiên nhiên hay tâm trạng bi thương, tương lai mờ mịt của Kiều.

+ “Gió cuốn”, “ầm ầm tiếng sóng”: dự báo quãng đời lưu lạc, nỗi lo sợ và kêu cứu của Kiều.

– Nhân hóa “tiếng sóng kêu” vừa là nỗi lo sợ vừa là tiếng kêu vô vọng của nàng Kiều.

-> Mỗi hình ảnh, mỗi từ ngữ đồng thời là một ẩn dụ về tâm trạng, số phận con người. Cảnh tình hòa quyện vào nhau. Tình thấm vào cảnh, cảnh thể hiện tình tạo nên ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

=> Xuất phát từ người có “con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” mà Nguyễn Du đã hiểu được cảnh ngộ cô đơn lẻ loi và tâm trạng tủi nhục, đau đớn ê chề cùng nỗi nhớ thương da diết, nỗi buồn triền miên, lo sợ hãi hùng đến tuyệt vọng của Kiều để từ đó ông có sự đồng cảm tê tái thương yêu, trân trọng đề cao đối với Kiều. Đó cũng chính là tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du tạo nên sức mạnh của đoạn trích làm lay động bao trái tim người đọc.

3. Đánh giá chung:

Bằng tấm lòng nhân ái, Nguyễn Du đã đồng cảm sâu sắc với số phận con người đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến, nhà thơ như hóa thân vào nhân vật để hiểu rõ tâm trạng nhân vật, để động đến cái sâu thẳm trong tâm hồn con người. Để người đọc cùng thương yêu, trân trọng xót xa cho nhân vật của mình, Nguyễn Du phải là người có một tài năng lớn, “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”.

III. KẾT BÀI

Exit mobile version