Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Ngữ văn 9] Tóm tắt kiến thức “Đoàn thuyền đánh cá”

ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ

I/ TÌM HIỂU CHUNG

1/ Tác giả: Huy Cận

Thơ của ông trước cách mạng thường mang tâm sự buồn, nhưng sau khi cách mạng giành thắng lợi, thơ của ông tràn trề sức sống, niềm vui, dồi dào cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về những người lao động và cuộc sống mới.

2/ Tác phẩm

a/ Hoàn cảnh sáng tác

– Bài thơ được viết vào giữa năm 1958, Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi ấy, hồn thơ của ông mới thực sự  nảy nở trở lại và dồi dào cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới.

b/ Xuất xứ: In trong tập ”Trời mỗi ngày lại sáng”

c/ Thể loại: Thơ 7 chữ

d/ Cảm hứng chủ đạo: Bài thơ có hai nguồn cảm hứng lớn, song hành, hài hòa và trộn lẫn vào nhau. Đó là cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ và cảm hứng về con người lao động trong cuộc sống mới.

=> Sự thống nhất của hai nguồn cảm hứng ấy được thể hiện qua kết cấu và hệ thống thi ảnh trong bài.

e/ Chủ đề:Thông qua việc miêu tả cảnh lao động đánh cá của người ngư dân vùng biển Hạ Long, bài thơ ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, sự giàu có của biển khơi; ngợi ca khí thế lao động hăng say, yêu đời của người lao động mới đã được giải phóng, đang làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời và đất nước

g/ Ý nghĩa nhan đề

– Hình ảnh ”đoàn thuyền” gợi về một sự đoàn kết, ở đó có sự đồng lòng, chung sức giữa các thành viên.

– Phản ánh không khí lao động sổi nổi, hăng say của những người dân chài.

– Gợi lên những thành quả lao động góp phần xây dựng đất nước theo nhịp sống mới sau chiến tranh.

h/  Bố cục: 3 phần

Được bố cục theo hành trình một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá:

– Phần một: 2 khổ thơ đầu: Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi.

– Phần hai: 4 khổ thơ tiếp: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển.

– Phần ba: khố thơ cuối: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về.

i/ Mạch cảm xúc:

            Mạch cảm xúc của bài thơ được trình bày theo trình tự thời gian, không gian chuyến ra khơi của đoàn thuyền cho tới khi đoàn thuyền trở về, tất cả đều mang âm hưởng của niềm vui, niềm hạnh phúc trong lao động, đổi mới.

II/ PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1/ Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi (hai khổ thơ đầu)

a/ Khung cảnh trời biển

Mở đầu bài thơ là cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi trên phông nền của một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp:

”Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa”

– Tác giả đã đặt nhân vật trữ tình từ một điểm nhìn nghệ thuật rất đặc biệt: đó là một điểm nhìn di động được đặt trên con thuyền đang tiến bước ra khơi.

– Sử dụng một hình ảnh so sánh rất độc đáo: ”Mặt trời xuống biển như hòn lửa”

– Sử dụng hình ảnh nhân hóa: ”Sóng đã cài then, đêm sập cửa”

=> Qua hai câu thơ đầu có thể thấy, Huy Cận yêu thiên nhiên và yêu mến cuộc đời như thế nào.

b/ Cảnh đoàn thuyền ra khơi

Trên phông nền thiên nhiên tuyệt đẹp ấy, con người dần dần xuất hiện:

”Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát cáng buồm cùng gió khơi.”

– Phụ từ ”lại” tạo được điểm nhấn ngữ điệu và sức nặng cho câu thơ:

– Hình ảnh ”Câu hát căng buồm cùng gió khơi”:

=> Đoàn thuyền ra khơi trong trạng thái phấn chấn, náo nức đến lạ kì và dường như có một sức mạnh vật chất đã cùng với gió làm thổi căng cánh buồm, đẩy con thuyền lướt sóng ra khơi.

Trong tâm trạng phấn chấn, náo nức ra khơi, những người dân chài đã cất cao tiếng hát.

”Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng

Cá thu biển Đông như đoàn thoi 

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng 

Đến dệt lưới ra, đoàn cá ơi!”

– Từ ”hát rằng” gợi lên niềm vui của người dân chài, hứa hẹn một chuyến ra khơi bội thu.

– Thủ pháp liệt kê (cá bạc, cá thu) và so sánh (như thoi đưa) mang đến âm hưởng ngợi ca, tự hào trong câu hát về sự giàu có của biển cả.

– Hình ảnh nhân hóa ”Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng”:

Tác giả đã phác họa rất thành công một bức tranh thiên nhiên kì vĩ, thơ mộng và qua đó gợi được tâm hồn phóng khoáng, tình yêu lao động và niềm hi vọng của người dân chài.

2/ Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển

a/ Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá được miêu tả cụ thể và rất sinh động: 

”Thuyền ta lái gió với buồm trăng 

Lướt giữa mây cao với biển bằng 

Ra đậu dặm xa dò bụng biển 

Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

– Đoàn thuyền đánh cá được tái hiện trên nền thiên nhiên bao la, rộng mở: chiều cao của gió của trăng, chiều rộng của mặt biển và còn cả chiều sâu của lòng biển.

– Với cảm hứng nhân sinh vũ trụ, Huy Cận đã xây dựng hình ảnh đoàn thuyền đánh cá rất tương xứng với không gian:

Khổ thơ gợi lên một bức tranh lao động thật đặc sắc và tráng lệ. Bức tranh ấy như thâu tóm được cả không gian vũ trụ vào trong một hình ảnh thơ, đồng thời nâng con người và con thuyền lên tầm vóc vũ trụ.

b/  Sự giàu có, phong phú và tấm lòng hào phóng, bao dung của biển cả:

”Cá nhụ cá chim cùng cá đé 

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng 

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe 

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”

– Bằng thủ pháp liệt kê, tác giả đã miêu tả sự phong phú và giàu có của biển cả quê hương qua những loài cá vừa ngon lại vừa quý hiếm của biển.

– Hình ảnh ẩn dụ ”cá song lấp lánh đuốc đen hồng”.

– Hình ảnh nhân hóa ”Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”:

– Hình ảnh nhân hóa ”Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”:

– Trước sự giàu có và phong phú đến vô cùng của biển cả, đã mở ra tâm trạng háo hức vui tươi để người dân chài lưới tiếp tục cất cao tiếng hát:

”Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

Biển nuôi ta lớn như lòng mẹ 

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

– Hình ảnh so sánh ”biển cho ta cá như lòng mẹ”

 Ẩn sau khổ thơ, ta thấy lòng biết ơn của con người trước ân tình của quê hương đất nước.

c/  Khung cảnh lao động hăng say trên biển

Một đêm trôi nhanh trong nhịp điệu lao động khẩn trương, hào hứng, hăng say:

”Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng 

Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông 

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.”

– Hệ thống từ ngữ đặc sắc: ”kéo xoăn tay”, ”lưới xếp”, ”buồm lên” đã đặc tả để làm hiện lên một cách cụ thể, sinh động công việc kéo lưới của những ngư dân.

– Hình ảnh ”Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”:

– Hình ảnh ”vảy bạc”, ”đuôi vàng” đầy ắp những khoang thuyền:

=> CHỐT: Tác giả đã diễn tả được một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với sự giàu có hào phóng của thiên nhiên. Đồng thời khắc họa thành công hình tượng người lao động lớn lao, phi thường.

  1. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về

Đoàn thuyền đánh cá trở về trong câu hát:

”Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời 

Mặt trời đội biển nhô màu mới 

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”

– Câu hát ra khơi và câu hát trở về thoạt nghe thì ta tưởng nó cùng một âm hưởng, cùng một lối miêu tả. Nhưng nếu đọc kĩ, ta sẽ thấy: Câu hát ra khơi là ”Câu hát căng buồm cùng gió khơi”, còn câu hát trở về là ”Câu hát căng buồm với gió khơi”.

– Hình ảnh nhân hóa ”Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”

– Hình ảnh hoán dụ ”mắt cả huy hoàng”:

=> Khổ thơ mang âm hưởng của bản anh hùng ca lao động, thể hiện niềm vui phơi phới của con người khi làm chủ đất trời.

*Cấu trúc đầu cuối tương ứng:  

– Câu đầu của khổ thơ cuối lặp lại gần như nguyên vẹn câu cuối của khổ thứ nhất, chỉ thay có một từ ”với” đem đến kết cấu đầu – cuối tương ứng, tạo sự hài hòa cân đối.

– Cấu trúc lặp lại trở thành điệp khúc ngân nga, nhấn mạnh niềm vui lao động làm giàu đẹp quê hương và khắc họa đậm nét vẻ đẹp khỏe khoắn cùng niềm vui phấn khởi của người ngư dân.

III. TỔNG KẾT

  1. Nội dung

– Phác họa thành công vẻ đẹp của thiên nhiên và của người lao động mới.

– Khám phá, ngợi ca sự giàu có, hào phóng của thiên nhiên đất nước và tầm vóc lớn lao của người lao động. Đồng thời, cho thấy sự hồi sinh của thiên nhiên, đất nước sau chiến tranh.

  1. Nghệ thuật

– Một ngòi bút tràn đầy cảm hứng thiên nhiên, vũ trụ.

– Hình ảnh thơ phong phú, giàu sức gợi.

– Kết cấu đầu cuối tương ứng đặc sắc.

🔻 Xem thêm:

Exit mobile version